Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Thông tư 29/2021/TT-BGTVT hướng dẫn quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 2. AN TOÀN ĐỐI VỚI NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ HOẠT ĐỘNG TẠI KHU BAY

Điều 29. Người hoạt động trong khu bay

1. Tuân thủ các quy định về công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại khu bay, đeo thẻ kiểm soát an ninh hàng không do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

2. Mặc áo phản quang hoặc áo có gắn dải phản quang.

3. Trang bị bộ đàm hoặc thiết bị phù hợp liên lạc hai chiều, đảm bảo giữ liên lạc thường xuyên và tuyệt đối tuân thủ huấn lệnh của đài kiểm soát tại sân bay trên tần số được quy định tại mỗi cảng hàng không, sân bay. Trong trường hợp không có điều kiện để trang bị bộ đàm hoặc thiết bị phù hợp, phải có người phụ trách, giám sát mang theo bộ đàm hoặc thiết bị phù hợp để duy trì liên lạc.

4. Khi điều khiển phương tiện, vận hành thiết bị phải tuân thủ các giới hạn tốc độ theo quy định; không được tăng tốc hoặc phanh đột ngột khi phương tiện tiếp cận hoặc rời khỏi tàu bay; phải quan sát trước, sau và làm chủ được tốc độ khi cho phương tiện chuyển bánh, lưu thông trên đường công vụ, chuyển hướng tiếp cận tàu bay vòng tránh, lùi sau.

5. Chấp hành hướng di chuyển, phương thức di chuyển tránh va chạm với các phương tiện khác; tuân thủ quy định về tuyến và hành lang, luồng chạy của các phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.

6. Tuân thủ quy trình vận hành tiêu chuẩn của nhà sản xuất, người khai thác phương tiện; các quy tắc về an toàn lao động và quy định về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường; mặc trang phục làm việc đúng quy định của đơn vị.

7. Khi điều khiển phương tiện di chuyển trên đường công vụ, tại các giao điểm giữa đường công vụ và đường lăn, người điều khiển phương tiện phải quan sát và dừng lại để tàu bay lăn. Khi điều khiển phương tiện di chuyển trên đường công vụ, tại các giao điểm giữa đường công vụ và vệt dẫn từ tim đường lăn đến vị trí đỗ tàu bay, người điều khiển phải giảm tốc độ, quan sát hoạt động của tàu bay, dừng phương tiện tại vị trí theo quy định để đảm bảo khoảng cách an toàn đối với tàu bay khi thấy tàu bay di chuyển, chỉ được phép di chuyển khi tàu bay đã lăn qua khỏi điểm giao cắt đảm bảo khoảng cách an toàn đối với tàu bay.

8. Người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng phương tiện để không gây mất an toàn trong những trường hợp sau đây:

a) Khi có yêu cầu của người có thẩm quyền theo quy định tại cảng hàng không, sân bay;

b) Khi có tàu bay đang lăn; khi đi ngang qua khu vực đỗ tàu bay, khu vực có hoạt động phục vụ mặt đất tại sân đỗ tàu bay, khu vực chất xếp, bốc dỡ hành lý, hàng hóa, khu vực di chuyển của hành khách, khu vực đang thi công;

c) Khi tầm nhìn hạn chế;

d) Khi tránh xe ngược chiều hoặc cho xe sau vượt lên;

đ) Khi đến điểm đen trên đường công vụ;

e) Khi vào góc cua trên đường công vụ.

9. Người điều khiển phương tiện không được dừng, đỗ phương tiện trên đường công vụ (trừ phương tiện đang phục vụ nhân viên làm việc trong khu bay, hành khách, hành lý, hàng hóa trên đường công vụ tiếp giáp nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, phương tiện phục vụ công tác khẩn nguy cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy đang làm nhiệm vụ và các trường hợp quy định trong khoản 7, 8 của Điều này), hoặc đỗ sai vị trí quy định, gây ách tắc cho các loại phương tiện khác.

10. Người điều khiển phương tiện không điều khiển phương tiện chạy cắt ngang qua khoảng cách giữa:

a) Xe dẫn tàu bay và tàu bay đang lăn;

b) Tàu bay và nhân viên đánh tín hiệu mặt đất;

c) Hệ thống VDGS khi hệ thống này đang hoạt động và tàu bay đang lăn vào vị trí đỗ tàu bay;

d) Luồng hành khách đang đi bộ từ tàu bay ra xe chở khách, nhà ga hành khách và ngược lại.

11. Người điều khiển phương tiện không điều khiển phương tiện di chuyển dưới thân, cánh, động cơ tàu bay, trừ các phương tiện có chức năng phục vụ phải di chuyển một phần phía dưới tàu bay trong quá trình phục vụ.

12. Người điều khiển phương tiện, vận hành thiết bị khi di chuyển trên đường công vụ dưới cầu hành khách phải tuân thủ biển báo giới hạn chiều cao phương tiện. Người khai thác công trình nhà ga hành khách phải công bố giới hạn chiều cao thực tế của cầu hành khách và gắn biển giới hạn chiều cao tại các vị trí yêu cầu giới hạn chiều cao của phương tiện, thiết bị khi di chuyển dưới cầu hành khách.

13. Người điều khiển phương tiện, vận hành thiết bị khi di chuyển từ đường công vụ vào các khu vực có giới hạn chiều cao của phương tiện, thiết bị và ngược lại phải tuân thủ quy định về giới hạn chiều cao của phương tiện, thiết bị do người khai thác công trình công bố. Người khai thác công trình phải gắn biển giới hạn chiều cao tại các vị trí yêu cầu giới hạn chiều cao đối với phương tiện, thiết bị tại các khu vực cần giới hạn chiều cao của phương tiện, thiết bị.

14. Người điều khiển phương tiện không được rời khỏi vị trí điều khiển khi động cơ đang hoạt động, ngoại trừ các trường hợp:

a) Xe tra nạp nhiên liệu khi đã thiết lập hoạt động hệ thống khóa liên động;

b) Phương tiện, thiết bị khi đã hạ hệ thống chân chống ở chế độ an toàn;

c) Phương tiện, thiết bị có vị trí vận hành phục vụ khác với vị trí vận hành di chuyển hoặc xe đầu kéo móc nối đô-ly, moóc hàng hóa, xe băng chuyền tự hành và không tự hành khi hệ thống phanh tay của phương tiện, thiết bị đã được kích hoạt hoàn toàn và phương tiện, thiết bị đã được chèn bánh.

15. Khi tiếp cận tàu bay, người điều khiển phương tiện phải tuân theo các quy tắc sau đây:

a) Chỉ được phép tiếp cận khi tàu bay đã dừng hẳn, đã chèn bánh, động cơ chính đã tắt, đèn cảnh báo chống va chạm đã tắt, trừ trường hợp tàu bay phải có phương tiện hỗ trợ mới tắt được động cơ và phải có tín hiệu xác nhận đảm bảo từ nhân viên thông thoại với tổ lái;

b) Tiếp cận tàu bay theo đúng thứ tự quy định trong tài liệu khai thác tàu bay;

c) Đỗ đúng vị trí theo sơ đồ phục vụ của từng loại tàu bay và không được ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện khác hoạt động trên khu bay;

d) Đảm bảo có người hướng dẫn đối với các phương tiện tiếp cận tàu bay, trừ các phương tiện có hệ thống tự động tiếp cận tàu bay.

16. Người điều khiển phương tiện phải nắm rõ sơ đồ mặt bằng vị trí khai thác, các luồng tuyến dành cho phương tiện di chuyển hoạt động, các tín hiệu đèn, biển báo, biển chỉ dẫn, tín hiệu sơn kẻ, quy định vận hành phương tiện, thiết bị trên sân đỗ.

17. Người làm việc trên sân đỗ tàu bay không được đi lại trên đường công vụ dành cho phương tiện, chỉ được phép đi cắt ngang qua đường công vụ tại các vị trí dành cho người đi bộ, trừ người làm nhiệm vụ kiểm tra, vệ sinh sân đường; chú ý quan sát, giữ khoảng cách an toàn khi di chuyển ngang qua khu vực có hoạt động phục vụ, khai thác mặt đất và khi có tàu bay đang hoạt động. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xác định vị trí cho phép người làm việc trên sân đỗ tàu bay được cắt ngang đường công vụ trong khu bay.

18. Người làm việc trên sân đỗ tàu bay không được tạm nghỉ, tránh nắng, mưa bên dưới, sát cạnh, xung quanh phương tiện, thiết bị mặt đất đang chờ phục vụ tàu bay.

19. Khi phương tiện đang di chuyển trên đường công vụ trong khu bay, người vận hành phương tiện và người ngồi trên phương tiện phải thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn.

20. Không mang chất dễ cháy, chất nổ, chất độc hại, chất ăn mòn hoặc bất kỳ chất nào khác có khả năng gây ảnh hưởng đến công trình, trang thiết bị khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

21. Không hút thuốc, đốt lửa, tạo ra nguồn lửa hở trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.

22. Không vứt rác và chất thải trong khu bay.

23. Không sử dụng điện thoại di động khi đang vận hành, điều khiển các phương tiện, trang thiết bị mặt đất, trừ trường hợp khẩn cấp phải liên lạc hoặc bộ đàm liên lạc hỏng.

24. Khi không có nhiệm vụ, người, phương tiện không được phép tiếp cận tàu bay, tiếp cận trang thiết bị tại khu bay và di chuyển trên khu vực hoạt động của sân bay.

Điều 30. Sử dụng phương tiện, thiết bị hoạt động trong khu bay

1. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị hoạt động trong khu bay phải có giấy phép kiểm soát an ninh hàng không theo quy định do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

2. Phương tiện, thiết bị hoạt động thường xuyên tại khu bay phải được đánh dấu nhận biết đơn vị quản lý bằng tên đầy đủ của đơn vị hoặc viết tắt (tiếng Anh hoặc tiếng Việt).

3. Không được phép sử dụng xe đạp, xe máy trong khu bay, trừ các trường hợp sau:

a) Lực lượng an ninh hàng không sử dụng xe đạp để di chuyển trong khu bay khi làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác; sử dụng xe đạp, xe máy để tuần tra trên đường công vụ trong khu bay theo các quy định về an ninh hàng không và trong tài liệu khai thác sân bay có quy định cụ thể về tuyến đường di chuyển, phương án đảm bảo an toàn khai thác trong điều kiện thời tiết nguy hiểm hoặc tầm nhìn hạn chế;

b) Nhân viên sử dụng xe máy di chuyển trên đường công vụ để đảm bảo kỹ thuật cho các hệ thống cung cấp dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát trong khu bay, khảo sát sửa chữa các hạng mục công trình, thiết bị trong khu bay; xua đuổi động vật hoang dã hoặc ngăn chặn các trường hợp xâm nhập trái phép vào khu bay và trong tài liệu khai thác sân bay có quy định cụ thể về tuyến đường di chuyển, phương án đảm bảo an toàn khai thác trong điều kiện thời tiết nguy hiểm hoặc tầm nhìn hạn chế;

c) Nhân viên đánh tín hiệu tại sân bay sử dụng xe đạp trong khu bay để thực hiện nhiệm vụ đánh tín hiệu tại sân bay và trong tài liệu khai thác sân bay có quy định cụ thể về tuyến đường di chuyển, vị trí hoặc khu vực đỗ xe đạp để cung cấp dịch vụ đánh tín hiệu, phương án đảm bảo an toàn khai thác trong điều kiện thời tiết nguy hiểm hoặc tầm nhìn hạn chế;

d) Nhân viên làm nhiệm vụ vệ sinh, kiểm soát sân đỗ tàu bay sử dụng xe đạp lưu thông trên đường công vụ đến các vị trí đỗ tàu bay để thực hiện nhiệm vụ thu gom vật ngoại lai, phối hợp xử lý sự cố tràn dầu và trong tài liệu khai thác sân bay có quy định cụ thể về tuyến di chuyển, vị trí hoặc khu vực đỗ xe đạp, phương án đảm bảo an toàn khai thác trong điều kiện thời tiết nguy hiểm hoặc tầm nhìn hạn chế.

4. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không, dịch vụ phục vụ kỹ thuật mặt đất phải xây dựng:

a) Quy trình tiếp cận, phục vụ tàu bay cho phương tiện, thiết bị nhằm đảm bảo an toàn khai thác khu bay, đảm bảo phù hợp với tài liệu khai thác tàu bay;

b) Phương án di dời phương tiện mất khả năng di chuyển; thống nhất phương án với người khai thác cảng hàng không, sân bay để phù hợp với tài liệu khai thác sân bay và các quy định về an toàn khai thác tại khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay;

c) Các phương án xử lý tình huống bất thường khác trong phạm vi trách nhiệm dịch vụ do đơn vị cung cấp.

5. Trên phương tiện, thiết bị phải được trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy phù hợp. Các thiết bị chữa cháy phải được kiểm tra định kỳ, còn trong thời hạn sử dụng theo quy định.

6. Phương tiện phải được bật đèn chiếu gần (đèn cốt), đèn xoay hoặc đèn nháy (đèn cảnh báo) và không dùng đèn pha (đèn chiếu xa) khi vận hành các phương tiện, thiết bị vào ban đêm hoặc khi trời mù, trời mưa, tầm nhìn hạn chế, ngoại trừ xe kéo đẩy tàu bay đang kéo, đẩy tàu bay.

7. Phương tiện, thiết bị không có chân chống (không bao gồm đô-ly, moóc chở hàng hóa, phương tiện tra nạp nhiên liệu cho tàu bay có trang bị hệ thống khóa liên động, cần đẩy tàu bay, thiết bị chống đuôi tàu bay) phải được trang bị vật chèn bánh; vật chèn bánh phải được kiểm tra thường xuyên và để ở vị trí thuận lợi để sử dụng.

8. Khi đang đỗ trong sân đỗ hoặc đang dừng, đỗ để phục vụ tàu bay, phương tiện, thiết bị phải được cài phanh tay hoặc đóng chèn bánh hoặc hạ chân chống thủy lực (đối với thiết bị có trang bị chân chống thủy lực); trừ xe tra nạp nhiên liệu có hệ thống khóa liên động.

9. Khi người điều khiển phương tiện tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay không có giấy phép điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay thì phải có phương tiện của người khai thác cảng hàng không, sân bay dẫn đường, trừ trường hợp các phương tiện thi công đã xác định luồng tuyến di chuyển theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

10. Phương tiện không được vận chuyển quá tải trọng, quá số người quy định đối với từng loại phương tiện.

11. Khi không hoạt động hoặc khi kết thúc phục vụ chuyến bay, các phương tiện, thiết bị phải được đỗ tập kết trong phạm vi giới hạn khu vực tập kết phương tiện, thiết bị theo quy định.

12. Phương tiện chuyên ngành hàng không bị dừng hoạt động trong các trường hợp sau:

a) Không được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc không đáp ứng yêu cầu khai thác theo tài liệu kỹ thuật của phương tiện;

b) Gây sự cố, tai nạn.

13. Phương tiện chuyên ngành hàng không quy định tại khoản 12 Điều này được hoạt động trở lại trong các trường hợp sau:

a) Đã khắc phục các vi phạm quy định tại điểm a khoản 12 Điều này;

b) Đã xác định nguyên nhân sự cố, tai nạn liên quan đến phương tiện.

Điều 31. Tốc độ di chuyển của phương tiện

1. Tốc độ tối đa cho phép:

a) 05 km/h trong khu vực an toàn vị trí đỗ tàu bay;

b) 35 km/h trên đường công vụ trên sân đỗ tàu bay;

c) 50 km/h trên đường công vụ ngoài sân đỗ tàu bay, đường phục vụ công tác tuần tra sân bay.

2. Tốc độ tối đa cho phép quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng trong trường hợp có tình huống khẩn nguy tại sân bay. Trong trường hợp này, các phương tiện thực hiện nhiệm vụ khẩn nguy theo kế hoạch khẩn nguy được duyệt và công bố.

3. Trong điều kiện đặc biệt của từng cảng hàng không, sân bay và để đảm bảo an toàn khai thác tại khu bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay có thể quy định cụ thể tốc độ của phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay trong tài liệu khai thác sân bay, phù hợp với tính năng hoạt động của phương tiện nhưng không được vượt quá tốc độ tối đa cho phép quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời nêu rõ lý do cụ thể và thông báo rộng rãi cho các cơ quan, đơn vị biết, tổ chức thực hiện.

4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay thực hiện việc sơn tín hiệu giới hạn tốc độ hoặc gắn biển giới hạn tốc độ trên đường công vụ trong khu bay.

Điều 32. Quyền ưu tiên hoạt động trong khu bay

1. Người, phương tiện, thiết bị phải dừng, đỗ, di chuyển về vị trí an toàn theo quy định khi tàu bay đang hạ cánh, cất cánh và di chuyển.

2. Người, phương tiện, thiết bị hoạt động trên khu bay phải ưu tiên, nhường đường cho xe, phương tiện tham gia ứng phó tình huống khẩn nguy sân bay, phục vụ chuyến bay chuyên cơ.

3. Người, phương tiện, thiết bị hoạt động trên khu bay phải ưu tiên nhường đường cho phương tiện, xe kéo đẩy đang kéo, đẩy tàu bay.

Điều 33. Hoạt động của người, phương tiện khi di chuyển trên đường cất hạ cánh, đường lăn

1. Người và phương tiện khi tham gia hoạt động trên đường cất hạ cánh, đường lăn phải được sự đồng ý và tuân thủ nghiêm hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu; đảm bảo liên lạc được thông suốt và liên tục trong quá trình hoạt động.

2. Khi nhận được yêu cầu di chuyển ra khỏi đường cất hạ cánh, đường lăn từ đài kiểm soát tại sân bay, người, phương tiện phải nhanh chóng di chuyển đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định so với tim đường cất hạ cánh, đường lăn.

3. Người và phương tiện đang di chuyển trên đường lăn phải dừng chờ tại vị trí chờ trên đường lăn trước khi lên đường cất hạ cánh hoặc tại các giao điểm của các đường lăn trừ khi được phép của đài kiểm soát tại sân bay.

4. Trong trường hợp mất liên lạc, người điều khiển phương tiện phải:

a) Tìm mọi cách để thiết lập lại liên lạc với kiểm soát viên không lưu;

b) Chủ động quan sát hoạt động trên đường cất hạ cánh, đường lăn và thực hiện việc di dời khỏi đường cất hạ cánh, đường lăn, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với tim đường cất hạ cánh, đường lăn và dừng chờ cho đến khi liên lạc hoặc nhận được chỉ dẫn của đài kiểm soát tại sân bay bằng tín hiệu đèn theo quy định;

c) Sử dụng các thiết bị liên lạc cần thiết để liên lạc trực tiếp với người khai thác cảng hàng không, sân bay và đài kiểm soát tại sân bay để thông báo việc di chuyển ra khỏi đường cất hạ cánh, đường lăn và phối hợp xử lý.

Điều 34. Đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện

1. Các phương tiện hoạt động trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay thuộc danh mục được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, xe máy chuyên dùng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; chất lượng an toàn kỹ thuật đối với thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong giao thông vận tải.

2. Các phương tiện hoạt động trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay đang khai thác, sử dụng ổn định nhưng không có một trong các giấy tờ theo quy định về kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, người sở hữu hoặc người khai thác, sử dụng phương tiện hoạt động trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xác định và chịu trách nhiệm về nguồn gốc phương tiện và thay thế giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện theo quy định về kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

Điều 35. Bảo dưỡng phương tiện, thiết bị

Người khai thác phương tiện, thiết bị phải thực hiện việc bảo dưỡng thiết bị, phương tiện theo quy định của tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của phương tiện nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác.

Điều 36. Tài liệu kỹ thuật của phương tiện

Người khai thác phương tiện phải lập tài liệu kỹ thuật của phương tiện hoạt động trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay. Tài liệu kỹ thuật của phương tiện bao gồm: tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; tài liệu khai thác kỹ thuật; lý lịch và hồ sơ cải tạo, thay đổi kiểu loại.

Điều 37. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của phương tiện

1. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật là tài liệu do người chế tạo hoặc người khai thác phương tiện ban hành để hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo, khai thác, bảo dưỡng phương tiện. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật bao gồm:

a) Tài liệu hướng dẫn sử dụng;

b) Tài liệu hướng dẫn bảo trì;

c) Tài liệu huấn luyện kỹ thuật.

2. Tài liệu hướng dẫn sử dụng là tài liệu đưa ra những thông tin kỹ thuật cần thiết, hướng dẫn cụ thể cho người điều khiển, vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.

3. Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng phương tiện là tài liệu đưa ra các thông tin và hướng dẫn cần thiết cho công tác bảo dưỡng phương tiện.

4. Tài liệu huấn luyện kỹ thuật bao gồm các tài liệu được sử dụng trong giảng dạy, hướng dẫn, chuyển loại cho nhân viên kỹ thuật tại các cơ sở huấn luyện kỹ thuật hoặc các lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nhân viên hàng không. Tài liệu huấn luyện kỹ thuật có thể do nhà chế tạo, người khai thác phương tiện hoặc các cơ sở huấn luyện biên soạn và phê chuẩn trước khi sử dụng.

Điều 38. Tài liệu khai thác kỹ thuật của phương tiện

1. Tài liệu khai thác kỹ thuật là tài liệu cần thiết cho quá trình khai thác và quản lý kỹ thuật của phương tiện. Tài liệu khai thác kỹ thuật do nhà quản lý, khai thác phương tiện phê chuẩn gồm:

a) Nhật ký kỹ thuật, biên bản kỹ thuật;

b) Tài liệu thống kê kỹ thuật;

c) Báo cáo kỹ thuật;

d) Báo cáo đột xuất.

2. Nhật ký kỹ thuật ghi lại tình trạng kỹ thuật hàng ngày hoặc từng ca của phương tiện.

3. Biên bản kỹ thuật ghi lại những sự cố về kỹ thuật đối với phương tiện trong quá trình khai thác.

4. Tài liệu thống kê kỹ thuật nhằm tổng hợp, đánh giá tình trạng hoạt động của phương tiện trong những chu kỳ nhất định, bao gồm các số liệu thống kê về: số giờ hoạt động, số lần làm việc, số ki lô mét đã chạy, sự cố kỹ thuật và các số liệu khác do cơ sở quyết định.

5. Báo cáo kỹ thuật là tài liệu tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động kỹ thuật của phương tiện bao gồm: báo cáo số lượng phương tiện đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và môi trường, được cấp giấy phép hoạt động; phương tiện không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và môi trường, không được cấp giấy phép hoạt động, chờ thanh lý; phương tiện được đầu tư mới.

6. Báo cáo đột xuất là báo cáo khi phương tiện gây ra sự cố, hỏng hóc đối với tàu bay. Báo cáo bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên gọi và ký hiệu phương tiện gây ra sự cố;

b) Ngày, giờ, địa điểm xảy ra sự cố kỹ thuật;

c) Biên bản xác nhận diễn biến và hiện trạng sau khi xảy ra sự cố kỹ thuật;

d) Sơ bộ xác định nguyên nhân có thể gây ra sự cố và mức độ hư hại;

đ) Kiến nghị và biện pháp xử lý.

Điều 39. Lý lịch kỹ thuật và hồ sơ cải tạo, thay đổi kiểu loại của phương tiện

1. Lý lịch kỹ thuật của phương tiện là tài liệu ghi lại nguồn gốc xuất xứ, tên, ký hiệu, chức năng chính, quá trình hoạt động, bảo dưỡng phương tiện.

2. Lý lịch kỹ thuật do người quản lý, khai thác phương tiện xây dựng và bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên và địa chỉ của người khai thác;

b) Tên gọi, ký hiệu, số đăng ký của phương tiện;

c) Công dụng;

d) Nước sản xuất;

đ) Số khung, số máy, số các cụm tổng thành chính;

e) Ngày sản xuất, ngày sử dụng;

g) Ngày bảo dưỡng, sửa chữa.

3. Hồ sơ cải tạo, thay đổi kiểu loại phương tiện do người quản lý, khai thác xây dựng và bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên, ký hiệu kiểu loại phương tiện được cải tiến hoặc thay đổi kiểu loại;

b) Lý do cải tiến hoặc thay đổi;

c) Xác nhận việc cải tiến, thay đổi kiểu loại phương tiện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

d) Ngày cấp;

đ) Người cấp.

Điều 40. Quy cách biển số hoạt động của phương tiện chuyên ngành hàng không

1. Phần chữ mô tả ký hiệu mã (code) IATA của cảng hàng không nơi phương tiện hoạt động.

2. Chữ số đầu chỉ đơn vị quản lý khai thác phương tiện:

a) 1 là phương tiện của người khai thác cảng hàng không, sân bay;

b) 2 là phương tiện của các hãng hàng không;

c) 3 là phương tiện của các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không khác.

3. Hai chữ số tiếp theo chỉ loại phương tiện do Cục Hàng không Việt Nam công bố.

4. Sau hai chữ số chỉ loại phương tiện là những chữ số chỉ số thứ tự được cấp phép của từng loại phương tiện, bắt đầu từ 01.

5. Chất liệu của biển số: biển số xe được sản xuất bằng kim loại, có màng phản quang, nền màu xanh, chữ và số màu trắng.

6. Tùy thuộc thiết kế của phương tiện chuyên dùng, đơn vị quản lý, khai thác phương tiện chuyên dùng đề xuất sử dụng loại biển phù hợp như sau:

a) Biển số ngắn, kích thước: chiều cao 165 mm, chiều dài 330 mm;

b) Biển số dài, kích thước: chiều cao 110 mm, chiều dài 520 mm;

c) Biển số kích thước trung bình: chiều cao 140 mm, chiều dài 190 mm.

7. Kích thước chữ và số trên biển số

a) Chiều cao của chữ và số: 63 mm;

b) Chiều rộng của chữ và số: 38 mm;

c) Nét đậm của chữ và số: 10 mm;

d) Kích thước gạch ngang (-): chiều dài 14 mm; chiều rộng 10 mm.

Điều 41. Sử dụng bộ đàm trong khu bay

1. Người sử dụng bộ đàm phải điều chỉnh đúng tần số quy định, duy trì liên lạc hai chiều và không được phép chen ngang, làm gián đoạn liên lạc.

2. Việc trao đổi thông tin trên tần số với đài kiểm soát tại sân bay phải ngắn gọn, nêu rõ người gọi, người nghe. Không được phép việc sử dụng bộ đàm vào mục đích riêng.

Điều 42. Sử dụng tín hiệu bằng tay

1. Các loại tín hiệu bằng tay để chỉ dẫn cho nhân viên vận hành các loại phương tiện, thiết bị mặt đất, người chỉ huy kéo đẩy đến nhân viên điều khiển xe kéo đẩy tàu bay, người cảnh giới đến người chỉ huy kéo đẩy và nhân viên điều khiển xe kéo đẩy tàu bay.

2. Việc sử dụng tín hiệu bằng tay được thực hiện theo tài liệu IGOM của IATA.

3. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay phải có hướng dẫn về sử dụng tín hiệu bằng tay cho nhân viên làm việc tại khu bay.

Điều 43. Tập kết phương tiện, thiết bị khi không hoạt động

1. Phương tiện, thiết bị không hoạt động phải được đỗ đúng vị trí tập kết quy định trên sân đỗ tàu bay đã được sơn kẻ tín hiệu hoặc khu vực sân tập kết phương tiện, thiết bị.

2. Khi đỗ tại vị trí tập kết, phương tiện phải được kéo phanh tay, chèn bánh hoặc hạ chân chống.

3. Phương tiện, thiết bị phải sắp xếp có trật tự, đảm bảo dễ dàng thoát ly và không gây cản trở cho các phương tiện, trang thiết bị khác.

4. Trong trường hợp có gió lớn, các phương tiện, thiết bị khi không hoạt động phải được chằng néo, cố định chắc chắn để không bị cuốn ra khỏi khu vực tập kết.

Điều 44. Xử lý ban đầu đối với các sự cố, vụ việc liên quan đến người và phương tiện hoạt động tại khu bay

1. Phương tiện, thiết bị khi hoạt động trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay gặp sự cố hoặc hư hỏng, người điều khiển phương tiện, thiết bị phải thông báo ngay cho đài kiểm soát tại sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay.

2. Đơn vị quản lý, khai thác phương tiện, thiết bị hoạt động trong khu bay phải tổ chức di dời phương tiện, thiết bị gặp sự cố về kỹ thuật hoặc hư hỏng đến khu vực an toàn theo yêu cầu của người khai thác cảng hàng không, sân bay; không được phép sửa chữa phương tiện, thiết bị trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay.

3. Trường hợp đơn vị quản lý, khai thác phương tiện, thiết bị không có khả năng di dời hoặc triển khai chậm phương án di dời phương tiện, thiết bị, làm ảnh hưởng đến hoạt động bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay tổ chức di dời phương tiện, thiết bị đang gặp sự cố hoặc hư hỏng. Đơn vị quản lý, khai thác phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hiệp đồng, thỏa thuận với người khai thác cảng hàng không, sân bay để tổ chức di dời phương tiện, thiết bị đang gặp sự cố hoặc hư hỏng.

4. Người làm việc tại khu bay khi thấy sự cố, vụ việc cháy nổ phải:

a) Nhanh chóng dập tắt đám cháy bằng các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy tại chỗ, đồng thời tìm mọi biện pháp để cách ly đám cháy với tàu bay và các phương tiện khác;

b) Thông báo ngay cho đài kiểm soát tại sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay để điều hành hoạt động của tàu bay, đồng thời thông báo cho người khai thác cảng hàng không, sân bay để xử lý tình huống.

5. Người làm việc tại khu bay khi thấy sự cố, vụ việc va chạm phải:

a) Giữ nguyên hiện trường đến khi cơ quan chức năng có mặt;

b) Thông báo cho đài kiểm soát tại sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không và các cơ quan chức năng để xử lý.

6. Người làm việc tại khu bay khi thấy sự cố, vụ việc tràn nhiên liệu phải:

a) Lau sạch ngay nhiên liệu bị tràn hoặc bị đổ ra ngoài;

b) Thông báo ngay cho đài kiểm soát tại sân bay và người khai thác cảng hàng không, sân bay để xử lý trong trường hợp nhiên liệu bị tràn diện tích lan rộng hơn 04 m2.

7. Đài kiểm soát tại sân bay và người khai thác cảng hàng không, sân bay phối hợp thông báo cho người và phương tiện không được di chuyển qua khu vực nhiên liệu tràn; yêu cầu các phương tiện đang hoạt động gần khu vực nhiên liệu tràn phải di chuyển ra xa hoặc tắt động cơ.

Thông tư 29/2021/TT-BGTVT hướng dẫn quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 29/2021/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH