Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 264/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ TRONG LĨNH VỰC NGOẠI GIAO ÁP DỤNG TẠI CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật quốc tịch ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự;

Căn cứ Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 quy định về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và các cơ quan khác của Việt Nam được ủy nhiệm thực hiện chức năng lãnh sự ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

Điều 2. Người nộp phí, lệ phí

Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài được Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ các công việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại giao thì phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Tổ chức thu phí, lệ phí

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phục vụ các tổ chức, cá nhân về công việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại giao phù hợp với quy định pháp luật là tổ chức thu phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Mức thu phí, lệ phí

Mức thu phí, lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao (Phụ lục 12) ban hành kèm theo Thông tư này được áp dụng tại tất cả các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 5. Các trường hợp miễn hoặc giảm phí, lệ phí

1. Miễn thu phí, lệ phí với các trường hợp sau đây:

a) Người nước ngoài là khách mời (kể cả vợ hoặc chồng, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ hoặc chồng và các con cùng đi theo khách mời) của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ; hoặc do lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mời với tư cách cá nhân;

b) Viên chức, nhân viên hành chính kỹ thuật của Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình (vợ hoặc chồng, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ hoặc chồng và các con chưa thành niên) theo nguyên tắc có đi có lại;

c) Người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông hoặc giấy tờ đi lại thay hộ chiếu do nước ngoài cấp được miễn phí thị thực theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo quy định pháp luật Việt Nam hoặc theo nguyên tắc có đi có lại;

d) Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện công việc cứu trợ hoặc giúp đỡ nhân đạo cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam;

đ) Người nước ngoài vào Việt Nam theo lời mời trao đổi giữa các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố theo nguyên tắc có đi có lại;

e) Người có công với cách mạng, đất nước;

g) Các trường hợp do nhu cầu đối ngoại cần tranh thủ hoặc vì lý do nhân đạo, công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc gặp rủi ro;

h) Các trường hợp xin cấp thị thực nhưng được miễn phí thị thực theo quy định của Chính phủ Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận song phương.

2. Người Việt Nam định cư tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia hoặc những nước đang có chiến tranh, dịch bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng được giảm các loại phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao theo quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao (Phụ lục 12) ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với những trường hợp được miễn thu phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao theo quy định trên, tổ chức thu phí, lệ phí phải đóng dấu “miễn phí, lệ phí” (GRATIS) vào giấy tờ đã cấp.

Điều 6. Kê khai, nộp phí, lệ phí

1. Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xem xét, quyết định lựa chọn ngân hàng có uy tín để mở tài khoản của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phục vụ hoạt động của Cơ quan đại diện, đảm bảo an toàn tiền gửi Quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

2. Đối với các khoản lệ phí

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức thực hiện hạch toán kế toán khoản thu lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao; khi phát sinh số thu, nộp 100% (một trăm phần trăm) số tiền lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao và số tiền lãi gửi ngân hàng thực phát sinh vào Quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Đối với các khoản phí

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức thực hiện hạch toán kế toán khoản thu phí trong lĩnh vực ngoại giao; khi phát sinh số thu, nộp 70% (bảy mươi phần trăm) số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao và số tiền lãi gửi ngân hàng thực phát sinh vào Quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

4. Phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao được tính bằng đồng đô la Mỹ (USD) theo Biểu mức thu phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp thu phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao bằng đồng tiền nước sở tại thì việc quy đổi từ đồng đô la Mỹ (USD) sang đồng tiền nước sở tại được căn cứ vào tỷ giá bán ra của đồng đô la Mỹ (USD) do ngân hàng nơi Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mở tài khoản công bố.

Khi tỷ giá quy đổi từ đồng đô la Mỹ (USD) ra đồng tiền nước sở tại biến động tăng hoặc giảm trên 10% (mười phần trăm) so với tỷ giá quy đổi đang áp dụng, Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được quy định lại mức phí và lệ phí lãnh sự bằng đồng tiền nước sở tại theo tỷ giá quy đổi mới, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao trước khi thực hiện.

Trường hợp tại một nước hoặc vùng lãnh thổ có từ hai (02) Cơ quan đại diện Việt Nam trở lên được phép thu phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao, thì Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền cao nhất căn cứ tỷ giá bán ra của ngân hàng sở tại quyết định mức thu thống nhất cho các Cơ quan đại diện Việt Nam còn lại.

5. Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài đã nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao theo quy định tại Thông tư này nhưng không đủ điều kiện được cấp giấy tờ lãnh sự hoặc từ chối không nhận kết quả xử lý hồ sơ, tổ chức thu phí, lệ phí không hoàn trả lại số tiền phí, lệ phí đã thu.

Điều 7. Quản lý và sử dụng

1. Bộ Ngoại giao được sử dụng 30% (ba mươi phần trăm) số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu để chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí và các quy định của pháp luật.

2. Bộ Ngoại giao ban hành Quy chế quản lý và sử dụng 30% (ba mươi phần trăm) số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao được để lại. Nếu cuối năm chưa sử dụng hết, số tiền phí được để lại được chuyển sang năm sau để chi theo quy định.

Điều 8. Quyết toán thu, chi về phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao

1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm mở sổ kế toán để ghi chép, hạch toán thu, chi về phí, thu nộp lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành. Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm về quản lý và hạch toán thu chi các loại phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao của cơ quan mình; định kỳ hàng tháng gửi về Bộ Ngoại giao Báo cáo thu phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao (theo mẫu quy định tại Phụ lục 45 Thông tư này).

2. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm kiểm tra và quyết toán thu, chi về phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định hiện hành.

3. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thu, nộp, quản lý phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo các quy định tại Thông tư này.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017; thay thế Thông tư số 236/2009/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; Thông tư số 156/2015/TT-BTC ngày 08 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 236/2009/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí và lệ phí lãnh sự áp dụng tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.

2. Tổ chức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao có trách nhiệm:

a) Niêm yết công khai tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao tại điểm thu bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh hoặc ngôn ngữ chính thức của nước sở tại;

b) Khi thu tiền phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao. Biên lai thu phí và lệ phí được in và phát hành tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp quản lý và sử dụng phí, lệ phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về in, phát hành, quản lý và sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan liên quan phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để xem xét giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 264/2016/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 264/2016/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/11/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1279 đến số 1280
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản