Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương II

CHỈ ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC CHỨNG NHẬN VIETGAP

Điều 5. Điều kiện đối với tổ chức chứng nhận VietGAP

Đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ kỹ thuật, doanh nghiệp, chi nhánh của tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam được chỉ định là tổ chức chứng nhận VietGAP khi đáp ứng các điều kiện dưới đây:

1. Được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng, phạm vi hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận sản phẩm, hàng hóa;

2. Hệ thống quản lý và năng lực hoạt động chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7457:2004 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC Guide 65:1996 - Yêu cầu chung đối với các tổ chức điều hành hệ thống chứng nhận sản phẩm (gọi chung là TCVN 7457:2004) về lĩnh vực đề nghị chỉ định;

3. Luôn có ít nhất 02 chuyên gia đánh giá cho từng lĩnh vực thuộc biên chế chính thức hoặc lao động ký hợp đồng dài hạn đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

Điều 6. Điều kiện đối với chuyên gia đánh giá

1. Điều kiện đối với chuyên gia đánh giá:

a) Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, thú y thủy sản, sinh học đối với lĩnh vực thủy sản; trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông học, sinh học đối với lĩnh vực trồng trọt; chăn nuôi, thú y, sinh học đối với lĩnh vực chăn nuôi;

b) Có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực được đánh giá ít nhất 02 năm liên tục;

c) Có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ đánh giá VietGAP theo lĩnh vực tương ứng do cơ quan chỉ định cấp;

d) Có năng lực đánh giá đáp ứng quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 19011:2003 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 19011:2002 - Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và/hoặc hệ thống quản lý môi trường;

đ) Có chứng chỉ đào tạo TCVN ISO 9001:2008 hoặc ISO 9001:2008 hoặc các phiên bản của ISO 9001 - Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu trong trường hợp đánh giá cơ sở sản xuất nhiều thành viên do đơn vị trong nước hoặc nước ngoài có chức năng, nhiệm vụ về đào tạo chứng chỉ này cấp (gọi chung là TCVN ISO 9001:2008).

2. Tổ chức chứng nhận phải có tối thiểu 01 (một) chuyên gia đánh giá đáp ứng đầy đủ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; đối với các chuyên gia đánh giá còn lại nếu tốt nghiệp đại học lĩnh vực này muốn làm chuyên gia đánh giá lĩnh vực mới phải bổ sung chứng chỉ đào tạo chuyên môn kỹ thuật về lĩnh vực mới đó do các trường đại học chuyên ngành cấp theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan chỉ định và giám sát (cơ quan chỉ định).

3. Chuyên gia đánh giá đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tổ chức chứng nhận cấp thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Hồ sơ đăng ký được chỉ định là tổ chức chứng nhận VietGAP

1. Thành phần hồ sơ

a) Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (bản sao có chứng thực hoặc bản photocopy có bản chính để đối chiếu);

c) Sổ tay chất lượng được ban hành phù hợp với TCVN 7457:2004, bao gồm hướng dẫn về hồ sơ đăng ký; trình tự, thời gian đánh giá, cấp, cấp lại, gia hạn, mở rộng phạm vi Giấy chứng nhận VietGAP; giám sát sau chứng nhận; cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận VietGAP; tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan khác;

d) Mẫu Giấy chứng nhận VietGAP của tổ chức chứng nhận có nội dung phù hợp với hướng dẫn tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Danh sách chuyên gia đánh giá theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này kèm theo bản sao bằng, chứng chỉ đào tạo chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Thông tư này;

e) Kết quả hoạt động chứng nhận đã thực hiện trong lĩnh vực đăng ký (nếu có).

2. Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

Điều 8. Trình tự chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP

1. Tổ chức đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Tổ chức đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về cơ quan chỉ định quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

3. Cơ quan chỉ định tiếp nhận hồ sơ, xem xét và hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ (trong trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp) hoặc trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ (trong trường hợp tiếp nhận hồ sơ thông qua đường bưu điện).

4. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan chỉ định thành lập đoàn đánh giá và tiến hành đánh giá theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này.

5. Đoàn đánh giá gửi báo cáo đánh giá cho cơ quan chỉ định. Trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của đoàn đánh giá, cơ quan chỉ định ra quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP.

Trong trường hợp không đủ điều kiện để chỉ định, cơ quan chỉ định thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký có nêu rõ lý do.

6. Quyết định chỉ định có hiệu lực 05 (năm) năm.

Điều 9. Đánh giá tổ chức đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP

1. Cơ quan chỉ định thành lập Đoàn đánh giá gồm 3-5 thành viên, trong đó có ít nhất 01 (một) thành viên là chuyên gia có chứng chỉ đào tạo về TCVN 7457:2004 và TCVN ISO 9001:2008.

2. Căn cứ đánh giá: Đánh giá mức độ đáp ứng các điều kiện của tổ chức chứng nhận theo Điều 5, Điều 6 của Thông tư này.

3. Trình tự và phương pháp đánh giá đối với tổ chức đăng ký chưa có chứng chỉ công nhận đạt TCVN 7457:2004:

a) Trưởng Đoàn đánh giá quyết định toàn thể thành viên hoặc phân công thành viên tiến hành đánh giá tại chỗ về hệ thống quản lý chất lượng và năng lực của tổ chức chứng nhận theo yêu cầu của TCVN 7457:2004 và hướng dẫn tại Phụ lục V của Thông tư này;

b) Đoàn đánh giá lập biên bản đánh giá theo hướng dẫn tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó kết luận đề nghị chỉ định hoặc chưa đề nghị chỉ định tổ chức chứng nhận;

c) Trường hợp tổ chức đăng ký có những điểm không phù hợp nhưng có thể khắc phục được thì Đoàn đánh giá liệt kê các điểm không phù hợp, đề xuất thời hạn khắc phục và thông báo kết quả đánh giá cho tổ chức đăng ký. Tổ chức đăng ký tiến hành khắc phục các điểm không phù hợp và gửi báo cáo cho cơ quan chỉ định (Trưởng đoàn đánh giá). Đoàn đánh giá tiến hành thẩm định báo cáo khắc phục, trường hợp cần thiết Đoàn đánh giá tiến hành đánh giá lại tại chỗ.

4. Trình tự và phương pháp đánh giá đối với tổ chức đăng ký có chứng chỉ công nhận đạt TCVN 7457:2004 theo quy định tại khoản 3 Điều này nhưng được giảm nội dung đánh giá sự phù hợp về hệ thống quản lý chất lượng.

Điều 10. Chỉ định lại tổ chức chứng nhận VietGAP

1. Tổ chức chứng nhận VietGAP có nhu cầu được chỉ định lại phải gửi 01 (một) bộ Hồ sơ đăng ký chỉ định lại (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) về cơ quan chỉ định trước khi quyết định chỉ định hết hiệu lực 03 (ba) tháng.

2. Thành phần hồ sơ

a) Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo kết quả thực hiện chứng nhận VietGAP trong thời gian được chỉ định;

c) Sổ tay chất lượng có bổ sung, thay đổi về tổ chức, nhân sự, thiết bị, thủ tục, hướng dẫn, biểu mẫu (nếu có);

d) Danh sách chuyên gia đánh giá kèm theo mã số thẻ đã cấp và lập thành Danh sách theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư này đối với người chưa có thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP hoặc muốn mở rộng phạm vi đánh giá so với thẻ đã cấp.

3. Trình tự thực hiện

a) Xử lý hồ sơ: theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Thông tư này;

b) Căn cứ hồ sơ chỉ định lại và kết quả giám sát, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan chỉ định thành lập đoàn đánh giá và tiến hành đánh giá theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này;

c) Xử lý kết quả của đoàn đánh giá và hiệu lực của Quyết định chỉ định theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 8 của Thông tư này.

Điều 11. Mở rộng phạm vi hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP

1. Tổ chức chứng nhận VietGAP có nhu cầu được mở rộng phạm vi chỉ định phải gửi 01 bộ Hồ sơ đăng ký mở rộng phạm vi chỉ định trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về cơ quan chỉ định.

2. Thành phần hồ sơ

a) Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo kết quả thực hiện chứng nhận VietGAP đối với phạm vi đã được chỉ định;

c) Sổ tay chất lượng có bổ sung, thay đổi về tổ chức, nhân sự, thiết bị, thủ tục, hướng dẫn, biểu mẫu (nếu có);

d) Danh sách chuyên gia đánh giá kèm theo mã số thẻ đã cấp và lập thành Danh sách theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư này đối với người chưa có thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP hoặc muốn mở rộng phạm vi đánh giá so với thẻ đã cấp.

đ) Tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực mở rộng phạm vi chỉ định.

3. Trình tự thực hiện

a) Xử lý hồ sơ: theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Thông tư này;

b) Căn cứ hồ sơ mở rộng phạm vi chỉ định và kết quả giám sát, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan chỉ định thành lập đoàn đánh giá và tiến hành đánh giá theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này;

c) Xử lý kết quả của đoàn đánh giá và hiệu lực của Quyết định chỉ định theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 8 của Thông tư này.

Điều 12. Mã số chỉ định

1. Tổ chức chứng nhận VietGAP được chỉ định có một mã số riêng để quản lý. Mã số được ghi trong quyết định chỉ định.

2. Cách đặt mã số tổ chức chứng nhận VietGAP theo hướng dẫn tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 13. Giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP

1. Cơ quan chỉ định xây dựng kế hoạch giám sát hoạt động của tổ chức chứng nhận VietGAP với tần xuất tối thiểu 02 (hai) lần/thời hạn hiệu lực của Quyết định chỉ định, trừ trường hợp đột xuất.

2. Kết quả giám sát là căn cứ để cơ quan chỉ định xem xét duy trì, cảnh cáo, đình chỉ, huỷ bỏ hiệu lực của Quyết định chỉ định.

3. Cơ quan chỉ định thành lập Đoàn giám sát gồm 3-5 thành viên, trong đó có ít nhất 01 (một) thành viên có chứng chỉ đào tạo về TCVN 7457:2004 và về TCVN ISO 9001:2008; 01 (một) cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi thực hiện giám sát tại cơ sở sản xuất được chứng nhận.

4. Trình tự, nội dung giám sát:

a) Cơ quan chỉ định thông báo kế hoạch giám sát định kỳ cho tổ chức chứng nhận trước ít nhất 05 (năm) ngày làm việc;

b) Kiểm tra sự phù hợp của hệ thống quản lý chất lượng và năng lực của tổ chức chứng nhận theo TCVN 7457:2004 và hướng dẫn tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Kiểm tra việc đánh giá, giám sát và kết quả chứng nhận tại ít nhất 01 (một) cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, khi cần thiết lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm;

d) Lập biên bản giám sát theo hướng dẫn tại Phụ lục VI, Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Báo cáo kết quả giám sát gửi về cơ quan chỉ định chậm nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc sau khi kết thúc giám sát;

e) Trường hợp tổ chức chứng nhận VietGAP có những điểm không phù hợp phải thực hiện hành động khắc phục và báo cáo kết quả khắc phục cho Đoàn giám sát để thẩm định.

Đoàn giám sát thẩm định kết quả hành động khắc phục căn cứ theo báo cáo khắc phục; khi cần thiết thì tổ chức kiểm tra lại tại chỗ.

Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 48/2012/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/09/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Bá Bổng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 633 đến số 634
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH