Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 78/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ TRONG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH, HÀNH LÝ, BAO GỬI

Điều 4. Nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi

1. Niêm yết tại nơi giao dịch giữa doanh nghiệp và hành khách, người gửi bao gửi các nội dung theo Thông tư này và các văn bản có liên quan đến việc bán vé, gửi, nhận hành lý, bao gửi; tổ chức giải đáp và hướng dẫn những vấn đề cần thiết cho hành khách, người gửi hành lý, bao gửi.

2. Tại ga, trạm có tổ chức đón, tiễn hành khách phải có nơi đợi tàu, cửa bán vé, phải niêm yết, thông báo công khai tại vị trí dễ quan sát các nội dung sau:

a) Giờ tàu, giá vé, giá cước, kế hoạch bán vé. Đối với các tàu bán vé bằng hệ thống điện tử phải thông báo số chỗ còn cho hành khách;

b) Danh mục hàng hóa cấm vận chuyển bằng tàu khách;

c) Các quy định của doanh nghiệp về trách nhiệm phục vụ hành khách đi tàu;

d) Nếu có tổ chức nhận và trả hành lý ký gửi, bao gửi phải có nơi bảo quản hành lý ký gửi, bao gửi; niêm yết giá cước, giá xếp dỡ hành lý ký gửi, bao gửi.

3. Doanh nghiệp phải có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn, an ninh cho hành khách, hành lý, bao gửi trên tàu, dưới ga.

4. Các loại tàu khách phải có những trang thiết bị theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt.

5. Khi tàu khách đi, đến ga chậm giờ theo lịch trình, đại diện của doanh nghiệp, trưởng tàu phải thông báo kịp thời cho hành khách và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết.

6. Các quy định của doanh nghiệp về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi phải phù hợp với các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải được công bố công khai.

7. Ngoài các nghĩa vụ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 của Điều này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi còn phải thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 97 và Điều 98 của Luật Đường sắt.

Điều 5. Quyền của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi

1. Yêu cầu người đi tàu, hành khách, người gửi bao gửi, người nhận bao gửi mua vé bổ sung khi không có vé hoặc vé không hợp lệ.

2. Được quyền từ chối, đình chỉ vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi đã có vé trong các trường hợp sau đây:

a) Người đi tàu, hành khách, người gửi bao gửi không thực hiện yêu cầu mua vé bổ sung theo quy định tại khoản 1 của Điều này;

b) Hành khách đi tàu không chấp hành các quy định tại Thông tư này, nội quy đi tàu và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Trẻ em từ đủ 10 tuổi trở xuống (nếu không xác định được tuổi thì có chiều cao dưới 1,32 m) mà không có người lớn đi kèm;

d) Người say rượu, người mất trí, người có bệnh truyền nhiễm, người có bệnh tật mà bác sỹ chỉ định không di chuyển hoặc xét thấy có thể nguy hiểm đến bản thân người đó khi đi tàu (trừ trường hợp có người đi cùng trông nom và người có bệnh truyền nhiễm đã được cách ly an toàn);

đ) Do nguyên nhân bất khả kháng hoặc phải vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt theo mệnh lệnh của cơ quan có thẩm quyền như phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, an ninh, quốc phòng.

3. Ngoài các quyền của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi còn có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật Đường sắt.

Điều 6. Nghĩa vụ của hành khách, người gửi bao gửi

1. Thanh toán tiền cước và các chi phí khác theo quy định tại ga đi.

2. Thanh toán tiền cước và chi phí phát sinh khi bị phát hiện chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đầy đủ.

3. Thanh toán các khoản tiền cước và các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển chưa thu hoặc thu chưa đủ theo quy định tại ga đến.

4. Hành khách đi tàu phải:

a) Có vé đi tàu hợp lệ;

b) Chấp hành nội quy đi tàu và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Trẻ em từ đủ 10 tuổi trở xuống (nếu không xác định được tuổi thì có chiều cao dưới 1,32 m) đi tàu phải có người lớn đi kèm.

5. Xuất trình đầy đủ vé và giấy tờ hợp lệ cho các nhân viên đường sắt có trách nhiệm kiểm soát khi vào, ra ga, trạm, khi lên tàu, khi ở trên tàu.

6. Ngoài các nghĩa vụ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này, hành khách, người gửi bao gửi còn phải thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 99 của Luật Đường sắt.

Điều 7. Quyền của hành khách, người gửi bao gửi

Được quyền từ chối đi tàu, gửi hành lý, bao gửi khi:

1. Doanh nghiệp vi phạm quy định của Thông tư này hoặc các quy định khác thuộc trách nhiệm mà vi phạm đó có thể gây nguy hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến tính mạng, sức khỏe; làm hư hỏng, mất mát hành lý, bao gửi của bản thân hành khách hoặc của người gửi bao gửi.

2. Doanh nghiệp không vận chuyển đúng chuyến tàu, đúng thời gian ghi trên vé nhưng không thương lượng được với hành khách, người gửi bao gửi để thay đổi.

Ngoài các quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này, hành khách, người gửi bao gửi còn có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 99 của Luật Đường sắt.

Thông tư 78/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

  • Số hiệu: 78/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 53 đến số 54
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH