BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 398-TT/ĐY | Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 1958 |
QUY ĐỊNH CÁC CHI TIẾT THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 397-NĐ/ĐY NGÀY 28-4-1958 THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG ĐÔNG Y
Với mục đích bảo vệ và phát huy các mặt ưu điểm của giới đông y đồng thời bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số 965-TTg ngày 11 tháng 7 năm 1956 ban hành bản điều lệ tạm thời cho phép làm các nghề chữa bệnh bán thuốc và Bộ Y tế cũng đã ra Thông tư số 396-DY/BYT ngày 28 tháng 4 năm 1958 quy định cụ thể một số điểm áp dụng riêng cho ngành Đông y.
Để giúp Bộ về phần chuyên môn trong khi thi hành các bản điều lệ đó, Bộ đã thành lập Hội đồng chuyên môn lâm thời lấy tên là “Hội đồng Đông y” theo Nghị định số 397-NĐ/ĐY ngày 28 tháng 4 năm 1958 và Bộ ra Thông tư này để quy định các nguyên tắc thi hành như sau:
I - NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG ĐÔNG Y:
Hội đồng Đông y có nhiệm vụ giúp Bộ:
A - Kiểm tra năng lực chuyên môn:
- Cá nhân hoặc tập đoàn đông y xin hành nghề sau ngày 21-7-1954.
- Cá nhân hoặc tập đoàn đông y đã hành nghề nhưng xét thấy cần phải kiểm tra lại hay có sự yêu cầu kiểm tra lại.
B – Xét các công thức và sự thực hiện các công thức bào chế thuốc:
- Xét các công thức do cá nhân hoặc tập đoàn đông y xin bào chế và sản xuất.
- Xét lại các công thức và phương pháp bào chế thuốc của cá nhân hoặc tập đoàn đã được bào chế và sản xuất.
- Xét các công thức bào chế sản xuất do cá nhân hoặc tập đoàn đông y xin cải tiến.
C - Kiểm tra các trường hợp phạm pháp về chuyên môn:
- Kiểm tra các trường hợp ngộ độc thuốc do người làm thuốc thiếu năng lực hoặc có dụng ý làm sai.
- Kiểm tra các trường hợp bán thuốc giả mạo, thuốc không công hiệu, thuốc có chất độc làm hại đến sức khỏe, tính mạng người.
- Kiểm tra các trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan để lừa phỉnh nhân dân hoặc đã làm hại đến hoặc chưa làm hại đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
- Kiểm tra các trường hợp tự động hành nghề, các trường hợp không biết nghề mà mượn danh người khác để làm nghề.
Hội đồng Đông y đặt dưới quyền lãnh đạo của Bộ Y tế (do Vụ Đông y phụ trách).
Tổ chức Hội đồng Đông y là một tập thể chuyên môn của chính quyền, đoàn thể và giới đông y, đại biểu cho toàn ngành.
Vì trình độ chuyên môn đông y từ trước đến nay chưa được xác nhận nên không thể dựa vào khả năng từng người để thành lập Hội đồng nên phải dựa theo tổ chức thực hiện có thể ấn định thành phần.
Ngoài những cán bộ do Bộ Y tế chỉ định, Hội đồng Đông y Việt Nam có trách nhiệm đề cử những người đủ năng lực và đạo đức để đảm bảo công tác của Hội đồng.
Hội đồng Đông y gồm có:
- Một đại diện Bộ Y tế (Giám đốc Vụ Đông y): Chủ tịch
- Một đại diện ban chấp hành Trung ương Hội đông y Việt Nam: Phó chủ tịch
- Hai đại diện Viện nghiên cứu đông y (một vị trong ban Giám đốc hoặc trong ban y lý chuẩn trị, một vị trong phòng dược liệu): Ủy viên
- Hai Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội đông y Việt Nam: Ủy viên
- Ba tư nhân làm nghề đông y do Hội đông y Việt Nam đề cử (một chuyên môn về y lý điều trị, một chuyên môn về dược liệu và một đại diện của tập đoàn đông y.): Ủy viên.
III – NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG
Cơ quan thường trực của Hội đồng đặt tại Vụ đông y.
Vụ Đông y chịu trách nhiệm về chương trình kế hoạch tiếp nhận hồ sơ, đơn khiếu nại để đưa ra Hội đồng.
Chủ tịch Hội đồng sẽ tùy nhu cầu công tác mà triệu tập các phiên họp để giải quyết. Hội đồng sẽ dựa theo tình hình thực tế của công tác và dựa theo các nguyên tắc trong Thông tư này để vạch nội quy hoạt động. Nội quy đó phải được Bộ Y tế (Vụ Đông y) xét duyệt.
1) Kiểm tra năng lực chuyên môn:
a) Hội đồng phải có mặt ít nhất là hai phần ba tổng số ủy viên. Việc kiểm tra sẽ tiến hành trên tinh thần thảo luận chung về các điểm thuộc phạm vi chuyên môn xin phép làm nghề của đương sự.
b) Lúc Hội đồng kết luận, đương sự được phép tham gia ý kiến. Sau khi kết luận thì sự khiếu nại của đương sự (nếu có) chỉ được Hội đồng xét lại một năm sau (kể từ ngày kiểm tra).
c) Lúc kiểm tra phải có biên bản ghi rõ những điểm đã thảo luận và kết luận của Hội đồng. (Ba bản: một bản giao cho đương sự, một bản gửi về địa phương, một bản lưu tại Vụ Đông y).
2) Xét công thức bào chế và sản xuất thuốc:
a) Hội đồng phải có ít nhất là hai phần ba tổng số ủy viên.
Khi xét công thức thì đương sự có thể xin trực tiếp trình bày trước hội đồng. Hội đồng phải quy định trước ngày giờ của phiên họp và báo cho đương sự biết trước để đủ thì giờ đến dự. Trường hợp đương sự không xin trực tiếp trình bày thì hội Đồng sẽ căn cứ trên hồ sơ do đương sự đã nộp trước mà kiểm tra và kết luận của Hội đồng vẫn có giá trị như khi đương sự có mặt.
b) Khi xét công thức phải có biên bản ghi rõ sự nhận xét của Hội đồng, ghi rõ những công thức được công nhận, được sửa đổi hoặc bị bác bỏ.
c) Trường hợp cần thiết và nếu cơ sở bào chế hoặc sản xuất gần trụ sở của Hội đồng thì Hội đồng có thể di chuyển đến họp ngay tại chỗ để xem xét cách bào chế, hoặc mời đương sự đến bào chế tại một phòng thí nghiệm nào khác do Hội đồng quyết định.
d) Khi có sự phát giác về sự thực hiện không đúng công thức đã được Hội đồng duyệt thì Vụ đông y sẽ phối hợp với Hội đồng đề ra các biện pháp cụ thể để điều tra trước, và sau đó sẽ mở phiên họp Hội đồng để xét và kết luận.
Lúc điều tra, nếu cần, Hội đồng sẽ phối hợp với các cơ quan chính quyền và y tế địa phương để xem xét sổ sách, giấy tờ và kho nguyên liệu của nhà sản xuất, có biên bản ghi chú rõ ràng và có đương sự cùng ký. Nếu đương sự từ chối việc ký tên thì cần ghi rõ, nhưng biên bản đó vẫn có giá trị.
Trường hợp đương sự từ chối việc xem xét của Hội đồng và của chính quyền không có lý do chính đáng thì phải lập biên bản và báo cho đương sự biết việc từ chối đó bị xem như đã công khai thừa nhận sự phạm pháp của mình. Biên bản đó sẽ đưa về Bộ giải quyết.
3) Kiểm tra các vụ phạm pháp khác:
Ngoài những điều đã quy định trên đây, tất cả các vụ phạm pháp trong lúc hành nghề đông y đều xem như các vụ phạm pháp khác. Cơ quan y tế và cơ quan có trách nhiệm của chính quyền sẽ dựa trên các nguyên tắc chung để mở những cuộc điều tra, khám xét hoặc truy tố. Hội đồng Đông y chỉ thi hành nhiệm vụ khi gặp khó khăn trong việc nhận định về năng lực chuyên môn, sự phân biệt về vô tình hay hữu ý của người hành nghề đông y do sự yêu cầu của cơ quan tư pháp có thẩm quyền xét xử các vụ phạm pháp đó. Trường hợp có sự khiếu nại của can phạm mà có sự đồng ý của cơ quan tư pháp nói trên thì Hội đồng cũng có thể mở cuộc kiểm tra về chuyên môn.
4) Kiểm tra các vụ lợi dụng mê tín dị đoan để lừa phỉnh nhân dân:
Khi có sự phát giác về hiện tượng lợi dụng mê tín dị đoan để lừa phỉnh nhân dân trong việc chữa bệnh bằng đông y thì Vụ Đông y và Hội đồng phái cán bộ đến tận nơi, cùng với các cơ quan đoàn thể điều tra xem xét, lập hồ sơ đưa ra Hội đồng xét và kết luận.
Trường hợp nghiêm trọng làm thiệt hại đến tính mạng hoặc làm thiệt hại đến sức khỏe nhiều người thì Hội đồng có thể đi đến tận nơi để làm nhiệm vụ. Lúc đi phải có đủ hai phần ba tổng số ủy viên trong Hội đồng.
5) Sự lưu động của Hội đồng:
Tùy tình hình công tác, Hội đồng có thể lưu động đến nhiều địa phương để công tác. Mỗi lần lưu động phải có ít nhất là hai phần ba tổng số ủy viên trong Hội đồng. Khi lưu động, Hội đồng có thể làm mọi việc đã ghi trong phần nhiệm vụ theo các nguyên tắc đã đề ra trên đây. Lúc Hội đồng đến địa phương nào thì phải có sự phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương đó.
Các cơ quan chính quyền, Tư pháp, Công an và Y tế có nhiệm vụ giúp đỡ Hội đồng. Kết luận của Hội đồng lúc lưu động vẫn có giá trị như lúc Hội đồng làm việc tại trụ sở.
6) Sự phối hợp của các cơ quan y tế Trung ương
Viện nghiên cứu đông y, Viện Vi trùng học, Phòng Kiểm nghiệm và tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng Đông y khi cần thiết.
IV. - QUYỀN LỢI CỦA CÁC ỦY VIÊN TRONG HỘI ĐỒNG
Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên trong Hội đồng Đông y được hưởng các quyền lợi như sau:
- Cán bộ trong biên chế khi đi công tác hoặc làm việc cho Hội đồng ngoài giờ chính quyền được hưởng công tác phí và phụ cấp làm thêm giờ như khi làm công tác chính quyền.
- Cán bộ ngoài biên chế được hưởng một khoản phụ cấp là hai nghìn đồng (2.000đ) mỗi ngày làm việc cho Hội đồng (mỗi ngày 8 giờ). Nếu làm thêm giờ cũng được hưởng phụ cấp làm thêm giờ và được hưởng công tác phí như cán bộ trong biên chế khi đi công tác cho Hội đồng.
V. – CHI PHÍ VÀ PHỤ CẤP CỦA HỘI ĐỒNG
Các chi phí về văn phòng của Hội đồng Đông y do Bộ Y tế đài thọ và cấp phát.
Phụ cấp và công tác phí của cán bộ trong biên chế có chân trong Hội đồng Đông y ở cơ quan nào thì cơ quan ấy đài thọ và thanh toán. Phụ cấp về công tác phí của các vị Hội đồng ngoài biên chế sẽ do Văn phòng Bộ Y tế đài thọ và thanh toán.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
- 1Thông tư 30-BYT/TT năm 1959 về việc thành lập Hội đồng Đông y lâm thời xét công thức bào chế thuốc ở các địa phương do Bộ Y Tế ban hành
- 2Nghị định 397-NĐ/ĐY năm 1958 về thành lập một Hội đồng chuyên môn lâm thời lấy tên là Hội đồng Đông y do Bộ trưởng Bộ Y Tế ban hành
- 3Nghị định 965-TTg năm 1956 về việc làm các nghề chữa bệnh, hộ sinh, chữa răng, bào chế thuốc và bán thuốc do Thủ tướng ban hành
Thông tư 398-TT/ĐY năm 1958 thi hành Nghị định 397-NĐ/ĐY thành lập Hội đồng Đông y do Bộ Y Tế ban hành
- Số hiệu: 398-TT/ĐY
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/04/1958
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Hoàng Tích Trí
- Ngày công báo: 18/06/1958
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 13/05/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định