Hệ thống pháp luật

Chương 6 Thông tư 32/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công thương ban hành

Chương VI

VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN PHÂN PHỐI

Mục 1. TRÁCH NHIỆM VẬN HÀNH

Điều 61. Trách nhiệm của Đơn vị phân phối điện

1. Quản lý, vận hành trang thiết bị và lưới điện trong phạm vi quản lý của mình.

2. Lập kế hoạch vận hành, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị điện và lưới điện hàng năm, tháng, tuần, ngày theo quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương này.

3. Vận hành, duy trì chất lượng điện áp của lưới điện phân phối và đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành quy định tại Chương II Thông tư này.

4. Đầu tư, lắp đặt, quản lý và vận hành đảm bảo hệ thống SCADA/DMS, hệ thống rơ le bảo vệ làm việc ổn định, tin cậy và liên tục trong phạm vi quản lý của mình. Lập phương thức, tính toán hệ thống rơ le bảo vệ cho hệ thống bảo vệ của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối tại điểm đấu nối với lưới điện phân phối để đảm bảo tính chọn lọc, độ nhạy và khả năng loại trừ sự cố.

5. Tuân thủ lệnh điều độ của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trừ trường hợp việc thực hiện có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người, thiết bị hoặc lệnh điều độ đó vi phạm các quy định đã được ban hành.

6. Vận hành hệ thống điện phân phối tuân thủ quy định tại Quy định hệ thống điện truyền tải và Quy trình Điều độ hệ thống điện quốc gia.

7. Phối hợp với Đơn vị phân phối điện khác và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng trong quá trình vận hành các thiết bị tại điểm đấu nối với lưới điện của mình.

8. Tuân thủ các quy định về an toàn điện, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, công trình điện theo quy định của pháp luật.

Điều 62. Trách nhiệm của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối

1. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng có trách nhiệm:

a) Vận hành trang thiết bị điện và lưới điện trong phạm vi quản lý đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quy định tại Mục 2 Chương V Thông tư này;

b) Tuân thủ quyền chỉ huy, lệnh điều độ, vận hành của Đơn vị phân phối điện theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia;

c) Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho Đơn vị phân phối điện để lập kế hoạch vận hành, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện phân phối;

d) Phối hợp với Đơn vị phân phối điện duy trì chất lượng điện năng và vận hành kinh tế hệ thống điện phân phối theo thỏa thuận với Đơn vị phân phối điện.

2. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối sở hữu nhà máy phát điện đấu nối với lưới điện phân phối có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đảm bảo vận hành nhà máy điện theo cam kết trong Thỏa thuận đấu nối và hợp đồng mua bán điện;

c) Cung cấp chính xác, kịp thời kế hoạch và số liệu vận hành của nhà máy điện cho Đơn vị phân phối điện.

3. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối đấu nối vào cấp điện áp hạ áp có trách nhiệm vận hành trang thiết bị điện và lưới điện của mình đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quy định tại Mục 2 Chương V Thông tư này;

Mục 2. KẾ HOẠCH BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA HỆ THỐNG ĐIỆN PHÂN PHỐI

Điều 63. Quy định chung về bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện phân phối

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện phân phối năm, tháng và tuần bao gồm kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện phân phối và các nhà máy điện có công suất đặt từ 30MW trở xuống đấu nối vào lưới điện phân phối phục vụ cho việc lập kế hoạch vận hành hệ thống điện phân phối.

2. Kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa hệ thống điện phân phối được lập cần xem xét đến kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, nhà máy điện của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện và phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy;

b) Tối ưu việc phối hợp bảo dưỡng, sửa chữa nguồn điện và lưới điện.

3. Trường hợp không thể thực hiện được kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện phân phối dự kiến, Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng và các Đơn vị phân phối và bán lẻ điện phải thông báo lại và phối hợp với Đơn vị phân phối điện để điều chỉnh.

Điều 64. Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm

1. Trước ngày 01 tháng 7 hàng năm, Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng và Đơn vị phân phối và bán lẻ điện có trách nhiệm cung cấp cho Đơn vị phân phối điện các thông tin về kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cho hai (02) năm tiếp theo, bao gồm:

a) Danh mục các đường dây, thiết bị điện liên quan đến điểm đấu nối với lưới điện của Đơn vị phân phối điện dự kiến bảo dưỡng, sửa chữa;

b) Lý do bảo dưỡng, sửa chữa;

c) Phạm vi ngừng cung cấp điện do công tác bảo dưỡng, sửa chữa;

d) Lượng điện năng, công suất tính toán của phụ tải bị ngừng cung cấp điện;

đ) Lượng điện năng, công suất tính toán không phát được lên lưới điện phân phối của nhà máy điện.

2. Trước ngày 01 tháng 8 hàng năm, Đơn vị phân phối điện phải hoàn thành dự thảo kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cho hai (02) năm tiếp theo trên cơ sở xem xét các yếu tố sau:

a) Kết quả dự báo nhu cầu phụ tải điện;

b) Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng, các Đơn vị phân phối và bán lẻ điện và các yêu cầu thay đổi lịch bảo dưỡng, sửa chữa (nếu có);

c) Các yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện truyền tải;

d) Phối hợp các kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng, các Đơn vị phân phối và bán lẻ điện, phù hợp với điều kiện vận hành thực tế nhằm tối ưu vận hành kinh tế kỹ thuật hệ thống điện phân phối;

đ) Các yêu cầu khác có liên quan đến bảo dưỡng, sửa chữa.

3. Trường hợp không thống nhất với kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của Đơn vị phân phối điện, trước ngày 15 tháng 8 hàng năm, Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện có quyền gửi văn bản đề nghị Đơn vị phân phối điện điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa năm. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm xem xét, điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa năm phù hợp với đề nghị của khách hàng. Trường hợp không thể điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa theo yêu cầu của khách hàng, Đơn vị phân phối điện phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trước ngày 01 tháng 10 hàng năm, Đơn vị phân phối điện phải hoàn thành và công bố kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cho hai (02) năm tiếp theo trên trang thông tin điện tử của đơn vị, bao gồm các nội dung sau:

a) Danh mục các thiết bị điện, đường dây cần được đưa ra bảo dưỡng, sửa chữa;

b) Lý do đưa thiết bị, đường dây ra bảo dưỡng, sửa chữa;

c) Nội dung công việc chính;

d) Dự kiến thời gian bảo dưỡng, sửa chữa;

đ) Các yêu cầu khác có liên quan đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa.

Điều 65. Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa tháng

1. Trường hợp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa tháng tới có thay đổi so với kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa năm đã công bố, Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện phải cung cấp cho Đơn vị phân phối điện các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 64 Thông tư này trước ngày 15 hàng tháng.

2. Trước ngày 20 hàng tháng, Đơn vị phân phối điện phải hoàn thành dự thảo kế hoạch kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa tháng tới trên cơ sở xem xét các yếu tố sau:

a) Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa năm đã công bố;

b) Kết quả dự báo nhu cầu phụ tải điện tháng tới;

c) Đề nghị điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng và các Đơn vị phân phối và bán lẻ điện;

d) Các yêu cầu bảo dưỡng, sửa chữa trên lưới điện truyền tải.

3. Trước ngày 25 hàng tháng, Đơn vị phân phối điện phải hoàn thành và công bố kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cho tháng tới trên trang thông tin điện tử của đơn vị, bao gồm các nội dung sau:

a) Tên các thiết bị điện, đường dây cần được đưa ra bảo dưỡng, sửa chữa;

b) Lý do đưa thiết bị, đường dây ra bảo dưỡng, sửa chữa;

c) Nội dung công việc chính;

d) Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc công tác bảo dưỡng, sửa chữa;

đ) Các yêu cầu khác có liên quan đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa;

e) Ước tính công suất và điện năng không cung cấp được do bảo dưỡng, sửa chữa.

Điều 66. Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa tuần

1. Hàng tuần, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cho tuần thứ ba tính từ tuần lập kế hoạch cho hai (02) tuần kế tiếp dựa trên các căn cứ sau:

a) Kế hoạch vận hành tháng được duyệt;

b) Kết quả dự báo phụ tải hai (02) tuần tới;

c) Kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa nguồn điện và lưới điện được cập nhật;

d) Đề nghị điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng và các Đơn vị phân phối và bán lẻ điện;

2. Trường hợp có thay đổi so với kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa tháng, Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện phải cung cấp cho Đơn vị phân phối điện các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 64 Thông tư này trước 16h30 ngày thứ Ba của hai (02) tuần trước đó.

3. Trường hợp có nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa trên phạm vi lưới điện thuộc phạm vi quản lý của mình, trước 16h30 ngày thứ Ba hàng tuần, Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng đấu nối ở cấp điện áp trung áp có trách nhiệm đăng ký kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa với Đơn vị phân phối điện để phối hợp lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa tuần tới, bao gồm các thông tin sau đây:

a) Danh mục thiết bị cần tách ra bảo dưỡng, sửa chữa;

b) Nguyên nhân tách thiết bị;

c) Dự kiến các thời điểm bắt đầu và kết thúc công tác bảo dưỡng, sửa chữa.

4. Trước 16h30 ngày thứ Năm hàng tuần, căn cứ trên cơ sở kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa tháng và thông tin do Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối cung cấp, Đơn vị phân phối điện phải hoàn thành và công bố kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cho hai (02) tuần tiếp theo trên trang thông tin điện tử của đơn vị, bao gồm các nội dung sau:

a) Tên các thiết bị điện, đường dây cần được đưa ra bảo dưỡng, sửa chữa;

b) Lý do đưa thiết bị, đường dây ra bảo dưỡng, sửa chữa;

c) Nội dung công việc chính;

d) Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc công tác bảo dưỡng, sửa chữa;

đ) Các yêu cầu khác có liên quan đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa;

e) Phạm vi ngừng cung cấp điện do công tác bảo dưỡng, sửa chữa;

g) Ước tính công suất và điện năng không cung cấp được do bảo dưỡng, sửa chữa.

5. Trước 16h30 ngày thứ Sáu hàng tuần, căn cứ vào kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa tuần do Đơn vị phân phối điện công bố, các Đơn vị phân phối và bán lẻ điện có trách nhiệm lập kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa cho lưới điện hạ áp trong phạm vi quản lý và thông báo đến khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định tại Quyết định số 39/2005/QĐ-BCN.

Mục 3. KẾ HOẠCH VẬN HÀNH

Điều 67. Kế hoạch vận hành năm

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lập kế hoạch vận hành hệ thống điện phân phối cho năm tới bao gồm các nội dung chính như sau:

a) Dự báo nhu cầu phụ tải điện năm tới;

b) Kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa năm tới;

c) Dự kiến lượng điện năng phát năm tới của các nhà máy điện có công suất đặt từ 30 MW trở xuống đấu nối vào lưới điện phân phối.

2. Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành kế hoạch vận hành năm tới và công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị đồng thời thông báo kế hoạch vận hành năm tới của lưới điện 110kV, các tổ máy phát điện đấu nối vào lưới điện phân phối và các điểm đấu nối với lưới điện truyền tải cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị truyền tải điện và các Đơn vị phân phối điện khác có liên quan để phối hợp thực hiện.

Điều 68. Kế hoạch vận hành tháng

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lập kế hoạch vận hành hệ thống điện phân phối cho tháng tới căn cứ vào kế hoạch vận hành hệ thống điện phân phối năm được công bố, bao gồm các nội dung sau:

a) Dự báo nhu cầu phụ tải điện tháng tới;

b) Kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng tháng tới;

c) Dự kiến lượng điện năng phát tháng tới của từng nhà máy điện có công suất đặt từ 30 MW trở xuống đấu nối vào lưới điện phân phối.

2. Trước ngày 25 hàng tháng, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành kế hoạch vận hành tháng tới và công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị đồng thời thông báo kế hoạch vận hành tháng tới của lưới điện trung áp và 110kV, các tổ máy phát điện đấu nối vào lưới điện phân phối và các điểm đấu nối với lưới điện truyền tải cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị truyền tải điện và các Đơn vị phân phối điện khác có liên quan để phối hợp thực hiện.

Điều 69. Kế hoạch vận hành tuần

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lập kế hoạch vận hành hệ thống điện phân phối cho hai (02) tuần tới căn cứ vào kế hoạch vận hành tháng đã công bố, bao gồm các nội dung sau:

a) Dự báo nhu cầu phụ tải điện hai (02) tuần tới;

b) Kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng trong hai (02) tuần tới;

c) Dự kiến thời gian và phạm vi ngừng cung cấp điện trong hai (02) tuần tới;

d) Dự kiến sản lượng điện năng và công suất phát trong hai (02) tuần tới của từng nhà máy điện có công suất đặt từ 30 MW trở xuống đấu nối vào lưới điện phân phối.

2. Trước 15 giờ 00 phút ngày thứ Năm hàng tuần, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành kế hoạch vận hành của hai (02) tuần tới và công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị đồng thời thông báo kế hoạch vận hành hai (02) tuần tới của lưới điện trung áp và 110kV, các tổ máy phát điện đấu nối vào lưới điện phân phối và các điểm đấu nối với lưới điện truyền tải cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị truyền tải điện và các Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối có liên quan biết để phối hợp thực hiện.

3. Trước ngày 15 giờ 00 phút ngày thứ Sáu hàng tuần, căn cứ vào kế hoạch vận hành tuần, Đơn vị phân phối điện và Đơn vị phân phối và bán lẻ điện có trách nhiệm hoàn thành kế hoạch vận hành lưới điện hạ thế và thông báo tới khách hàng bị ảnh hưởng trong phạm vi quản lý của mình.

Điều 70. Phương thức vận hành ngày

1. Hàng ngày, căn cứ trên kế hoạch vận hành tuần được công bố, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lập phương thức vận hành ngày tới, bao gồm các nội dung sau:

a) Danh mục nguồn điện và lưới điện bảo dưỡng, sửa chữa;

b) Dự kiến thời gian và phạm vi ngừng cung cấp điện ngày tới;

c) Dự kiến sản lượng điện năng và công suất phát hàng giờ ngày tới của từng nhà máy điện có công suất đặt từ 30 MW trở xuống đấu nối vào lưới điện phân phối.

2. Trước 15 giờ 00 phút hàng ngày, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành và công bố phương thức vận hành ngày tới trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Điều 71. Vận hành hệ thống điện phân phối

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm vận hành hệ thống điện phân phối theo phương thức vận hành ngày đã công bố, tuân thủ Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và các quy định có liên quan.

2. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng có trách nhiệm tuân thủ lệnh điều độ của cấp điều độ có quyền điều khiển lưới điện phân phối, phối hợp và cung cấp thông tin cho Đơn vị phân phối điện phục vụ điều độ hệ thống điện phân phối.

Mục 4. VẬN HÀNH TRONG TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP

Điều 72. Tình huống khẩn cấp

1. Tình huống khẩn cấp trên hệ thống điện phân phối là tình huống khi xảy ra mất điện toàn bộ hoặc một phần hệ thống điện truyền tải hoặc hệ thống điện phân phối gây ảnh hưởng đến chế độ vận hành bình thường hoặc gây mất điện trên diện rộng trong hệ thống điện phân phối.

2. Các tình huống khẩn cấp bao gồm:

a) Sự cố hoặc rã lưới toàn bộ hoặc một phần hệ thống điện truyền tải gây ảnh hưởng đến chế độ vận hành bình thường của hệ thống điện phân phối;

b) Sự cố trên hệ thống điện truyền tải dẫn đến một phần hệ thống điện phân phối vận hành trong tình trạng tách đảo;

c) Sự cố trên đường dây hoặc trạm biến áp phân phối cấp điện áp 110kV gây mất điện trên diện rộng trong hệ thống điện phân phối.

Điều 73. Vận hành hệ thống điện phân phối trong trường hợp sự cố hoặc rã lưới toàn bộ hoặc một phần hệ thống điện truyền tải

1. Trường hợp sự cố trên hệ thống điện truyền tải làm ảnh hưởng tới chế độ vận hành bình thường hoặc mất điện trên lưới điện phân phối, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm:

a) Liên hệ ngay với Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị truyền tải điện để biết thông tin về khoảng thời gian dự kiến ngừng cung cấp điện và phạm vi ảnh hưởng đến phụ tải của hệ thống điện phân phối từ sự cố này;

b) Áp dụng các biện pháp điều khiển công suất phụ tải và các biện pháp vận hành khác để giảm thiểu phạm vi ảnh hưởng do sự cố trên hệ thống điện truyền tải gây ra.

2. Trường hợp rã lưới toàn bộ hoặc một phần hệ thống điện truyền tải làm ảnh hưởng tới chế độ vận hành bình thường hoặc mất điện trên lưới điện phân phối, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm:

a) Tuân thủ Quy trình khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia và Quy định hệ thống điện truyền tải;

b) Tách lưới điện phân phối thuộc quyền quản lý của đơn vị thành các vùng phụ tải riêng biệt theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia;

c) Khôi phục phụ tải theo thứ tự ưu tiên tuân thủ phương thức đã được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phê duyệt trong phạm vi lưới điện phân phối do Đơn vị phân phối điện quản lý;

d) Duy trì liên lạc trực tiếp với Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện cho đến khi hệ thống điện được khôi phục hoàn toàn.

3. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối phải giữ thông tin liên lạc, cử các chuyên gia kỹ thuật và thông báo danh sách họ tên, chức vụ, quyền hạn của các chuyên gia này cho các bên liên quan để phối hợp vận hành trong suốt quá trình xử lý và khôi phục tình huống khẩn cấp.

Điều 74. Vận hành hệ thống điện phân phối trong trường hợp tách đảo

1. Trường hợp một phần hệ thống điện phân phối bị tách đảo, Đơn vị phân phối điện phải xem xét và quyết định việc vận hành các nhà máy điện đấu nối với phần lưới điện phân phối này. Đơn vị phân phối điện phải chỉ huy điều độ các nhà máy điện vận hành ở chế độ tách đảo và đảm bảo sẵn sàng hòa đồng bộ với hệ thống điện khi có lệnh từ Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

2. Trường hợp nhà máy điện được thiết kế có chế độ vận hành tách đảo độc lập và đã có sự thống nhất với Đơn vị phân phối điện, nhà máy đấu nối vào lưới điện phân phối có thể vận hành tách đảo sử dụng hệ thống tự dùng và cung cấp điện cho phụ tải hoặc thiết bị của khách hàng khác với điều kiện:

a) Nhà máy được thiết kế đầy đủ về hệ thống rơ le bảo vệ và có các phương thức điều khiển đối với các tổ máy cả ở chế độ tách đảo và chế độ vận hành nối với hệ thống điện phân phối;

b) Đảm bảo khả năng xác định và cắt các sự cố trong khi vận hành tách đảo để bảo vệ các tổ máy và lưới điện của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối khác trong phần lưới điện phân phối bị tách đảo;

c) Đảm bảo tiêu chuẩn nối đất trung tính của phần lưới điện phân phối bị tách đảo.

3. Trường hợp phần hệ thống điện phân phối bị tách đảo không có khả năng hòa đồng bộ với phần hệ thống điện đã được phục hồi, Đơn vị phân phối điện phải tách các nhà máy điện đấu nối với phần lưới điện phân phối bị tách đảo để khôi phục cung cấp điện cho vùng bị tách đảo từ hệ thống điện đã được phục hồi, sau đó khôi phục vận hành các nhà máy điện đã bị tách.

Điều 75. Vận hành hệ thống điện phân phối khi xảy ra sự cố nghiêm trọng trên lưới điện phân phối

Trường hợp xảy ra sự cố trên đường dây hoặc trạm biến áp phân phối cấp điện áp 110kV gây mất điện trên diện rộng trong hệ thống điện phân phối, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm:

1. Khẩn trương cô lập và xử lý sự cố tuân thủ Quy trình xử lý sự cố hệ thống điện quốc gia.

2. Thông báo thông tin sự cố cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị truyền tải điện và các Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối chịu ảnh hưởng của sự cố.

3. Thay đổi phương thức kết dây, đảm bảo tối đa khả năng cung cấp điện cho phụ tải hệ thống điện phân phối trong thời gian sự cố.

Điều 76. Khôi phục hệ thống điện phân phối

1. Khi hệ thống điện phân phối bị tan rã, vận hành ở chế độ tách đảo hoặc khi xảy ra sự cố lớn trên lưới điện phân phối, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm phối hợp với Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị truyền tải điện, Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối và các đơn vị liên quan đưa hệ thống điện phân phối về chế độ vận hành bình thường trong thời gian sớm nhất.

2. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm phân các vùng phụ tải có quy mô phù hợp với khả năng của các nhà máy điện khởi động đen, báo cáo Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, bảo đảm nhanh chóng khôi phục hệ thống điện phân phối.

3. Các nhà máy điện đấu nối vào lưới điện phân phối trong chế độ vận hành tách đảo và hòa đồng bộ phải tuân theo lệnh điều độ của Đơn vị phân phối điện.

4. Trường hợp lưới điện phân phối không có các nhà máy điện có khả năng tự khởi động để vận hành tách đảo, lưới điện phân phối chỉ được khôi phục từ hệ thống điện truyền tải thì Đơn vị phân phối điện phải thực hiện khôi phục hệ thống điện phân phối theo lệnh của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Đơn vị phân phối điện phải khôi phục phụ tải theo thứ tự ưu tiên và theo kế hoạch đã được phê duyệt.

5. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm thông báo với Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối để phối hợp trong quá trình xử lý sự cố khôi phục hệ thống điện phân phối.

Mục 5. ĐIỀU KHIỂN PHỤ TẢI VÀ ĐIỆN ÁP

Điều 77. Điều khiển phụ tải

Điều khiển phụ tải bao gồm các biện pháp ngừng, giảm cung cấp điện, sa thải phụ tải hoặc điều khiển giảm công suất tác dụng của phụ tải điện theo đăng ký tự nguyện của Khách hàng sử dụng điện tham gia vào các chương trình quản lý nhu cầu điện để tránh rã lưới hay quá tải trên lưới điện.

Điều 78. Ngừng, giảm cung cấp điện

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện theo kế hoạch tuân thủ kế hoạch vận hành tuần đã được công bố quy định tại Điều 69 Thông tư này.

2. Đơn vị phân phối điện được ngừng cung cấp điện không theo kế hoạch trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện để đảm bảo an ninh cung cấp điện;

b) Xảy ra sự cố hoặc đe doạ sự cố gây mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện;

c) Khi có trường hợp bất khả kháng trên lưới điện phân phối.

3. Trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện, Đơn vị phân phối điện hoặc Đơn vị phân phối và bán lẻ điện phải thực hiện trình tự, thủ tục thông báo đến các Khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng theo quy định tại Quyết định số 39/2005/QĐ-BCN.

Điều 79. Xây dựng phương án sa thải phụ tải

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm xây dựng phương án sa thải phụ tải trong phạm vi quản lý căn cứ trên:

a) Yêu cầu vận hành an toàn hệ thống điện;

b) Kế hoạch ngừng cung cấp điện do đe dọa an ninh cung cấp điện của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện;

c) Thứ tự ưu tiên của các phụ tải;

d) Các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng đến Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có cùng thứ tự ưu tiên cấp điện.

2. Phương án sa thải phụ tải phải bao gồm các mức công suất, thứ tự thực hiện và thời gian sa thải phụ tải.

3. Trước 15h00 ngày thứ Năm hàng tuần, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành và công bố phương án sa thải phụ tải cho hai (02) tuần tiếp theo.

Điều 80. Các biện pháp sa thải phụ tải

1. Sa thải phụ tải tự động là sa thải do rơle tần số tác động để cắt có chọn lọc phụ tải ở cấp điện áp trung áp nhằm giữ tần số trong giới hạn cho phép, tránh mất điện trên diện rộng.

2. Sa thải phụ tải theo lệnh là sa thải theo yêu cầu của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện hoặc Đơn vị phân phối điện trong trường hợp thiếu nguồn hoặc có sự cố trên hệ thống điện để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Điều 81. Thực hiện sa thải phụ tải

1. Đơn vị phân phối điện phải thực hiện sa thải phụ tải theo phương án sa thải phụ tải đã được xây dựng và công bố.

2. Trường hợp sa thải phụ tải theo lệnh của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện hoặc để bảo vệ lưới điện phân phối, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện phải thông báo cho Khách hàng sử dụng điện theo quy định tại Quyết định số 39/2005/QĐ-BCN.

3. Sau khi sa thải phụ tải tự động hoặc sa thải phụ tải theo lệnh của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm:

a) Báo cáo Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường về công suất, thời gian, khu vực phụ tải bị sa thải và các mức sa thải phụ tải theo giá trị cài đặt tác động của rơ le tần số;

b) Khôi phục phụ tải bị sa thải khi có lệnh của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

4. Trường hợp phụ tải thuộc phạm vi quản lý của khách hàng bị sa thải phụ tải tự động, hoặc sa thải theo lệnh từ Đơn vị phân phối điện, Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm:

a) Báo cáo Đơn vị phân phối điện về công suất, thời gian, khu vực phụ tải bị sa thải và các mức sa thải phụ tải theo giá trị cài đặt tác động của rơ le tần số;

b) Khôi phục phụ tải bị sa thải khi có lệnh của Đơn vị phân phối điện.

Điều 82. Thực hiện điều khiển điện áp

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm tính toán điện áp tại các nút trên lưới điện phân phối thuộc phạm vi quản lý theo các chế độ vận hành và phối hợp với Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối để đảm bảo duy trì chất lượng điện áp thông qua các biện pháp điều khiển công suất phản kháng và điều chỉnh nấc phân áp của máy biến áp.

2. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm phối hợp vận hành với Đơn vị phân phối điện để duy trì điện áp trên hệ thống điện phân phối theo thỏa thuận.

Điều 83. Giám sát và điều khiển từ xa

1. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối phải thống nhất về phương thức giám sát và điều khiển.

2. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lắp đặt các trạm đo xa và các thiết bị tích hợp cần thiết để giám sát hệ thống lưới điện của khách hàng khi hai bên có thỏa thuận. Trong trường hợp đó, Đơn vị phân phối điện phải lắp đặt các trạm điều khiển từ xa cần thiết, bao gồm cả phần điều khiển máy cắt và được quyền điều khiển hệ thống máy cắt trong phạm vi lưới điện của khách hàng.

3. Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm phối hợp với Đơn vị phân phối điện trong việc lắp đặt và vận hành hệ thống điều khiển và giám sát từ xa.

Mục 6. TRAO ĐỔI THÔNG TIN TRONG VẬN HÀNH VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 84. Hình thức trao đổi thông tin

1. Đơn vị phân phối điện, Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối và các Đơn vị phân phối điện khác phải thoả thuận thống nhất hình thức trao đổi thông tin để đảm bảo việc liên lạc vận hành được liên tục và thông suốt 24/24 giờ.

2. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối phải chỉ định cán bộ phụ trách liên lạc vận hành và trao đổi danh sách cán bộ phụ trách liên lạc và nhân viên vận hành.

Điều 85. Trao đổi thông tin trong vận hành

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm thông báo cho Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối trong trường hợp nhận thấy chế độ vận hành lưới điện phân phối có thể ảnh hưởng tới chế độ vận hành lưới điện hoặc tổ máy phát điện của khách hàng, bao gồm các thông tin sau đây:

a) Chế độ vận hành hệ thống điện phân phối và những ảnh hưởng có thể xảy ra cho lưới điện hoặc tổ máy phát điện của khách hàng;

b) Nguyên nhân gây ra ảnh hưởng tới lưới điện hoặc tổ máy phát điện của khách hàng.

2. Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm thông báo ngay cho Đơn vị phân phối điện khi nhận thấy chế độ vận hành lưới điện hoặc các tổ máy phát điện của mình có thể ảnh hưởng đến lưới điện phân phối, bao gồm các thông tin sau đây:

a) Nguyên nhân gây ra sự thay đổi chế độ vận hành lưới điện của khách hàng;

b) Những ảnh hưởng có thể xảy ra cho lưới điện của Đơn vị phân phối điện.

Điều 86. Thông báo các tình huống bất thường

1. Tình huống bất thường là tình huống hệ thống điện phân phối bị sự cố, đe doạ sự cố hoặc các thông số vận hành nằm ngoài dải cho phép.

2. Khi xuất hiện tình huống bất thường trên hệ thống điện phân phối, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm:

a) Thông báo ngay cho Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối có thể bị ảnh hưởng đến lưới điện của khách hàng;

b) Bổ sung, làm rõ thông tin đã cung cấp cho các Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối sở hữu nhà máy điện khi có yêu cầu.

3. Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm thông báo ngay cho Đơn vị phân phối điện khi có tình huống bất thường trên lưới điện của khách hàng gây ảnh hưởng đến hệ thống điện phân phối.

Điều 87. Thông báo về sự cố nghiêm trọng

1. Sự cố nghiêm trọng là các sự cố dẫn đến đường dây hoặc trạm biến áp phân phối cấp điện áp 110kV bị tách ra khỏi vận hành gây mất điện trên diện rộng trong hệ thống điện phân phối.

2. Đơn vị phân phối điện hoặc Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm thông báo thông tin sự cố trên lưới điện của mình ngay sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng trên lưới điện.

3. Thông báo về sự cố nghiêm trọng bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Ngày giờ xảy ra sự cố;

b) Khoảng thời gian tồn tại sự cố;

c) Địa điểm xảy ra sự cố và khu vực bị ảnh hưởng;

d) Thiết bị bị sự cố;

đ) Mô tả ngắn gọn sự cố;

e) Nguyên nhân gây ra sự cố (nếu có);

g) Thời gian dự kiến khắc phục sự cố;

h) Các biện pháp sa thải phụ tải đã được thực hiện (nếu có).

4. Đơn vị phân phối điện hoặc Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm bổ sung, làm rõ các nội dung trong thông báo sự cố nghiêm trọng khi có yêu cầu.

5. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm báo cáo về các sự cố nghiêm trọng bằng văn bản cho Sở Công Thương nơi xảy ra sự cố theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 88. Báo cáo kết quả vận hành hệ thống điện phân phối

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, kết quả vận hành hệ thống điện phân phối hàng năm và hàng tháng. Trong đó đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn vận hành quy định tại Chương II Thông tư này; đánh giá kết quả vận hành hệ thống điện phân phối; tình hình quá tải, sự cố thiết bị và nguyên nhân, đề xuất các biện pháp để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn tin cậy và hiệu quả.

2. Trước ngày 31 tháng 01 hàng năm, Đơn vị phân phối điện phải lập báo cáo về kết quả vận hành hệ thống điện phân phối năm trước; trước ngày 05 hàng tháng lập báo cáo về kết quả vận hành hệ thống điện phân phối tháng trước gửi Cục Điều tiết điện lực và Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

3. Trong trường hợp đột xuất, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm báo cáo kết quả vận hành hệ thống điện phân phối theo yêu cầu của Cục Điều tiết điện lực.

Mục 7. PHỐI HỢP VẬN HÀNH

Điều 89. Trách nhiệm phối hợp vận hành

1. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng phải thống nhất về trách nhiệm, phạm vi điều khiển vận hành đối với thiết bị trên lưới điện phân phối liên quan giữa hai bên; cử người có trách nhiệm trong việc phối hợp vận hành an toàn lưới điện và thiết bị.

2. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng phải phối hợp, thiết lập và duy trì thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết khi tiến hành công tác hoặc thử nghiệm trong phạm vi quản lý của mình.

3. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng phải xây dựng quy trình phối hợp vận hành để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong công tác vận hành, thí nghiệm, bao gồm các nội dung sau:

a) Nguyên tắc và các thủ tục phối hợp vận hành;

b) Trách nhiệm và quyền hạn trong việc điều khiển, vận hành, thí nghiệm hệ thống điện phân phối.

4. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng có trách nhiệm thống nhất về việc phối hợp vận hành và lưu trữ, quản lý, cập nhật, trao đổi các tài liệu liên quan.

Điều 90. Phối hợp thực hiện vận hành

1. Khi thực hiện công tác, thao tác trên lưới điện, Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng phải tuân thủ quy định phối hợp vận hành an toàn và các quy định điều độ, vận hành an toàn khác có liên quan.

2. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng có trách nhiệm phối hợp lắp đặt các biển báo, thiết bị cảnh báo và hướng dẫn an toàn, cung cấp các phương tiện phục vụ công tác phù hợp tại vị trí công tác để đảm bảo công tác an toàn.

3. Việc kiểm tra, giám sát và điều khiển thiết bị đấu nối tại ranh giới vận hành phải do người được Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng chỉ định thực hiện.

Mục 8. THÍ NGHIỆM TRÊN HỆ THỐNG ĐIỆN PHÂN PHỐI

Điều 91. Các yêu cầu chung về thí nghiệm trên hệ thống điện phân phối

1. Thí nghiệm trên hệ thống điện phân phối bao gồm việc thí nghiệm trên lưới điện của Đơn vị phân phối điện và lưới điện, nhà máy điện hoặc thiết bị điện của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối.

2. Việc thí nghiệm chỉ được tiến hành trong khả năng làm việc của thiết bị điện hoặc tổ máy phát điện và trong thời gian được thông báo tiến hành thí nghiệm, có sự chứng kiến của đại diện các bên có liên quan và phải tuân thủ các quy trình, quy định hiện hành.

3. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho người và thiết bị trên hệ thống điện phân phối trong quá trình thí nghiệm.

4. Việc thí nghiệm thiết bị điện tại điểm đấu nối với lưới điện truyền tải phải tuân thủ Quy định hệ thống điện truyền tải.

5. Chi phí thí nghiệm do bên đề nghị thí nghiệm chi trả nếu kết quả thí nghiệm cho thấy lưới điện hoặc tổ máy phát điện đạt các tiêu chuẩn vận hành quy định tại Thông tư này hoặc các thông số ghi trong thoả thuận đấu nối. Trường hợp kết quả thí nghiệm cho thấy lưới điện hoặc tổ máy phát điện không đạt các tiêu chuẩn vận hành quy định tại Thông tư này hoặc không đúng với các thông số ghi trong thoả thuận đấu nối thì bên sở hữu lưới điện hoặc tổ máy phát điện không đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành phải trả chi phí thí nghiệm.

Điều 92. Các trường hợp tiến hành thí nghiệm thiết bị trên lưới điện phân phối

1. Thí nghiệm định kỳ thiết bị trên lưới điện phân phối.

2. Thí nghiệm đột xuất thiết bị trên lưới điện phân phối trong trường hợp:

a) Để đảm bảo an toàn và độ tin cậy của lưới điện phân phối;

b) Khi có khiếu nại của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối liên quan đến vi phạm chất lượng điện năng trên lưới điện phân phối quy định tại Chương II Thông tư này hoặc tại Thỏa thuận đấu nối;

c) Theo yêu cầu của Đơn vị phân phối điện khi nhận thấy thiết bị của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối gây ảnh hưởng xấu đến lưới điện phân phối.

Điều 93. Các trường hợp tiến hành thí nghiệm tổ máy phát điện

1. Đơn vị phân phối điện có quyền thí nghiệm mỗi tổ máy phát điện đấu nối vào lưới điện phân phối không quá hai (02) lần trong năm, trừ các trường hợp sau:

a) Kết quả thí nghiệm xác định một hoặc nhiều đặc tính vận hành của tổ máy phát điện không đúng với các đặc tính ghi trong Thoả thuận đấu nối;

b) Khi Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối sở hữu nhà máy điện không thống nhất ý kiến về các thông số và đặc tính vận hành của tổ máy phát điện trong kết quả thí nghiệm;

c) Theo yêu cầu của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối sở hữu nhà máy điện;

d) Thí nghiệm về chuyển đổi nhiên liệu.

2. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối sở hữu nhà máy điện có quyền yêu cầu thí nghiệm trong các trường hợp sau:

a) Để kiểm tra lại các đặc tính vận hành của tổ máy phát điện đã được hiệu chỉnh sau mỗi lần xảy ra sự cố hư hỏng liên quan đến tổ máy phát điện;

b) Để kiểm tra tổ máy phát điện sau khi lắp đặt, sửa chữa lớn, thay thế, cải tiến hoặc lắp ráp lại.

Điều 94. Trách nhiệm trong thí nghiệm thiết bị trên lưới điện phân phối

1. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm:

a) Tiến hành thí nghiệm định kỳ thiết bị trên lưới điện phân phối thuộc phạm vi quản lý vận hành;

b) Tiến hành thí nghiệm đột xuất trên lưới điện phân phối trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lưới điện phân phối vận hành an toàn, ổn định;

c) Tiến hành thí nghiệm trên lưới điện của khách hàng theo yêu cầu của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối;

d) Phối hợp với Đơn vị truyền tải điện, các Đơn vị phân phối điện khác tiến hành các thí nghiệm thiết bị tại các điểm đấu nối có liên quan;

đ) Thông báo trước bằng văn bản cho Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối và các đơn vị có liên quan về lịch thí nghiệm.

2. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm:

a) Thực hiện thí nghiệm lưới điện và tổ máy phát điện trong phạm vi quản lý;

b) Phối hợp với Đơn vị phân phối điện trong việc thí nghiệm các thiết bị điện tại điểm đấu nối với lưới điện phân phối;

c) Thông báo trước bằng văn bản cho Đơn vị phân phối điện về lịch thí nghiệm;

d) Tổ chức thí nghiệm và bảo dưỡng định kỳ các thiết bị điện các thiết bị đấu nối vào lưới điện phân phối, hàng năm phải gửi các biên bản thí nghiệm cho Đơn vị phân phối điện để theo dõi.

Điều 95. Trình tự, thủ tục thí nghiệm theo yêu cầu của Đơn vị phân phối điện

1. Khi có nhu cầu thí nghiệm, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối bị ngừng, giảm cung cấp điện do việc thí nghiệm và Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối có thiết bị thí nghiệm ít nhất mười lăm (15) ngày trước ngày dự kiến thí nghiệm. Thông báo bao gồm các nội dung sau:

a) Mục đích thí nghiệm;

b) Vị trí thí nghiệm;

c) Thời gian dự kiến thí nghiệm;

d) Hạng mục và trình tự thí nghiệm dự kiến;

đ) Kế hoạch ngừng, giảm cung cấp điện do yêu cầu của thí nghiệm (nếu có).

2. Trường hợp việc thí nghiệm được tiến hành trong phạm quản lý của Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối, nếu không nhất trí với thông báo thí nghiệm của Đơn vị phân phối điện, trong thời hạn bẩy (07) ngày kể từ ngày nhận được thông báo, khách hàng phải thông báo lại và đề xuất phương án giải quyết để thống nhất với Đơn vị phân phối điện điều chỉnh kế hoạch thí nghiệm.

Điều 96. Trình tự, thủ tục thí nghiệm theo đề nghị của Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối

1. Khi có nhu cầu thí nghiệm, Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối phải gửi văn bản đề nghị thí nghiệm cho Đơn vị phân phối điện, bao gồm các nội dung sau đây:

a) Mục đích thí nghiệm;

b) Lý do đề nghị thí nghiệm;

c) Vị trí và hạng mục thí nghiệm;

d) Thời gian dự kiến tiến hành thí nghiệm.

2. Trường hợp thí nghiệm tổ máy phát điện, khách hàng phải bổ sung các thông tin sau:

a) Lý lịch của tổ máy phát điện;

b) Các đặc tính của tổ máy phát điện;

c) Dự kiến chế độ vận hành tổ máy phát điện trong thời gian thí nghiệm.

3. Trong thời hạn bảy (07) ngày kể từ ngày nhận được đề nghị thí nghiệm, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm xem xét và yêu cầu khách hàng bổ sung các thông tin cần thiết.

4. Trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thí nghiệm hợp lệ, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho khách hàng đề nghị thí nghiệm và các đơn vị có liên quan về kế hoạch thí nghiệm.

5. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả thí nghiệm cho khách hàng đề nghị thí nghiệm sau khi hoàn thành việc thí nghiệm.

Điều 97. Trách nhiệm thực hiện sau khi thí nghiệm

1. Đơn vị phân phối điện phải điều chỉnh, nâng cấp thiết bị trên lưới điện phân phối trong trường hợp kết quả thí nghiệm cho thấy thiết bị trên lưới điện phân phối thuộc phạm vi quản lý vận hành của Đơn vị phân phối điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này.

2. Khách hàng lớn sử dụng lưới điện phân phối phải điều chỉnh, nâng cấp thiết bị trong thời hạn thoả thuận với Đơn vị phân phối điện trong trường hợp kết quả thí nghiệm cho thấy thiết bị của khách hàng không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Mục 2 Chương V Thông tư này hoặc các yêu cầu trong Thỏa thuận đấu nối.

Thông tư 32/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 32/2010/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/07/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hữu Hào
  • Ngày công báo: 16/08/2010
  • Số công báo: Từ số 491 đến số 492
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH