Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-TBXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1985

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 48-TBXH NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 236-HĐBT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 1985

Ngày 18-9-1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 236-HĐBT bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội,
Căn cứ vào Điều 31 của Nghị định, Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như sau:

VỀ LƯƠNG HƯU

A. ĐIỀU KIỆN NGHỈ HƯU

Điều 1 và Điều 2 của Nghị định số 236-HĐBT quy định và các điều kiện nghỉ hưu; dưới đây nói rõ về những điều kiện đó:

I. TUỔI NGHỈ HƯU CỦA CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC

1. Trường hợp có đủ thời gian công tác quy định tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT, trong đó có đủ 15 năm làm công việc độc hại nặng nhọc, hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng khó khăn gian khổ thì nam có thể được nghỉ hưu ở tuổi 55 và nữ ở tuổi 50 (giảm 5 tuổi đời).

Nếu có đủ thời gian công tác, trong đó có đủ 20 năm làm công việc đặc biệt độc hại, nặng nhọc hoặc có đủ 20 năm làm việc ở vùng có nhiều khó khăn, gian khổ thì nam có thể được nghỉ hưu ở tuổi 50 và nữ ở tuổi 45 (giảm 10 tuổi đời).

Công việc độc hại nặng nhọc và công việc đặc biệt độc hại, nặng nhọc thực hiện theo quy định của Bộ Lao động.

Vùng khó khăn, gian khổ là những vùng có phụ cấp khu vực 20%; vùng có nhiều khó khăn, gian khổ là vùng có phụ cấp khu vực 25% hoặc có phụ cấp chiến đấu từ 10% đến 20% theo các quy định ban hành kèm theo Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương, hoặc ở các đảo xa nói trong Thông tư số 16-TBXH của Bộ thương binh và xã hội ngày 14-5-1981.

2. Nam và nữ công nhân, viên chức có đủ thời gian công tác nói tại Điều 1 của Nghị định 236-HĐBT bị mất sức lao động từ 61% trở lên vì bị thương, bị tai nạn hoặc vì ốm đau thì tuy chưa đủ điều kiện về tuổi đời cũng được nghỉ hưu.

II. TUỔI NGHỈ HƯU CỦA QUÂN NHÂN

1. Trường hợp có đủ điều kiện về thời gian công tác theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT trong đó có 15 năm ở chiến trường, ở vùng khó khăn, gian khổ hoặc có 15 năm làm việc độc hại, nặng nhọc trong các đơn vị quân đội, trong xây dựng công trình quốc phòng, trong sản xuất công nghiệp quốc phòng (quy định tại Thông tư số 111-QP ngày 19-4-1965 của Bộ Quốc phòng) thì nam có thể được nghỉ hưu ở tuổi 50, nữ ở tuổi 45 (giảm 5 tuổi đời).

2. Nam và nữ quân nhân có đủ thời gian công tác nói tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT, bị giảm sút sức khoẻ vì bị thương, hoặc vì ốm đau thì tuy chưa đủ điều kiện về tuổi đời cũng được nghỉ hưu.

III. VỀ THỜI GIAN CÔNG TÁC

1. Điều kiện về thời gian công tác (trước đây gọi là thời gian công tác liên tục) để được nghỉ hưu nói tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT và trong Thông tư này là thời gian công tác đã được tính theo hệ số, là điều kiện nghỉ hưu, là cơ sở tính lương hưu và trợ cấp 1 lần khi mới nghỉ hưu.

2. Nhằm ưu đãi những người có thời gian chiến đấu và lao động qua các thời kỳ kháng chiến, trong những ngành nghề độc hại, nặng nhọc, ở những địa bàn có chiến sự và những vùng xa xôi hẻo lánh có nhiều khó khăn, gian khổ, thời gian công tác trong những điều kiện nói trên được tính theo hệ số như sau:

a. 1 năm thực tế công tác được tính thêm 6 tháng (thành 18 tháng. Nói cách khác: có 8 tháng thực tế công tác được tính thành 1 năm). Hệ số này được dùng để tính thời gian công tác cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; trong những thời gian chiến đấu ở các chiến trường; trong những thời gian lao động trong các ngành nghề đặc biệt độc hại, nặng nhọc, theo danh mục ngành nghề được quy định tại Thông tư số 111-QP ngày 19-4-1965 của Bộ Quốc phòng; trong những thời gian làm nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu tại những địa bàn có phụ cấp chiến đấu từ 10% đến 20% hoặc hoạt động ở những vùng xa xôi hẻo lánh có nhiều khó khăn, gian khổ, có phụ cấp khu vực 25%.

Hệ số này cũng được dùng để tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức Nhà nước có thời gian hoạt động trong kháng chiến chống Pháp; ở các chiến trường miền Nam, Lào, Căm-pu-chia trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ tháng 7-1954 đến hết tháng 4-1975; làm nhiệm vụ ở biên giới Tây nam từ tháng 5-1975 đến hết năm 1978 và ở biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 trở đi; làm việc trong những ngành nghề được xếp vào loại đặc biệt độc hại, nặng nhọc trong các thang bảng lương mới ban hành hoặc được xếp trong danh mục ngành nghề loại V trong bảng phân loại lao động do Bộ Lao động công bố kèm theo Quyết định số 278-LĐ-QĐ ngày 13-11-1976; làm nhiệm vụ ở những vùng xa xôi hẻo lánh có nhiều khó khăn gian khổ có phụ cấp khu vực 25% hoặc có phụ cấp chiến đấu từ 10 đến 20% theo các quy định mới ban hành kèm theo Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 về cải tiến chế độ tiền lương.

Hệ số này cũng được dùng để tính thời gian công tác của công nhân, viên chức, quân nhân được cử đi hoạt động và làm chuyên gia ở Lào và Căm-pu-chia trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

b. 1 năm thực tế công tác được tính thêm 4 tháng (thành 16 tháng. Nói cách khác: có 9 tháng thực tế công tác được tính thành 1 năm).

Hệ số này được dùng để tính thời gian công tác cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang trong những thời gian phục vụ trong quân ngũ.

Hệ số này cũng được dùng để tính thời gian công tác cho công nhân, viên chức Nhà nước có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ tại các vùng thường xuyên có chiến sự ở miền Bắc được quy định tại Thông tư số 39-BT ngày 21-4-1982 của Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích chống Mỹ cứu nước (cụ thể là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và khu Vĩnh Linh tính từ ngày 5-8-1964 đến ngày 28-1-1973); làm việc trong những ngành nghề độc hại được xếp trong các thang bảng lương mới ban hành hoặc các ngành nghề được xếp trong danh mục ngành nghề loại IV theo quy định của Bộ Lao động; làm nhiệm vụ ở những vùng có phụ cấp khu vực 20%.

c. 1 năm thực tế công tác được tính thêm 2 tháng (thành 14 tháng. Nói cách khác: có 11 tháng thực tế công tác được tính thành 1 năm).

Hệ số này được dùng để tính thời gian công tác cho những công nhân, viên chức Nhà nước có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc; làm nhiệm vụ ở những vùng có phụ cấp khu vực 15%.

d. Nếu không có các điều kiện đặc biệt về chiến đấu và lao động nói ở trên, thì thời gian công tác vẫn theo thông thường: 1 năm là 12 tháng.

3. Những cán bộ có thời gian hoạt động từ tháng 1-1945 đến ngày khởi nghĩa, chưa được xếp vào diện cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 để được hưởng trợ cấp ưu đãi, được lấy quãng thời gian này để tính vào thời gian công tác. Có từ 1 đến 8 tháng hoạt động trong thời gian này đều được tính là có 1 năm công tác.

B. LƯƠNG HƯU

Căn cứ vào Điều 3 của Nghị định số 236-HĐBT và căn cứ vào những quy định còn hiệu lực thi hành, thì từ 1-9-1985 trở đi, lương hưu và các khoản trợ cấp khác của công nhân, viên chức và quân nhân nghỉ hưu được tính như sau:

1. Lương hưu hàng tháng:

Cơ sở để tính lương hưu hàng tháng là lương chính và phụ cấp thâm niên (nếu có), ở tháng cuối cùng trước khi về hưu.

a. Trường hợp do sức khoẻ giảm sút hoặc do yêu cầu công tác phải chuyển sang làm công việc khác hưởng lương thấp hơn mức cũ thì được lấy mức lương cao nhất đã hưởng trong vòng 10 năm trước khi nghỉ hưu (theo quy định của Điều lệ tạm thời về chế độ bảo hiểm xã hội ban hành năm 1962),

b. Phụ cấp thâm niên gồm thâm niên đặc biệt và thâm niên vượt khung quy định tại điểm 3, điểm 4 - Điều 5 - Nghị định số 235-HĐBT.

Những người khi về nghỉ hưu không có phụ cấp thâm niên, nhưng trước đó trong quy trình công tác đã có thời kỳ làm việc trong một ngành nghề có quy định được hưởng phụ cấp thâm niên, và bản thân đã có phụ cấp thâm niên, thì nay được lấy phụ cấp thâm niên cũ đã hưởng chuyển đổi sang mức mới (giữ nguyên tỷ lệ đã hưởng, còn lương thì chuyển đổi sang mức mới ở cùng thang bậc) và cộng với lương chính hiện nay để làm cơ sở tính lương hưu.

2. Trợ cấp một lần khi mới nghỉ hưu:

Sau thời gian nghỉ hưởng nguyên lương, tất cả công nhân, viên chức và quân nhân (kể cả những người đã công tác ở nước ngoài) khi mới nghỉ hưu được hưởng khoản trợ cấp một lần tính trên tiền lương chính cộng với tất cả các khoản phụ cấp đang hưởng:

- Có đủ 25 năm công tác được trợ cấp 2 tháng - Có đủ 30 năm công tác được trợ cấp 3 tháng

- Có 35 năm công tác trở lên được trợ cấp 4 tháng.

3. Các phụ cấp khác ngoài lương hưu:

Ngoài lương hưu, các cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945, các Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động về nghỉ hưu, nghỉ mất sức còn được hưởng phụ cấp ưu đãi quy định tại Điều 4 của Nghị định.

Trường hợp vừa là Anh hùng vừa là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 thì được hưởng cả hai khoản phụ cấp ưu đãi.

C. TÍNH LẠI LƯƠNG HƯU HÀNG THÁNG ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐÃ VỀ NGHỈ HƯU TRƯỚC NGÀY 1-9-1985.

Điều 5 của Nghị định quy định công nhân, viên chức và quân nhân đã nghỉ hưu trước ngày 1-9-1985 được tính lại lương hưu hàng tháng, dưới đây nói cụ thể cách thực hiện:

1. Cơ sở để tính lại lương hưu:

a. Lấy mức lương chính của công nhân, viên chức và quân nhân đã được dùng làm cơ sở để tính "trợ cấp hưu trí" khi nghỉ hưu, chuyển đổi sang mức lương mới cùng thang bậc theo một văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Thương binh và xã hội.

Lấy mức lương mới cộng với phụ cấp thâm niên (nếu có, và đã nói rõ tại Mục B, Điều 1, điểm b của Thông tư này) để làm cơ sở tính lại lương hưu.

b. Công nhân, viên chức nghỉ hưu đang còn hưởng khoản phụ cấp chuyển ngành theo Quyết định số 178-CP ngày số 20-7-1974 và quân nhân nghỉ hưu đang hưởng khoản phụ cấp thâm niên được quy định tại Quyết định số 21-HĐBT ngày 8-8-1981 nay không hưởng nữa, mà được cộng phụ cấp thâm niên vào lương chính để tính lương hưu.

2. Tính lại lương hưu của người nghỉ hưu trước đây hưởng "trợ cấp hưu trí" bằng một khoản tiền ấn định (thuộc diện thi hành theo Thông tư số 11-NV ngày 20-9-1966 của Bộ Nội Vụ, nay là Bộ Thương binh và xã hội) thì Giám đốc Sở Thương binh và xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương ấn định lại khoản lương hưu mới tương ứng; thấp nhất cũng bằng 132 đồng, cao nhất không quá lương trung bình. Khoản này tính vào ngân sách Trung ương.

3. Việc tính lại tỷ lệ phần trăm (%) đối với trường hợp xét có lợi cho cán bộ:

Công nhân, viên chức và quân nhân đã nghỉ hưu trước ngày 1-9-1985, nếu có đủ căn cứ để tính đổi thời gian công tác theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 236-HĐBT thì được tính lại mức tỷ lệ phần trăm (%) như quy định tại Điều 3 của Nghị định. Nếu tính lại mà thấp hơn mức tỷ lệ phần trăm (%) đã hưởng trước đây thì được giữ mức tỷ lệ phần trăm (%) cũ để tính lương hưu trên cơ sở lương được chuyển đổi sang mức mới cùng thang bậc.

4. Việc giải quyết những khoản phụ cấp khác ngoài lương hưu:

Trường hợp công nhân, viên chức và quân nhân nghỉ hưu có hưởng các khoản phụ cấp khác (như phụ cấp thương tật, phụ cấp vì mắc bệnh nghề nghiệp, phụ cấp vì có hành động dũng cảm mà bị thương) thì được giải quyết theo quy định đối với thương binh và người bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp. Riêng khoản phụ cấp cho người nghỉ hưu là thương binh hạng 1 mà cần có người phục vụ trong sinh hoạt thì được tiếp tục thực hiện theo mức trợ cấp mới.

TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT

I. VIỆC ĐỊNH LẠI CÁC HẠNG THƯƠNG TẬT

1. Điều 6 của Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định thương binh được xếp thương tật theo 4 hạng.

Tiêu chuẩn của 4 hạng thương tật theo quy định cụ thể của Bộ Y tế và Bộ Thương binh và xã hội.

2. Tiêu chuẩn thương tật 4 hạng thay thế cho hai loại tiêu chuẩn 6 hạng và 8 hạng trước đây và được áp dụng thống nhất cho tất cả thương binh của các thời kỳ.

II. TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT

1. Với thương binh ở diện hưởng lương, mức trợ cấp và căn cứ để tính trợ cấp đã được quy định rõ tại Điều 7 của Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Với thương binh ở diện hưởng sinh hoạt phí, Điều 7 của Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng quy định trợ cấp được tính trên mức ấn định là 250 đồng; trên cơ sở đó, mức cụ thể xem phụ lục số 1.

Trường hợp đặc biệt có mức sinh hoạt phí cao hơn 250 đồng thì được lấy mức đó làm cơ sở tính trợ cấp thương tật (điều này áp dụng cho cả trường hợp tính trợ cấp bệnh binh và trợ cấp quân nhân phục viên).

3. Những trường hợp bị thương nhẹ, có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 20%, được trợ cấp một lần như quy định tại Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân ban hành bằng Nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964, Nghị định số 08/NĐ-76 của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ngày 17-6-1976 và Thông tư liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ số 104-LB-QP ngày 12-4-1965. Cụ thể, tuỳ theo tỷ lệ mất sức lao động, thương binh loại A và thương binh loại B được trợ cấp một lần một khoản tiền bằng từ 1 đến 3 tháng lương chính khi bị thương cộng với phụ cấp thâm niên (nếu có); xem phụ lục số 2.

Người không có lương được lấy mức ấn định 250 đồng làm cơ sở tính trợ cấp.

III. MỘT SỐ PHỤ CẤP NGOÀI TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT

Về Điều 8 của Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng nay hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Thương binh hạng 1 được nuôi dưỡng ở gia đình, phường, xã, ngoài trợ cấp thương tật hàng tháng còn được phụ cấp thêm khoản tiền 70 đồng cho người phục vụ. Khoản tiền này thay cho khoản phụ cấp hàng tháng cho người phục vụ quy định tại Thông tư số 24-TBXH ngày 19-3-1984 của Bộ Thương binh và xã hội.

2. Thương binh hạng 1 được nuôi dưỡng ở gia đình, phường, xã được cấp một lần một khoản tiền để mua sắm những phương tiện sinh hoạt cần thiết. Khoản tiền này được tính theo giá trị một số vật dụng được quy định như sau: 1 giường đôi, và 1 tủ con để đầu giường bằng loại gỗ nhóm 4, 1 màn đôi sợi bông, 1 chiếu đôi, 1 chậu rửa mặt bằng sắt tráng men hoặc nhựa, 1 bộ ấm chén trà nội địa.

Những vật dụng nói trên tính theo giá của từng địa phương trong từng thời gian, nhiều nhất không vượt quá số tiền ấn định tạm thời là 1.500 đồng.

3. Thương binh có hành động dũng cảm mà bị thương, khi về gia đình được phụ cấp ưu đãi một lần bằng:

- 2 tháng lương, gồm lương chính và phụ cấp thâm niên (nếu có) khi bị thương.

- 500 đồng nếu thương binh thuộc diện hưởng sinh hoạt phí khi bị thương.

Quy định trên đây của Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng thay cho quy định phụ cấp ưu đãi nói ở Điều 15 Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964 và ở điểm 3, Điều 4, Nghị định số 08-NĐ-76 ngày 17-6-1976.

- Những thương binh có hành động dũng cảm mà bị thương đã được xác nhận trước đây, đã về gia đình (kể cả thương binh hưởng lương hưu hoặc hưởng chế độ bệnh binh, chế độ trợ cấp mất sức lao động) thì kể từ ngày ban hành Nghị định số 236-HĐBT thôi không hưởng trợ cấp hàng tháng và chuyển sang hưởng phụ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

4. Thực hiện việc chăm sóc chung đời sống các thương binh, nếu có thương binh hạng 4 về gia đình cư trú ở thành phố, thị xã gặp nhiều khó khăn về sinh sống hoặc gặp khó khăn đột xuất thì Giám đốc Sở Thương binh và xã hội xem xét cụ thể từng trường hợp, có thể quyết định trợ cấp khó khăn một lần hoặc nhiều lần với mức từ 20 đến 30 đồng một tháng cho một người.

IV. TÍNH LẠI TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT CHO NHỮNG THƯƠNG BINH ĐÃ ĐƯỢC XÁC NHẬN TRƯỚC NGÀY 1-9-1985

Theo Điều 9 của Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thương binh đã được xác nhận trước ngày Nghị định có hiệu lực thì chuyển sang xếp hạng thương tật theo quy định ở Điều 6 và căn cứ vào mức lương cũ khi bị thương chuyển đổi sang mức lương mới cùng thang bậc lương để tính lại trợ cấp thương tật.

Nay hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Hai Bộ Y tế - Thương binh và Xã hội đã thống nhất ý kiến về việc xếp lại 8 hạng và 6 hạng thương tật trước đây sang 4 hạng như sau:

a. Các hạng 8/8, 7/8, đặc biệt/6 và 1/6 cũ được chuyển sang xếp hạng 1 mới.

b. Các hạng 6/8, 5/8 và 2/6 được chuyển sang xếp hạng 2 mới c. Các hạng 4/8, 3/8 và 3/6 được chuyển sang xếp hạng 3 mới

d. Các hạng 2/8, 1/8, 4/6 và 5/6 được chuyển sang xếp hạng 4 mới.

Riêng với các thương binh hạng 6/8 đang hưởng chế độ nuôi dưỡng tại trại hay tại gia đình nay xếp hạng 2 vẫn giữ các chế độ đang hưởng.

2. Việc chuyển đổi mức lương và tính lại trợ cấp thương tật được thực hiện như sau:

a. Đối với những thương binh hưởng lương thì căn cứ vào mức lương cũ khi bị thương chuyển đổi sang mức lương mới ở cùng thang bậc lương cộng với phụ cấp thâm niên (nếu có) để tính lại trợ cấp thương tật theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và theo hướng dẫn nói tại mục II, chương nói về trợ cấp thương tật của Thông tư này.

b. Đối với thương binh chống Pháp khi bị thương là cán bộ từ trung đội trưởng trở lên, trước đây hưởng trợ cấp thương tật như thương binh thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì nay được căn cứ vào chức vụ khi bị thương chuyển đổi sang mức lương mới của cấp quân hàm tương đương (xem phụ lục số 3) để tính lại trợ cấp thương tật.

c. Đối với thương binh thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì được tính lại trợ cấp thương tật trên mức lương thống nhất là 250 đồng.

3. Những thương binh trước đây đã được xếp hạng 6/8 nếu về gia đình đã hưởng khoản phụ cấp hàng tháng 80 đ (tiền cũ) vì cần người phục vụ (theo Thông tư 24-TBXH ngày 19-3-1984) nay được cấp hàng tháng với mức 70 đồng (tiền mới).

4. Đối với những người bị thương trước ngày 1-9-1985 nhưng sau ngày đó mới giám định thương tật và được xác nhận là thương binh, cách tính trợ cấp như sau:

a. Khoảng thời gian trước ngày 1-9-1985: được xếp theo tiêu chuẩn 8 hạng; trợ cấp áp dụng theo chế độ và cách tính toán đang thực hiện trước khi ban hành Nghị định số 236-HĐBT.

b. Khoảng thời gian từ 1-9-1985 trở về sau được trợ cấp theo quy định mới: Căn cứ vào tỷ lệ mất sức lao động do thương tật, xếp theo 4 hạng thương tật và tính trợ cấp theo chế độ mới, được quy định tại Điều 7 của Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

5. Những quy định về tiêu chuẩn thương tật, chuyển hạng thương tật, trợ cấp thương tật, phụ cấp vì cần người phục vụ... đối với thương binh, được áp dụng thống nhất đối với những người hưởng chính sách như thương binh.

Thanh niên xung phong bị thương trong tập luyện quân sự, bị thương vì tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh được xếp hạng thương tật và hưởng trợ cấp thương tật như thương binh loại B (theo quy định của Thông tư số 26-TTg-CN ngày 27-2-1968 của Thủ tướng Chính phủ).

6. Quân nhân dự bị, dân quân tự vệ không phải là công nhân, viên chức Nhà nước bị thương trong tập luyện quân sự quy định ở điểm 2 Điều 61 Điều lệ tạm thời về chế độ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964 và ở Điều 13 Nghị định số 8/NĐ-76 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ngày 17-6-1976, nay được áp dụng tiêu chuẩn thương tật 4 hạng và được trợ cấp thương tật như sau:

+ Được trợ cấp hàng tháng:

- Hạng 1: 176 đồng - Hạng 2: 121 đồng

+ Được trợ cấp một lần:

- Hạng 3: 900 đồng - Hạng 4: 450 đồng

V. VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ NHU CẦU VỀ SINH HOẠT CỦA THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, DO ĐIỀU KIỆN ĐẶC BIỆT CỦA THƯƠNG TẬT VÀ BỆNH LÝ ĐẶT RA.

1. Những thương binh, bệnh binh theo chỉ định của Y tế phục hồi được cấp những dụng cụ, phương tiện để bảo đảm các yêu cầu riêng biệt về sinh hoạt phù hợp với đặc điểm thương tật và bệnh lý.

Đối tượng được cấp, danh mục và niên hạn sử dụng các dụng cụ, phương tiện nói trên sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.

2. Thương binh được cấp tiền tầu, xe trong những trường hợp sau đây:

- Đi khám, chữa bệnh.

- Đi làm chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình.

- Đi giám định lại vết thương tái phát hoặc tạm thời; thương binh đi giám định lại thương tật theo giấy giới thiệu của Sở Thương binh và Xã hội. - Thương binh đang an dưỡng ở các khu điều dưỡng đi phép về thăm gia đình.

- Thương binh hạng 1 về an dưỡng tại gia đình có nhiệm vụ về lại các khu điều dưỡng thương binh. Chi phí về các khoản tầu, xe này do ngân sách ngành thương binh và xã hội đài thọ.

TRỢ CẤP ĐỐI VỚI BỆNH BINH VÀ QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN

A. BỆNH BINH

I. ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG TRỢ CẤP BỆNH BINH

Điều 11 Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định đối tượng được hưởng chế độ bệnh binh và cách xếp hạng bệnh binh.

Nay hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Đối tượng được xác nhận là bệnh binh gồm:

- Những cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân

- Những cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an nhân dân (kể từ 1-1-1975 trở đi) đã mất sức lao động từ 41% trở lên, được cấp có thẩm quyền quyết định cho nghỉ việc về sinh sống ở gia đình.

2. Điều kiện về thời gian phục vụ trong quân đội nhân dân, trong Công an nhân dân và về mất sức lao động, để được xác nhận là bệnh binh, vẫn thực hiện theo các quy định đã có: Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định số 161-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 30-10-1964, Nghị định 111B-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 20-7-1967; Nghị định 10-NĐ-76 ngày 18-6-1976; Quyết định số 78-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 13-4-1978; Quyết định số 301-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 20-9-1980...

3. Bệnh binh được xếp theo 3 hạng như sau:

Hạng 1: mất từ 81% đến 100% sức lao động

Hạng 2: mất từ 61% đến 80% sức lao động Hạng 3: mất từ 41% đến 60% sức lao động

Tỷ lệ mất sức lao động do bệnh tật được thực hiện theo bảng tiêu chuẩn phân hạng mất sức lao động do Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 32-BYT ngày 23-8-1976.

II. MỨC TRỢ CẤP ĐỐI VỚI BỆNH BINH

1. Điều 22 Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định bệnh binh được hưởng trợ cấp hàng tháng như mức trợ cấp của thương binh loại B khi về gia đình có cùng hạng mất sức lao động; mức trợ cấp cụ thể xem phụ lục số 4.

2. Bệnh binh hạng 1 được nuôi dưỡng ở gia đình, nếu bệnh trạng đến mức cần có người phục vụ thường xuyên thì hàng tháng được phụ cấp thêm khoản tiền 70 đ cho người phục vụ. Việc xét bệnh binh nào cần người phục vụ do Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, thành phố đề nghị và cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Bệnh binh đồng thời là thương binh được hưởng một trong hai khoản trợ cấp (trợ cấp bệnh binh, trợ cấp thương binh) và được hưởng các quyền lợi ưu đãi khác quy định đối với thương binh.

III. VIỆC TÍNH LẠI TRỢ CẤP ĐỐI VỚI BỆNH BINH ĐÃ ĐƯỢC XÁC NHẬN TRƯỚC NGÀY 1-9-1985

1. Những quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động theo Nghị định số 500/NĐ-LB của Liên Bộ Cứu tế xã hội - Tài chính - Bộ Quốc phòng ngày 12-11-1958 và Nghị định số 523-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6-12-1958; theo Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân ban hành theo Nghị định số 161-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 30-10-1964; theo Nghị định số 10-NĐ-76 ngày 18-6-1976; và quân nhân được hưởng chế độ bệnh binh theo Quyết định số 78-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 13-4-1978 nay thống nhất gọi là bệnh binh và được hưởng chế độ đối với bệnh binh quy định trong Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Đối với những người trên, nay được căn cứ tỷ lệ mất sức lao động ghi trong biên bản giám định y khoa gốc (giám định lần đầu) lưu trong hồ sơ để chuyển xếp theo 3 hạng bệnh binh nói ở Điều 3 phần I và được căn cứ vào mức lương cũ chuyển đổi sang mức lương mới ở cùng thang bậc để tính lại trợ cấp bệnh binh theo mức trợ cấp nói ở Điều 1 phần II.

Bệnh binh hưởng sinh hoạt phí được lấy mức ấn định 250 đồng để tính lại trợ cấp.

IV. VIỆC GIÁM ĐỊNH LẠI SỨC LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI BỆNH BINH

1. Hai năm một lần, bệnh binh được giám định lại sức lao động tại Hội đồng Giám định y khoa.

Căn cứ vào kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, Giám đốc Sở Thương binh và xã hội sẽ quyết định việc ngừng hoặc để tiếp tục hưởng trợ cấp bệnh binh. Nếu sau giám định lại, tỷ lệ mất sức lao động chỉ còn ở mức 40% trở xuống thì thôi hưởng trợ cấp bệnh binh. Trong trường hợp này, đối với bệnh binh hạng 2 khi rời quân đội chưa được nhận trợ cấp phục viên thì khi thôi hưởng trợ cấp bệnh binh được nhận khoản trợ cấp phục viên nói tại mục B dưới đây:

2. Những trường hợp được miễn việc giám định lại sức lao động:

a. Những bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên.

b. Bệnh binh đồng thời là thương binh có thương tật được xếp hạng từ hạng 3 trở lên.

c. Những bệnh binh nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên.

d. Sau 2 lần giám định, sức khoẻ vẫn chưa hồi phục.

B. QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN

1. Chế độ trợ cấp đối với quân nhân phục viên được quy định tại Điều 13 của Nghị định số 236-HĐBT thay thế cho chế độ trợ cấp đối với quân nhân phục viên quy định tại Quyết định số 178-CP ngày 20-7-1974 và Nghị định số 09-NĐ-76 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ngày 18-6-1976.

Việc thực hiện chế độ đối với những quân nhân phục viên từ ngày 1-9-1985 trở đi sẽ tiến hành theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

2. Đối với quân nhân đã phục viên trước đây còn đang hưởng trợ cấp hàng tháng, nay được hưởng như sau:

a. Được căn cứ vào mức lương cũ khi phục viên chuyển đổi sang mức lương mới cùng thang bậc lương để tính trợ cấp cho thời gian còn lại; quân nhân hưởng sinh hoạt phí thì được tính trợ cấp theo mức ấn định 250đ00.

Thời gian phục vụ trong quân đội cũng được tính theo hệ số như quy định đối với người về hưu.

b. Được tính lại trợ cấp như sau: cứ mỗi năm của thời gian còn lại chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng thì được trợ cấp 1 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có) và được nhận hết một lần.

c. Đối với quân nhân nhập ngũ trước ngày 20-7-1954 đã phục viên, đang hưởng trợ cấp hàng tháng, nay được áp dụng chế độ mới theo như hướng dẫn tại điểm a và b nói trên.

Trong số người trên, nếu ai đủ điều kiện nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 236-HĐBT, thì được chuyển sang hưởng lương hưu do Giám đốc Sở Thương binh và xã hội ra quyết định. Những người được chuyển sang hưởng lương hưu không hưởng khoản trợ cấp phục viên nói ở điểm b và khoản trợ cấp một lần khi về hưu nói ở Điều 2, Mục B, Chương nói về lương hưu.

d. Những quân nhân đang hưởng chế độ phục viên theo những điều kiện quy định tại Quyết định số 281-CP ngày 1-9-1980 của Hội đồng Chính phủ, nay cũng hưởng trợ cấp theo chế độ mới; được coi như có đủ 5 năm phục vụ trong quân đội để tính lại trợ cấp theo như hướng dẫn ở điểm b nói trên.

TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NGHỈ HƯU VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG

A. ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TRỢ CẤP VÀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP MẤT SỨC LAO ĐỘNG

I. ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TRỢ CẤP

Kể từ ngày 1-9-1985 trở đi, công nhân, viên chức (bao gồm cả công nhân quốc phòng, công nhân ngành Công an) nghỉ việc hưởng trợ cấp mất sức lao động phải có đủ điều kiện đã được quy định tại Điều 14 của Nghị định; dưới đây nói cụ thể thêm như sau:

1. Nếu công nhân, viên chức về nghỉ việc vì ốm đau hoặc vì tai nạn thì nhất thiết phải qua Hội đồng giám định y khoa giám định sức lao động; Nếu về nghỉ việc do hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) thì không phải qua giám định.

2. Những công nhân, viên chức vì ốm đau đã nghỉ việc trước ngày có chính sách bảo hiểm xã hội (thuộc diện thi hành Thông tư số 11-NV ngày 20-9-1966 của Bộ Nội vụ, nay là Bộ Thương binh và xã hội; và thuộc diện thi hành Nghị định số 10-NĐ-76 ngày 18-6-1976 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), nếu có đủ 15 năm công tác (tính theo hệ số) và được Hội đồng giám định y khoa xác nhận mất sức lao động từ 61% trở lên, thì nay cũng được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động theo Điều 14 Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

II. TRỢ CẤP MẤT SỨC LAO ĐỘNG HÀNG THÁNG

1. Những công nhân, viên chức có đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thì ngoài tiền trợ cấp hàng tháng tính theo quy định ở Điều 14 của Nghị định, khi về nghỉ việc còn được trợ cấp một lần một khoản tiền bằng 1 tháng lương và các khoản phụ cấp lương, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp khu vực (nếu có).

2. Công nhân, viên chức về nghỉ việc vì mất sức lao động là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thì trợ cấp hàng tháng được cộng thêm khoản phụ cấp ưu đãi tính bằng 5% tiền lương và phụ cấp thâm niên (nếu có).

III. TRỢ CẤP MỘT LẦN

Công nhân, viên chức vì mất sức lao động hoặc hết tuổi lao động được nghỉ việc nhưng chưa có đủ 15 năm công tác thì trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 14 Nghị định 2 số 36-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ. Về cách tính trợ cấp: cứ mỗi năm công tác (tính theo hệ số) được trợ cấp bằng 1 tháng lương chính cộng với tất cả các khoản phụ cấp đang hưởng (nếu có) phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp khu vực (nếu có). Trường hợp thời gian công tác có tháng lẻ, thì từ 1 đến 6 tháng tính thêm 1/2 tháng lương; có từ 7 tháng đến tròn 12 tháng tính thêm 1 tháng lương chính và các khoản phụ cấp đang hưởng (nếu có).

B. CHẾ ĐỘ GIÁM ĐỊNH LẠI SỨC LAO ĐỘNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐÃ HỒI PHỤC SỨC LAO ĐỘNG

I. CHẾ ĐỘ GIÁM ĐỊNH LẠI SỨC LAO ĐỘNG

Công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động hưởng trợ cấp hàng tháng, còn trong độ tuổi lao động thì kể từ ngày về nghỉ việc, cứ 2 năm giám định lại sức lao động 1 lần theo đúng quy định ở Điều 15 của Nghị định. Chứng nhận của Hội đồng giám định y khoa về sức lao động là cơ sở để cơ quan thương binh và xã hội xét trợ cấp tiếp hay thôi trợ cấp. Nếu đến thời hạn mà người đang hưởng trợ cấp không đi giám định lại sức lao động, cơ quan Thương binh và xã hội thông báo đến lần thứ 3 mà người đó vẫn không thực hiện việc giám định mà không có lý do chính đáng thì không được nhận trợ cấp tiếp.

Riêng những người dưới đây thì không yêu cầu giám định lại sức lao động:

a. Những người đã mất sức lao động từ 81% trở lên.

b. Là thương binh hoặc hưởng chính sách như thương binh từ hạng 3 trở lên.

c. Khi về nghỉ mất sức hoặc đến thời hạn khám nhưng nam đã 50 tuổi, nữ đã 45 tuổi.

d. Những người đã qua giám định 2 lần mà sức lao động vẫn không hồi phục.

Trường hợp có yêu cầu của người hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc có yêu cầu của chính quyền địa phương thì Giám đốc Sở Thương binh và xã hội xem xét và quyết định.

II. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐÃ PHỤC HỒI SỨC LAO ĐỘNG

Những người được Hội đồng giám định y khoa xác nhận đã phục hồi sức lao động (sức lao động giảm không quá 60%) thì thôi trợ cấp hàng tháng như quy định ở Điều 16 của Nghị định và giải quyết như sau:

1. Sở Thương binh và xã hội thông báo cho cơ quan, xí nghiệp cũ biết để sắp xếp việc làm cho người đã phục hồi sức lao động. Nếu cơ quan, xí nghiệp cũ không tiếp nhận lại làm việc và cơ quan, xí nghiệp khác của Nhà nước cũng không tuyển dụng thì cơ quan, xí nghiệp cũ quyết định trợ cấp thôi việc cho người đã phục hồi sức lao động bằng ngân sách của mình. Trường hợp cơ quan, xí nghiệp cũ đã giải thể, thì cấp trên trực tiếp của cơ quan, xí nghiệp đó có trách nhiệm giải quyết.

Về cách tính trợ cấp thôi việc: lấy tổng số thời gian công tác của người công nhân, viên chức (tính theo hệ số) trừ đi số năm, tháng đã nhận trợ cấp, còn lại bao nhiêu thời gian, thì cứ mỗi năm còn lại, trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) mà người đó đã hưởng trước khi về nghỉ việc, chuyển đổi sang mức lương mới cùng thang bậc lương.

2. Những người đã hồi phục sức lao động, được cơ quan, xí nghiệp cũ bố trí làm việc lại nhưng không nhận việc thì không được hưởng khoản trợ cấp thôi việc nói trên.

C. ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐÃ VỀ NGHỈ VIỆC TRƯỚC NGÀY 1-9-1985

Công nhân, viên chức đã về nghỉ việc vì mất sức lao động trước ngày 1-9-1985 và đến nay còn đang hưởng trợ cấp hàng tháng thì giải quyết theo như quy định ở Điều 17 của Nghị định số 236-HĐBT; dưới đây hướng dẫn cụ thể:

1. Những người đã nói ở điểm a, b, c, d trong phần I mục B trên đây không thuộc diện giám định lại sức lao động. Những người trước đây về nghỉ không qua giám định, những người mà chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) phát hiện là khoẻ mạnh và cả những người chưa có đủ 15 năm công tác mà không thuộc diện nói ở các điểm a, b, c, d, thì đều phải giám định lại sức lao động để giải quyết theo đúng quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Những người sau khi đã được giám định lại sức lao động được xác nhận sức khoẻ không hồi phục và những người không thuộc diện phải giám định lại, nếu có đủ thời gian công tác tính theo hệ số đủ 30 năm (đối với nam) hoặc đủ 25 năm (đối với nữ) thì được chuyển sang hưởng lương hưu kể từ ngày 1-9-1985.

3. Những trường hợp tuy chưa có đủ 15 năm công tác nhưng thuộc diện sau đây thì Giám đốc Sở Thương binh và xã hội có thể xem xét cho tiếp tục hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 40% tiền lương và phụ cấp thâm niên (nếu có) theo Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng:

a. Những người được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, hoặc Anh hùng lao động.

b. Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh có thương tật từ hạng 4 trở lên; Những người được xếp hạng thương tật vì tai nạn lao động, vì bệnh nghề nghiệp từ hạng 3 trở lên.

c. Những người có xác nhận của Hội đồng giám định y khoa đã mất sức lao động từ 81% trở lên, những người đã có đủ 10 năm công tác thực tế và tính đến ngày 1-9-1985 đã hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).

d. Những người đã có 10 năm công tác thực tế, trong đó có đủ 3 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, hoặc có đủ 3 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam; hoặc có đủ 5 năm công tác ở Căm-pu-chia, ở Lào; hoặc có đủ 5 phục vụ trong lực lượng vũ trang; hoặc có đủ 5 năm làm các nghề đặc biệt độc hại, nặng nhọc, hay làm việc ở vùng có nhiều khó khăn gian khổ.

đ. Những người trước đây đã được Bộ Thương binh và xã hội xét cho hưởng lại trợ cấp mất sức hàng tháng.

TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐƯỢC TRỢ CẤP ƯU ĐÃI

1. Người có công giúp đỡ cách mạng được trợ cấp ưu đãi nói ở Điều 18 và Điều 19 của Nghị định số 236-HĐBT là những người dân đã được tặng thưởng kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" kèm theo bằng "Có công với nước", hoặc được tặng thưởng bằng "Có công với nước", hoặc đã được tặng thưởng "Huân chương kháng chiến".

Những người trước có công giúp đỡ cách mạng, sau đã trở thành cán bộ, công nhân, viên chức... thì không thuộc diện hưởng trợ cấp ưu đãi.

2. Trong một gia đình có công giúp đỡ cách mạng thì người đứng tên trong quyết định khen thưởng được trợ cấp ưu đãi, còn những người khác cũng có tên trong hồ sơ khen thưởng thì được chăm sóc và được giúp đỡ khi cần thiết.

3. Những người có công giúp đỡ cách mạng được chăm sóc về mặt tinh thần, khi có khó khăn về sinh sống được đặc biệt quan tâm giúp đỡ và khi hết tuổi lao động được nhận trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

II. MỨC TRỢ CẤP ƯU ĐÃI

Những người đã được xác nhận có công giúp đỡ cách mạng và có đủ điều kiện đã được hướng dẫn ở Điều I trên đây, được trợ cấp ưu đãi theo mức quy định ở Điều 18 của Nghị định kể từ ngày 1-9-1985.

Nếu khi già yếu, mất sức lao động mà gia đình không có điều kiện nuôi dưỡng thì được hưởng mức sinh hoạt phí nuôi dưỡng thống nhất theo như quy định ở Điều 19 của Nghị định. Trường hợp nuôi dưỡng ở cơ sở tập trung thì khoản sinh hoạt phí đó được chi về nuôi dưỡng bằng 70%, còn 30% dành cho người hưởng trợ cấp chi tiêu vào việc riêng.

CHI PHÍ CHÔN CẤT VÀ TRỢ CẤP VÌ MẤT NGƯỜI NUÔI DƯỠNG

I. CHI PHÍ CHÔN CẤT

Theo iĐều 20 của Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Thương binh và xã hội quy định cụ thể khoản tiền chôn cất như sau:

1. Khoản tiền về chôn cất được tính theo trị giá một số vật dụng và tiền chi phí sau đây: 1 áo quan bằng gỗ nhóm 6, 10m vải niệm (vải mộc trắng), bia mộ (bằng đá cỡ 20cmx30cm), tiền phóng ảnh cỡ 18x24cm, tiền thuê xe tang (nếu cần).

Theo tình hình giá cả của từng địa phương, Sở Thương binh và xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân quy định khoản tiền cụ thể, nhiều nhất không vượt số tiền ấn định chung cho cả nước là 1.200 đồng. Uỷ ban nhân dân có thể quyết định tăng thêm khoản tiền này đối với những trường hợp riêng biệt, và do ngân sách địa phương đài thọ.

2. Ngoài khoản tiền về chôn cất nói trên, gia đình có công nhân, viên chức hoặc quân nhân chết được cấp thêm một khoản tiền là 500 đồng để chi phí cho lễ tang theo yêu cầu riêng. Đối với những trường hợp chết được một thời gian sau mới báo tử và giải quyết quyền lợi cho gia đình, thì gia đình vẫn được hưởng khoản tiền này.

3. Những người nói dưới đây, khi chết cũng có chế độ chi phí chôn cất như đối với công nhân, viên chức và quân nhân còn tại chức chết:

- Những người chết được xác nhận là liệt sĩ.

- Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động không thoát ly công tác.

- Công nhân, viên chức và quân nhân đã về hưu, hoặc về nghỉ việc vì mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

- Thương binh chết vì vết thương cũ tái phát và thương binh hạng 1 và hạng 2 chết vì ốm đau, tai nạn.

- Bệnh binh hạng 1 và hạng 2.

- Công nhân, viên chức đã về nghỉ việc do tai nạn lao động hoặc do bệnh nghề nghiệp, thương tật hạng 1 và hạng 2.

- Những người làm việc theo chế độ hợp đồng chết do tai nạn lao động, hoặc dân quân tự vệ, quân nhân dự bị chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự nhưng không được xác nhận là liệt sĩ.

4. Chi phí về chôn cất đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 không phải là cán bộ trong biên chế cơ quan Nhà nước thực hiện theo chỉ thị riêng của Ban Tổ chức Trung ương.

II. TRỢ CẤP VÌ MẤT NGƯỜI NUÔI DƯỠNG

Dưới đây hướng dẫn một số điểm cụ thể về điều kiện và mức trợ cấp cho thân nhân khi công nhân, viên chức, và quân nhân chết theo quy định tại Điều 21 và 22 Nghị định số 236-HĐBT:

1. Những người thuộc diện đã nói ở điểm 3 mục I trên đây khi chết nếu có thân nhân đủ điều kiện đã được quy định thì được hưởng trợ cấp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 của Nghị định.

2. Về khoản tiền trợ cấp theo lương của người chết, nếu người chết đã hưởng chế độ tiền lương thì được lấy tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) làm cơ sở tính những tháng được hưởng nguyên lương và mức trợ cấp 20% cho những tháng tiếp sau. Người chết thuộc diện hưởng sinh hoạt phí hoặc những người không có lương thì cơ sở để tính trợ cấp như sau:

- Nếu là quân nhân từ trần hoặc được xác nhận là liệt sĩ thì lấy mức ấn định là 250 đồng.

- Nếu là quân nhân dự bị, tự vệ, dân quân không phải là công nhân, viên chức chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự; hoặc người làm hợp đồng công nhật chết do tai nạn lao động thì lấy mức ấn định là 220 đồng.

3. Những tháng mà thân nhân của người chết được nhận khoản trợ cấp ngang mức 1 tháng lương, hoặc bằng 20% tháng lương của người chết, theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 236-HĐBT thay cho khoản trợ cấp lần đầu và tiền tuất 1 lần theo các quy định trước đây.

4. Mức sinh hoạt phí cấp cho những thân nhân của người chết được nuôi dưỡng ở các cơ sở của Nhà nước nếu là ở cơ sở nuôi dưỡng tập trung thì 70% khoản sinh hoạt phí đó được chi về nuôi dưỡng, còn 30% dành cho người hưởng trợ cấp chi tiêu về các việc riêng.

5. Khi liệt sĩ hy sinh, vợ hoặc cha mẹ liệt sĩ chưa đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng, nhưng sau này khi có đủ điều kiện thì những người trên cũng được hưởng tiền tuất hàng tháng.

Công nhân, viên chức và quân nhân chết vì tai nạn lao động, chết vì ốm đau và tai nạn rủi ro, khi người đó chết, trong những thân nhân chủ yếu không có ai đủ điều kiện hưởng tiền tuất, thì trong khoảng thời gian ba năm từ lúc người đó chết, nếu có thâm niên nào đủ điều kiện sẽ được xác nhận để hưởng tiền tuất.

III. VIỆC TÍNH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI THÂN NHÂN NHỮNG NGƯỜI CHẾT TRƯỚC KHI BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

1. Những thân nhân liệt sĩ, thân nhân của công nhân, viên chức và quân nhân từ trần hiện đang hưởng tuất tháng, nếu xem lại vẫn có đủ điều kiện thì từ ngày 1-9-1985 trở đi được chuyển sang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Đối với những trường hợp chết từ trước ngày ban hành Nghị định số 236-HĐBT đến nay mới báo tử và giải quyết quyền lợi cho gia đình, thì từ ngày 1-9-1985, gia đình được hưởng các khoản trợ cấp quy định tại Điều 21 và Điều 22 của Nghị định số 236-HĐBT. Nếu có trường hợp được lĩnh lại khoản tiền tuất hàng tháng trong thời gian trước ngày 1-9-1985, thì khoản tiền này được tính theo chế độ trợ cấp áp dụng cho đến trước ngày Nghị định số 236-HĐBT có hiệu lực.

IV. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CŨ VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP TUẤT NAY CÒN HIỆU LỰC THỰC HIỆN

Một số quy định của Bộ Thương binh và xã hội về các vấn đề thực hiện trợ cấp tuất nói dưới đây, còn phù hợp với các quy định về chế độ trợ cấp vì mất người nuôi dưỡng ban hành tại Nghị định số 236-HĐBT, nên vẫn được tiếp tục thực hiện:

- Thông tư số 24-TBXH ngày 19-3-1984 thống nhất trợ cấp hàng tháng đối với thân nhân chủ yếu của các liệt sĩ thuộc các thời kỳ cách mạng và đối với các loại đối tượng.

- Thông tư số 17-TBXH ngày 7-11-1983 về trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của nhiều liệt sĩ.

- Thông tư số 31-TBXH ngày 20-6-1984 về trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ là công nhân, viên chức và quân nhân nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động hoặc là thương binh, bệnh binh.

TRỢ CẤP XÃ HỘI VÀ TRỢ CẤP CỨU TẾ

1. Trợ cấp xã hội được thực hiện đối với những công dân có nhiều khó khăn trong cuộc sống (thường xuyên hay đột xuất), nhằm hỗ trợ những điều kiện cần thiết với mức độ thích hợp, để những người này có thể duy trì được cuộc sống bình thường hàng ngày, không quá xa cách với mức sống của số đông nhân dân trong vùng.

Khi xem xét để giải quyết trợ cấp xã hội phải dành ưu tiên đối với những người đã có cống hiến cho xã hội nay nghỉ hưu, nghỉ việc với mức trợ cấp thấp và đối với thân nhân của họ khi những người này gặp khó khăn.

Cũng cần quan tâm đến những hộ dân có chồng, con đang phục vụ trong quân đội, đang làm nhiệm vụ ở tuyến một, và những hộ dân có người thân là công nhân, viên chức có mức thu nhập thấp và có điều kiện công tác khó khăn ít chăm lo được cho gia đình.

Những trẻ mồ côi, người già, người tàn tật không nơi nương tựa; những người dân lao động, xã viên các tổ chức kinh tế tập thể thu nhập thấp, gia đình nhiều miệng ăn, cuộc sống quá nghèo túng cũng cần được Nhà nước và xã hội giúp đỡ.

2. Điều 25 của Nghị định quy định mức sinh hoạt phí hàng tháng để nuôi dưỡng những người ở các cơ sở xã hội tập trung là 110 đồng nhằm giải quyết những nhu cầu thông thường về ăn, mặc và một ít trang bị sinh hoạt cá nhân. Trại cần tổ chức cho các trại viên trồng trọt, chăn nuôi và làm thêm một số nghề thủ công thích hợp để có thêm thu nhập bổ sung vào khẩu phần ăn.

Những chi phí về chăn màn, áo ấm và về các đồ dùng dài hạn, chi phí cho việc tổ chức các sinh hoạt văn hoá, tinh thần; chi phí về chữa bệnh tại đơn vị, về tổ chức cho các trẻ mồ côi nuôi trong trại học chữ, học nghề... do trại giải quyết bằng kinh phí sự nghiệp và vận động nhân dân, các đơn vị kinh tế tập thể, các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng tham gia giúp đỡ.

3. Đối với những người có sức lao động cần đưa vào quản lý tập trung để giáo dục lao động, mức sinh hoạt phí 110 đồng tháng trong 6 tháng, nhằm giải quyết những nhu cầu về ăn, mặc ban đầu. Sau 6 tháng các cơ sở phải bảo đảm có thêm thu nhập đáng kể bằng lao động sản xuất của các trại viên để bù đắp vào tiền sinh hoạt phí giảm dần theo từng tháng, bảo đảm cho họ có mức ăn tương ứng với mức lao động bỏ ra (nhất là đối với những người làm công việc nặng nhọc); mức giảm dần từng tháng do Giám đốc các cơ sở quyết định tuỳ theo kết quả tổ chức lao động sản xuất, nhưng hết năm thứ 2 thì thôi cấp sinh hoạt phí nói trên.

Những chi phí ban đầu khi tập trung đối tượng từ các nơi đưa đến trại (quần áo và các trang bị sinh hoạt cá nhân cần thiết, những chi phí để khám, chữa bệnh và khôi phục sức khoẻ cho họ v.v...) đơn vị làm kế hoạch để xin chi vào kinh phí sự nghiệp của trại.

Vốn đầu tư để tổ chức sản xuất ban đầu và để làm vốn kinh doanh do Giám đốc các cơ sở lập kế hoạch báo cáo cấp trên giải quyết một phần, còn một phần vay ở các cơ sở ngân hàng Nhà nước theo các thể lệ hiện hành có ưu đãi.

4. Điều 26 của Nghị định quy định mức sinh hoạt phí hàng tháng cho những người bệnh tâm thần, được nhận vào các trại tâm thần, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bại liệt và cho những người dân được nhận vào các Trung tâm phục hồi chức năng... nhất loạt là 110 đồng là nhằm giải quyết những nhu cầu ăn, trang bị sinh hoạt thông thường.

Để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt do tình trạng bệnh lý đặt ra thì đơn vị làm kế hoạch xin bổ sung bằng kinh phí sự nghiệp và bằng chế độ giường điều trị, điều dưỡng.

Gia đình người bệnh có nghĩa vụ đóng góp phần sinh hoạt phí 110 đồng này. Nếu thuộc các diện sau đây, tuỳ hoàn cảnh từng người có thể được miễn, giảm:

- Thân nhân liệt sĩ, thân nhân những cán bộ cách mạng có nhiều thành tích.

- Thân nhân của thương binh, của quân nhân tại ngũ.

- Công nhân, viên chức Nhà nước và thân nhân có mức thu nhập thấp.

- Xã viên các tổ chức kinh tế tập thể có thu nhập thấp.

- Những người dân quá nghèo túng.

Mức miễn, giảm đối với từng trường hợp, ở các cơ sở trực thuộc Sở Thương binh và xã hội thì do Giám đốc Sở xem xét quyết định theo một quy định được cấp trên duyệt; Nếu ở các đơn vị trực thuộc Bộ thì do Giám đốc đơn vị xem xét quyết định theo một quy định của Bộ.

5. Điều 27 quy định mức cứu tế hàng tháng đối với trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, người già yếu, người tàn tật cô đơn không nơi nương tựa thấp nhất cũng bảo đảm được một khẩu phần lương thực đủ sống. Tuỳ theo tình hình địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, quận, xã, phường xét cấp một lần hoặc hàng quý, hàng tháng. Mức cứu tế đó chỉ giải quyết được một phần nhu cầu sinh sống rất hạn chế. Vì vậy phải dựa thêm vào sự giúp đỡ của nhân dân, của các đơn vị kinh tế tập thể, các đoàn thể quần chúng ở địa phương. Phòng Thương binh và xã hội huyện, quận và Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường cần có kế hoạch tổ chức, vận động phong trào quần chúng tham gia giải quyết hỗ trợ cho những người gặp khó khăn về sinh sống để họ có thể sinh sống ổn định tại cơ sở, không bỏ đi lang thang xin ăn.

6. Kinh phí để giải quyết các loại trợ cấp xã hội, do ngân sách Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện đài thọ.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Điều 28 - Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định lương hưu và các khoản trợ cấp hàng tháng được cộng thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng.

Các khoản trợ cấp hàng tháng nói trên đây, là kể cả khoản sinh hoạt phí được quy định tại các Điều 19, 23, 25 và 26 của Nghị định; kể cả khoản phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 và đối với Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động và khoản phụ cấp về người phục vụ.

2. Điều 29 - Nghị định số 236-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định phụ cấp khu vực nơi cư trú được thực hiện đối với công nhân, viên chức, quân nhân hưởng lương hưu hoặc trợ cấp nghỉ việc vì mất sức lao động (trợ cấp hàng tháng) và đối với thương binh, bệnh binh - kể cả người hưởng chính sách như thương binh - hưởng trợ cấp thương tật hoặc trợ cấp bệnh binh hàng tháng.

Việc tính phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng và phụ cấp khu vực nơi cư trú thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động.

3. Căn cứ vào yêu cầu và khả năng của địa phương, vào trách nhiệm và quyền hạn, các cấp quyết định những nội dung và biện pháp để thực hiện tốt chính sách và chăm sóc chu đáo đời sống của những người hưởng chính sách thương binh và xã hội.

MỘT SỐ ĐIỂM VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 236-HĐBT

Thi hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) về giá - lương - tiền, Nghị định số 236-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng là một chính sách lớn của Đảng, nhất là đối với người có công, thể hiện sự quan tâm và cố gắng lớn của Nhà nước trong tình hình hiện nay về chăm sóc ổn định và cải thiện một bước đời sống của những người hưởng chính sách thương binh và xã hội.

Vì vậy, cơ quan Thương binh và xã hội các cấp cần làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách mới một cách khẩn trương, đúng quy định, bảo đảm đầy đủ chế độ của người hưởng chính sách.

Để đạt được yêu cầu đó, cần chú ý mấy điểm sau đây:

1. Làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, nhất là về bồi dưỡng cán bộ và tổ chức lề lối làm việc, có kế hoạch, chương trình hành động khoa học và đồng bộ. Tận dụng được nhiều nhất hiệu quả của công tác quản lý hồ sơ vào việc thực hiện chính sách mới; cải tiến một bước quan trọng về thủ tục thi hành chính sách, giảm cao nhất việc gây phiền hà cho người được hưởng, đồng thời không sơ hở để bị lợi dụng.

2. Tổ chức thực hiện khẩn trương, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm không sai sót, phải sửa chữa về sau. Phấn đấu không để xảy ra gián đoạn về trả trợ cấp, làm ảnh hưởng đến đời sống người được hưởng, khi chính sách cũ đã hết hiệu lực và chính sách mới chưa làm xong. Nêu cao tinh thần tận tuỵ trong công tác với ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ cao, tạo mọi điều kiện để người hưởng chính sách thực hiện được quyền làm chủ đối với quyền lợi được hưởng, hiểu được quyền lợi có ý nghĩa thế nào, gồm những gì, là bao nhiêu.

3. Nêu cao ý thức tổ chức và kỷ luật trong quá trình thực hiện chính sách mới, gặp khó khăn, vướng mắc gì, cần nghiêm túc kịp thời xin ý kiến của Bộ; trong điều kiện cho phép, được thực hiện theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân, nhất thiết không giải quyết việc gì ngoài khuôn khổ quy định của chính sách, chế độ.

4. Tiếp tục tổ chức và phát huy tốt các phong trào chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của những người hưởng chính sách thương binh và xã hội theo hướng Nhà nước, nhân dân và đối tượng cùng làm; quan tâm đến tất cả các thành viên hưởng chính sách ở tất cả các khu vực, trong đó chú ý người có công, chú ý khu vực có chiến sự và các địa bàn thành phố, thị xã; khai thác hết khả năng của bốn nguồn vật chất (Trung ương, địa phương, nhân dân và sự giúp đỡ quốc tế) để hỗ trợ cho chế độ, chính sách của Nhà nước; chú trọng tạo điều kiện phát huy khả năng tự lực của người hưởng chính sách thông qua kết quả lao động sản xuất của bản thân.

5. Tổ chức tốt mối quan hệ với các ngành, các đoàn thể cùng thực hiện chính sách thương binh và xã hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân các cấp, có phân công, phối hợp chặt chẽ, huy động được sức mạnh tổng hợp ở tất cả các cấp, các địa bàn, từ cơ sở trở lên.

Quan tâm chống các hiện tượng lợi dụng, giả danh để hưởng chính sách một cách không chính đáng; chống các hiện tượng tham ô, lãng phí trong khi thi hành chính sách.

Song Hào

(Đã Ký)

PHỤ LỤC
(Đính kèm thông tư số 48-TBXH ngày 30-9-1985)

I. PHỤ LỤC SỐ 1

MỨC TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT HÀNG THÁNG CỦA THƯƠNG BINH THUỘC DIỆN HƯỞNG SINH HOẠT PHÍ TÍNH TRÊN MỨC ẤN ĐỊNH 250 ĐỒNG

Hạng thương tật

Thương binh loại A

Thương binh loại B

Khi về gia đình

Khi đang công tác hoặc khi về hưu

Khi về gia đình

Khi đang công tác hoặc khi về hưu

Hạng 1

250 đồng

75 đồng

200 đồng

60 đồng

Hạng 2

175 -

52,50

137,50

41,25

Hạng 3

125 -

37,50

87,50

26,25

Hạng 4

50 -

15,00

37,50

11,25

II. PHỤ LỤC SỐ 2

MỨC TRỢ CẤP MỘT LẦN ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP BỊ THƯƠNG NHẸ

Tỷ lệ mất sức lao động do thương tật

Mức trợ cấp một lần

Loại A

Loại B

Từ 5% đến 10%

1 tháng lương

1 tháng lương

Từ 11% - 15%

2 tháng lương

1 tháng rưỡi lương

Từ 16% - 20%

3 tháng lương

2 tháng lương

III. PHỤ LỤC SỐ 3

VỀ CHUYỂN ĐỔI CHỨC VỤ KHI BỊ THƯƠNG CỦA THƯƠNG BINH CHỐNG PHÁP SANG CẤP QUÂN HÀM TƯƠNG ỨNG HIỆN NAY ĐỂ LẤY MỨC LƯƠNG TÍNH LẠI TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT

Vận dụng theo Điều I Nghị định số 306-TTg ngày 20-6-1958 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:

- Trung đội trưởng, chính trị viên trung đội chuyển đổi theo mức lương cấp thiếu uý.

- Đại đội phó, chính trị viên phó đại đội chuyển đổi theo mức lương cấp trung uý.

- Đại đội trưởng, chính trị viên đại đội chuyển đổi theo mức lương cấp thượng uý.

- Tiểu đoàn phó, chính trị viên phó tiểu đoàn chuyển đổi theo mức lương cấp đại uý.

- Tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn chuyển đổi theo mức lương cấp thiếu tá.

- Trung đoàn phó, phó chính uỷ trung đoàn chuyển đổi theo mức lương cấp trung tá.

- Trung đoàn trưởng, chính uỷ trung đoàn chuyển đổi theo mức lương cấp đại tá mức 2 (thượng tá cũ).

- Sư đoàn phó, phó chính uỷ sư đoàn chuyển đổi theo mức lương cấp đại tá mức I.

- Sư đoàn trưởng, chính uỷ sư đoàn chuyển đổi theo mức lương cấp thiếu tướng.

Đối với những trường hợp mà chức vụ không thuộc diện nói trên, thì phải được thủ trưởng có thẩm quyền của đơn vị khi bị thương hoặc cấp quân đội có thẩm quyền xác nhận việc chuyển cấp quân hàm tương đương.

IV. PHỤ LỤC SỐ 4

MỨC TRỢ CẤP HÀNG THÁNG ĐỐI VỚI BỆNH BINH

Hạng bệnh binh

Mức trợ cấp hàng tháng

Bệnh binh thuộc diện hưởng lương

Bệnh binh thuộc diện hưởng sinh hoạt phí

Hạng 1

80% tiền lương

200 đồng

Hạng 2

55% tiền lương

137,50

Hạng 3

35% tiền lương

87,50

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 48-TBXH-1985 hướng dẫn Nghị định 236-HĐBT-1985 sửa đổi chế độ, chính sách về thương binh và xã hộ do Bộ Thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 48-TBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/09/1985
  • Nơi ban hành: Bộ Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Song Hào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản