Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 166-HĐBT | Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1982 |
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4 - 7 - 1981;
Căn cứ nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Xét đề nghị của đồng chí bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Chuyển chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên các lĩnh vực đường sắt, đường bộ, đường biển, đường sông và sản xuất công nghiệp giao thông vận tải về Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm.
Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tổ chức lại Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Đường biển, Cục đường sông, Cục vận tải ô-tô, Cục quản lý đường bộ, Cục cơ khí hoạt động theo chế độ kinh doanh hạch toán kinh tế có tư cách pháp nhân như Liên hiệp các xí nghiệp vận tải hoặc Liên hiệp các xí nghiệp sản xuất và giải thể các vụ trong các tổng cục.
Điều 2.- Trên cơ sở quản lý thống nhất, từng bước thực hiện phân công, phân cấp về giao thông vận tải trong nội bộ ngành giao thông vận tải và giữa ngành giao thông vận tải với các ngành kinh tế khác.
| Tố Hữu (Đã ký) |
A . PHÂN CÔNG VẬN TẢI TRONG NỘI BỘ NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Ngành giao vận tải trung ương chủ yếu phụ trách vận chuyển hàng hoá và hành khách bằng đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Lực lượng vận tải đường sông trung ương phụ trách vẩn chuyển trên các luồng, tuyến chính, vận chuyển quá cảnh sang Cam-pu-chia. Lực lượng vận tải ô-tô trung ương phụ trách vận chuyển lên vùng biên giới, miền núi, vùng không có đường sông, đường sắt, đường biển và vận chuyển quá cảnh sang Lào, Cam-pu-chia.
2. Ngành giao thông vận tải địa phương phụ trách vận chuyển hàng hoá và hành khách bằng đường sông, đường ô-tô và ven biển cung ngắn, làm tròn trách nhiệm gom hàng và tập kết hàng đến các ga, cảng, bến xe quy định để tạo chân hàng cho vận tải của trung ương và liên tỉnh; đồng thời làm nhiệm vụ rút hàng về cho địa phương.
Địa phương nào còn năng lực vân tải đường sông, đường ô-tô hoặc ven biển sẽ đảm nhận vận chuyển liên tỉnh, vận chuyển Bắc - Nam theo sự phân công của Bộ Giao thông vận tải để hỗ trợ cho các địa phương thiếu năng lực vận tải.
B. PHÂN CÔNG VẬN TẢI GIỮA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI VỚI CÁC NGÀNH KINH TẾ KHÁC
1. Lực lượng vận tải chủ lực công cộng của ngành giao thông vận tải trung ương và địa phương đảm nhận vận chuyển chủ yếu hàng hoá trong khâu lưu thông phân phối.
2. Các phương tiện vận tải chuyên dùng như sà-lan, xe xi-téc, xe reo, xe đông lạnh... và các phương tiện vận tải trong dây chuyền sản xuất của công, nông, lâm trường, nhà máy... thuộc chuyên ngành nào do chuyên ngành đó phụ trách kinh doanh.
Đối với các phương tiện vận tải công cộng mà hiện nay các ngành trung ương và địa phương đang có vẫn được phép hoạt động theo sự quản lý của ngành giao thông vận tải về quy hoạch, kế hoạch và luật lệ giao thông vận tải. Từ này về sau, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ vào nhu cầu vận tải của kế hoạch mà phân phối phương tiện vận tải và vật tư, nhiên liệu cho ngành giao thông vận tải trung ương và địa phương để tiến đến đảm nhận thống nhất vận chuyển các mặt hàng chủ yếu. Việc phân phối phương tiện vận tải và nhiên liệu, vật tư cho các ngành để vận chuyển chỉ đặt ra trong trường hợp ngành giao thông vận tải không đảm nhận được.
Quy định này không áp dụng cho quốc phòng và an ninh.
4. Quan hệ giữa chủ hàng và chủ phương tiện:
1. Tất cả các chủ hàng thuộc trung ương và địa phương cần vận chuyển hàng hoá phải ký hợp đồng vân tải với các đại lý vận tải của ngành giao thông vận tải trung ương hoặc địa phương theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
Trong những năm trước mắt, ngành giao thông vận tải nhận vận chuyển thí điểm một số mặt hàng chủ yếu theo phương thức liên vận để rút kinh nghiệm.
2. Chủ hàng chỉ ký hợp đồng một lần với chủ phương tiện từ nơi gửi hàng đến nơi nhận hàng. Chủ hàng chịu trách nhiệm thu mua, bao gói, cân đo, xác định chất lượng hàng hoá và giao hàng cho chủ phương tiện. Chủ phương tiện chịu trách nhiệm trong quá trình vận tải, đưa hàng đến nơi nhận đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và đúng thời gian. Chủ hàng không cử người đi áp tải theo xe hàng (trừ trường hợp hàng quý, hiếm có quy định riêng). Chủ hàng không được bắt buộc ngành vận tải lựa chọn phương tiện vận tải và ngành vận tải không được từ chối hoặc giảm bớt khối lượng vận chuyển các loại hàng hoá trong kế hoạch Nhà nước.
Tại nơi nhận hàng, chủ hàng phải bảo đảm các định mức giải phóng phương tiện theo hợp đồng.
3. Nếu chủ hàng và chủ phương tiện thực hiện đúng hợp đồng sẽ được thưởng, ngược lại nếu không thực hiện đúng phải bồi thường hoặc bị truy tố theo pháp luật.
C. PHÂN CÔNG XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
1. Lực lượng xây dựng công trình giao thông trung ương cần được củng cố thành liên hiệp các xí nghiệp, các xí nghiệp hoặc xí nghiệp liên hợp theo khu vực lãnh thổ; làm nhiệm vụ xây dựng và duy tu, nâng cấp đường sắt, đường bộ; xây dựng và nạo vét các cảng sông, cảng biển, xây dựng các sân bay dân dụng.
2. Việc phân cấp quản lý cầu đường bộ, đường sông thực hiên theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đã ban hành.
Điều 3.- Căn cứ theo các điều quy định trên đây, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có quyền hạn và trách nhiệm từng bước sắp xếp, chỉnh đốn các cơ quan quản lý thuộc Bộ (cục, vụ, viện...) và các Sở giao thông vận tải; tổ chức lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tuỳ theo yêu cầu, tính chất và quy mô mà thành lập liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp hoặc công ty theo khu vực lãnh thổ hoặc theo chuyên ngành kinh tế kỹ thuật, sắp xếp cán bộ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý toàn ngành, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế trong giao thông vận tải, hình thành hệ thống vận tải thống nhất điều độ trong cả nước, từng khu vực, địa phương; từng bước khắc phục tình trạng ách tắc, tiêu cực, lập lại trật tự giao thông vận tải theo quy hoạch, kế hoạch toàn ngành.
Điều 4.- Ở các địa phương theo sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, các giám đốc Sở giao thông vận tải có kế hoạch củng cố lại tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất thuộc địa phương mình trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 5.- Những quy định đã ban hành trước đây về chức năng, nhiệm vụ phân công, phân cấp và cơ cấu tổ chức trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước có liên quan, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.
- 1Nghị định 14-CP năm 1960 quy định thể lệ vận chuyển hàng hai chiều do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 2Nghị định 16-CP năm 1960 về việc sử dụng ô tô vận tải của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 3Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 1981
- 4Nghị định 35-CP năm 1981 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trưởng trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư 51-PC-1983 hướng dẫn việc xét, cấp giấy phép cho xe ôtô chạy dường dài do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quyết định 166-HĐBT năm 1982 về việc chấn chỉnh một bước tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất của ngành giao thông vận tải do Hội đồng bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 166-HĐBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/09/1982
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra