Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 1960

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ LỆ VẬN CHUYỂN HÀNG HAI CHIỀU

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để giảm bớt tình trạng sử dụng lãng phí phương tiện vận tải và phục vụ tốt kế hoạch sản xuất, xây dựng cơ bản và lưu thông hàng hóa;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 16 tháng 3 năm 1960,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Từ nay, tất cả các phương tiện vận tải thủy, bộ (ô tô, tàu, xà lan, ca nô, thuyền v.v…) của xí nghiệp quốc doanh, của cơ quan, của xí nghiệp công tư hợp doanh, của hợp tác xã hay tư nhân đều phải thực hiện vận chuyển hàng hai chiều. Những loại phương tiện vận tải sau đây không thuộc phạm vi thi hành Nghị định này: tàu, xe chở dầu, chở nước, xe ướp lạnh, xe cứu hỏa, cứu thương, xe phục vụ vệ sinh công cộng, tàu, thuyền, xe hoạt động thường xuyên trong nội bộ các xí nghiệp, nông trường, xe chuyên dùng cho những hoạt động như bán hàng lưu động, quay phim, chiếu phim, xe phục vụ các đoàn khảo sát, địa chất, và các phương tiện vận tải thô sơ nhỏ như xe ba gác, xích lô, thuyền con, v.v…

Điều 2. - Đối với phương tiện vận tải của quân đội và công an nhân dân vũ trang, thì các ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Giao thông và Bưu điện sẽ cùng nhau thỏa thuận để ban bố quy định riêng.

Điều 3. - Trong phạm vi nghị định này, các phương tiện vận tải không có hàng hoặc không đủ hàng vận chuyển hai chiều, nhất thiết phải đến cơ quan Giao thông vận tải địa phương của nơi xuất phát, để xin hàng chở.

Nếu cơ quan Giao thông vận tải nơi xuất phát thiếu hàng hoặc ở quá xa, thì trên đường đi, phương tiện vận tải phải đến cơ quan Giao thông vận tải gần nhất để xin hàng chở.

Điều 4. - Mỗi phương tiện vận tải phải có một sổ hành trình (theo mẫu của Bộ Giao thông và Bưu điện) để các cơ quan Giao thông vận tải kiểm soát và chứng nhận mỗi lần đã làm đúng hoặc làm không đúng kỷ luật vận chuyển hai chiều và vì lẽ gì.

Điều 5. - Khi phương tiện vận tải đến các cơ quan Giao thông vận tải xin chở hàng theo chủ trương vận chuyển hai chiều, cơ quan này có trách nhiệm giải quyết ngay để phương tiện vận tải khỏi chờ đợi. Nếu không có hàng, thì cơ quan Giao thông vận tải không được giữ phương tiện vận tải lại.

Điều 6. - Cơ quan có hàng cần thuê chở phải thường xuyên thông báo cho cơ quan Giao thông vận tải biết tình hình chuẩn bị hàng hóa và thời gian cần được vận chuyển, để cơ quan Giao thông vận tải nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch vận chuyển cho ăn khớp và thực hiện tốt việc kết hợp vận chuyển hàng hai chiều.

Cơ quan có hàng không được tự ý thuê phương tiện vận tải mà không qua cơ quan Giao thông vận tải phân phối.

Trường hợp đặc biệt, nếu phương tiện vận tải đi trên đường xa cơ quan Giao thông vận tải, có chủ hàng muốn thuê chở hàng mà chưa kịp báo cáo cho cơ quan Giao thông vận tải, thì phương tiện vận tải có thể nhận chở hàng kết hợp, nhưng khi qua cơ quan Giao thông vận tải gần nhất, thì phải báo cáo và xin chứng nhận.

Điều 7. - Cơ quan có hàng phải chuẩn bị hàng hóa và lực lượng bốc hàng để khi phương tiện vận tải đến nhận hàng, thì có thể giao hàng được ngay, bất cứ ngày lễ, ngày chủ nhật và bất cứ giờ nào.

Thời gian chờ đợi, tính từ lúc phương tiện vận tải đến nơi nhận hàng cho đến lúc bắt đầu giao hàng ấn định như sau:

- 30 phút đối với ô-tô.

- 1 giờ đối với tàu, thuyền, ca nô, xà lan.

Nếu cơ quan có hàng để phương tiện vận tải chờ đợi quá thời gian đã ấn định, thì phải bồi thường phí tổn cho phương tiện vận tải ấy theo thể lệ vận tải hiện hành.

Điều 8. - Hàng ngày các cơ quan Giao thông vận tải địa phương có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan có hàng để nắm chắc tình hình hàng hóa và kịp thời bố trí phương tiện vận chuyển, và có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan có hàng chuẩn bị tốt việc giao nhận hàng chở kết hợp hai chiều.

Cơ quan Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với Công an giao cảnh địa phương kiểm soát các phương tiện vận tải đi không, hoặc chở không đủ trọng tải.

Bộ Giao thông và bưu điện có trách nhiệm tăng cường cơ quan Giao thông vận tải các cấp và tổ chức hệ thống trạm vận tải trên các trục giao thông chính để đảm bảo thi hành tốt việc kết hợp vận chuyển hàng hai chiều.

Điều 9. - Chủ các phương tiện vận tải chở hàng kết hợp hai chiều được phép thu cước vận tải và huy động phí theo thể lệ hiện hành.

Điều 10. - Để đài thọ các chi phí câầ thiết, cơ quan Giao thông vận tải địa phương được phép thu của chủ phương tiện vận tải một khoản thủ tục phí là 1% của tiền cước hàng hóa vận tải kết hợp hai chiều, hoặc của tiền cước hàng hóa vận tải kết hợp hai chiều, hoặc của tiền cước hàng hóa phân phối cho phương tiện vận tải chở thêm.

Nếu chủ phương tiện vận tải tự tìm được hàng chở kết hợp hai chiều (không phải do cơ quan Giao thông vận tải phân phối) thì được miễn nộp thủ tục phí.

Điều 11. - Ủy ban hành chính địa phương (khu, thành phố, tỉnh) và cơ quan Giao thông vận tải có quyền phê bình, cảnh cáo những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm nghị định này. Đối với những hành động vi phạm nhiều lần, gây thiệt hại lớn đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, thì Ủy ban hành chính địa phương và cơ quan Giao thông vận tải có thể đưa ra truy tố trước tòa án.

Điều 12. - Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông và bưu điện chịu trách nhiệm giải thích nghị định này và quy định chi tiết thi hành.

Điều 13. - Nghị định này thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1960.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 14-CP năm 1960 quy định thể lệ vận chuyển hàng hai chiều do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 14-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/05/1960
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản