Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 3

QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ

Điều 12. Quản lý, sử dụng bản vẽ hoàn công, quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác và các tài liệu khác phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình

a) Lưu giữ bản gốc bản vẽ hoàn công, quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác và các hồ sơ tài liệu khác phục vụ cho việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

b) Cung cấp hồ sơ phục vụ quản lý, bảo trì, vận hành khai thác công trình cho nhà thầu quản lý, vận hành khai thác và bảo dưỡng công trình đường bộ;

c) Kiểm tra nhà thầu quản lý, vận hành khai thác và bảo dưỡng thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trách nhiệm của nhà thầu quản lý, vận hành khai thác và bảo dưỡng công trình: lưu trữ, sử dụng các tài liệu được giao để quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.

Điều 13. Lập, quản lý, sử dụng hồ sơ trong giai đoạn khai thác bảo trì công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình

a) Kiểm tra các nhà thầu thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Lưu trữ, sử dụng các hồ sơ tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 11 của Thông tư này.

2. Trách nhiệm của nhà thầu quản lý, vận hành khai thác và bảo dưỡng công trình

a) Lập, quản lý, cập nhật hồ sơ lý lịch cầu, hầm, hồ sơ đăng ký đường bộ; cập nhật, bổ sung tình trạng thay đổi công trình cầu, hầm, đường bộ vào hồ sơ lý lịch cầu, hầm và hồ sơ đăng ký đường bộ;

b) Lập bình đồ duỗi thẳng để theo dõi tình trạng đường bộ; thống kê các yếu tố hình học, cấp đường, các công trình đường bộ, các vị trí biển báo và các nội dung có thay đổi trong quá trình quản lý khai thác; hành lang an toàn đường bộ; định kỳ 03 tháng cập nhật, bổ sung các phát sinh về tình hình vi phạm, xử lý vi phạm, giải tỏa, tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ và đất của đường bộ; lập hồ sơ quản lý vị trí đấu nối và các công trình thiết yếu trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ;

c) Ghi nhật ký tuần đường (đối với đường và cầu, cống); ghi sổ hoặc nhật trình khai thác hầm, bến phà, cầu phao, cầu quay, cầu cất và các công trình đặc thù khác;

d) Lập báo cáo tình hình quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

đ) Lập, quản lý và sử dụng các hồ sơ tài liệu khác theo quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì và quy trình bảo trì được duyệt;

e) Lập và cập nhật cơ sở dữ liệu đường bộ, cơ sở dữ liệu cầu, lịch sử bảo trì (sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, thay thế bộ phận, hạng mục, kết cấu, thiết bị và các hoạt động khác) vào hồ sơ quản lý công trình đường bộ;

g) Các tài liệu từ điểm a đến điểm e khoản này được lưu trữ trên giấy và trong các tập tin điện tử; đồng thời phải gửi các tài liệu quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản này cho cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đường bộ.

3. Trách nhiệm của các nhà thầu khác

a) Nhà thầu khảo sát thiết kế, nhà thầu thi công sửa chữa công trình đường bộ có trách nhiệm lập nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, hồ sơ khảo sát, thiết kế, bản vẽ hoàn công và thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và chất lượng công trình;

b) Nhà thầu kiểm định, kiểm tra, quan trắc công trình có trách nhiệm thực hiện các công việc theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 Thông tư này và pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và chất lượng công trình.

Điều 14. Thực hiện công tác quản lý giai đoạn vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý công trình đường bộ

a) Tổ chức tuần kiểm đường bộ trên các tuyến đường được giao trực tiếp quản lý theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

b) Thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Tổ chức lập, trình kế hoạch bảo trì sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; tổ chức lập, trình duyệt thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án sửa chữa công trình đường bộ theo quy định của pháp luật; tổ chức lập, trình duyệt dự toán bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ, nhiệm vụ và dự toán kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng phục vụ công tác bảo trì công trình đường bộ được giao quản lý tổ chức đấu thầu, đặt hàng và ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện quản lý, bảo trì công trình, nhà thầu vận hành công trình; thực hiện các nhiệm vụ đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong khai thác, sử dụng; xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng; xử lý đối với công trình hết thời hạn khai thác có nhu cầu sử dụng tiếp;

d) Tổ chức kiểm tra, giám sát các nhà thầu bảo dưỡng, các nhà thầu khác thực hiện hợp đồng đã ký;

đ) Kiểm tra, giám sát doanh nghiệp dự án trong việc quản lý, vận hành khai thác công trình dự án theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của nhà thầu quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ

a) Tổ chức tuần tra, kiểm tra và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

b) Thực hiện các nội dung khác về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Thực hiện các nội dung về quản lý, bảo dưỡng, vận hành khai thác công trình đường bộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác công trình đường bộ và hợp đồng đã ký.

3. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đường bộ chuyên dùng thực hiện quy định tại các điểm b, c, và d khoản 1 Điều này đối với công trình đường bộ do mình quản lý. Trường hợp doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ tự thực hiện công việc quản lý, vận hành khai thác và bảo dưỡng công trình đường bộ thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 15. Theo dõi, cập nhật tình trạng hư hỏng, xuống cấp công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình

a) Kiểm tra công trình đường bộ thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc sửa chữa, bảo dưỡng và các công việc khác; đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

b) Kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Cập nhật, tổng hợp tình hình hư hỏng các công trình thuộc phạm vi quản lý để xây dựng kế hoạch bảo trì, báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức sửa chữa, khắc phục hư hỏng để đảm bảo giao thông đường bộ an toàn, thông suốt.

2. Trách nhiệm của nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình

a) Theo dõi thường xuyên và cập nhật tình trạng chất lượng các công trình được giao quản lý, kịp thời phát hiện các hiện tượng hư hỏng, xuống cấp của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình;

b) Lập báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình chất lượng công trình đường bộ được giao quản lý, bảo dưỡng; báo cáo đột xuất khi xuất hiện hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình;

c) Trường hợp doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ tự thực hiện công việc quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ thì thực hiện theo quy định tại các điểm a, b khoản này.

Điều 16. Tổ chức giao thông, trực đảm bảo giao thông, đếm xe, vận hành khai thác, xử lý khi có tai nạn giao thông, xử lý khi có sự cố công trình đường bộ

1. Tổ chức giao thông

a) Đối với công trình đường bộ vừa thi công vừa khai thác, chủ đầu tư và nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông an toàn theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

b) Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm thực hiện các công việc tổ chức giao thông theo quy định của quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan và hợp đồng đã ký.

c) Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện tổ chức giao thông trên đoạn đường do mình quản lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý đường bộ.

d) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra các tổ chức thực hiện quy định tại điểm a, b và c khoản này; xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

2. Trực đảm bảo giao thông

a) Trực đảm bảo giao thông phải được thực hiện trong các trường hợp: khi xảy ra sự cố, sạt lở, hư hỏng công trình và các dấu hiệu bất thường khác dẫn đến không bảo đảm an toàn giao thông, an toàn khai thác, sử dụng; ùn tắc giao thông; thi công xây dựng và sửa chữa trên đường bộ đang khai thác.

b) Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức trực đảm bảo giao thông; kiểm tra nhà thầu quản lý, bảo dưỡng công trình đường bộ thực hiện công tác đảm bảo giao thông.

c) Đối với công trình đường bộ vừa thi công vừa khai thác, ngoài việc thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm trực đảm bảo giao thông đối với các đoạn đường đang thi công có mặt đường bị thắt hẹp; các đoạn sử dụng đường tránh, cầu tạm, đường tràn và ngầm; các vị trí nguy hiểm và ùn tắc giao thông.

d) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức trực đảm bảo giao thông của các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại điểm b và c khoản này.

3. Đếm xe

a) Việc đếm xe hàng năm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt, kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc khi có yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải đối với hệ thống đường trung ương, yêu cầu của chính quyền địa phương đối với các tuyến đường do địa phương quản lý. Số lần đếm xe không ít hơn 06 tháng/lần; phân loại xe để đếm theo tiêu chuẩn thiết kế đường bộ.

b) Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng đường bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện điểm c khoản này; tổng hợp, lưu giữ số liệu đếm xe trên các tuyến đường trong phạm vi quản lý; báo cáo kết quả đếm xe cho cơ quan cấp trên trực tiếp.

c) Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ chịu trách nhiệm thực hiện các công việc: đếm xe trên đường bộ; lập sổ theo dõi số phương tiện tham gia giao thông đi trên từng chuyến phà, số chuyến phà trong ngày, tháng, quý và năm; báo cáo kết quả đếm xe cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng đường bộ.

d) Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức đếm xe đối với tuyến đường được giao quản lý khai thác theo nội dung quy định tại điểm c khoản này, báo cáo kết quả đếm xe cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án, cơ quan quản lý đường bộ.

4. Việc tổ chức vận hành khai thác bến phà, cầu phao, hầm, cầu quay, các công trình phụ trợ và các thiết bị lắp đặt vào công trình (bao gồm cả trạm giao dịch thanh toán đối với các phương tiện sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, trạm kiểm tra tải trọng xe, hệ thống quản lý giám sát giao thông) được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình vận hành khai thác, quy trình bảo trì, chỉ dẫn của nhà sản xuất cung cấp thiết bị.

5. Khi có tai nạn giao thông xảy ra, chủ sở hữu công trình, người quản lý sử dụng công trình đường bộ, nhà thầu quản lý bảo dưỡng công trình đường bộ và tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ phải thực hiện các công việc sau:

a) Bảo vệ hiện trường, giúp đỡ kịp thời người bị nạn; báo tin cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

b) Thông báo kịp thời cho cảnh sát giao thông nơi gần nhất và cơ quan quản lý đường bộ về tai nạn giao thông và tình trạng hư hỏng công trình đường bộ do tai nạn (nếu có); tổ chức hướng dẫn cho người và các phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực tai nạn hoặc đi tránh khu vực tai nạn trong trường hợp công trình đường bộ bị hư hỏng, ảnh hưởng tới an toàn khai thác sử dụng.

6. Xử lý khi có sự cố công trình đường bộ trong thời gian khai thác

a) Việc phân loại sự cố công trình, báo cáo về sự cố công trình, giải quyết sự cố công trình đường bộ, giám định nguyên nhân sự cố và hồ sơ sự cố thực hiện theo quy định tại các Điều 46, 47, 48, 49 và 50 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP;

b) Chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình, nhà thầu bảo trì công trình đường bộ và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm khắc phục sự cố, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông;

c) Khi có sự cố công trình trên hệ thống đường trung ương, ngoài việc thực hiện báo cáo sự cố công trình theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đường bộ, nhà thầu bảo trì đường bộ phải báo cáo ngay cho Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 37/2018/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/06/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: 01/07/2018
  • Số công báo: Từ số 757 đến số 758
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH