Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2017/TT-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2017

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP HỒ SƠ THEO DÕI SỨC KHỎE, KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ THEO ĐỘ TUỔI CHO TRẺ EM; TƯ VẤN CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ DINH DƯỠNG

Căn cứ Khoản 2 Điều 84 Luật Trẻ em năm 2016;

n cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Trẻ em từ khi sinh đến dưới 16 tuổi;

b) Các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập có cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn chăm sóc sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em;

c) Các cơ sở khác có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em;

d) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em.

Điều 2. Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe trẻ em

Hồ sơ theo dõi sức khỏe trẻ em là một thành phần trong hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bao gồm các thông tin về sức khỏe của trẻ em được tạo lập cho phụ nữ mang thai và trẻ em ban đầu và cập nhật thường xuyên khi trẻ em đi khám bệnh, chữa bệnh, khám sức khỏe định kỳ để phục vụ cho việc quản lý, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của trẻ em quy định tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (sau đây gọi tắt là Hồ sơ quản lý sức khỏe).

Điều 3. Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em theo độ tuổi

1. Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em: khám tổng quát và kiểm tra sức khỏe một lần mỗi năm cho trẻ em từ khi sinh đến dưới 16 tuổi nhằm phát hiện sớm bệnh tật, các nguy cơ về bệnh tật để tư vấn, xử trí hoặc điều trị thích hợp.

2. Trẻ em từ khi sinh đến trước khi vào học mầm non và trẻ em dưới 6 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương (sau đây gọi tắt là Trạm Y tế xã) về các nội dung:

a) Đo chiều dài, chiều cao, cân nặng để đánh giá về phát triển thể lực;

b) Khám toàn diện để đánh giá về phát triển tinh thần, vận động, phát hiện bệnh tật, các dấu hiệu bất thường và nguy cơ về bệnh tật;

c) Kiểm tra tiêm chủng theo lịch và tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em chưa tiêm và có nhu cầu;

d) Kết luận về tình trạng sức khỏe, tư vấn và chuyển đến cơ sở y tế thích hợp nếu phát hiện bệnh tật hoặc các dấu hiệu bất thường và nguy cơ về bệnh tật.

3. Trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã theo nội dung ghi trong Hồ sơ quản lý sức khỏe.

4. Trẻ em là học sinh từ mầm non đến hết trung học cơ sở được kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 quy định về công tác y tế trường học (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT).

Điều 4. Tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em

1. Tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai: cung cấp thông tin hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong mỗi lần khám thai theo nội dung trong phần Chăm sóc trước sinh và Tư vấn cho phụ nữ có thai quy định tại Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” (sau đây gọi tắt là Hướng dẫn quốc gia về sức khỏe sinh sản).

2. Tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em: cung cấp thông tin, hướng dẫn cho trẻ em và cha mẹ hoặc người giám hộ cách chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong mỗi lần khám sức khỏe định kỳ theo các nội dung sau đây:

a) Đối với trẻ em từ khi sinh đến 6 tuổi: Tư vấn theo nội dung phù hợp với độ tuổi của trẻ em trong phần Hướng dẫn khám sức khỏe trẻ em định kỳ quy định tại Hướng dẫn quốc gia về sức khỏe sinh sản;

b) Đối với trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 16 tuổi: Tư vấn các vấn đề liên quan đến bệnh tật học đường; tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản theo nội dung trong phần Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên quy định tại Hướng dẫn quốc gia về sức khỏe sinh sản; tư vấn chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý theo hướng dẫn hiện hành của Viện Dinh dưỡng.

Điều 5. Kinh phí thực hiện

Kinh phí cho việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho Ủy ban nhân các cấp, các Sở, ngành liên quan trong việc tổ chức và phối hợp triển khai thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh; hằng năm phê duyệt kế hoạch của tỉnh về việc lập Hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em;

b) Căn cứ tình hình thực tiễn để chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của địa phương, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện kế hoạch đã phê duyệt hằng năm.

2. Trách nhiệm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hằng năm về lập Hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai thực hiện Thông tư này;

c) Phân công một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh, thành phố làm đầu mối giúp Sở Y tế tổ chức hướng dẫn triển khai các nội dung của Thông tư này;

d) Thực hiện thống kê, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2014/TT-BYT ngày 14/8/2014 của Bộ Y tế về việc “Quy định nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Y tế”.

3. Trách nhiệm của Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc lập kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định của Thông tư này trên địa bàn;

b) Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai lập Hồ sơ theo dõi sức khỏe, hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo phân cấp;

c) Điều phối nhân lực hỗ trợ Trạm y tế xã, phường, thị trấn trong việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em;

d) Thực hiện công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT;

đ) Tổ chức kiểm tra, giám sát hỗ trợ chuyên môn đối với Trạm y tế xã trong việc thực hiện Thông tư;

e) Thực hiện thống kê, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2014/TT-BYT ngày 14/8/2014 của Bộ Y tế về “Quy định nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Y tế”.

4. Trách nhiệm của Trạm y tế xã:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc lập kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định của Thông tư này;

b) Chủ trì lập kế hoạch hằng năm, tổ chức lập Hồ sơ theo dõi sức khỏe cho trẻ em; khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em không đi học; tư vấn sức chăm sóc khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em; thống kê báo cáo theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT.

5. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế:

a) Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em là đơn vị đầu mối chung, phối hợp với các Vụ/Cục, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, đánh giá kiểm tra việc thực hiện Thông tư này;

b) Cục Y tế dự phòng là đơn vị đầu mối, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em trong việc triển khai, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện nội dung khám sức khỏe cho học sinh;

c) Cục Quản lý, Khám chữa bệnh là đơn vị đầu mối, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em triển khai, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện nội dung lập Hồ sơ quản lý sức khỏe.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017.

2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

3. Các Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em) để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 23/2017/TT-BYT hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 23/2017/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/05/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Viết Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản