Chương 5 Thông tư 30/2010/TT-BGTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Điều 18. Nội dung công tác khắc phục hậu quả lụt, bão
Hoạt động khắc phục hậu quả lụt, bão đường bộ được tiến hành kịp thời ngay khi mưa ngớt, lụt, bão suy yếu đi qua và gồm những nội dung chính sau đây:
1. Đẩy mạnh việc tìm kiếm, cứu người bị nạn; trục vớt cứu hộ phương tiện, tài sản của nhân dân bị tác động của lụt, bão.
2. Tham gia việc cứu trợ, giúp đỡ và ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị lụt, bão hoặc vùng bị cô lập giao thông do lụt, bão.
3. Điều tra, khảo sát, thống kê thiệt hại và đề xuất phương án khắc phục thiệt hại lụt, bão.
4. Sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị hư hỏng, bảo đảm giao thông thông suốt.
5. Sửa chữa các trang thiết bị thi công, nhà làm việc, kho bãi, xưởng, thực hiện các biện pháp nhanh nhất để phục hồi sản xuất.
6. Thực hiện vệ sinh môi trường sinh thái, chống dịch bệnh.
7. Lập hồ sơ dự toán, thanh toán, quyết toán chi phí khắc phục hậu quả lụt, bão theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông
Khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông gồm có 02 bước:
1. Bước 1: “khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1” là hoạt động sửa chữa, khôi phục hư hỏng của kết cấu hạ tầng đường bộ ngay sau khi lụt, bão suy yếu hoặc thời tiết trở lại bình thường và do các đơn vị, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ chủ trì thực hiện theo nhiệm vụ được giao, sự điều động, chỉ đạo của cơ quan quản lý đường bộ cấp trên có thẩm quyền nhằm mục đích khôi phục hoạt động giao thông thông suốt và an toàn.
2. Bước 2: “công trình khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông trước 2” là giai đoạn sau khi hoàn tất công việc khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1. Đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tiến hành đánh giá lại một cách toàn diện các thiệt hại của khu vực kết cấu hạ tầng bị hư hỏng do lụt, bão theo quy chuẩn công trình trước khi bị hư hỏng; trên cơ sở đó, báo cáo Khu QLĐB (đối với Quốc lộ), Sở GTVT (đối với Quốc lộ được ủy thác quản lý và đường địa phương), Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư (đối với đường bộ chưa bàn giao hoặc đang thi công) xem xét, thẩm định. Trường hợp cần phải đầu tư để khôi phục lại công trình theo quy chuẩn trước khi bị hư hỏng hoặc nâng cấp thì tiến hành các thủ tục đầu tư “công trình khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 2” theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Điều 20. Các hạng mục thi công khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1.
1. Khắc phục, xử lý ách tắc giao thông:
Khi lụt, bão gây hư hại làm gián đoạn giao thông đường bộ, đơn vị được giao quản lý, bảo trì đường bộ, phải điều động ngay lực lượng để khắc phục và thông xe, cụ thể;
a) Cử người chốt trực, cắm biển báo hiệu hai đầu đoạn tuyến bị hư hại, thu dọn, san sửa ngay ít nhất một làn xe để phương tiện đi lại an toàn, những đoạn hay công trình bị hư hại nặng phải làm rào chắn chắc chắn, có người gác chỉ huy, điều khiển giao thông, tổ chức phân luồng bảo đảm giao thông hợp lý và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
b) Tổ chức lập biên bản tại hiện trường xác nhận vị trí, mức độ thiệt hại, khối lượng công việc với sự tham gia của đại diện Khu QLĐB (đối với Quốc lộ), Sở GTVT (đối với Quốc lộ được ủy thác quản lý và đường địa phương), đại diện Ban Chỉ huy PCLB cấp huyện hoặc UBND cấp huyện nơi xảy ra thiệt hại và thống nhất phương án khắc phục; đại diện của các cơ quan, đơn vị tham gia xác nhận biên bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thiệt hại, hư hỏng do lụt, bão gây ra và khối lượng công việc phải thi công, khắc phục đã xác nhận;
c) Tiến hành thi công sửa chữa thông xe tạm để bảo đảm an toàn, đồng thời báo cáo bằng văn bản các công việc đã khắc phục về cơ quan quản lý đường bộ và Ban Chỉ huy PCLB cấp trên trực tiếp;
d) Mời đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị tư vấn giám sát được chủ đầu tư lựa chọn hoặc chỉ định đến ngay hiện trường để phối hợp với đơn vị thi công: Lập phương án sửa chữa công trình, đo vẽ tính toán khối lượng, tiến độ lập lại giao thông và dự toán thiệt hại; đồng thời giám sát, chỉ đạo về mặt kỹ thuật quá trình thi công hạng mục bảo đảm giao thông bước 1.
2. Tổ chức sửa chữa hư hỏng cầu đường, khắc phục hậu quả lụt, bão:
a) Trường hợp thiệt hại nhỏ như: cột điện, cây to có kích thước ≥ Φ 30cm đổ ngang đường, sạt lở ta luy âm, bề rộng nền đường còn lại ít nhất 4m, đất đã lấp mặt đường mỗi đống không quá 100m3 … thì đơn vị QLĐB chủ động tổ chức lực lượng sửa chữa để thông xe tạm, sau đó hoàn thiện cho thông xe bình thường. Những đoạn tuyến nước ngập mặt đường thì chỉ cho phép loại phương tiện qua lại tùy thuộc chiều sâu ngập, lưu tốc nước và tình trạng hư hỏng công trình trong phạm vi cho phép nhưng đơn vị phải có hướng dẫn như cắm cọc tiêu, cột thủy chí và có người gác hai đầu đoạn nước ngập để phân luồng. Cấm các loại xe trọng tải lớn chạy trên các đoạn tuyến còn đang ngập nước.
b) Trường hợp hệ thống thoát nước bị hư hỏng, mặt đường bị xói, sụt, lún võng cục bộ, nhiều ổ gà, sình lún gây mất an toàn giao thông, phải có biện pháp khắc phục ngay để lưu thông xe một cách an toàn. Tùy theo từng tình huống cụ thể để sử dụng vật liệu cho phù hợp với kết cấu mặt đường như: đất đá hỗn hợp, đá xô bồ, đá dăm tiêu chuẩn, láng nhựa hoặc bê tông nhựa nguội.
c) Hệ thống báo hiệu giao thông, công trình phụ trợ bị hư hỏng phải được khắc phục ngay để hướng dẫn, điều khiển giao thông thông suốt và an toàn.
d) Trường hợp thiệt hại lớn như sạt lở toàn bộ bề rộng nền đường, đất đá lấp kín nền mặt đường với khối lượng lớn, sập cầu, trôi cống, nước ngập cao … các Khu QLĐB, Sở GTVT phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc sửa chữa, huy động các đơn vị trực thuộc điều động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng cần thiết đến hiện trường để:
- Phân luồng bảo đảm giao thông, những nơi không sẵn các tuyến tránh thì nhanh chóng mở đường tránh cục bộ để thông xe tạm.
- Thi công san, lấp, gạt ủi đất đá sạt lở để thông xe an toàn;
- Trường hợp sụt, lở Ta luy âm: dùng kè rọ đá và đắp nền bằng vật liệu phù hợp hoặc thi công mở đường vào phía Ta luy dương (tùy theo địa hình nếu có thể được).
- Sửa chữa hư hỏng cầu cống hoặc bắc cầu tạm để thông xe tuyến chính.
3. Trường hợp khối lượng thiệt hại rất lớn, kỹ thuật phức tạp, địa hình khó khăn như đứt một đoạn đường, trôi sập cầu trung trở lên thì Tổng Cục ĐBVN phải lập Ban Chỉ huy cứu chữa do Lãnh đạo Tổng Cục ĐBVN làm trưởng ban và thành viên là đại diện các Cục, Vụ, Ban có liên quan để trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc cứu chữa. Trước khi cứu chữa công trình, các Khu QLĐB, Sở GTVT phải tổ chức phân luồng trên các tuyến tránh hoặc đường tránh cục bộ (đường ngầm, cầu phao, bến phà) để thông xe tạm.
4. Đối với công trình giao thông mà đơn vị thi công đã nhận bàn giao từ đơn vị quản lý đường bộ hoặc đã và đang thi công dở dang theo dự án thì đơn vị thi công đó có trách nhiệm chính trong việc phải phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả do lụt, bão gây ra. Giai đoạn trước và trong lụt, bão, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo đảm giao thông an toàn, êm thuận. Sau lụt, bão phải thông báo cho chủ đầu tư, cơ quan bảo hiểm, chính quyền địa phương cấp huyện, các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trường, xác định thiệt hại do lụt, bão gây ra và phương án khắc phục làm cơ sở cho cơ quan bảo hiểm bồi thường. Trường hợp hư hại lớn, vượt khả năng bồi thường của cơ quan bảo hiểm thì mời thêm cơ quan tài chính địa phương tham gia xác định tình hình thiệt hại và có phương án khắc phục.
Sau khi đã có phương án phải triển khai khắc phục ngay để bảo đảm giao thông và cùng chủ đầu tư, tư vấn thiết kế có giải pháp khắc phục hậu quả triệt để và thực hiện khẩn trương. Trường hợp đơn vị thi công không đủ lực lượng bảo đảm giao thông thì đơn vị thi công có trách nhiệm bàn bạc cùng đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ phối hợp thực hiện.
1. Sau khi đã thực hiện xong các công việc khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1 thì đơn vị QLĐB thi công phải chủ động phối hợp với đơn vị Tư vấn thiết kế, giám sát thi công của Chủ đầu tư để lập và hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công “công trình khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1” trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất các công việc khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1.
Hồ sơ hoàn công phải được khu QLĐB thẩm định và trình Tổng Cục ĐBVN duyệt (nếu là quốc lộ); Sở GTVT thẩm định và trình UBND tỉnh duyệt (nếu là đường địa phương) làm cơ sở xin phân bổ kinh phí, thanh quyết toán cho đơn vị.
2. Thời hạn thẩm định, xét duyệt, ra quyết định thanh quyết toán cho đơn vị là: 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hoàn công theo quy định đối với công trình hư hỏng nhỏ và vừa; 45 ngày làm việc đối với công trình hư hỏng lớn; 60 ngày làm việc đối với công trình rất lớn và kỹ thuật phức tạp;
3. Nội dung của hồ sơ hoàn công được quy định như sau:
a) Đối với công trình hư hỏng nhỏ và vừa:
- Tờ trình của Khu QLĐB hoặc Sở GTVT sau khi đã thẩm định hồ sơ.
- Báo cáo ban đầu của Khu QLĐB hoặc Sở GTVT về tình hình thiệt hại do lụt, bão gây ra.
- Biên bản kèm theo bản kê chi tiết điều tra, khảo sát, đánh giá thiệt hại công trình về kỹ thuật, khối lượng, dự kiến phương án, tiến độ cứu chữa được thống nhất xác nhận của các đại diện: đơn vị quản lý đường bộ trực tiếp, Khu QLĐB hoặc Sở GTVT, Ban Chỉ huy PCLB cấp huyện hoặc UBND cấp huyện nơi xảy ra thiệt hại.
- Biên bản xác nhận khối lượng đã thực hiện kèm theo bản kê chi tiết;
- Bình đồ duỗi thẳng, mặt cắt ngang và cắt dọc đại diện thể hiện vị trí, tình trạng hư hỏng và kết cấu đã xử lý được xác nhận của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát của chủ đầu tư;
- Dự toán thiệt hại đã xử lý bước 1.
b) Đối với công trình hư hỏng lớn:
Ngoài phần nội dung hồ sơ hoàn công như quy định tại điểm a, khoản này còn phải có đầy đủ các bản vẽ kỹ thuật thi công thể hiện khối lượng, kết cấu công trình tạm cứu chữa, thông xe tạm.
c) Đối với công trình bị thiệt hại rất lớn, kỹ thuật phức tạp:
Ngoài phần nội dung hồ sơ hoàn công như quy định tại điểm a, điểm b, khoản này thì đối với các công trình cứu chữa do Bộ GTVT giao trực tiếp cho Ban QLDA hoặc Tổng Cục ĐBVN giao cho các Ban QLDA, các Khu QLĐB trực thuộc Tổng Cục ĐBVN hoặc các Sở GTVT làm chủ đầu tư thì hồ sơ phải do cơ quan tư vấn thiết kế có đủ tư cách pháp nhân lập và các chủ đầu tư thẩm định trình Bộ GTVT hoặc Tổng cục ĐBVN phê duyệt.
Thông tư 30/2010/TT-BGTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 30/2010/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 01/10/2010
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 609 đến số 610
- Ngày hiệu lực: 15/11/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ
- Điều 5. Các cơ quan chỉ huy phòng, chống lụt, bão của ngành đường bộ
- Điều 6. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải
- Điều 7. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão Tổng cục Đường bộ Việt Nam
- Điều 8. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão khu vực
- Điều 9. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão cơ sở
- Điều 10. Chỉ huy phòng, chống lụt, bão trên các công trường thi công công trình đường bộ trong mùa mưa, bão
- Điều 11. Chỉ huy phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong các đơn vị vận tải đường bộ
- Điều 12. Nội dung công tác phòng ngừa lụt, bão hàng năm
- Điều 13. Phòng ngừa lụt, bão đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới
- Điều 14. Phòng ngừa lụt, bão đối với công trình đang xây dựng
- Điều 15. Phòng lừa lụt, bão đối với công trình đang sử dụng, khai thác
- Điều 18. Nội dung công tác khắc phục hậu quả lụt, bão
- Điều 19. Khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông
- Điều 20. Các hạng mục thi công khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1.
- Điều 21. Hồ sơ khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1