Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 87/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định nội dung, trình tự các bước công việc thiết kế và trình duyệt hồ sơ thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng phòng hộ trên phạm vi cả nước.

2. Đối tượng áp dụng: Các lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp kinh doanh lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng (gọi chung là chủ rừng) có khai thác chính gỗ rừng tự nhiên; các đơn vị có chức năng thiết kế khai thác và các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở trung ương và địa phương.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Gỗ thân: là đoạn gỗ từ mạch cắt gốc chặt đến mạch cắt ở chiều cao dưới cành đạt tiêu chuẩn gỗ tròn. Đơn vị tính là mét khối (viết tắt là m3);

2. Gỗ cành, ngọn: là gỗ cành, đoạn ngọn phía trên mạch cắt dưới cành đạt tiêu chuẩn gỗ tròn. Đơn vị tính là m3;

3. Củi: là phần còn lại của cây gỗ. Đơn vị tính là m3;

4. Cường độ khai thác: là tỷ lệ phần trăm (viết tắt là %) trữ lượng cây bài chặt trong lô so với trữ lượng lô rừng;

5. Cây phẩm chất A: là cây thân thẳng, đẹp, đoạn gỗ thân dài;

6. Cây phẩm chất B: là cây có khuyết tật nhưng vẫn có thể lợi dụng được từ 50 ÷ 70% thể tích của thân cây;

7. Cây phẩm chất C: là cây cong queo sâu bệnh hoặc cụt ngọn, rỗng ruột, chỉ có thể sử dụng dưới 50% thể tích của thân cây;

8. Cây mẹ: là những cây gỗ sinh trưởng tốt, có giá trị thương mại, được chọn để lại gieo giống tái sinh tự nhiên cho khu rừng sau khai thác;

9. Cây bảo vệ: là những cây được lựa chọn để lại với mục đích phòng hộ, bảo vệ đất, nguồn nước, hạn chế xói mòn, nơi cư trú của động vật trong mùa sinh đẻ và bảo vệ nguồn gen các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ diệt chủng;

10. Cây chừa: là những cây mục đích kinh doanh có khả năng gieo giống tự nhiên tốt; những cây mục đích kinh doanh, có giá trị thương mại nhưng chưa đạt đường kính khai thác hay đạt đường kính khai thác mà phải chừa lại cho chu kỳ khai thác tiếp sau;

11. Khu vực loại trừ: là diện tích rừng không khai thác có chức năng phòng hộ dọc sông suối, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bảo vệ di tích văn hóa lịch sử, tôn giáo;

12. Hạn chế khai thác: là khai thác không vượt quá 20% trữ lượng, hoặc 30% số cá thể của loài trong lô khai thác;

13. Bãi gom: là nơi tập trung lâm sản trong khu khai thác, để chuyển tiếp từ khâu vận xuất sang khâu vận chuyển, bãi gom thường bố trí nơi tiếp giáp giữa đường vận xuất và đường vận chuyển;

14. Địa danh thiết kế khai thác hàng năm: là những tiểu khu đã được hoạch định trong phương án điều chế rừng hoặc phương án quản lý rừng bền vững hoặc phương án khai thác rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

15. Diện tích khai thác hàng năm: là diện tích thực khai thác (đã trừ bỏ những diện tích loại trừ) và cho phép lớn hơn tối đa 20% so với diện tích đã xác định trong phương án, nhưng tổng 5 năm không được vượt diện tích đã xác định khai thác trong giai đoạn 5 năm.

Điều 3. Căn cứ thiết kế khai thác

1. Địa danh, diện tích, sản lượng khai thác hàng năm đã hoạch định trong phương án điều chế rừng hoặc phương án quản lý rừng bền vững hoặc phương án khai thác rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi tắt là phương án).

2. Kế hoạch khai thác gỗ được cấp có thẩm quyền giao hàng năm.

Điều 4. Đơn vị thiết kế, trách nhiệm của đơn vị thiết kế

1. Đơn vị được phép thiết kế khai thác

a) Tổ chức có chức năng điều tra, thiết kế, quy hoạch lâm nghiệp của trung ương hoặc địa phương;

b) Trường chuyên nghiệp: đại học, cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật lâm nghiệp của trung ương hoặc địa phương có chức năng thiết kế khai thác rừng;

c) Chủ rừng là tổ chức có chức năng thiết kế lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Trách nhiệm của đơn vị thiết kế khai thác

a) Tổ chức thiết kế khai thác theo đúng các nội dung quy định tại thông tư này;

b) Quản lý, sử dụng búa bài cây trong thời gian tổ chức thiết kế khai thác theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Thủ trưởng đơn vị thiết kế khai thác chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp trên trực tiếp về tính chính xác và chất lượng hồ sơ thiết kế khai thác do đơn vị mình lập.

Điều 5. Cường độ khai thác

1. Cường độ khai thác, không kể cây chặt bài thải và đổ vỡ, tối đa đối với rừng sản xuất là 35%; rừng phòng hộ là 20%.

2. Cường độ khai thác trên được xác định cho nơi có độ dốc từ 15 độ trở xuống (viết tắt là 0). Đối với rừng sản xuất, độ dốc trên 150 thì cứ tăng lên 20, cường độ khai thác giảm xuống 1%. Đối với rừng phòng hộ, độ dốc trên 150 thì cứ tăng lên 10, cường độ khai thác giảm xuống 1%.

Điều 6. Tỷ lệ lợi dụng cây đứng

Tuỳ theo đặc tính loài cây khai thác, điều kiện địa hình, cự ly vận chuyển, khả năng tiêu thụ, tỷ lệ lợi dụng quy định như sau:

a) Tỷ lệ lợi dụng gỗ thân từ 55% trở lên;

b) Tỷ lệ lợi dụng gỗ cành, ngọn từ 5% trở lên;

c) Tỷ lệ lợi dụng củi từ 5% trở lên.

Thông tư 87/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 87/2009/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hứa Đức Nhị
  • Ngày công báo: 20/01/2010
  • Số công báo: Từ số 45 đến số 46
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH