Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2000

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 26/2000/TT-BTC NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN, IN VÀ PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 102/1998/NĐ-CP ngày 21/12/1998 của Chính phủ sửa đổi. bổ sung một số điều của Nghị định 28/1998/NĐ-CP;
Căn cứ quy định tại Luật xuất bản và các vản bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 2607/VHTT-QĐXBI ngày 26/8/1997 của Bộ trưởng Bộ VH-TT ban hành "Quy chế về tổ chức và hoạt động in"; Quyết định số 2501/QĐ-CXB ngày 15/8/1997 của Bộ trưởng Bộ VH-TT ban hành" Quy chế về tổ chức và hoạt động phát hành xuất bản phẩm". Quyết định số 75/1999/QĐ/BVHTT ngày 8/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin ban hành qui chế liên doanh về in và phát hành xuất bản phẩm.
Để thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT đối với các hoạt động trong ngành xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm như sau:

I- PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ GTGT

1. Đối tượng chịu thuế GTGT:

Đối tượng chịu thuế GTGT là hoạt động xuất bản, in, xuất khẩu, nhập khẩu và phát hành các loại xuất bản phẩm gồm:

- Sách; tài liệu; tranh; ảnh; lịch; bản đồ; át lát; bản nhạc; câu đối, cuốn thư và áp phích. catalo, tờ rời, tờ gấp quảng cáo.

- Sách xuất bản trên vật liệu khác hoặc băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình có nội dung kèm theo sách.

- Các loại xuất bản phẩm khác

2. Đối tượng không chịu thế GTGT:

Đối tượng không chịu thuế GTGT là hoạt động xuất bản, in, nhập khẩu và phát hành các xuất bản phẩm gồm:

- Báo in (kể cả hoạt động truyền trang báo), tạp chí, bản tin chuyên ngành.

- Sách chính trị là sách tuyên truyền đường lối chính trị tư tưởng của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị theo chuyên đề, chủ đề, phục vụ các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của các tổ chức, các cấp, các ngành, địa phương; các loại sách tổng kết phong trào người tốt, việc tốt, sách kinh điển của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

- Sách giáo khoa là sách dùng để giảng dạy và học tập trong tất cả các cấp từ mầm non đến phổ thông trung học.

- Giáo trình là sách dùng để giảng dạy và học tập trong các trường đại học, cao đằng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Sách văn bản pháp luật là sách tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật như Chỉ thị, Thông tư, Nghị định, Pháp lệnh, Luật, các Nghị quyết, văn kiện của Đảng.

- Sách in bằng chữ dân tộc thiểu số Việt Nam là sách phục vụ yêu cầu nâng cao dân trí của các dân tộc thiểu số gồm: sách in bằng chữ dân tộc thiểu số, sách in song ngữ chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số.

- Tranh, ảnh, áp phích, các loại tờ rời, tờ gấp phục vụ cho mục đích tuyên truyền, cổ động, khẩu hiệu, ảnh lãnh tụ, cờ Đảng CSVN, cờ Đoàn TNCSHCM, cờ Đội TNTPHCM, cờ Tổ quốc.

- Băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình thay các loại sách hoặc có nội dung kèm theo các loại sách thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

3. Đối tượng nộp thuế GTGT:

Đối tượng nộp thuế GTGT là các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất bản, in, xuất khẩu, nhập khẩu và phát hành xuất bản phẩm thuộc diện chịu thuế GTGT được quy định tại Điểm 1 mục I của Thông tư này.

II. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

Thuế GTGT phải nộp được tính theo phương pháp khấu trừ

Thuế GTGT phải nộp = thuế GTGT đầu ra - thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

A. ĐỐI VỚI THUẾ GTGT ĐẦU RA:

Thuế GTGT đầu ra được xác định trên cơ sở giá tính thuế GTGT nhân (x) thuế xuất thuế GTGT:

- Giá tính thuế GTGT là giá chưa có thuế GTGT.

- Thuế suất thuế GTGT được quy định tại các văn bản hướng dẫn hiện hành và được áp dụng thống nhất trong tất cả các khâu xuất bản, in, phát hành. Cụ thể:

a. Thuế suất 5% đối với các loại sách (kể cả băng đĩa có nội dung kèm theo sách), trừ sách thuộc đối tượng không chịu thuế quy định tại điểm 2, Mục I Thông tư này.

b. Thuế suất 10% đối với tất cả các xuất bản phẩm khác trừ các xuất bản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế quy định tại điểm 2, Mục I và các xuất bản phẩm chịu thuế quy định tại tiết a, Phần A, Mục II Thông tư này.

Căn cứ đặc thù từng hoạt động, Bộ Tài chính hướng dẫn kê khai tính thuế GTGT cụ thể như sau:

1. Đối với hoạt động xuất bản

Hoạt động xuất bản là quá trình xuất bản các ấn phẩm được tiến hành từ khâu bản thảo đến khâu phát hành xuất bản phẩm cho các đối tượng người tiêu dùng.

a. Nhà xuất bản tự xuất bản:

- Thuế GTGT đầu ra được xác định trên cơ sở giá tính thuế GTGT x thuế suất. Giá bìa xuất bản phẩm là giá đã có thuế GTGT. Khi tính thuế GTGT đối với xuất bản phẩm phải thực hiện quy đổi ra giá tính thuế GTGT theo công thức

Giá bìa (hoặc giá thanh toán)

Giá tính thuế GTGT =

1 + thuế suất

- Trường hợp Nhà xuất bản phát hành qua tổ chức phát hành, giá tính thuế GTGT của xuất bản phẩm được xác định theo công thức:

Giá bìa - phí phát hành

Giá tính thuế GTGT =

1 + thuế suất

- Trường hợp Nhà xuất bản bán xuất bản phẩm cho người sử dụng trực tiếp, giá tính thuế GTGT của hoạt động xuất bản được xác định theo công thức:

Giá bìa (hoặc giá thanh toán)

Giá tính thuế GTGT =

1 + thuế suất

Đối với xuất bản phẩm đem đi ký gửi, Nhà xuất bản sử dụng mẫu phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý (Mẫu số 04/XKĐL-8LL ban hành kèm theo Thông tư số 140/1999/TT-BTC ngày 2/12/1999 của Bộ Tài chính). Phiếu xuất kho này dùng để theo dõi việc ký gửi sách. Khi xuất bản phẩm được thanh toán, Nhà xuất bản xuất hoá đơn GTGT ghi rõ theo phiếu xuất kho số.... ngày... tháng.... năm... Nhà xuất bản căn cứ mẫu này có thể bổ sung một số chỉ tiêu phù hợp với đặc thù quản lý và có đăng ký với cơ quan thuế.

- Trường hợp hàng đổi hàng được coi như hình thức mua bán nên phải xuất hoá đơn.

b. Nhà xuất bản liên doanh xuất bản:

Nhà xuất bản có xuất bản phẩm liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong nước thực hiện theo đúng quy định của Luật xuất bản và các văn bản hướng dẫn. Đối với mọi hình thức liên doanh xuất bản, Nhà xuất bản có trách nhiệm nộp thuế GTGT theo quy định sau:

b.1- Nhà xuất bản liên doanh xuất bản với các tổ chức, cá nhân kinh doanh:

- Nhà xuất bản thực hiện các dịch vụ trong khâu xuất bản như chịu trách nhiệm biên tập, duyệt bản thảo, tổ chức chế bản in, làm thủ tục đăng ký kế hoạch xuất bản... mà thu một khoản phí quản lý thì Nhà xuất bản thực hiện kê khai, tính thuế GTGT đối với phần phí quản lý thu được. Doanh thu này là doanh thu chưa có thuế GTGT.

Ví dụ: Nhà xuất bản A ký hợp đồng liên doanh xuất bản với Tổ chức B xuất bản một cuốn sách văn học với số lượng 10.000 cuốn, giá bìa là 6.300 đồng/cuốn Nhà xuất bản A thu quản lý phí là 7% trên giá bìa, giả sử phí quản lý chưa có thuế GTGT. Khi xuất bản phẩm được phát hành, Nhà xuất bản xuất hoá đơn GTGT đối với doanh thu phí quản lý như sau:

Phí quản lý: 10.000 cuốn x 6.300 đ/quyển x7% = 4.410.000 đồng

Thuế GTGT đầu ra = 4.410.000 đồng x 10% = 441.000 đồng

- Trường hợp xuất bản phẩm được bên đối tác phát hành toàn bộ thì Nhà xuất bản ngoài việc kê khai tính thuế GTGT đối với phí quản lý còn có trách nhiệm kê khai tính thuế GTGT đầu ra trên toàn bộ xuất bản phẩm. Bên đối tác có trách nhiệm thanh toán tiền thuế GTGT cho Nhà xuất bản. Nhà xuất bản phải theo dõi riêng phần doanh số xuất bản phẩn liên doanh và không được tính vào doanh thu của Nhà xuất bản. Giá tính thuế GTGT được xác định theo công thức:

Giá bìa - phí phát hành

Giá tính thuế GTGT =

1 + thuế suất

Trong đó: giá bìa trừ phí phát hành không được thấp hơn giá thành trang tiêu chuẩn.

Sau khi xuất bản phẩm được Giám đốc Nhà xuất bản ký duyệt cho phát hành, Nhà xuất bản có trách nhiệm xuất hoá đơn GTGT cho đối tác để đối tác có cơ sở hạch toán thuế GTGT đầu vào được khấu trừ đối với đối tác là đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và hạch toán chi phí đối với đơn vị nộp thế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Các chứng từ chi phí cho hoạt động xuất bản, Nhà xuất bản hay bên đối tác trực tiếp chi được kê khai tính thuế GTGT đầu vào cho từng bên.

Ví dụ:

Trong tháng 5/1999, Nhà xuất bản A ký hợp đồng liên kết xuất bản với Tổ chức B xuất bản một cuốn sách văn học với số lượng 10.000 cuốn:

Giá in bìa: 6.000 đ/quyển

Phí phát hành (30%): 6.000 x 30% = 1.800 đ/quyền

Khi Nhà xuất bản A xuất sách cho tổ chức B, thực hiện tính thuế GTGT như sau:

6.000 - 1.800

Giá tính thuế GTGT = = 4.000 đ/quyển

1 + 5%

Thuế GTGT đầu ra: 4.000 x 5% = 200 đ/quyển

Nhà xuất bản A xuất hoá đơn GTGT cho tổ chức B số lượng 10.000 cuốn, số thuế GTGT là 2.000.000 đồng.

Trường hợp tổ chức B là đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, hạch toán thuế GTGT đầu vào được khấu trừ 2.000.000 đồng. Đến tháng 6, Tổ chức B tự phát hành 2000 cuốn sách và xác định thuế GTGT đầu ra.

6.000

Giá tính thuế GTGT = --------------- = 5.714 đ/quyển

1 + 5%

Thuế GTGT đầu ra = 5.714 x 2.000 x 5% = 571.400 đồng

Giả sử thuế GTGT đầu vào là 57.000 đồng

Số thuế GTGT phải nộp trong tháng 6 của Tổ chức B = 571.400 đồng - 57.000 đồng - 2.000.000 = -1.485.600 đồng. Như vậy, tháng này tổ chức B chưa phải nộp thuế GTGT. Từ tháng 7 trở đi đối với số sách này sẽ không phát sinh thuế GTGT đầu vào mà chỉ phát sinh thuế GTGT đầu ra. Đối với số thuế GTGT đầu vào phát sinh chưa được hoàn thành trong tháng 6 (-1.485.600), đơn vị sẽ được trừ vào số thuế GTGT phải nộp khi thực hiện kê khai, tính thuế GTGT của thời gian sau.

Trường hợp tổ chức B là đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, căn cứ hoá đơn GTGT của Nhà xuất bản A, Tổ chức B hạch toán chi phí giá vốn hàng mua để tính thu nhập chịu thuế TNDN.

b.2. Nhà xuất bản liên doanh xuất bản với tổ chức, cá nhân kinh doanh và phát hành toàn bộ xuất bản phẩm liên doanh thì Nhà xuất bản thực hiện kê khai thuế GTGT như đối với trường hợp Nhà xuất bản tự xuất bản.

b3/ Đối với trường hợp Nhà xuất bản liên doanh với tổ chức như các đơn vị sự nghiệp, cá nhân như tác giả không đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, Nhà xuất bản có trách nhiệm tính và nộp thuế GTGT đầu ra như quy định đối với trường hợp liên doanh xuất bản, nộp thuế GTGT cho cá nhân và khấu trừ thuế TNDN theo tỷ lệ trên thu nhập chịu thuế do cơ quan thuế địa phương ấn định.

2. Đối với các đơn vị hoạt động in

a. Đối với hoạt động in (có cả giấy in trong đơn giá in):

- Thuế GTGT đầu ra được xác định trên cơ sở giá tính thuế GTGT nhân (x) thuế suất thuế GTGT của hoạt động in. Giá tính thuế GTGT của hoạt động in là giá chưa có thuế GTGT.

b. Đối với hoạt động in không bao gồm giấy in:

- Thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá tính thuế GTGT nhân với thuế suất. Giá tính thuế GTGT là giá chưa có thuế bao gồm tiền công in, tiền nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và các chi phí khác (trừ tiền giấy).

- Thuế suất thuế GTGT đối với hoạt động này tính theo thuế suất tương ứng với sản phẩm in.

3. Đối với dịch vụ phát hành xuất bản phẩm:

- Giá bìa xuất bản phẩm là giá đã có thuế GTGT. Vì vậy giá tính thuế GTGT của hoạt động phát hành được xác định theo công thức:

Giá bìa - phí phát hành ở khâu sau (nếu có)

Giá tính thuế GTGT =

1 + thuế suất

- Đối với các trường hợp bán lẻ hàng hoá có giá trị dưới 100.000 đồng hoặc khách hàng không yêu cầu hoá đơn, đơn vị phát hành tiến hành lập bảng kê bán lẻ theo quy định hiện hành.

- Đối với hàng hoá ký gửi: đơn vị phải hạch toán riêng theo phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý (Mẫu số 04/XKĐL-8LL ban hành kèm theo Thông tư số 140/1999/TT-BTC ngày 2/12/1999 của Bộ Tài chính) để xác định thuế GTGT đầu vào tương ứng với thuế GTGT đầu ra đã bán.

b. Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định theo nguyên tắc:

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là số thuế GTGT đầu vào trên hoá đơn GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào và 3% trên hoá đơn bán hàng đối với tất cả các loại hàng hoá khác mua của người kinh doanh.

Đối với hoạt động in các loại ấn phẩm thuộc diện chịu thuế GTGT chỉ sử dụng nguyên liệu giấy đặc chủng nhập khẩu, nếu hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu giấy đặc chủng này thì được phép kê khai toàn bộ thuế đầu vào khi tính thuế GTGT.

Các đơn vị có cả hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT phải thực hiện hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT để xác định thuế đầu vào được khấu trừ, thuế đầu vào không được khấu trừ, thuế GTGT phải nộp. Trường hợp cơ sở kinh doanh không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào thì áp dụng phương pháp tính phân bổ theo tỷ lệ (%) doanh thu chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu để xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Về hoá đơn chứng từ: Đơn vị trực tiếp xuất hoá đơn cho khách hàng theo từng trường hợp cụ thể: Nếu đơn vị thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp kháu trừ thì xuất hoá đơn GTGT, trong đó hoạt động không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì dòng thuế suất và thuế GTGT gạch chéo. Nếu đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp thì xuất hoá đơn bán hàng thông thường.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các nội dung khác không hướng dẫn tại Thông tư này vẫn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998, Thông tư số 175/1998/TT-BTC ngày 24/12/1998 và Thông tư số 106/1999/TT-BTC ngày 30/8/1999 của Bộ Tài chính. Các văn bản hướng dẫn thực hiện thuế GTGT đã ban hành không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 26/2000/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 26/2000/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/03/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản