Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Thông tư 29/2021/TT-BGTVT hướng dẫn quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 3. AN TOÀN TỐI THIỂU KHI CUNG CẤP DỊCH VỤ HÀNG KHÔNG

Điều 45. Cung cấp dịch vụ xe dẫn tàu bay

1. Khi dẫn tàu bay, xe dẫn tàu bay và tàu bay phải bảo đảm khoảng cách từ khoảng 150 m đến 200 m.

2. Người vận hành xe dẫn tàu bay phải tuyệt đối chấp hành huấn lệnh của đài kiểm soát tại sân bay trong quá trình dẫn tàu bay.

3. Dịch vụ xe dẫn được cung cấp cho tàu bay đi, đến hoặc cho các phương tiện hoạt động không thường xuyên trong khu bay khi có yêu cầu.

Điều 46. Cung cấp dịch vụ kéo, đẩy tàu bay

1. Khi cung cấp dịch vụ kéo, đẩy tàu bay, phải sử dụng xe kéo đẩy và cần kéo đẩy phù hợp với từng loại tàu bay.

2. Người điều khiển xe kéo đẩy tàu bay phải thực hiện đúng quy trình vận hành khai thác.

3. Khi điều khiển xe kéo đẩy tàu bay, người điều khiển tuân thủ các giới hạn về tốc độ như sau:

a) Không vượt quá 10 km/h khi đang kéo, đẩy tàu bay;

b) Không vượt quá 25 km/h khi chạy không tải.

4. Trong quá trình kéo, đẩy tàu bay không được:

a) Tăng tốc hoặc dừng đột ngột;

b) Để người đu, bám bên ngoài buồng lái của xe kéo đẩy tàu bay;

c) Để chèn bánh hoặc vật khác trên cần kéo đẩy tàu bay;

d) Để người đứng, ngồi trên cần kéo đẩy tàu bay;

đ) Cài số lùi để kéo tàu bay.

5. Khi kéo, đẩy tàu bay trong điều kiện ban đêm hoặc sương mù, phải đảm bảo đèn chống va chạm, đèn đầu mút cánh tàu bay đã được bật sáng và đèn pha, đèn tín hiệu trên nóc xe kéo đẩy phải bật sáng.

6. Phải có nhân viên cảnh giới trong quá trình kéo, đẩy tàu bay trong các trường hợp sau:

a) Tàu bay không thể bật đèn chống va chạm, đèn đầu mút cánh tàu bay, phải có nhân viên cảnh giới ở hai bên đầu mút cánh tàu bay;

b) Có hoạt động xây dựng, sửa chữa trên đường lăn hoặc lân cận vị trí đỗ làm hạn chế khoảng cách an toàn đối với tàu bay;

c) Điều kiện thời tiết làm hạn chế tầm nhìn khi hoạt động;

d) Tàu bay khi được đẩy ra hoặc kéo vào; lăn ra hoặc lăn vào vị trí đỗ mà bên cạnh có tàu bay, phương tiện, thiết bị khác khác đỗ thì phải có người cảnh giới ở hai bên đầu mút cánh tàu bay.

7. Trước khi kéo, đẩy tàu bay, nhân viên điều khiển xe kéo đẩy tàu bay và người chỉ huy kéo đẩy tàu bay phải kiểm tra, quan sát các phương tiện, thiết bị khác đảm bảo đã rút ra khỏi khu vực an toàn tại vị trí đỗ tàu bay; tiến hành việc kéo, đẩy tàu bay theo huấn lệnh của người chỉ huy kéo đẩy và phải giữ liên lạc hai chiều với kiểm soát viên không lưu.

8. Trong quá trình kéo, đẩy tàu bay từ vệt lăn trên sân đỗ vào vị trí đỗ tàu bay và ngược lại, nhân viên điều khiển xe kéo đẩy tàu bay phải chấp hành lệnh của người chỉ huy kéo đẩy, người chỉ huy kéo đẩy phải ở trong tầm nhìn thấy của nhân viên điều khiển xe kéo đẩy tàu bay và nhân viên kỹ thuật tàu bay, đồng thời giữ khoảng cách di chuyển an toàn tối thiểu là 03 m so với xe kéo đẩy tàu bay, cần kéo đẩy và mũi tàu bay; nhân viên cảnh giới phải quan sát hai bên mút cánh tàu bay và phía sau tàu bay để đảm bảo an toàn trong quá trình kéo đẩy.

9. Chỉ được phép kéo, đẩy tàu bay theo đúng các vệt lăn, vệt dẫn lăn quy định. Khi kéo, đẩy tàu bay không được vượt quá góc giới hạn quy định được đánh dấu tại vị trí càng bánh mũi.

Điều 47. Vận hành cầu hành khách

1. Trong trường hợp tốc độ gió dự báo vượt quá 48 km/h, cầu hành khách sau khi cập vào tàu bay phải được chèn bánh.

2. Khi tốc độ gió dự báo vượt quá 96 km/h, phải quay cầu hành khách để tránh hướng gió, hạn chế bề mặt tiếp xúc với gió. Cầu hành khách phải được xếp rút, hạ thấp hoàn toàn và phải được chèn bánh. Không được quay đầu với một góc lớn hơn 87,5° tính từ đường tâm trừ trường hợp thông số kỹ thuật của nhà sản xuất cầu hành khách cho phép.

3. Khi tốc độ gió dự báo vượt quá 144 km/h:

a) Phải thu các nhánh cầu hành khách về vị trí không khai thác; đỗ cầu hành khách sao cho tâm của cầu được định vị trên các điểm chằng néo trên bề mặt sân đỗ. Cầu hành khách được định vị để các đai dây chằng vuông góc với đường tâm của cầu khi được thu lại hoàn toàn;

b) Các gờ mấu dây chằng được đặt sát với đầu cuối của cabin cầu hành khách, được hàn vào thanh dầm chữ I để nâng chống cho buồng điều khiển;

c) Trường hợp cơ sở hạ tầng không thiết kế có các vị trí để chằng néo cầu hành khách trên mặt sân đỗ tàu bay như yêu cầu tại điểm a, b khoản này, cầu hành khách phải được chèn chặt bánh và thực hiện các quy trình như khi tốc độ gió vượt quá 96 km/h;

d) Dừng khai thác cầu hành khách.

4. Trong trường hợp khi vận hành cầu hành khách gặp khó khăn hay không thể điều khiển được hoặc mất cân bằng trọng tâm, nhân viên vận hành cầu hành khách phải giữ nguyên trạng, ngừng khai thác và báo cáo ngay cho bộ phận kỹ thuật đến sửa chữa.

5. Trên các cầu hành khách phải có biển báo ghi rõ độ cao giới hạn đối với phương tiện, thiết bị vận hành dưới cầu hành khách; sơn kẻ bổ sung độ cao giới hạn đối với phương tiện, thiết bị vận hành dưới cầu hành khách trên đường công vụ, dưới cầu hành khách khi cần thiết tăng cường giải pháp an toàn khai thác. Đối với các loại cầu hành khách không thiết kế hệ thống neo chống bão thì phải thu các nhánh cầu hành khách về vị trí không khai thác; hạ thấp độ cao cầu ở mức thấp nhất, chèn bánh và xoay cabin cầu về vị trí ngược với hướng gió.

6. Nhân viên vận hành cầu hành khách không được rời khỏi vị trí cầu hành khách cho đến khi hành khách đã xuống hết tàu bay hoặc lên hết tàu bay, trừ trường hợp nhân viên chỉ vận hành các tính năng cung cấp dịch vụ phụ trợ khác của cầu hành khách như cấp điện, khí lạnh, nước sạch nhưng phải đảm bảo bàn điều khiển cầu hành khách đã được khóa vận hành và không thể tác động vào hệ thống điều khiển.

7. Cầu hành khách được sử dụng cùng các dịch vụ kỹ thuật đồng bộ kèm theo tại cầu hành khách. Trong trường hợp có sự cố kỹ thuật đối với cầu hành khách, việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật được thực hiện theo thỏa thuận giữa người sử dụng và đơn vị được phép cung ứng dịch vụ tại sân bay.

Điều 48. Cung cấp dịch vụ cấp điện cho tàu bay

1. Chỉ thực hiện tiếp cận và nối cáp điện sau khi đã đặt chèn bánh mũi tàu bay.

2. Xe cấp điện phải đỗ ở vị trí tương ứng với vị trí cấp điện cho tàu bay theo tài liệu của nhà chế tạo tàu bay công bố và cách các lỗ thông hơi nhiên liệu tàu bay, phương tiện tra nạp tối thiểu 03 m, được kéo phanh và chèn bánh.

3. Nhân viên vận hành xe cấp điện phải kiểm tra các tham số trên bảng điều khiển của xe, đảm bảo phù hợp với nguồn điện của tàu bay theo quy định của nhà chế tạo trước khi cấp điện.

4. Nhân viên vận hành xe cấp điện, nhân viên vận hành hệ thống cấp điện tại cầu hành khách phải kiểm tra các cáp điện bảo đảm độ cách điện, không bị mòn, rách lớp vỏ bọc. Các đầu cắm điện với tàu bay phải sạch, khô, không hỏng và bảo đảm tiếp xúc tốt với ổ cắm điện trên tàu bay.

5. Trong suốt thời gian cấp điện, thiết bị cấp điện phải duy trì được độ ổn định các tham số kỹ thuật của nguồn điện cung cấp.

6. Trong quá trình cấp điện, nhân viên kỹ thuật không được rời khỏi vị trí công tác, phối hợp với nhân viên thợ máy và nhân viên thông thoại trong quá trình cấp điện cho tàu bay để đảm bảo an toàn trong quá trình cung cấp dịch vụ.

7. Không được sửa chữa, lau chùi các bộ phận của thiết bị trong quá trình cấp điện.

Điều 49. Cung cấp dịch vụ cấp khí cho tàu bay

1. Nhân viên vận hành thiết bị cấp khí phải tiến hành theo quy trình kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất thiết bị cho từng loại thiết bị cấp khí.

2. Các chất khí qua các thiết bị cấp khí lên tàu bay phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, y tế theo quy định trong tài liệu hướng dẫn sử dụng của từng loại thiết bị cấp khí; không được nạp những chất khí không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, y tế hoặc hết hạn sử dụng lên tàu bay.

3. Không được sử dụng các bình tích áp đã hết niên hạn sử dụng theo quy định.

4. Không được dùng giẻ lau hoặc dụng cụ có dính dầu mỡ đối với thiết bị cấp khí ô xy.

5. Khi làm việc với các thiết bị cấp khí, nhân viên kỹ thuật cần phải biết chắc chắn biểu đồ quan hệ giữa nhiệt độ và áp suất các chất khí có trong các tài liệu hướng dẫn sử dụng để bảo đảm an toàn khi vận hành.

6. Không được mở van cấp khí một cách đột ngột khi cấp khí cho tàu bay.

7. Không được tháo, lắp các đầu nối ống dẫn khí khi trong hệ thống chưa xả hết áp suất dư.

8. Phải xả hết áp suất dư trong hệ thống đường ống khi chưa cấp khí; các đầu nối ống dẫn khí cần đậy nắp cẩn thận và giữ gìn sạch sẽ, khô ráo khi chưa cấp khí.

9. Khí ô xy cấp cho tàu bay phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Khi tiến hành cấp khí ô xy cho tàu bay phải bố trí các thiết bị cứu hỏa thích hợp đầy đủ và nếu cần chiếu sáng thì phải dùng các đèn chống nổ.

Điều 50. Cung cấp dịch vụ tra nạp nhiên liệu tàu bay

1. Việc tra nạp nhiên liệu lên tàu bay phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không và các quy định tại Điều này.

2. Trừ trường hợp không được phép nạp nhiên liệu cho tàu bay theo quy định của pháp luật về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không, khi nạp nhiên liệu có thể cho hành khách lên, xuống hoặc ở trên tàu bay trong trường hợp đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có sự thống nhất với người khai thác cảng hàng không, sân bay để đảm bảo phù hợp với năng lực cứu nạn, chữa cháy của sân bay;

b) Đại diện hãng hàng không hoặc đơn vị phục vụ mặt đất được hãng hàng không ủy quyền phải thông báo cho hành khách và nhân viên đang ở trên tàu bay việc nạp nhiên liệu;

c) Hành khách và nhân viên trên tàu bay không được sử dụng bất cứ thiết bị nào có thể phát lửa;

d) Đối với chuyến bay không sử dụng cầu hành khách, các xe thang phải trực sẵn ở các cửa tàu bay để hành khách và nhân viên có thể thoát ra ngoài khi có sự cố;

đ) Xe chữa cháy sẵn sàng tại vị trí nhà trực.

Điều 51. Cung cấp chất lỏng khác lên tàu bay

1. Đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không phải sử dụng phương tiện chuyên dùng khi nạp các chất lỏng khác nhau. Việc nối nạp các chất lỏng với các hệ thống tàu bay phải được thực hiện bằng đầu nối phù hợp.

2. Các chất lỏng nạp lên tàu bay phải phù hợp về chủng loại với chất lỏng trên tàu bay và bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; không được nạp cho tàu bay những chất lỏng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Các thiết bị nạp chất lỏng được kiểm tra thường xuyên về độ sạch của các hệ thống ống dẫn; sau khi sử dụng, đầu các ống dẫn phải được đậy kín để chống cát bụi, hơi nước và nước lọt vào.

4. Khi nạp chất lỏng với yêu cầu có áp suất lên tàu bay phải bảo đảm chắc chắn đã xả hết áp suất dư trong hệ thống thủy lực của thiết bị; chất lỏng cho hệ thống thủy lực đã đầy đủ mới bật bơm thủy lực để cấp chất lỏng cho tàu bay.

5. Không được tháo, lắp các đầu nối ống dẫn chất lỏng khi trong hệ thống thủy lực chưa xả hết áp suất dư.

6. Một số chất lỏng như dầu thủy lực của hệ thống thủy lực tàu bay có tính độc hại đối với con người và môi trường, khi làm việc với những chất lỏng này phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định ghi trong tài liệu hướng dẫn sử dụng.

7. Những chất lỏng có ảnh hưởng đến bề mặt sơn phủ, tính dính kết, độ kín hay hạn chế việc chống ô xy hóa phải đặc biệt chú ý trong quá trình nạp, không được làm đổ chất lỏng ra ngoài, khi chất lỏng bị đổ thì phải làm sạch ngay.

8. Việc điều khiển các thiết bị cấp chất lỏng cho tàu bay do nhân viên kỹ thuật có giấy phép điều khiển thực hiện phù hợp với tài liệu hướng dẫn sử dụng.

Điều 52. Chất xếp hoặc bốc dỡ hàng hóa, hành lý lên hoặc xuống tàu bay

1. Nhân viên điều khiển phương tiện chất xếp hoặc bốc dỡ hàng phải bảo đảm khoảng cách từ phương tiện chất xếp hoặc bốc dỡ hàng đến buồng hàng hóa luôn phù hợp trong quá trình chất xếp hoặc bốc dỡ hàng hóa, hành lý; đóng, mở buồng hàng phải thận trọng.

2. Việc sử dụng đòn bẩy khoang hàng hóa của tàu bay phải tuân thủ tài liệu khai thác tàu bay và có sự đồng ý của người khai thác tàu bay.

3. Phải kiểm soát chặt chẽ việc điều khiển, kiểm tra khi công-ten-nơ và pa-let được kéo đẩy bằng tay.

4. Không chất hàng quá quy định vào công-ten-nơ và mâm hàng; không kéo quá mạnh tránh cho mâm hàng khỏi cong, vênh khi kéo lưới mâm hàng.

5. Phải chú ý đến các chốt và thanh chắn cạnh khi đẩy pa-let và công-ten-nơ trên các phương tiện có con lăn hoặc bánh xe; không được đi lại trên các con lăn và bánh xe.

7. Người phục vụ không được đứng trên sàn xe nâng khi xe đang di chuyển; thanh dẫn phải đặt đúng vị trí khi xếp dỡ hàng.

8. Khi tiếp cận tàu bay, phải giữ khoảng cách giữa cao su giảm chấn đầu băng tải của xe băng chuyền, xe nâng hàng, xe suất ăn, xe thang với cửa tàu bay phù hợp với sự thay đổi vị trí của tàu bay theo phương thẳng đứng do tải trọng thay đổi.

9. Xe băng chuyền chỉ được hoạt động khi xe đã tiếp cận đúng vị trí; trong khi chất xếp hoặc bốc dỡ hàng hóa, hành lý các nhân viên phục vụ không được đi lại trên mặt băng tải của xe băng chuyền đang hoạt động.

10. Nhân viên chỉ được bước từ cửa buồng hàng tàu bay sang phương tiện hoặc ngược lại khi phương tiện đã dừng hẳn và ở trạng thái ổn định.

Điều 53. Cung cấp một số dịch vụ khác tại khu bay

1. Xe thang, cầu hành khách, xe suất ăn, xe phục vụ hành khách hạn chế khả năng di chuyển khi tiếp cận tàu bay cần đảm bảo tấm cao su đệm đầu trên đạt khoảng cách an toàn với thân tàu bay theo khuyến cáo của IATA hoặc các tài liệu khai thác của hãng hàng không.

2. Xe suất ăn khi tiếp cận và rời khỏi tàu bay phải đảm bảo sàn trên của xe suất ăn đặt tại vị trí không ảnh hưởng đến việc mở cửa tàu bay; phải có bộ phận bảo vệ ngưỡng cửa tàu bay khi kéo xe suất ăn từ thiết bị thùng nâng xe suất ăn lên tàu bay.

3. Xe vệ sinh, xe cấp nước sạch phải bảo đảm vị trí của sàn làm việc theo quy định của tài liệu hướng dẫn vận hành. Nhân viên vận hành không được làm việc trên sàn khi xe còn đang chuyển động; các ống hút, cấp dẫn phải được thu gọn trước khi xe di chuyển.

4. Xe đầu kéo không được quá 4 đô-ly và tổng chiều dài các đô-ly không được vượt quá 12,2 m, không kể chiều dài cần kéo. Trước khi kéo phải đảm bảo thùng đựng hàng đã được đậy nắp, chốt của cần kéo đã được lắp chắc chắn, an toàn; chỉ được tháo các đô-ly ra khỏi đầu kéo khi xe đầu kéo đã dừng lại hẳn; không được vừa chạy vừa xả các đô-ly.

Điều 54. Kiểm soát các thiết bị chiếu sáng ảnh hưởng đến hoạt động bay

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không để thiết lập sơ đồ các vùng ảnh hưởng đến hoạt động bay của đèn laze, đèn công suất lớn trong tài liệu khai thác sân bay; gửi sơ đồ các vùng ảnh hưởng đến các cơ quan, đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay và chính quyền địa phương để phối hợp kiểm soát.

2. Cảng vụ hàng không chủ trì, phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay, chính quyền địa phương để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các quy định và tổ chức kiểm soát việc sử dụng đèn laze, đèn công suất lớn tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

Điều 55. Thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện

1. Việc thông tin liên lạc bằng các thiết bị vô tuyến điện tại cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tần số vô tuyến điện, pháp luật về hàng không dân dụng.

2. Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng các thiết bị vô tuyến điện tại cảng hàng không, sân bay, tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị vô tuyến điện có trách nhiệm phối hợp với Cảng vụ hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay để đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện nhanh chóng, chính xác nguồn nhiễu và phối hợp xử lý nhiễu có hiệu quả.

Thông tư 29/2021/TT-BGTVT hướng dẫn quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 29/2021/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH