Chương 3 Thông tư 30/2010/TT-BGTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Điều 12. Nội dung công tác phòng ngừa lụt, bão hàng năm
1. Quản lý, bảo vệ hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phương tiện giao thông vận tải đường bộ khỏi ảnh hưởng phá hoại của lụt, bão, sự cố, thiên tai. Ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây hư hại hoặc hủy hoại các công trình khi lụt, bão, sự cố, thiên tai xảy ra.
2. Trong phạm vi quản lý của đơn vị mình, phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cần được bảo vệ hoặc các công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn. Nếu phát hiện hư hỏng hoặc xuống cấp phải kịp thời có biện pháp xử lý; trong trường hợp vượt quá khả năng của mình, phải báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết trước mùa lụt, bão.
3. Xây dựng kế hoạch phòng ngừa lụt, bão, sự cố, thiên tai của đơn vị. Kế hoạch phải dự kiến sự cố, lụt, bão, thiên tai có thể xảy ra; mức độ ảnh hưởng đối với công trình thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết bị, tài sản, nhà xưởng, phương tiện vận tải đường bộ; lập phương án và biện pháp xử lý phù hợp theo các nội dung sau:
a) Các biện pháp gia cố, sửa chữa, che, chắn, neo, buộc, chống, đỡ, chêm, chèn, hãm để bảo vệ công trình, nhà xưởng, thiết bị, phương tiện, hàng hóa;
b) Phương án sơ tán các phương tiện, thiết bị, hàng hóa; phương án cứu hộ, cứu nạn, chuyển hành khách, hàng hóa;
c) Dự trữ vật tư, thiết bị dự phòng; dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng lụt, bão gây hậu quả sụt lở đường, cắt đứt giao thông đường bộ kéo dài;
d) Các biện pháp chống vật va trôi vào công trình cầu, cống khi có nước lũ;
đ) Thường xuyên theo dõi diễn biến của lụt, bão, sự cố, thiên tai; quan trắc tình hình thực tế của lụt, bão, sự cố, thiên tai đối với công trình; theo dõi mức độ chịu lụt, bão, sự cố, thiên tai của công trình và trang thiết bị;
e) Thiết lập chế độ thông tin tình thế trong thời gian có lụt, bão, sự cố, thiên tai. Dự kiến trước những tình huống xảy ra như mất điện, gián đoạn thông tin để chủ động phòng ngừa, khắc phục nhanh và hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
4. Tăng cường kiểm tra công tác phòng ngừa lụt, bão, sự cố, thiên tai của các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các công trình trọng điểm, xung yếu.
5. Dự phòng vật tư, phương tiện, trang thiết bị nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn:
a) Vật tư chủ yếu bao gồm: bao tải, vải bạt, đá hộc, đá dăm, rọ thép, dây cáp, dây thép, dây thừng, búa, cuốc, xẻng, trang bị bảo hộ lao động, nhựa đường, xi măng đông kết nhanh, xăng dầu, dầm chữ I, dàn dầm beley, biển báo, rào chắn, hộ lan;
b) Trang thiết bị bao gồm: phà, cần cẩu cứu hộ, cần cẩu thi công, bốc xếp, xe tải, canô, búa đóng cọc, máy xúc, máy ủi, máy phát điện, máy bơm, máy hàn, kích, phương tiện thiết bị thông tin liên lạc hữu tuyến và vô tuyến;
c) Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh tại những nơi xung yếu, hiểm trở để sử dụng khi cần thiết.
6. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về thu nhận, xử lý thông tin và công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn.
7. Chỉ huy hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn của đơn vị.
Điều 13. Phòng ngừa lụt, bão đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới
Các Công trình đường bộ được đầu tư xây dựng mới phải có khả năng chịu được tác động của lụt, bão, sự cố, thiên tai. Ngay từ giai đoạn khảo sát, thiết kế cần được tuân thủ quy định trong các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, trên cơ sở những yêu cầu sau:
1. Nghiên cứu địa hình, địa mạo của khu vực xây dựng công trình và lưu vực, sự hình thành các công trình ở thượng lưu có tác động đến công trình đường bộ. Thu thập đầy đủ các số liệu thống kê về lượng mưa, lưu lượng dòng chảy, mực nước dâng, sự xâm thực của sóng, thủy triều vùng gần biển, áp lực gió; quan tâm đến tình hình lụt, bão, sự cố, thiên tai của khu vực, chú ý đến các số liệu lịch sử, khoan thăm dò địa chất khu vực xây dựng công trình để làm cơ sở cho công tác thiết kế.
2. Lựa chọn địa điểm công trình, vật liệu, loại kết cấu thích hợp để chống được gió bão.
3. Tính toán thủy văn theo lưu lượng thiết kế; tính toán thiết kế công trình theo cường độ gió bảo đảm tính ổn định chống gió, bão của tổng thể công trình cũng như từng kết cấu riêng biệt; thiết kế theo Quy chuẩn, Tiêu chuẩn nhưng phải quan tâm tới ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu toàn cầu và khu vực; ảnh hưởng của các công trình thủy lợi, thủy điện, nông ngư nghiệp cùng tác động do phá hủy môi trường sinh thái của con người như chặt phá rừng, khai thác nguyên vật liệu bừa bãi làm thay đổi của môi trường trong khu vực xây dựng.
4. Khi thiết kế khẩu độ cầu nên tránh thu hẹp dòng chảy tự nhiên của sông, suối để không ảnh hưởng đến việc thoát lũ, phá hoại đường đầu cầu và gây xói lở mố, trụ cầu. Cần tính toán chiều sâu xói lở dưới chân trụ và mố cầu để xác định cao độ đặt móng sâu hơn cao độ đáy sông sau khi sói một độ sâu an toàn tùy theo loại móng. Chú ý thiết kế kè chỉnh hướng dòng chảy, lát mái ta luy đất đắp tứ nón và đường vào cầu, xây dựng các trụ chống va phía thượng lưu của các trụ cầu để gạt cây và vật trôi không cho chúng va thẳng vào trụ cầu.
5. Đối với các công trình đường, phải tính toán đầy đủ các rãnh thoát nước (rãnh dọc, rãnh ngang, rãnh đỉnh) với diện tích thoát nước đủ cho lưu lượng nước thông qua lúc có mưa lũ lớn.
6. Cao độ nền đường bộ phải cao hơn mực nước tính toán cao nhất khi có bão lũ. Trong trường hợp phải chấp nhận có những lúc nhất thời để nước tràn qua nền đường thì phải có thiết kế đặc biệt để bảo vệ đoạn đường đó như lát mái và lề đường để nước khỏi xói lở, đất nền đường cần được gia cố để chịu được tải trọng chạy qua trong điều kiện đất nền no nước.
7. Mái ta luy phải có độ dốc phù hợp với chiều cao loại ta luy (âm hay dương), loại địa chất và kết cấu địa tầng; phải dự tính để trong những trường hợp bất lợi khi có lụt, bão, mưa lớn, nước mặt và nước ngầm tác động vẫn bảo đảm ổn định.
8. Đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu khoa học để có thể áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới tạo ra các công trình có khả năng chịu được tác động của lụt, bão, sự cố, thiên tai. Nghiên cứu những quy luật thủy văn, thủy lực của sông, quy luật lụt, bão của từng miền đất nước để đề xuất việc áp dụng các loại kết cấu hợp lý chống được lụt, bão, sự cố, thiên tai trong từng vùng, từng khu vực.
Điều 14. Phòng ngừa lụt, bão đối với công trình đang xây dựng
1. Công trình xây dựng kéo dài qua mùa lụt, bão, nhất thiết phải có phương án phòng ngừa tác hại lụt, bão nhằm bảo đảm an toàn chất lượng phần đã thi công, bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình phụ trợ, trang thiết bị thi công, kho bãi vật liệu và nhà xưởng, nhà sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên.
2. Chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công phải mua bảo hiểm cho người, thiết bị máy móc và công trình xây dựng ít nhất bằng mức chi bảo hiểm đã duyệt trong dự toán.
3. Phòng ngừa lụt, bão trong giai đoạn thiết kế tổ chức thi công và chuẩn bị thi công:
a) Cơ sở thiết kế tổ chức thi công và tổng tiến độ phải xuất phát từ các số liệu điều tra khảo sát thực tế của khu vực và phải quán triệt ý thức phòng, chống lụt, bão kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành và phải có kế hoạch phòng, chống lụt, bão.
b) Tổng tiến độ phải hợp lý, không thi công dàn trải, nhất là các hạng mục công trình dưới nước và các vùng dễ ngập nước.
c) Khu vực công trường phải bố trí hợp lý, an toàn cao nhất về khả năng chống lụt, bão. Kho tàng nhà xưởng, bãi chứa vật liệu … phải để ở nơi cao, không ngập nước và khi gặp gió, bão, phải được chằng buộc để không bị sập đổ.
d) Các trang thiết bị thi công phải được bảo quản chu đáo, các phương tiện nổi phải có âu giấu hoặc nơi khuất gió để neo giữ khi mưa bão.
đ) Kế hoạch phòng, chống lụt, bão của đơn vị thi công phải thống nhất với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão địa phương và đơn vị quản lý đường bộ để có sự phối hợp hiệu quả trong phòng, chống lụt, bão.
4. Phòng ngừa lụt, bão trong quá trình thi công và hoàn thành công trình:
a) Thi công công trình phải tuân thủ theo quy trình, quy phạm, bảo đảm an toàn giao thông khi thi công các công trình liên quan đến đường bộ đang khai thác theo phương án, biện pháp tổ chức thi công, kế hoạch phòng, chống lụt, bão đã được duyệt.
b) Không vứt, bỏ vật liệu phế thải làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thi công xong phải thanh thải lòng sông để thoát nước tốt cũng như bảo đảm an toàn giao thông thủy.
c) Khi có lụt, bão sắp xảy ra trên khu vực công trình, phải nhanh chóng tiến hành kiểm tra tình hình thực tế của công trình và đôn đốc các bộ phận thực hiện phương án phòng, chống lụt, bão, nhất là hạ thấp các thiết bị trên cao và đưa các phương tiện dưới sông vào nơi khuất gió và neo chằng chắc chắn.
d) Phải thu dọn vật liệu gọn gàng, đưa thiết bị vào bãi, chuẩn bị vật tư ứng cứu, sửa chữa những hư hỏng công trình đường bộ để bảo đảm giao thông an toàn êm thuận trong mọi tình huống.
đ) Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão theo yêu cầu, lệnh điều động của địa phương và của Tổng Cục ĐBVN.
Điều 15. Phòng lừa lụt, bão đối với công trình đang sử dụng, khai thác
Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc PCLB đối với công trình đường bộ đang sử dụng, khai thác ngoài nhiệm vụ quản lý, duy tu sửa chữa theo các chế độ thường xuyên, định kỳ hàng năm, còn phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát công trình đường bộ được giao trước, trong và sau mỗi đợt lụt, bão để phát hiện kịp thời các hư hỏng đột xuất; phải tiến hành ngay các biện pháp sửa chữa, gia cường các bộ phận hư hỏng hoặc có nguy cơ bị lụt, bão đe dọa và bảo đảm hệ thống thoát nước luôn thông thoát;
Việc phòng ngừa lụt, bão đối với một số hạng mục công trình quan trọng phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Đối với công trình cầu nhỏ và cống:
a) Đối với cầu nhỏ: trước hết phải khai thông dòng chảy kể cả thượng, hạ lưu, luôn luôn bảo đảm thoát nước tốt. Các bộ phận dễ xói lở như 1/4 nón, đường đầu cầu, chân mố trụ, sân tiêu năng cần được sửa chữa và gia cố trước mùa lụt, bão.
b) Đối với cống: Phải khơi thông hố tụ, lòng cống, kể cả nước và trong mùa mưa bão, phải gia cố tường đầu, sân tiêu năng; cống nằm ở vị trí có đá, cây trôi thì phải có biện pháp gia cường chống đất đá, cây trôi lấp cống làm tắc nước gây tràn và xói lở nền, mặt đường hoặc trôi cống.
2. Đối với công trình cầu trung và cầu lớn:
Phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo quy định cũng như tiến hành sửa chữa, gia cố hàng năm thật tốt, nhất là các bộ phận dễ hư hỏng do mưa lũ;
Đối với cầu ở vùng có đá, cây trôi, phải có người thường xuyên trực gỡ bỏ cây và rác, không để bám vào thân trụ, đáy dầm, làm hư hại cầu, nếu cần thiết phải có trụ chống va trôi;
Đối với vùng thường xuyên thay đổi dòng chảy, cần có biện pháp chỉnh nắn dòng và gia cố hai bờ, mố cầu hợp lý;
Đặc biệt chú ý đối với cầu lớn: phải thường xuyên theo dõi tốc độ gió trên cầu; kịp thời đóng cầu (tạm dừng lưu thông) và thông báo phân luồng giao thông để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong trường hợp tốc độ gió lớn vượt cấp gió theo quy định của nhà thiết kế.
3. Đối với nền đường bộ:
Mái ta luy nền đường, lề đường được dãy cỏ, san bạt đúng độ dốc thiết kế; những nơi địa chất mái ta luy không ổn định, cần phải làm kè hoặc gia cố mái dốc, những nơi nền đường bị ngập nước phải được gia cố lề, mái ta luy và kết cấu mặt đường phải bằng vật liệu phù hợp. Đối với rãnh thoát nước, bao gồm rãnh dọc, rãnh đỉnh, bậc nước và dốc nước phải làm sạch cây cỏ, vét bùn, đá, bảo đảm thoát nước tốt, độ dốc cần thiết. Phần gia cố bị hư hỏng cần được sửa chữa trước mùa mưa, lũ.
4. Đối với đường tràn, ngầm:
Phải được vá sửa mặt, ta luy, sân tiêu năng thượng, hạ lưu và sơn sửa hệ thống báo hiệu, cọc tiêu, cột thủy chí và có lực lượng ứng trực hai đầu ngầm khi nước ngập để điều hành giao thông. Chú ý trước khi cho giao thông trở lại phải kiểm tra tình trạng đường tràn, ngầm, chỉ lưu thông khi bảo đảm an toàn.
5. Đối với hệ nổi, cầu phao, phà và ca nô:
Phải cố định chặt các đồ vật trên phương tiện, phòng khi nghiêng ngả không bị xô, lăn, đổ vỡ hoặc dịch chuyển làm thay đổi trọng tâm;
Bảo đảm độ kín nước của các nắp boong. Thành và đáy phà, phao, canô không bị thủng, không bị hở;
Máy móc, chân vịt, tay lái luôn luôn tốt, hệ thống bơm hút đủ khả năng bơm hút khô hầm phao, phà và các boong hở đủ lỗ thoát nước và thoát nước tốt;
Các âu giấu, hệ neo giữ đầy đủ để giấu phà, phao khi lụt, bão xảy ra;
Phải đầy đủ thiết bị cứu sinh, cứu hỏa;
6. Đối với hầm đường bộ, hầm chui:
- Đối với các công trình hầm đường bộ quan trọng, có quy chế quản lý hoạt động riêng thì phải thực hiện theo quy định tại quy chế đó, ngoài ra phải thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão phù hợp với quy mô công trình.
- Các đơn vị quản lý hầm đường bộ, hầm chui phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo quy định cũng như tiến hành sửa chữa, gia cố các bộ phận dễ hư hỏng do mưa lũ như: hệ thống điện, hệ thống máy bơm, tiêu thoát nước, chống xói lở, đá lăn và cây trôi ở hai đầu hầm. Phải xây dựng phương án dự phòng khi xảy ra tình trạng mất điện, nước mưa quá mức dự báo tràn vào hầm gây ngập úng hầm.
Thông tư 30/2010/TT-BGTVT quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 30/2010/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 01/10/2010
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 609 đến số 610
- Ngày hiệu lực: 15/11/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành đường bộ
- Điều 5. Các cơ quan chỉ huy phòng, chống lụt, bão của ngành đường bộ
- Điều 6. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải
- Điều 7. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão Tổng cục Đường bộ Việt Nam
- Điều 8. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão khu vực
- Điều 9. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão cơ sở
- Điều 10. Chỉ huy phòng, chống lụt, bão trên các công trường thi công công trình đường bộ trong mùa mưa, bão
- Điều 11. Chỉ huy phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong các đơn vị vận tải đường bộ
- Điều 12. Nội dung công tác phòng ngừa lụt, bão hàng năm
- Điều 13. Phòng ngừa lụt, bão đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới
- Điều 14. Phòng ngừa lụt, bão đối với công trình đang xây dựng
- Điều 15. Phòng lừa lụt, bão đối với công trình đang sử dụng, khai thác
- Điều 18. Nội dung công tác khắc phục hậu quả lụt, bão
- Điều 19. Khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông
- Điều 20. Các hạng mục thi công khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1.
- Điều 21. Hồ sơ khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1