Hệ thống pháp luật

Điều 5 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Điều 5. Trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

a) Tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải;

b) Kiểm tra, hướng dẫn các Cục Quản lý đường bộ, đơn vị được phân cấp, ủy quyền quản lý công trình đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình trong việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt; đảm bảo quy định của quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và kế hoạch bảo trì được giao;

c) Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông khẩn cấp trên các tuyến đường thuộc hệ thống đường trung ương trong các trường hợp: thực hiện đảm bảo giao thông bước 1 theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về phòng chống lụt bão trong ngành đường bộ; xử lý sạt lở trên đường quốc lộ; xử lý ùn tắc xe trên các tuyến đường khi có ùn tắc (tại trạm giao dịch thanh toán đối với các phương tiện sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, tại các bến phà và các trường hợp ùn tắc khác); xảy ra các sự cố mất an toàn giao thông, cháy, nổ tại hầm, cầu;

d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ trên hệ thống đường trung ương.

Tạm dừng hoạt động thu phí của doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình đường bộ thuộc hệ thống đường bộ trung ương theo quy định của hợp đồng dự án trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện việc quản lý, bảo trì để công trình đường bộ hư hỏng xuống cấp không bảo đảm an toàn trong khai thác, sử dụng cho đến khi khắc phục xong;

đ) Thực hiện quyền, trách nhiệm khác đối với công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm của các Cục Quản lý đường bộ, đơn vị được phân cấp, ủy quyền quản lý công trình đường bộ trong việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống đường trung ương thuộc phạm vi quản lý

a) Trực tiếp tổ chức thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ đối với các tuyến đường được giao quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt;

b) Thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư này và thực hiện kế hoạch bảo trì được giao theo quy định tại Điều 18 và 19 Thông tư này;

c) Thông báo cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình trên đường do mình quản lý, để chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành đối với các công trình đường bộ trong thời hạn bảo hành;

d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng và bảo trì công trình đường bộ;

đ) Thực hiện quyền, trách nhiệm của người quản lý, sử dụng công trình trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng và bảo trì công trình đường bộ theo quy định.

3. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải đối với hệ thống đường địa phương

a) Tổ chức thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý;

b) Thực hiện quyền, trách nhiệm khác đối với công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường trên địa bàn theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Trách nhiệm của các nhà thầu quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ và các hoạt động khác liên quan đến bảo trì công trình đường bộ: thực hiện việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ được giao theo quy định của Thông tư này, quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì công trình, quy trình vận hành khai thác, nội dung hợp đồng đã ký.

6. Trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ

a) Tổ chức quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình do mình quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, hiệu quả và bảo vệ môi trường;

b) Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý đường bộ và các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ do mình quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và đúng quy định của pháp luật.

Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm của mình về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ.

7. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình đường bộ chuyên dùng có trách nhiệm thực hiện các quy định tại điểm a, b khoản 6 Điều này.

8. Trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa công trình đường bộ trong việc bảo trì đoạn đường vừa thi công, vừa khai thác sử dụng

a) Trong suốt thời gian thực hiện dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo trì công trình đường bộ vừa thi công vừa khai thác và thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông, trực đảm bảo giao thông theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 16 Thông tư này;

b) Khi dự án xây dựng công trình đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì công trình đường bộ cho đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đường bộ;

c) Khi bàn giao công trình đã hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao hồ sơ tài liệu bảo trì công trình theo quy định tại Điều 11 Thông tư này, danh mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ thay thế và các tài liệu cần thiết khác có liên quan cho cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đường bộ;

d) Trong thời gian bảo hành công trình, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị có trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

đ) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, xử lý của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện quy định của Thông tư này.

Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 37/2018/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/06/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: 01/07/2018
  • Số công báo: Từ số 757 đến số 758
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH