Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2607/VHTT-QĐ/XBI

Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG IN”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN

Căn cứ Luật xuất bản ngày 7/7/1993;
Căn cứ Luật doanh nghiệp Nhà nước ngày 30/4/1995;
Căn cứ Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ngày 21/12/1990 và ngày 22/6/1994 (sửa đổi);
Căn cứ Nghị định 81/CP ngày 8/11/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá Thông tin;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ pháp chế và Cục trưởng Cục xuất bản;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế về tổ chức và hoạt động in”.

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định của Bộ Văn hoá Thông tin trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Cục xuất bản chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Điều 4. Các cơ sở in trong cả nước, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin các tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, Chánh thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin, Cục trưởng Cục xuất bản và các ông Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục chức năng có liên quan thuộc Bộ Văn hoá Thông tin chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Khoa Điềm

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG IN
(Ban hành theo Quyết định số 2607 ngày 26 tháng 8 năm 1997 của Bộ Văn hoá Thông tin

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. In là hoạt động công nghiệp, sản xuất ra các ấn phẩm phục vụ công tác tư tưởng văn hoá, phát triển kinh tế, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân.

In không phải là hoạt động đơn thuần kinh doanh. Nghề in là một nghề đặc biệt theo quy định tại Nghị định 17/CP ngày 23 tháng 12 năm 1992 của Chính phủ.

Điều 2. Hoạt động in bao gồm: in typô, in ốp xét, in lõm (ống đồng), in flexô, in lưới (in lụa), in khắc gỗ, in rônêô, in laze, in tampon và các phương pháp in khác; photocopy; sắp chữ, chế bản, đúc chữ, phân màu, đóng xén, ép nhũ, kinh doanh vật tư, thiết bị ngành in; sản xuất, sửa chữa cơ khí ngành in, dạy nghề in, tạo mẫu in.

Điều 3. Cơ sở in bao gồm các hình thức tổ chức sau đây:

1- Cơ sở in là doanh nghiệp Nhà nước độc lập (sau đây gọi là doanh nghiệp in Nhà nước);

2- Cơ sở in là bộ phận phụ thuộc doanh nghiệp Nhà nước (sau đây gọi là cơ sở in phụ thuộc);

3- Cơ sở in nội bộ;

4- Cơ sở in tư nhân, tập thể.

Điều 4. Hoạt động in phải được phép của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Luật xuất bản và Qui chế này.

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, (kể cả cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế), lực lượng vũ trang, sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức cần có bộ phận sắp chữ, in la ze, in rônêô photocopy đơn sắc để nhân bản phục vụ cho công việc văn phòng của cơ quan, tổ chức không nhằm mục đích kinh doanh thì không phải xin phép thành lập. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức nói trên chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của bộ phận in do mình quản lý.

Chương 2:

THÀNH LẬP CƠ SỞ IN

A. DOANH NGHIỆP IN NHÀ NƯỚC

Điều 5. Muốn Thành lập doanh nghiệp in Nhà nước, người đứng đầu cơ quan chủ quản phải có hồ sơ xin thành lập gửi Bộ Văn hoá Thông tin (Cục xuất bản). Nội dung hồ sơ quy định tại Điều 6 Nghị định 50/CP ngày 28/8/1996 của Chính phủ. Ngoài ra phải gửi kèm theo văn bản đề nghị của Sở Văn hoá Thông tin sở tại, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự để làm nghề đặc biệt theo quy định tại Nghị định 17/CP ngày 23/12/1992 (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự), danh sách Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng kèm theo lý lịch và ảnh.

Điều 6.

1- Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền ra quyết định thành lập của Bộ Văn hoá Thông tin, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Văn hoá Thông tin có quyết định hoặc văn bản trả lời;

2- Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định thành lập của Chính phủ, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Văn hoá Thông tin có văn bản đề nghị Chính phủ quyết định;

3- Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định thành lập của Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Văn hoá Thông tin có văn bản thoả thuận.

B- CƠ SỞ IN LÀ BỘ PHẬN PHỤ THUỘC CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC (CƠ SỞ IN PHỤ THUỘC)

Điều 7. Những doanh nghiệp Nhà nước sản xuất ra các sản phẩm mà sản phẩm đó cần phải in, cần có bao bì, nhãn hiệu thì được xem xét việc lập cơ sở in phụ thuộc.

Điều 8. Muốn thành lập cơ sở in phụ thuộc, người đứng đầu doanh nghiệp phải có hồ sơ gửi Cục xuất bản Bộ Văn hoá Thông tin. Hồ sơ gồm có:

1- Đơn xin hoạt động in, trong đó ghi rõ:

- Tên doanh nghiệp Nhà nước đề nghị thành lập cơ sở in;

- Địa điểm của cơ sở in;

- Mục dích và sản phẩm của cơ sở in;

2- Giấy phép hoặc quyết định thành lập và đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;

3- ý kiến cơ quan chủ quản của doanh nghiệp;

4- Luận chứng kinh tế - kỹ thuật về thành lập cơ sở in, kèm theo văn bản phê duyệt luận chứng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

5- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự;

6- Danh sách những người lãnh đạo trực tiếp của cơ sở in, kèm theo lý lịch và ảnh;

7- Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất;

8- Văn bản đề nghị của Sở Văn hoá Thông tin sở tại.

Điều 9. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Cục xuất bản phải có văn bản trả lời.

Nếu được cấp phép hoạt động in, doanh nghiệp phải hoàn thành các thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

C. CƠ SỞ IN NỘI BỘ

Điều 10. Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, những đơn vị sự nghiệp trong các doanh nghiệp Nhà nước, lực lượng vũ trang có nhu cầu in phục vụ nội bộ không nhằm mục đích kinh doanh, thì được xem xét việc lập cơ sở in nội bộ.

Điều 11. Muốn thành lập cơ sở in nội bộ, người đứng đầu cơ quan chủ quản trực tiếp phải có hồ sơ gửi Bộ Văn hoá Thông tin (Cục xuất bản). Hồ sơ gồm có:

1- Đơn xin thành lập cơ sở in, trong đó ghi rõ:

- Tên cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập;

- Tên, địa điểm của cơ sở in;

- Đề án thành lập cơ sở in, trong đó nói rõ sản phẩm cần in và sản lượng dự tính;

2- Danh sách những người lãnh đạo và quản lý chủ chốt của cơ sở in kèm theo lý lịch và ảnh;

3- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự;

4- ý kiến của cơ quan chủ quản cấp trên và Sở Văn hoá Thông tin sở tại.

Điều 12. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Văn hoá Thông tin có văn bản trả lời. Nếu được cấp phép hoạt dộng in người đứng đầu cơ quan chủ quản ra quyết định thành lập cơ sở in.

D- CƠ SỞ IN TƯ NHÂN, TẬP THỂ

Điều 13. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên được xin phép thành lập cơ sở in: photocopy (đơn sắc), rônêô, in lưới (in lụa) thủ công, in khắc gỗ, sắp chữ vi tính, tin la ze, đóng xén, ép nhũ, sản xuất và sửa chữa cơ khí in, dạy các nghề về in quy định tại Điều này.

Điều 14. Công dân muốn thành lập cơ sở in quy định tại Điều 13 của Quy chế này phải có hồ sơ gửi Sở Văn hoá Thông tin. Hồ sơ gồm có:

1- Đơn xin phép hoạt động in, trong đó ghi rõ:

- Họ, tên, năm sinh, địa chỉ thường trú của người xin phép;

- Tên gọi, trụ sở, địa điểm của cơ sở in, kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất;

- Mục đích, sản phẩm, ngành nghề kinh doanh;

- Vốn đầu tư ban đầu và tài sản bằng hiện vật khác;

2- Lý lịch và ảnh của người xin phép;

3- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự;

4- Giấy chứng nhận tốt nghiệp của cơ sở dạy nghề in đối với người điều hành quản lý cơ sở in.

Điều 15. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Văn hoá Thông tin có văn bản trả lời. Nếu được cấp phép hoạt động in (tức giấy phép hành nghề), người xin phép phải hoàn tất các thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Những tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật công ty hoặc Luật doanh nghiệp tư nhân sản xuất các sản phẩm mà sản phẩm đó cần phải in, cần có bao bì, nhãn hiệu thì được xem xét việc lập cơ sở in.

Điều 17. Muốn lập cơ sở in quy định tại Điều 16 Quy chế này, người đứng đầu tổ chức kinh tế xin lập cơ sở in phải có hồ sơ gửi Cục xuất bản. Hồ sơ gồm có:

1- Đơn xin lập cơ sở in, trong đó ghi rõ:

- Tên tổ chức kinh tế xin lập cơ sở in;

- Địa chỉ của tổ chức kinh tế và địa chỉ cơ sở in;

- Mục đích, ngành nghề và sản phẩm cần in;

2- Giấy phép hoặc quyết định thành lập và đăng ký kinh doanh của tổ chức kinh tế xin lập cơ sở in;

3- Luật chứng kinh tế - kỹ thuật hoặc đề án thành lập cơ sở in;

4- ý kiến bằng văn bản của Sở Văn hoá Thông tin và Sở khoa học công nghệ, môi trường;

5- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự;

6- Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất;

7- Danh sách những người lãnh đạo và điều hành của tổ chức kinh tế xin lập cơ sở in kèm theo lý lịch và ảnh.

Điều 18. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cục xuất bản có văn bản trả lời. Nếu được cấp phép hoạt động in (tức giấy phép hành nghề) tổ chức kinh tế xin lập cơ sở in phải hoàn tất các thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ IN

Điều 19. Cơ sở in chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép của Bộ Văn hoá Thông tin đối với cơ sở in quy định tại Điều 5, Điều 10; của Cục xuất bản đối với cơ sở in quy định tại Điều 7 và Điều 16; của Sở Văn hoá Thông tin đối với cơ sở in quy định tại Điều 13 của Quy chế này và sau khi hoàn tất các thủ tục khác theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cơ sở in hoạt động không có giấy phép hoặc không đúng nội dung quy định trong giấy phép.

Điều 20. Đối với cơ sở in quy định tại Điều 5, Điều 7, Điều 10 và Điều 16 của Quy chế này khi có sự thay đổi về tên gọi, trụ sở, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, hoặc mở thêm chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải báo cáo bằng văn bản với Cục xuất bản, Sở Văn hoá Thông tin và cơ quan công an sở tại; nếu thay đổi ngành nghề, hình thức tổ chức hoặc sở hữu, thay đổi cơ quan chủ quản hoặc sáp nhập với cơ sở in khác thì phải làm thủ tục như khi thành lập.

Điều 21. Đối với cơ sở in quy định tại Điều 13 của Quy chế này khi thay đổi tên gọi, trụ sở, mở thêm địa điểm hoặc ngừng hoạt động thì phải báo cáo bằng văn bản với Sở Văn hoá Thông tin và cơ quan công an sở tại; khi có thay đổi chủ sở hữu thì phải làm thủ tục như khi thành lập.

Điều 22. Cơ sở in muốn đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài phải xin phép Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Thương mại.

Điều 23. Việc phá sản, giải thể cơ sở in phải thực hiện theo đúng thủ tục và trình tự pháp luật quy định đồng thời phải báo cáo bằng văn bản với Cục xuất bản và Sở Văn hoá Thông tin sở tại.

Điều 24. Việc liên doanh về in với nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hoá Thông tin.

Điều 25. Cơ sở in nội bộ chỉ được phép in phục vụ nội bộ của cơ quan, tổ chức xin lập cơ sở in, không được kinh doanh in dưới bất kỳ hình thức nào.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức xin thành lập cơ sở in nội bộ phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ sở in do mình quản lý.

Điều 26. Cơ sở in quy định tại Điều 13 và Điều 16 của Quy chế này không được in các loại xuất bản phẩm ghi tại Điều 1 Nghị định 79/CP ngày 6/11/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật xuất bản; không được in các loại báo, tạp chí, các loại giấy tờ quản lý của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ tuỳ thân, các loại thẻ, các loại chứng từ, hoá đơn, biên lai, séc, sổ tiết kiệm, vé số, vé cước và các loại ngân phiếu, cố phiếu, trái phiếu và các giấy từ có mệnh giá khác.

Điều 27. Chỉ những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có giấy phép hoạt động ngành in do Bộ Văn hoá Thông tin cấp mới được phép xuất nhập khẩu hoặc nhận uỷ thác xuất nhập khẩu thiết bị ngành in.

Khi có nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị ngành in, cơ sở in phải gửi hồ sơ xin phép tại Cục xuất bản. Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin nhập thiết bị ngành in;

- Các loại giấy phép hoặc quyết định thành lập;

- Luận chứng kinh tế kỹ thuật, kèm theo văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quyết định chọn thầu (đối với dự án phải đấu thầu);

- Catalog của thiết bị xin nhập khẩu.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cục xuất bản phải có văn bản trả lời.

Điều 28. Các loại thiết bị chế bản, máy in, phải đăng ký tại Cục xuất bản và Sở Văn hoá Thông tin sở tại. Danh mục thiết bị phải đăng ký, hồ sơ và thủ tục đăng ký thực hiện theo hướng dẫn của Cục xuất bản.

Khi mua hoặc thay đổi chủ sở hữu đối với thiết bị ngành in, cơ sở in tiếp nhận thiết bị phải đăng ký tại Cục Xuất bản và Sở Văn hoá Thông tin sở tại; chỉ có cơ sở in đã có giấy phép hoạt động in mới được mua thiết bị ngành in.

Điều 29. Cơ sở in chỉ được nhận chế bản, in, hoặc đóng xém các ấn phẩm có giấy tờ hợp pháp theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định 79/CP ngày 6/11/1993 của Chính phủ.

Nghiêm cấm việc in trái với quy định nói trên.

Điều 30. Chỉ có doanh nghiệp in Nhà nước mới được in gia công xuất bản phẩm và báo chí cho nước ngoài.

Các cơ sở in quy định tại Điều 7 và Điều 16 của Quy chế này chỉ được nhận in gia công cho nước ngoài những sản phẩm ghi trong giấy phép hoạt động in.

Điều 31. Khi có nhu cầu in gia công cho nước ngoài, cơ sở in phải có đơn xin phép gửi Cục xuất bản. Trong đơn ghi rõ:

- Tên cơ sở in;

- Tên tổ chức hay cá nhân đặt in, quốc tịch.

- Loại ấn phẩm in gia công (có mẫu kèm theo), số lượng in, vật liệu in.

- Cửa khẩu xuất.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cục xuất bản phải có văn bản trả lời.

Nghiêm cấm việc phổ biến và tiêu thu trái phép ấn phẩm in gia công cho nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương 4:

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 32. Các cơ sở in quy định tại Qui chế này chịu sử kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; báo cáo tình hình hoạt động và xuất trình các loại giấy tờ, chứng từ có liên quan khi được yêu cầu.

Điều 33. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, cấp giấy phép phải làm đúng chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định.

Nghiêm cấm việc kiểm tra, xử lý không đúng chức năng, quyền hạn và quy định của pháp luật, gây cản trở, phiền hà hoặc thiệt hại cho hoạt động kinh doanh hợp pháp của cơ sở in.

Điều 34. Các cơ sở in vi phạm pháp luật và những quy định tại Qui chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 35. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc cấp giấy phép, kiểm tra, thanh tra xử lý hoặc không chấp hành đúng những quy định trong qui chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.