Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/2012/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2012

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 57/QĐ-TTG NGÀY 09/01/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 28/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

2. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

Điều 2. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng

1. Chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý bảo vệ rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí sự nghiệp cho Ban quản lý rừng đặc dụng theo quy định tại Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 và quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Chủ rừng là các tổ chức được Nhà nước cho thuê rừng để kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái-môi trường rừng; tổ chức nghiên cứu khoa học, đào tạo dạy nghề về lâm nghiệp được nhà nước giao quản lý rừng đặc dụng tự tổ chức bảo vệ rừng được giao, cho thuê.

Điều 3. Thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng đặc dụng

1. Căn cứ quy hoạch bảo vệ, phát triển bền vững khu rừng đặc dụng được duyệt, đối với đất rừng đặc dụng cần phục hồi áp dụng các biện pháp sau:

a) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên phù hợp với khả năng tái sinh và diễn thế tự nhiên.

b) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung không thực hiện ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

c) Trồng rừng mới chỉ thực hiện ở vườn sưu tập thực vật; diện tích không có khả năng phục hồi tự nhiên ở phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính-dịch vụ của Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

2. Cây trồng trong rừng đặc dụng là các loài cây thực vật bản địa phân bố tự nhiên trong vùng sinh thái phù hợp với hệ sinh thái của khu rừng đặc dụng đó. Trường hợp, do điều kiện lập địa không thể trồng ngay được các loài cây bản địa, thì được trồng các loài cây mọc nhanh, cải tạo đất trước một chu kỳ hoặc cùng với trồng cây bản địa.

Căn cứ quy hoạch bảo vệ, phát triển bền vững khu rừng đặc dụng, băng xanh phòng cháy rừng trên bờ bao, bờ kênh kết hợp với các lợi ích kinh tế, môi trường được trồng các loài cây phù hợp với mục đích phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 4. Ổn định và sắp xếp dân cư trong các khu rừng đặc dụng

Việc ổn định và sắp xếp dân cư trong các khu rừng đặc dụng thực hiện theo từng dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là UBND cấp tỉnh) phê duyệt.

Điều 5. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng phòng hộ

1. Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ tổ chức bảo vệ rừng hoặc khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, đơn vị vũ trang cư trú, đóng quân trên địa bàn. Ưu tiên khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thuộc khu vực huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nhà nước cấp kinh phí khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ ở khu vực nguy cơ mất rừng cao và chưa có các nguồn thu từ rừng.

2. Đối với diện tích rừng phòng hộ nhỏ lẻ, phân tán (dưới 500 ha), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng theo quy định của Nhà nước; trong đó ưu tiên đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại chỗ và các tổ chức, cá nhân đang nhận khoán bảo vệ rừng trên diện tích đó.

Nhà nước chỉ cấp kinh phí khoán bảo vệ rừng phòng hộ cho các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

3. Diện tích rừng phòng hộ do UBND xã quản lý: Chủ tịch UBND xã lập hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án giao, cho thuê rừng cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định tại Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng. Những nơi không thể giao, cho thuê thì UBND cấp xã tổ chức quản lý, bảo vệ theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 và Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng phòng hộ

1. Căn cứ quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng được duyệt, diện tích đất rừng phòng hộ cần phục hồi áp dụng các biện pháp sau:

a) Đối với diện tích đất chưa có rừng nhưng có khả năng tự phục hồi rừng thì thực hiện biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên. Tùy theo khả năng tái sinh của rừng mà thực hiện biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung bằng loài cây có giá trị phòng hộ cao kết hợp đa tác dụng, kể cả cây lâm sản ngoài gỗ.

Hết thời gian thực hiện khoanh nuôi, chủ đầu tư tổ chức đánh giá kết quả và đưa diện tích đã thành rừng vào quản lý và bảo vệ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giải pháp kỹ thuật phục hồi rừng bằng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thực hiện theo Quy phạm các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa (QPN 14-92) ban hành kèm theo Quyết định số 200/QĐ-KT ngày 31/3/1993 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); phục hồi rừng bằng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung thực hiện theo Quy phạm QPN 21-1998 ban hành kèm theo Quyết định số 175/1998/QĐ/BNN-KHCN ngày 04/11/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Trồng mới rừng phòng hộ áp dụng đối với những khu vực không thể phục hồi rừng bằng khoanh nuôi. Ưu tiên trồng rừng phòng hộ chống cát bay, rừng chắn sóng ven biển, phòng hộ các hồ đập, công trình thuỷ điện, thủy lợi và phòng hộ biên giới kết hợp với chuyển đổi nương rẫy.

2. Loài cây trồng và phương thức trồng rừng phòng hộ thực hiện theo văn bản số 1992/BNN-LN ngày 11/7/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các phương thức kỹ thuật trồng rừng phòng hộ dự án 661. Khuyến khích trồng các loài cây bản địa, cây có tác dụng phòng hộ cao, đa tác dụng gắn với lợi ích kinh tế cho người trồng rừng.

Điều 7. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng sản xuất

Chủ rừng được Nhà nước giao, cho thuê rừng tự tổ chức bảo vệ rừng của mình. Trường hợp đặc biệt, các khu rừng sản xuất là rừng nghèo, vùng biên giới chưa có nguồn lợi từ rừng hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đang đóng cửa rừng thuộc các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng từ ngân sách địa phương.

Điều 8. Thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng sản xuất

1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng rừng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến; sử dụng giống quốc gia và tiến bộ kỹ thuật được công nhận; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất cây con, trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; thực hiện biện pháp kỹ thuật tỉa thưa, nuôi dưỡng, chuyển hóa rừng sản xuất gỗ nhỏ sang gỗ lớn tăng giá trị sản phẩm rừng trồng.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước trồng mới rừng sản xuất được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015; Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg.

3. Đối với các khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phục hồi, thì tiến hành cải tạo trồng thay thế bằng những loài cây có giá trị cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Giống cây trồng rừng thực hiện theo quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 9. Phòng cháy chữa cháy rừng

1. Các hạng mục đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 62/2005/TTLB-BTC-BNN&PTNT ngày 04/8/2005 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, gồm:

a) Hoạt động tuyên truyền; tập huấn; thu thập dữ liệu khí tượng thuỷ văn; xây dựng cấp dự báo cháy rừng, quy trình quy phạm, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; xác định các trọng điểm cháy rừng trên bản đồ và trên thực địa; diễn tập chữa cháy rừng; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy rừng.

b) Mua sắm thiết bị phương tiện; xây dựng đường băng cản lửa, kênh, mương cản lửa, chòi canh, hồ dự trữ nước, trạm dự báo cháy rừng và mạng lưới dự báo cháy rừng từ Trung ương đến cơ sở.

c) Trực phòng cháy rừng; chi phí cho người tham gia chữa cháy rừng bị tai nạn; bồi dưỡng cho những người tham gia chữa cháy rừng.

d) Nhiên liệu (xăng, dầu), sửa chữa, bồi thường thiệt hại khi phương tiện, thiết bị được huy động để chữa cháy rừng.

2. Các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm các cấp.

3. Thực hiện cơ chế đồng quản lý rừng và chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở thực hiện theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 10. Trồng cây phân tán

1. Căn cứ Kế hoạch về trồng cây phân tán, các địa phương tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào trồng cây phân tán, “Tết trồng cây” hàng năm.

2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có hoạt động trồng cây phân tán được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015; Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg.

Điều 11. Phát triển giống cây lâm nghiệp

1. Xây dựng nguồn giống cây rừng gồm xây dựng rừng giống, vườn giống, vườn cây đầu dòng, chuyển hóa từ rừng tự nhiên hoặc rừng trồng thành rừng giống, thiết lập lâm phần tuyển chọn, chọn lọc cây trội để làm giống cho đến khi nghiệm thu bàn giao.

2. Kỹ thuật xây dựng rừng giống và vườn giống thực hiện theo quy phạm 15-93; kỹ thuật xây dựng rừng giống chuyển hóa thực hiện theo quy phạm 16-93 ban hành kèm theo quyết định số 804/QĐ-KT ngày 02/11/1993 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

3. Tiêu chuẩn vườn ươm giống cây lâm nghiệp thực hiện theo Tiêu chuẩn ngành 04 - TCN - 52 - 2002 ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BNN-KHCN ngày 03/9/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Dự án đầu tư xây dựng nguồn giống áp dụng như quy định hiện hành của nhà nước đối với dự án lâm sinh.

Điều 12. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng

1. Xây dựng, nâng cấp trạm bảo vệ rừng (bao gồm cả công trình phụ và nước sạch); công trình phòng trừ sâu bệnh hại rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

2. Xây dựng, nâng cấp vườn ươm, vườn giống, rừng giống, rừng giống chuyển hóa: địa phương tổ chức xây dựng Đề án quy hoạch nguồn giống cây lâm nghiệp trên địa bàn; trước khi Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đề án phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

3. Xây dựng, nâng cấp hệ thống đường lâm nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Công trình xây dựng hạ tầng quy mô nhỏ (dưới 150 triệu đồng/công trình) theo thiết kế kỹ thuật và dự toán được cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt.

Trường hợp tổng mức đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 của Điều này lớn hơn 10% tổng mức đầu tư đối với từng dự án, thì phần chênh lệch được bổ sung từ nguồn ngân sách địa phương và do UBND cấp tỉnh quyết định.

Điều 13. Rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng

1. Rà soát, xác định thực trạng sử dụng đất rừng và diện tích rừng thuộc các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các Công ty lâm nghiệp, đơn vị quân đội, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các hộ gia đình và của UBND xã đang quản lý. Trên cơ sở đó, tiến hành giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng để rừng có chủ thực sự.

2. Quy hoạch và quản lý các diện tích nương rẫy, bảo đảm duy trì diện tích canh tác ổn định cho đồng bào dân tộc; rà soát, thống kê phân loại cụ thể đất nương rẫy thuộc diện tích trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất; trên cơ sở đó, xây dựng phương án hỗ trợ đồng bào chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng.

3. Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản gắn với rà soát và xây dựng các vùng trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung, phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ.

4. Trình tự xây dựng, phê duyệt và quản lý các dự án quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Ngân sách nhà nước đảm bảo cho việc lập quy hoạch và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo dự án được duyệt theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 14. Giao, cho thuê rừng

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát việc giao, cho thuê rừng đảm bảo tất cả diện tích rừng trên địa bàn có chủ quản lý cụ thể, cơ bản hoàn thành công tác giao, cho thuê rừng gắn với giao, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2015. Những diện tích rừng chưa có điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì tiến hành giao quyền sử dụng rừng trước, có hồ sơ quản lý và quy chế sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Những diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và diện tích rừng do các Ban quản lý rừng, các Công ty lâm nghiệp quản lý kém hiệu quả phải tổ chức giao hoặc cho các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp thuê để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

3. Thủ tục giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp, cấp Giấy chứng nhận thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp.

4. Ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng.

Điều 15. Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng

1. Thực hiện theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp theo quy định tại Chỉ thị số 32/2000/CT-BNN-KL ngày 27/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 78/2002/QĐ-BNN-KL ngày 28/2/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy phạm kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong lực lượng Kiểm lâm và các quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Kinh phí chi cho hoạt động theo dõi diễn biến rừng thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 102/2000/TT-BNN-KL hướng dẫn lập dự toán cho các dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định số 487/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/2/2007 ban hành định mức lao động trong điều tra, quy hoạch rừng và các quy định hiện hành khác.

Điều 16. Xác định ranh giới, cắm mốc 3 loại rừng

1. Căn cứ Quyết định phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng thực hiện xác định ranh giới 3 loại rừng theo quy định tại Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung xác định ranh giới, quy cách mốc giới thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3013/1997/QĐ-BNN&PTNT ngày 20/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ đóng cọc mốc ở những nơi ranh giới chưa rõ ràng, dễ xảy ra tranh chấp.

2. Ngân sách nhà nước đầu tư cho các chủ rừng nhà nước để đóng cọc mốc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2012.

2. Các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn áp dụng tại Thông tư này, khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế theo quy định hiện hành của Nhà nước thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Các Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL;
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 51/2012/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Quyết định 57/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 51/2012/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/10/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: 01/11/2012
  • Số công báo: Từ số 643 đến số 644
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 16/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản