Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 5 Thông tư 32/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công thương ban hành

Mục 4. THỰC HIỆN ĐẤU NỐI

Điều 49. Quyền tiếp cận thiết bị tại điểm đấu nối

1. Đơn vị phân phối điện có quyền tiếp cận các thiết bị tại điểm đấu nối trong quá trình xây dựng, lắp đặt, thay thế, tháo dỡ, kiểm tra, thử nghiệm, bảo dưỡng và vận hành các thiết bị này.

2. Khách hàng có quyền tiếp cận các thiết bị thuộc phạm vi quản lý tại điểm đấu nối trong quá trình xây dựng, lắp đặt, thay thế, tháo dỡ, kiểm tra, thử nghiệm, bảo dưỡng và vận hành các thiết bị này.

Điều 50. Cung cấp hồ sơ điều kiện đóng điện điểm đấu nối

1. Trước ngày dự kiến đóng điện điểm đấu nối, khách hàng đề nghị đấu nối phải cung cấp cho Đơn vị phân phối điện hai (02) bộ hồ sơ phục vụ kiểm tra tổng thể điều kiện đóng điện điểm đấu nối (bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh cho các tài liệu kỹ thuật có xác nhận của khách hàng đề nghị đấu nối và bản sao các tài liệu pháp lý được chứng thực), bao gồm:

a) Tài liệu thiết kế kỹ thuật được phê duyệt và sửa đổi, bổ sung (nếu có) so với thiết kế ban đầu, bao gồm thuyết minh chung, sơ đồ nối điện chính, mặt bằng bố trí thiết bị điện, sơ đồ nguyên lý của hệ thống bảo vệ và điều khiển, các sơ đồ có liên quan khác và thông số kỹ thuật của thiết bị điện chính;

b) Tài liệu hướng dẫn vận hành và quản lý thiết bị của nhà chế tạo;

c) Các biên bản nghiệm thu từng phần và toàn phần các thiết bị đấu nối của nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp vào lưới điện phân phối tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế được Việt Nam công nhận và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thiết bị đấu nối quy định từ Điều 34 đến Điều 44 Thông tư này;

d) Dự kiến lịch chạy thử và vận hành.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, khách hàng đề nghị đấu nối có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn cho phép như sau:

a) Chậm nhất hai (02) tháng trước ngày dự kiến đưa nhà máy điện vào vận hành thử lần đầu;

b) Chậm nhất một (01) tháng trước ngày dự kiến đưa đường dây, trạm biến áp vào vận hành thử lần đầu (trừ biên bản nghiệm thu toàn phần đường dây và trạm biến áp).

3. Chậm nhất hai mươi (20) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ tài liệu, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm chuyển cho khách hàng đề nghị đấu nối các tài liệu sau:

a) Sơ đồ đánh số thiết bị;

b) Các yêu cầu đối với chỉnh định rơle bảo vệ của khách hàng từ điểm đấu nối về phía khách hàng; phiếu chỉnh định rơ le và các trị số chỉnh định liên quan đối với các thiết bị bảo vệ rơ le của khách hàng đề nghị đấu nối được cấp điều độ có quyền điều khiển lưới điện phân phối ban hành;

c) Các yêu cầu về thử nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị;

d) Các yêu cầu về phương thức nhận lệnh điều độ;

đ) Các yêu cầu về thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều độ;

e) Các yêu cầu về thu thập và truyền dữ liệu hệ thống SCADA/DMS (nếu có);

g) Phương thức điều khiển tự động (nếu có);

h) Phương thức khởi động (đối với nhà máy điện);

i) Danh mục các Quy trình liên quan đến vận hành hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện phân phối và quy trình phối hợp vận hành;

k) Danh sách các cán bộ liên quan và các kỹ sư điều hành hệ thống điện kèm theo số điện thoại và số fax liên lạc.

4. Chậm nhất mười (10) ngày làm việc trước ngày dự kiến đóng điện điểm đấu nối, khách hàng đề nghị đấu nối phải cung cấp cho Đơn vị phân phối điện các nội dung sau:

a) Lịch chạy thử (đối với các nhà máy điện) và đóng điện vận hành các trang thiết bị điện;

b) Thỏa thuận phân định trách nhiệm mỗi bên về quản lý, vận hành trang thiết bị đấu nối;

c) Các quy định nội bộ cho an toàn vận hành thiết bị đấu nối;

d) Danh sách các nhân viên vận hành của khách hàng bao gồm họ tên, chức danh chuyên môn, trách nhiệm kèm theo số điện thoại và số fax liên lạc.

Điều 51. Kiểm tra điều kiện đóng điện điểm đấu nối

1. Khách hàng đề nghị đấu nối có trách nhiệm thoả thuận với Đơn vị phân phối điện ngày thực hiện kiểm tra thực tế tại điểm đấu nối.

2. Trường hợp Đơn vị phân phối điện thông báo điểm đấu nối hoặc trang thiết bị liên quan đến điểm đấu nối của khách hàng đề nghị đấu nối chưa đủ điều kiện đóng điện thì khách hàng đề nghị đấu nối phải hiệu chỉnh, bổ sung hoặc thay thế trang thiết bị theo yêu cầu và thoả thuận lại với Đơn vị phân phối điện thời gian tiến hành kiểm tra lần sau.

3. Đơn vị phân phối điện và khách hàng đề nghị đấu nối phải cùng ký biên bản đủ điều kiện đóng điện điểm đấu nối và thỏa thuận thời điểm đóng điện điểm đấu nối.

Điều 52. Đóng điện điểm đấu nối

1. Trước khi đóng điện điểm đấu nối, khách hàng đề nghị đấu nối phải hoàn thiện và cung cấp cho Đơn vị phân phối điện các tài liệu liệu xác nhận công trình đủ các thủ tục về pháp lý và kỹ thuật sau:

a) Các thiết bị trong phạm vi đóng điện đã được thí nghiệm, kiểm tra đủ tiêu chuẩn vận hành;

b) Hệ thống đo đếm điện đã được hoàn thiện, đã chốt chỉ số các công tơ giao nhận điện năng;

c) Đã ký kết hợp đồng mua bán điện;

d) Thiết bị nhất thứ đã được đánh số đúng theo sơ đồ nhất thứ do cấp điều độ có quyền điều khiển ban hành;

đ) Rơle bảo vệ và tự động đã được chỉnh định đúng theo các yêu cầu của cấp điều độ có quyền điều khiển;

e) Nhân viên vận hành đã được đào tạo đủ năng lực vận hành, đã có chứng chỉ vận hành được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện cấp bao gồm họ tên, chức danh chuyên môn, trách nhiệm;

g) Phương tiện thông tin điều độ (trực thông, điện thoại quay số, fax) hoạt động tốt;

h) Hoàn thiện ghép nối với hệ thống SCADA/DMS.

2. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lập và đăng ký phương thức đóng điện điểm đấu nối với cấp điều độ có quyền điều khiển lưới điện phân phối.

3. Đơn vị phân phối điện và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm thực hiện đóng điện điểm đấu nối theo phương thức được cấp điều độ có quyền điều khiển duyệt.

Điều 53. Trình tự thử nghiệm để đưa vào vận hành thiết bị sau điểm đấu nối

1. Trong thời gian thử nghiệm để đưa vào vận hành các thiết bị sau điểm đấu nối của khách hàng đề nghị đấu nối, khách hàng phải cử nhân viên vận hành trực và thông báo danh sách nhân viên trực kèm theo số điện thoại, số fax cho Đơn vị phân phối điện để phối hợp vận hành khi cần thiết.

2. Trong thời gian nghiệm thu chạy thử, khách hàng đề nghị đấu nối có trách nhiệm phối hợp với Đơn vị phân phối điện để đảm bảo các thông số vận hành đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tại điểm đấu nối trong giới hạn cho phép quy định tại Mục 2 Chương này.

3. Kết thúc quá trình nghiệm thu chạy thử, khách hàng đề nghị đấu nối phải xác nhận thông số vận hành thực tế tại điểm đấu nối của các thiết bị điện, đường dây, trạm biến áp và tổ máy phát điện. Trường hợp các thông số vận hành tại điểm đấu nối không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Mục 2 Chương này do lưới điện hoặc thiết bị điện của khách hàng gây ra, Đơn vị phân phối điện có quyền tách nhà máy điện hoặc lưới điện của khách hàng ra khỏi hệ thống điện phân phối và yêu cầu khách hàng tiến hành các biện pháp khắc phục.

4. Lưới điện, nhà máy điện và các thiết bị điện sau điểm đấu nối của khách hàng đề nghị đấu nối chỉ được phép chính thức đưa vào vận hành sau khi đã được nghiệm thu chạy thử từng phần, toàn phần và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tại điểm đấu nối quy định tại Mục 2 Chương này. Trong nghiệm thu chạy thử và vận hành chính thức, Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối phải tuân thủ Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và các quy trình khác có liên quan.

Điều 54. Kiểm tra và giám sát vận hành các thiết bị đấu nối

1. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trách nhiệm vận hành thiết bị đảm bảo các tiêu chuẩn vận hành và các yêu cầu kỹ thuật tại điểm đấu nối trong giới hạn quy định tại Thông tư này. Trường hợp thông số vận hành thiết bị điện của khách hàng không đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành và các yêu cầu kỹ thuật tại điểm đấu nối, Đơn vị phân phối điện có quyền yêu cầu khách hàng tiến hành kiểm tra thử nghiệm lại các thiết bị thuộc phạm vi quản lý của khách hàng để xác định nguyên nhân và tiến hành các biện pháp khắc phục.

2. Trường hợp hai bên không thống nhất về kết quả kiểm tra và nguyên nhân gây ra vi phạm, hai bên phải thỏa thuận về phạm vi kiểm tra để khách hàng thuê bên thứ ba độc lập tiến hành kiểm tra thử nghiệm lại. Trường hợp kết quả kiểm tra của bên thứ ba cho thấy các vi phạm gây ra do thiết bị của khách hàng mà khách hàng không chấp nhận các giải pháp khắc phục, Đơn vị phân phối điện có quyền tách đấu nối các thiết bị của khách hàng ra khỏi lưới điện phân phối.

3. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối phải chịu chi phí thực hiện kiểm tra và thử nghiệm bổ sung trong trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy thiết bị của khách hàng vi phạm các tiêu chuẩn vận hành và các yêu cầu kỹ thuật tại điểm đấu nối. Đơn vị phân phối điện phải chịu chi phí thực hiện kiểm tra và thử nghiệm bổ sung trong trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy thiết bị của khách hàng không vi phạm các tiêu chuẩn vận hành và các yêu cầu kỹ thuật tại điểm đấu nối .

4. Trước khi kiểm tra thiết bị đấu nối để xác định các vi phạm tiêu chuẩn vận hành điểm đấu nối, Đơn vị phân phối điện phải thông báo trước cho Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối thời gian kiểm tra, danh sách người kiểm tra. Trường hợp kiểm tra có thể gây mất điện của khách hàng, Đơn vị phân phối điện phải thông báo trước ít nhất mười lăm (15) ngày cho Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng có trách nhiệm phối hợp và tạo mọi điều kiện cần thiết để thực hiện công tác kiểm tra.

5. Trong quá trình kiểm tra, Đơn vị phân phối điện được phép lắp đặt các thiết bị đo đếm điện và kiểm tra tại thiết bị đấu nối nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn vận hành của nhà máy điện, lưới điện và thiết bị điện của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối.

6. Trong quá trình vận hành, nếu tại điểm đấu nối phát hiện thấy có nguy cơ không đảm bảo vận hành an toàn cho hệ thống điện do các thiết bị thuộc sở hữu của khách hàng gây ra, Đơn vị phân phối điện phải thông báo ngay cho Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng và yêu cầu thời gian khắc phục để loại trừ nguy cơ không đảm bảo vận hành an toàn cho hệ thống điện. Nếu sau thời gian khắc phục yêu cầu mà nguyên nhân kỹ thuật vẫn chưa được giải quyết, Đơn vị phân phối điện có quyền tách điểm đấu nối và thông báo cho khách hàng. Khách hàng phải tiến hành thử nghiệm lại để đưa vào vận hành thiết bị sau điểm đấu nối theo quy định tại Điều 53 Thông tư này.

Điều 55. Thay thế thiết bị tại điểm đấu nối

1. Trường hợp Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm riêng dự định thay thế, nâng cấp các thiết bị đấu nối, lắp đặt các thiết bị điện mới có khả năng ảnh hưởng đến hiệu suất và chế độ làm việc của lưới điện phân phối, phải thông báo và thỏa thuận với Đơn vị phân phối điện về các thay đổi này và nội dung thay đổi phải được bổ sung trong Thỏa thuận đấu nối.

2. Trường hợp không chấp thuận đề xuất của khách hàng thì Đơn vị phân phối điện phải thông báo bằng văn bản cho khách hàng các yêu cầu bổ sung cần thiết khác đối với các thiết bị mới dự kiến thay đổi.

3. Toàn bộ thiết bị thay thế tại điểm đấu nối phải được kiểm tra, thử nghiệm và nghiệm thu theo quy định từ Điều 49 đến Điều 53 Thông tư này.

Điều 56. Thực hiện đấu nối vào lưới điện hạ áp đối với Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối

1. Đối với trường hợp cung cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt, trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của khách hàng, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện phải hoàn thành việc lắp đặt, nghiệm thu hệ thống đo đếm điện và cung cấp điện cho khách hàng.

2. Đối với trường hợp cung cấp điện ngoài mục đích sinh hoạt, trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra thực tế điểm đấu nối theo quy định tại Điều 48 Thông tư này, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện phải hoàn thành việc lắp đặt, nghiệm thu hệ thống đo đếm và cung cấp điện cho khách hàng.

Thông tư 32/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 32/2010/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/07/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hữu Hào
  • Ngày công báo: 16/08/2010
  • Số công báo: Từ số 491 đến số 492
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH