Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Số : 17-VT

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 1960

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ QUY ĐỊNH THÊM MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ ĐỂ THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 14-CP NGÀY 27-5-1960 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC VẬN CHUYỂN HÀNG HAI CHIỀU

Ngày 27-5-1960 Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định số 14-CP về việc vận chuyển hàng hai chiều. Điều 12, của nghị định có ghi: Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện chịu trách nhiệm giải thích và quy định chi tiết thi hành. Chiếu theo điều đó, Bộ Giao thông và Bưu điện giải thích và quy định thêm một số điểm cụ thể sau đây:

ĐỐI VỚI ĐIỀU 1

Nghị định quy định những phương tiện được miễn thi hành nghị định này là những phương tiện chủ lực thường xuyên hoạt động trong nội bộ các xí nghiệp, công, nông trường, trực tiếp vào công việc sản xuất của xí nghiệp và công, nông trường ấy. Nếu những phương tiện này có khi phải chạy ra ngoài phạm vi công trường để vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc, hàng hóa, v.v... về công trường thì vẫn phải thi hành nghị định này; ví dụ: phương tiện của công trường Khu Gang thép, của nông trường Đồng giao, của mỏ than Hồng gai, của mỏ Apatite, v.v... chạy ra ngoài phạm vi công trường và nông trường để chở hàng về thì vẫn phải chấp hành những Điều quy định về việc chở hàng kết hợp hai chiều.

Trường hợp những phương tiện ấy chỉ chạy trên một quãng ngắn để chở nguyên vật liệu trực tiếp cho sản xuất như xe của công trường Quốc hội, xe của công trường xây dựng nhà máy dệt 8-3 chạy từ công trường ra bến Vĩnh tuy, Phà đen, v.v... để chở cát sỏi thì có thể được miễn thi hành nghị định này.

ĐỐI VỚI ĐIỀU 3

Nghị định quy định các phương tiện vận tải không có hàng hoặc không có hàng hoặc không có đủ hàng để vận chuyển hai chiều thì nhất thiết phải đến cơ quan Giao thông vận tải để xin hàng chở… Điều này quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Giao thông vận tải là phải luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để khi phương tiện đến xin hàng là có thể chỉ dẫn cho phương tiện đi nhận hàng ngay. Muốn làm được như thế cơ quan Giao thông vận tải hàng ngay phải có sổ ghi chép tình hình hàng đi, hàng đến, ước tính được phương tiện đi hay đến, có dự kiến nếu phương tiện đến thì sẽ lấy hàng ở đâu để chở hai chiều.

Cơ quan Giao thông vận tải tổ chức các trạm vận tải ở các bến sông, ở các nơi đầu mối giao thông để cho phương tiện đi qua lại báo xin hàng được dễ dàng thuận lợi.

Điều này cũng quy định trách nhiệm của các chủ phương tiện là phải tuân theo cơ quan Giao thông vận tải để hạn chế việc phương tiện chạy không, gây lãng phí.

Trường hợp những phương tiện phải đi xa hơn một quãng đường để lấy hàng kết hợp hai chiều, vì lợi ích chung thì chủ phương tiện phải cố gắng chấp hành.

Để cho việc thi hành các điều cụ thể này được tốt thì các cơ quan, chủ hàng cần tăng cường liên hệ hàng ngày với cơ quan Giao thông vận tải và cứ 10 ngày một lần thông báo bằng giấy, hàng đi, hàng đến, nơi giao, nơi nhận để cơ quan Giao thông vận tải có cơ sở bố trí hàng hóa cho các phương tiện chở kết hợp 2 chiều.

ĐỐI VỚI ĐIỀU 4

Nghị định quy định mỗi phương tiện đều phải có sổ hành trình. Sổ hành trình do cơ quan Giao thông vận tải in và bán.

Sổ hành trình có mục đích để cho cơ quan Giao thông vận tải theo dõi kiểm tra được sự hoạt động của phương tiện nhằm nâng cao hiệu suất của phương tiện, hạn chế những trường hợp ngừng hoạt động không hợp lý. Đồng thời nó cũng có tác dụng nhằm thúc đẩy năng suất của người làm vận tải. Trong phạm vi nghị định này thì sổ hành trình có tác dụng kiểm tra hoặc chứng nhận việc phương tiện chở hai chiều hay không chở hai chiều.

Kèm theo sổ hành trình, các phương tiện vẫn phải có phiếu vận chuyển chứng nhận chở hai chiều hoặc không có hàng chở hai chiều để thanh toán.

Trường hợp sổ hành trình và phiếu vận chuyển không có chứng nhận của cơ quan Giao thông vận tải về hàng hai chiều thì không có tác dụng để thanh toán cước một chiều và như vậy tức là vi phạm nghị định.

Cơ quan Công an giao cảnh và cơ quan Giao thông vận tải có quyền kiểm soát việc thi hành Điều khoản này. Gặp trường hợp như vậy thì cơ quan Công an giao cảnh hoặc cơ quan Giao thông vận tải đề nghị phương tiện phải tới trạm vận tải gần nhất để nhận hàng.

ĐỐI VỚI ĐIỀU 5

Nghị định quy định cơ quan Giao thông vận tải có trách nhiệm không được để phương tiện vận tải đến xin hàng chở hai chiều phải chờ đợi lâu. Điều này có ý nghĩa:

a) Thời gian chờ đợi ở trạm vận tải để trạm vận tải trả lời có hàng chở hay không, quy định là 30 phút đối với tất cả các loại phương tiện. Trường hợp phương tiện chờ 30 phút rồi mà không có hàng thì cơ quan Giao thông vận tải phải chứng nhận cho phương tiện được đi ngay.

b) Thời gian phải đi xa thêm một đoạn đường để lấy hàng chở hai chiều không quy định nhất loạt mà tùy theo từng lúc, từng địa phương mà định cho thích hợp miễn làm sao phát huy được năng lực của phương tiện, chiếu cố được hòan cảnh thực tế của cơ quan có phương tiện, giá cước được rẻ hơn, chở được nhiều hàng hơn, ít cây số chạy không hơn thì có thể cho phương tiện chạy thêm một quãng đường để lấy hàng kết hợp.

c) Trường hợp tuy xe chạy không nhưng phải về gấp để giải quyết kế hoạch đặc biệt (chống đói, chống lụt v.v... ) có giấy chứng nhận của cơ quan Giao thông vận tải thì không phải chờ để chở hàng kết hợp. Nhưng trường hợp hàng có sẵn, giao nhận nhanh, thuận lợi trên quãng đường phương tiện đi thì phương tiện không được từ chối chở kết hợp.

ĐỐI VỚI ĐIỀU 6

Nghị định quy định cơ quan có hàng phải báo tình hình chuẩn bị hàng hóa cho cơ quan Giao thông vận tải để yêu cầu phương tiện. Cơ quan có hàng không được tự ý thuê phương tiện mà không qua cơ quan Giao thông vận tải…

Điều này là một nguyên tắc trong chính sách quản lý ba thống về vận tải, có lợi chung cho cả cơ quan chủ hàng và cơ quan Giao thông vận tải. Cơ quan có hàng thông báo kế hoạch yêu cầu phương tiện sớm thì cơ quan Giao thông vận tải có thể bố trí giải quyết sớm. Điều này cũng phù hợp với tính chất của kế hoạch là kế hoạch đưa trước thì chở trước, đưa sau thì chở sau, không có kế hoạch thì không chở.

Nếu cơ quan chủ hàng cứ tự ý thuê phương tiện chở mà không qua cơ quan Giao thông vận tải thì có thể xảy đến tình trạng không ăn khớp giữa kế hoạch hàng hóa với kế hoạch phương tiện. Làm như vậy nhất thời có thể giải quyết được một phần nào lợi ích riêng của chủ hàng nhưng rất không lợi cho việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch chung.

ĐỐI VỚI ĐIỀU 7

Nghị định quy định thời gian chờ đợi kể từ khi phương tiện tới, đến khi bắt đầu giao nhận hàng cho mỗi loại phương tiện. Điều này trong nghị định đã nói rõ nhưng có trường hợp phương tiện đi đoàn có kế hoạch trước và liên tục thì thời gian chờ đợi của mỗi phương tiện phải ít hơn thời gian (không phải là thời gian bốc dỡ) đã quy định trong nghị định. Trường hợp có từng đoàn vận chuyển theo kế hoạch như vậy thì hai bên phải ký hợp đồng với nhau về thời gian bốc dỡ, giao nhận một cách cụ thể nhằm hạn chế việc phương tiện bị giam hãm lâu, nâng cao năng suất của phương tiện. Việc bốc dỡ, giao nhận là khâu chính để giải quyết cho phương tiện quay vòng nhanh.

ĐỐI VỚI 8

Nghị định có quy định cách liên hệ hàng ngày giữa cơ quan chủ hàng và cơ quan Giao thông vận tải và tổ chức hệ thống trạm vận tải trên các trục giao thông chính để thi hành tốt việc chở hàng hai chiều. Trên đoạn giải thích 3 đã có nói một phần. Trong điều này cần quy định thêm:

Không những cơ quan Giao thông vận tải chỉ lên được kế hoạch hàng ngày mà còn phải biết rõ hàng hóa của chủ hàng để ở những kho nào, điều kiện đường sá, luồng lạch tới kho đó dễ hay khó, cơ quan chủ hàng đã chuẩn bị tốt việc giao hàng cho phương tiện hay chưa và trong ngày sẽ có những phương tiện nào đến lấy để luôn luôn chủ động được kế hoạch điều vận.

Về phía cơ quan Giao thông vận tải phải định rõ nhiệm vụ của các trạm vận tải, tăng cường biên chế ở các trạm vận tải. Biên chế của các trạm vận tải phải là biên chế chung của tỉnh của Nhà nước vì đó là yêu cầu về tổ chức không thể thiếu được trong công tác giao thông vận tải. Trạm vận tải phải là cơ sở lãnh đạo sản xuất vận tải. Trạm phải nắm được kế hoạch hàng ngày, nắm được yêu cầu phương tiện đi lại hàng ngày. Hoạt động của trạm vận tải phải sôi nổi, khẩn trương và cụ thể.

Trạm vận tải được sử dụng một con dấu thống nhất do Tổng cục Giao thông thủy bộ cho mẫu (xem mẫu dấu).

Về phía chủ hàng nên chú trọng bố trí hệ thống kho cho thuận lợi với điều kiện hoạt động của phương tiện như đường sá, luồng lách, bốc dỡ, v.v... tránh tình trạng có phương tiện nhưng không thể vào được kho để lấy hàng hoặc có phương tiện mà tổ chức bốc dỡ không thuận lợi.

ĐỐI VỚI 10

Nghị định quy định cơ quan Giao thông vận tải được phép thu 1% tiền cước hàng hóa vận chuyển kết hợp hai chiều hoặc tiền cước hàng hóa phân phối chở thêm của chủ phương tiện để làm thủ tục phí. Khoản tiền này các trạm không được tự ý sử dụng mà cần nạp cho quỹ của tỉnh. Mọi chi phí về lương, phụ cấp, hành chính phí, v.v... đều do quỹ của địa phương trả.

Trong khi thi hành nghị định số 14-CP và áp dụng thông tư này, đề nghị các cơ quan chủ hàng và các cơ quan Giao thông vận tải các cấp tăng cường liên hệ với nhau để giải quyết những khó khăn cụ thể và thường xuyên phản ánh tình hình thực hiện về Bộ (Cục Vận tải thủy bộ).

T.U.Q. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
TỔNG CỤC PHÓ
TỔNG CỤC GIAO THÔNG THỦY BỘ




Vũ Quang

MẪU DẤU:

- Chiều dài 4cm

- Chiều rộng 2cm 5

CHÚ Ý

Nếu địa phương có nhiều trạm thì mỗi dấu khắc một số thứ tự thí dụ trạm Vận tải số 1, trạm Vận tải số 2, v.v...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-VT năm 1960 giải thích và quy định thêm một số điểm Nghị định 14-CP về việc vận chuyển hàng hai chiều do Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành

  • Số hiệu: 17-VT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/07/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Người ký: Vũ Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 29/07/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản