Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51-PC | Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 1983 |
Ngày 2-3-1979 Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 78-TTg và ngày 24-9-1982 Hội đồng bộ trưởng đã có quyết định số 166-HĐBT về việc chấn chỉnh một bước tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất của ngành giao thông vận tải, trong đó có quy định:
"Để thực hiện triệt để tiết kiệm xăng dầu trong tình hình hiện nay. Bộ Giao thông vận tải phải có ngay kế hoạch điều hoà các luồng vận tải để tận dụng đường sắt, đường biển, đường sông đến mức cao nhất, bảo đảm vận chuyển bằng đường sắt, đường thuỷ cho các ngành, các địa phương hạn chế vận chuyển đường dài bằng ô-tô".
"Đình chỉ các chuyến ô-tô chạy Bắc Nam của tất cả các ngành, các địa phương, kể cả xe chở khách và xe chở hàng, trừ những trường hợp đặc biệt phải được phép của Bộ Giao thông vận tải".
"Xe ô-tô của các ngành, của quân đội và của các địa phương chỉ được phép vận chuyển trong từng khu vực; việc sử dụng xe ô-tô để vận chuyển Bắc Nam hoặc đi quá cự ly 300 kilômét phải có giấy phép và chịu sự kiểm soát của Bộ Giao thông vận tải...".
Để thi hành chỉ thị và quyết định của Chính phủ trên đây, Bộ Giao thông vận tải ra thông tư này hướng dẫn việc xét cấp giấy phép cho xe ô-tô chạy đường dài như sau.
I. NHỮNG LOẠI XE VÀ PHẠM VI GIỚI HẠN TỪNG KHU VỰC XE Ô-TÔ ĐƯỢC PHÉP HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN
1. Tất cả xe ô-tô vận tải hàng hoá, hành khách thuộc lực lượng vận tải công cộng, lực lượng vận tải chuyên dùng của các cơ quan, các ngành ở trung ương và địa phương, trừ xe ô-tô thuộc lực lượng vũ trang (quân đội và công an) đều chỉ được phép hoạt động trong phạm vi từng khu vực quy định ở điểm 5 trong phần I của thông tư này.
Trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng ô-tô để vận chuyển đường dài vượt quá phạm vi khu vực đã quy định thì phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải quy định ở điểm 1 trong phần II của thông tư này.
Các loại xe con là phương tiện công tác của các cơ quan, xí nghiệp (không kinh doanh vận tải dưới bất cứ hình thức nào) thì không thuộc đối tượng thi hành thông tư này.
3. Đối với xe ô-tô thuộc lực lượng vũ trang cũng chỉ được vận chuyển trong phạm vi từng khu vực quy định của Bộ Quốc phòng (nếu là xe quân sự) và của Bộ Nội vụ (nếu là xe công an). Trường hợp cần phải sử dụng xe ô-tô để vận chuyển đường dài vượt quá phạm vi khu vực đã quy định thì phải có lệnh (giấy phép) của cấp có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng (nếu là xe quân sự) hoặc thuộc Bộ Nội vụ (nếu là xe công an) cấp.
4. Phạm vi các khu vực được phép vận chuyển đối với xe ô-tô thuộc lực lượng vũ trang sẽ do Bộ Quốc phòng (đối với xe quân sự) và Bộ Nội vụ (đối với xe công an) quy định theo yêu cầu nhiệm vụ và tính chất công tác của các đơn vị trong ngành.
5. Các khu vực quy định dưới đây được coi là phạm vi giới hạn được phép vận chuyển đối với những xe ô-tô không thuộc lực lượng vũ trang ghi ở điểm 1 của phần I trong thông tư này.
a) Xe ô-tô đăng ký ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Tuyên, Cao Bằng, từ Hà Nam Ninh trở ra phía Bắc.
b) Xe ô-tô đăng ký ở các tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Quảng Ninh, Hà Bắc, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Hải Phòng, từ thị xã Thanh Hoá trở ra phía Bắc.
c) Xe ô-tô đăng ký ở thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Thái Bình, từ Nghệ Tĩnh trở ra phía Bắc.
d) Xe ô-tô đăng ký ở tỉnh Thanh Hoá, từ Đồng Hới trở ra phía Bắc; từ Bắc Cạn (Bắc Thái), Lạng Sơn, Tuyên Quang (Hà Tuyên) trở vào phía Nam.
e) Xe ô-tô đăng ký ở Nghệ Tĩnh, từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở ra phía Bắc từ Hà Nội trở vào phía Nam.
g) Xe ô-tô đăng ký ở tỉnh Bình Trị Thiên, từ Nghĩa Bình trở ra phía Bắc, từ Thanh Hoá trở vào phía Nam.
h) xe ô-tô đăng ký ở tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, từ Nghệ Tĩnh trở vào phía Nam từ Nha Trang trở ra phía Bắc.
i) Xe ô-tô đăng ký ở các tỉnh Nghĩa Bình, Gia Lai-Kon Tum, từ Thuận Hải trở ra phía Bắc, từ Bình Trị Thiên trở vào phía Nam.
k) Xe ô-tô đăng ký ở các tỉnh Phú Khánh, Đắc Lắc, từ thành phố Hồ Chí Minh trở ra phía Bắc, từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào phía Nam.
l) Xe ô-tô đăng ký ở các tỉnh Lâm Đồng, Thuận Hải, từ Long An trở ra phía Bắc, từ Nghĩa Bình trở vào phía Nam.
m) Xe ô-tô đăng ký ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, đặc khu Vũng Tàu từ Nha Trang trở vào phía Nam.
n) Xe ô-tô đăng ký ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Cửu Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải, Bến Tre, từ Thuận Hải trở vào phía Nam.
II. TỔ CHỨC VIỆC XÉT CẤP GIẤY PHÉP CHO XE Ô-TÔ CHẠY ĐƯỜNG DÀI
1. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải về việc xét, cấp giấy phép cho những xe ô-tô vận tải hàng hoá và hành khách nói ở điểm 1 của phần I trong thông tư này khi có yêu cầu vận chuyển đường dài vượt quá giới hạn của khu vực quy định là Vụ vận tải kiêm trung tâm điều độ vận tải (Bộ Giao thông vận tải) và các Sở giao thông vận tải. Cụ thể là:
a) Vụ vận tải kiêm trung tâm điều độ vận tải xét cấp giấy phép cho xe ô-tô vận tải hàng hoá, hành khách chạy đường dài từ 800 kilômét trở lên tại 2 địa điểm sau đây:
- Tại Hà Nội là Vụ vận tải (Bộ Giao thông vận tải) 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Tại thành phố Hồ Chí Minh (92 Nam kỳ khởi nghĩa).
b) Các Sở giao thông vận tải xét, cấp giấy phép cho xe ô-tô vận tải hàng hoá, hành khách chạy đường dài dưới 800 kilômét.
2. Cấp có thẩm quyền xét, cấp giấy phép (lệnh) cho các xe ô-tô thuộc lực lượng vũ trang khi có yêu cầu vận chuyển đường dài vượt quá giới hạn khu vực quy định sẽ do Bộ Quốc phòng (nếu là xe quân sự) và Bộ Nội vụ (nếu là xe công an) quy định, đồng thời thông báo cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ biết để tiện phối hợp kiểm tra việc sử dụng xe ô-tô vận chuyển đường dài trên các tuyến giao thông công cộng.
3. Các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp khi có yêu cầu sử dụng xe ô-tô để vận chuyển đường dài vượt quá giới hạn quy định phải có công văn yêu cầu gửi tới cơ quan có thẩm quyền xét, cấp giấy phép chậm nhất 48 tiếng đồng hồ trước khi cần thực hiện vận chuyển.
Trong công văn cần phải ghi rõ khối lượng, mặt hàng, tính chất cần thiết phải vận chuyển.
Riêng đối với những yêu cầu dùng xe ô-tô để vận chuyển hàng hoá, hành khách đường dài từ 800 kilômét trở lên, ngoài chữ ký của thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp trong công văn yêu cầu cấp giấy phép còn phải có chữ ký xác nhận yêu cầu của các đồng chí từ cấp thứ trưởng Bộ, tổng cục phó (nếu là cơ quan thuộc trung ương) hoặc phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (nếu là cơ quan thuộc địa phương) trở lên.
4. Các xe ô-tô được cấp giấy phép vận chuyển đường dài phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ vận chuyển hai chiều và tận dụng hết trọng tải của xe để tránh lãng phí.
5. Các cơ quan có thẩm quyền xét cấp giấy phép phải căn cứ vào chủ trương hạn chế dùng xe ô-tô để vận chuyển đường dài của Chính phủ và các quy định trong thông tư này, sau khi xét năng lực thực tế của vận tải đường biển, đường sắt, đường sông không có khả năng giải quyết được mới cấp giấy phép cho từng chuyến của từng xe ô-tô nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển và bảo đảm sử dụng xe ô-tô một cách hợp lý nhất.
6. Việc cấp giấy phép của cơ quan giao thông vận tải phải có sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ, hàng tháng, quý phải tập hợp tình hình báo cáo về Bộ số lượng giấy phép đã cấp, số lượng xe, khối lượng, loại hàng, số lượng hành khách, phạm vi xe chạy.
7. Sau khi đã có giấy phép, đề nghị Bộ Vật tư cấp chuyển nhiên liệu cho những xe ô-tô được phép chạy đường dài ở những địa điểm cấp phát xăng dầu thuận tiện để xe không phải chở theo nhiên liệu dự trữ.
8. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Giao thông vận tải được thu ở đơn vị có yêu cầu cấp giấy phép vận chuyển đường dài bằng xe ô-tô một khoản thủ tục phí để chi phí vào việc tổ chức xét cấp giấy phép (in các ấn chỉ, sổ sách...) khoản thủ tục phí này tính cho mỗi giấy phép cấp cho một xe là mười đồng (10đ).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KIỂM TRA XỬ LÝ VI PHẠM
1. Vụ vận tải kiêm trung tâm điều độ vận tải của Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện thông tư này.
2. Các Sở giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức việc xét, cấp giấy phép cho những xe ô-tô vận chuyển đường dài theo quyền hạn đã được phân cấp, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và cơ quan quân sự địa phương trong việc bố trí trạm kiểm soát giao thông ở địa điểm thuận lợi nhất trong địa phương và tiến hành kiểm soát chặt chẽ các xe ô-tô vận chuyển đường dài.
3. Các trạm kiểm soát giao thông với chức năng kiểm soát việc chấp hành luật lệ giao thông vận tải đường bộ, trước mắt làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ tất cả các xe ô-tô vận chuyển đường dài. Tuỳ theo yêu cầu và khả năng của địa phương, các Sở giao thông vận tải có thể tổ chức việc gom hàng, giao thêm nhiệm vụ cho trạm kiểm soát việc thực hiện vận chuyển hàng hai chiều, hạn chế xe chạy rỗng hoặc không tận dụng hết trọng tải của xe theo tinh thần nghị định số 14-CP ngày 27-5-1960 của Hội đồng Chính phủ.
4. Các trạm kiểm soát giao thông có quyền lập biên bản và xử lý những trường hợp vi phạm luật lệ giao thông vận tải đường bộ và các quy định trong thông tư này. Việc xử lý những xe vận chuyển đường dài trái phép sẽ tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà áp dụng theo các hình thức dưới đây:
a) Trường hợp xe không có giấy phép mà đã vận chuyển đường dài nhưng chưa chạy ra khỏi địa phương nơi đơn vị xe đóng thì ra lệnh đình chỉ vận chuyển buộc xe quay trở lại. Đồng thời phạt hành chính bằng tiền là 50đ (năm mươi đồng).
b) Trường hợp xe không có giấy phép mà đã vận chuyển đường dài vượt ra khỏi lãnh thổ tỉnh, thành phố nơi xe đăng ký, nếu xét việc buộc xe quay trở lại là không có lợi thì áp dụng biện pháp phạt hành chính bằng tiền, cứ mỗi tấn xe/km vận chuyển là 1 đồng. Số tấn vận chuyển của xe vi phạm tính theo trọng tải của xe ghi trong giấy phép lưu hành và số kilômét vận chuyển tính từ điểm xe xuất phát đến địa điểm cuối cùng mà xe định vận chuyển đến.
c) Trường hợp xe có giấy phép vận chuyển đường dài nhưng đã vi phạm chạy vượt quá giới hạn đã ghi trong giấy phép thì phạt hành chính bằng tiền, cứ mỗi tấn xe/km vận chuyển vượt quá giới hạn là 1 đồng.
(Ví dụ: xe 5T được cấp giấy phép vận chuyển đường dài từ Hà Nội đến Nghệ Tĩnh nhưng xe vi phạm là chạy quá Nghệ Tĩnh 50 kilômét thì số tiền phạt là: 5đ x 50km x 1đ = 250 đồng.
d) Người ra lệnh điều xe chạy đường dài trái phép sẽ phải bồi thường cho cơ quan, đơn vị theo chế độ trách nhiệm vật chất của cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước (nghị định số 49-CP ngày 9-4-1968 của Hội đồng Chính phủ). Ngoài ra còn phải chịu kỷ luật hành chính trước cơ quan chủ quản cấp trên của mình.
e) Đối với người lái xe cho xe chạy đường dài trái phép thì xem như đã vi phạm luật lệ giao thông vận tải và sẽ tuỳ theo từng trường hợp mà bị xử phạt theo các quy định hiện hành (phạt vi cảnh, cắt ô phiếu kiểm soát lái xe...).
g) Khoản tiền phạt đối với xe vi phạm phải được ghi rõ trong biên bản xử phạt do trạm kiểm soát giao thông vận tải lập, có chữ ký xác nhận của người lái chiếc xe đó. Phía xe vi phạm có tiền mang theo thì phải nộp phạt ngay tại trạm. Nếu không thì trạm kiểm soát (hoặc Sở giao thông vận tải) sẽ lập phiếu nhờ thu không chờ chấp nhận gửi qua ngân hàng đòi cơ quan chủ xe vi phạm nộp tiền phạt.
h) Các Sở giao thông vận tải được trích 15% tiền phạt thu được để xét thưởng cho những cán bộ, nhân viên của trạm kiểm soát đã có thành tích trong công tác và những người có công phát hiện xe vi phạm để xử phạt.
Để thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị và quyết định của Hội đồng bộ trưởng nhằm hạn chế sử dụng xe ô-tô để vận chuyển đường dài và triệt để tiết kiệm xăng dầu, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các Bộ, các ngành Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, phổ biến sâu rộng quyết định số 166-HĐBT ngày 24-9-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, chỉ thị số 78-TTg ngày 2-3-1979 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư này cho các cấp, các đơn vị thuộc quyền để thực hiện.
Nguyễn Đình Doãn (Đã ký) |
- 1Nghị định 14-CP năm 1960 quy định thể lệ vận chuyển hàng hai chiều do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 2Nghị định 49-CP năm 1968 về chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức đối với tài sản của Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 166-HĐBT năm 1982 về việc chấn chỉnh một bước tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất của ngành giao thông vận tải do Hội đồng bộ trưởng ban hành
Thông tư 51-PC-1983 hướng dẫn việc xét, cấp giấy phép cho xe ôtô chạy dường dài do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 51-PC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 10/03/1983
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Nguyễn Đình Doãn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra