Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4538/BYT-BM-TE | Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Sổ TDSKBMTE) được sử dụng đầu tiên tại Nhật Bản từ năm 1948 đến nay và 40 nước trên thế giới. Tại Việt Nam Sổ TDSKBMTE đã được triển khai thí điểm trong nhiều năm dưới sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Kết quả thí điểm cho thấy Sổ TDSKBMTE là công cụ tiện dụng, hữu ích trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục của bà mẹ và trẻ em, từ khi mang thai đến khi trẻ 6 tuổi cũng như chăm sóc liên tục từ các cơ sở y tế xã đến bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh (Mẫu Sổ tại www.sosuckhoe.com).
Việc sử dụng Sổ TDSKBMTE giúp cho việc theo dõi phát hiện các nguy cơ, các bệnh tật, tai biến sản khoa, các dị tật bất thường bào thai, các dấu hiệu bất thường, bệnh tật của trẻ nhỏ... để có hướng xử trí kịp thời, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em. Sổ cũng đã giúp cho bản thân người phụ nữ, thành viên gia đình, các cán bộ y tế thay đổi rõ rệt kiến thức, thái độ và thực hành về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nuôi con nhỏ. Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra là để triển khai Sổ đồng bộ, bền vững cần phải có sự tham gia tích cực của các ban, ngành đoàn thể ở địa phương và đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ chỉ đạo của chính quyền các cấp.
Trên cơ sở đó, ngày 21/01/2016, Bộ Y tế đã có văn bản số 381/BYT-BM-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn áp dụng triển khai Sổ tại địa phương. Tính đến tháng 6/2017 hiện đã có trên 30 tỉnh, thành phố triển khai sử dụng Sổ.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; góp phần giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đặc biệt tại tuyến cơ sở thông qua sử dụng Sổ TDSKBMTE, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố:
I. Đối với các tỉnh/ thành phố đã triển khai sử dụng Sổ: Đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan:
1. Tiếp tục duy trì sử dụng Sổ, chú trọng đến chất lượng ghi chép Sổ cả phía gia đình và cán bộ y tế tại tất cả các tuyến;
2. Phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình tiêm chủng, dinh dưỡng trong việc sử dụng thay thế thẻ tiêm chủng và biểu đồ tăng trưởng;
3. Tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông về lợi ích của Sổ cho cán bộ y tế và cộng đồng;
4. Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát trong việc sử dụng Sổ tại tất cả các tuyến.
5. Xây dựng kế hoạch duy trì triển khai Sổ bền vững: Thông qua việc xã hội hóa như bán Sổ, huy động các nguồn lực, bao gồm sử dụng kinh phí của địa phương...
6. Báo cáo tình hình triển khai sử dụng Sổ tại địa phương, kết quả, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị. Báo cáo xin gửi trước ngày 01/9/2017 về Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế; số 138A, Giảng Võ, Hà Nội.
II. Đối với những địa phương chưa triển khai sử dụng Sổ:
1. Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố thống nhất chủ trương và có văn bản chỉ đạo Ngành Y tế, các sở, ban, ngành có liên quan xem xét triển khai sử dụng sổ TDSKBMTE tại địa phương theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế (xin gửi kèm theo hướng dẫn triển khai);
2. Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan lập kế hoạch triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương, bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương;
3. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông phối hợp với Ngành y tế tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về lợi ích sử dụng Sổ và vận động người dân, đặc biệt là các bà mẹ mang thai và phụ nữ sau sinh sử dụng Sổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế;
4. Tăng cường huy động nguồn lực của trung ương, địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, xem xét tạo cơ chế để xã hội hóa như bán Sổ, huy động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ triển khai Sổ...
Trong quá trình triển khai sử dụng Sổ, nếu phát sinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc, Sở Y tế các tỉnh tập hợp ý kiến, phản ánh về Bộ Y tế (Ths. Đỗ Thu Thủy, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, ĐT/Fax: 043.8464060) để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.
Xin trân trọng cảm ơn.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
TRIỂN KHAI SỔ THEO DÕI SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ TRẺ EM
(Kèm theo công văn số 4538/BYT-BM-TE ngày 10 tháng 8 năm 2017)
I. Giới thiệu Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em
1. Mục đích
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Sổ TDSKBMTE) là công cụ theo dõi và chăm sóc liên tục sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi.
2. Cấu trúc
Sổ TDSKBMTE gồm có 5 phần:
Phần l: | Thông tin cơ bản |
Phần II: | Chăm sóc thai nghén |
Phần III: | Chăm sóc trong đẻ, sau đẻ mẹ và con |
Phần IV: | Chăm sóc sức khỏe trẻ em |
Phần V: | Thông tin dành cho bà mẹ và gia đình |
3. Đối tượng sử dụng
a) Bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình: để tìm hiểu thông tin góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết để tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại nhà, ghi chép kết quả theo dõi vào Sổ và chủ động đến hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời
b) Cán bộ y tế: để tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; áp dụng các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật; ghi chép kết quả khám và điều trị cho bà mẹ trẻ em vào Sổ; tham khảo kết quả khám, điều trị các lần trước và các thông tin do gia đình tự ghi trong Sổ khi cung cấp dịch vụ.
Bà mẹ nhớ luôn mang theo Sổ TDSKBMTE khi đi khám thai, khám bệnh, khi đi sinh em bé, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, khám sức khỏe hoặc khám bệnh.
4. Cấp Sổ cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 1 tuổi
Phụ nữ mạng thai khi đến trạm y tế xã/cơ sở y tế đăng ký quản lý thai, khám thai và đưa trẻ em dưới 1 tuổi đến khám bệnh hoặc kiểm tra sức khỏe (nếu chưa có Sổ TDSKBMTE) đều được cấp (với các địa phương có tài trợ Sổ) hoặc mua Sổ này.
Trường hợp làm mất Sổ, bà mẹ và gia đình cần báo ngay cho trạm y tế xã và cán bộ y tế nơi cấp/bán Sổ để được cấp/mua lại và điền các thông tin cần thiết vào Sổ.
Nếu sinh đôi, bà mẹ có 2 Sổ, sinh ba có 3 Sổ để theo dõi và ghi chép riêng cho từng trẻ. Thông tin trong thời kỳ mang thai của mẹ được chép lại vào Sổ của từng trẻ.
Phụ nữ mang thai, bà mẹ cần có sự hướng dẫn, tư vấn của cán bộ y tế để ghi chép vào Sổ khi mới được cấp/mua Sổ, trong các lần khám thai và theo dõi sức khỏe cho mẹ và con.
5. Ghi chép, sử dụng và theo dõi
Trong Sổ TDSKBMTE có các trang dành cho gia đình ghi và các trang dành cho cán bộ y tế ghi, cụ thể:
a) | Biểu tượng các thành viên gia đình là trang dành cho thai phụ, bà mẹ và gia đình tự theo dõi và ghi chép tại nhà. | |
b) | Biểu tượng cán bộ y tế là trang dành cho cán bộ y tế, y tế thôn bản ghi chép kết quả chăm sóc và khám sức khỏe. |
Số TDSKBMTE có các ô màu trắng và ô màu vàng
- Khi thông tin được ghi vào ô màu trắng: sức khỏe của bà mẹ và/hoặc của trẻ bình thường.
- Khi thông tin ghi vào ô màu vàng: có thể là bà mẹ và/hoặc trẻ có vấn đề về sức khỏe. Trong trường hợp này, bà mẹ và trẻ cần đến cơ sở y tế để được khám, xử trí, tư vấn trong thời gian sớm nhất.
Gia đình, cán bộ y tế khi thực hiện tiêm chủng theo lịch, theo dõi tăng trưởng cho trẻ cần ghi chép thông tin vào Sổ theo hướng dẫn. Nếu trẻ có phiếu tiêm chủng riêng, nên ghim vào trang cuối của Sổ để tiện theo dõi.
Nếu phụ nữ mang thai, bà mẹ không biết chữ, cán bộ y tế, y tế thôn bản và cộng tác viên y tế (giáo viên, học sinh) cần thường xuyên đến thăm nhà để tư vấn, hỗ trợ bà mẹ và gia đình theo dõi, ghi chép và tìm hiểu nội dung của Sổ tại nhà.
II. Các bước triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE tại địa phương
1. Xây dựng kế hoạch hoạt động, ngân sách
Sở Y tế giao Trung tâm CSSKSS tỉnh hoặc đơn vị đầu mối về CSSKSS tỉnh (sau đây gọi chung là Trung tâm CSSKSS) là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thu thập thông tin về thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là các Sổ, phiếu... theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương, xác định vấn đề ưu tiên làm căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE. Kế hoạch cần xác định mục tiêu, hoạt động, giải pháp thực hiện cụ thể nhằm đạt được những kết quả đầu ra phù hợp, dự kiến ngân sách và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp hạn chế về nguồn lực, các đơn vị cần chủ động lồng ghép với các chương trình dự án ở địa phương hoặc vận động từ các nguồn ngân sách hợp pháp khác như huy động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, xây dựng phương án bán Sổ... Lưu ý bảo đảm các hoạt động cơ bản gồm tập huấn, truyền thông, in ấn và cấp phát Sổ TDSKBMTE.
2. Hội thảo khởi động
Sở Y tế tỉnh tổ chức Hội thảo khởi động với sự tham gia của cán bộ lãnh đạo các đơn vị đầu mối và các đơn vị liên quan của địa phương để định hướng về Kế hoạch triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE, giới thiệu về nội dung, mục đích sử dụng Sổ TDSKBMTE trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại cộng đồng và kêu gọi sự tham gia, phối hợp của các ban ngành, các cơ sở y tế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của tỉnh. Hội thảo khởi động nên tổ chức như Sự kiện truyền thông tuyến tỉnh, có thể mời một số phụ nữ mang thai và bà mẹ có con dưới 1 tuổi tại địa bàn tham gia hoặc có thể kết hợp với Họp sơ kết 6 tháng, tổng kết hàng năm.
3. Đào tạo - tập huấn
Để triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE có hiệu quả, cán bộ y tế, y tế thôn bản cần được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ về nội dung chuyên môn, được phổ biến kế hoạch triển khai và giám sát hỗ trợ tại địa phương. Cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện hướng dẫn cán bộ y tế xã, thôn bản về nội dung, cách sử dụng Sổ thông qua hội thảo, tập huấn hoặc lồng ghép trao đổi tại các cuộc họp tuần, tháng hoặc những đợt kiểm tra, giám sát tại địa phương.
4. Triển khai tại các tuyến
a) Sở Y tế
- Chỉ đạo cơ sở y tế các tuyến của địa phương đề nghị triển khai, sử dụng Sổ TDSKBMTE trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em kèm theo kế hoạch hoạt động, hướng dẫn chuyên môn, cách cấp phát/bán Sổ.
- Chỉ đạo, giao Trung tâm CSSKSS tỉnh làm đầu mối, chịu trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE, tích cực phối kết hợp với các sở, ban ngành liên quan nhằm bảo đảm lồng ghép và tận dụng tốt nhất các nguồn lực từ các hoạt động, chương trình/dự án liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương hoặc từ các nguồn ngân sách hợp pháp khác, đồng thời tham mưu và báo cáo Sở Y tế về tình hình triển khai, sử dụng Sổ.
b) Bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện bao gồm cả bệnh viện, phòng khám tư nhân cung cấp dịch vụ CSSKBMTE có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin về khám thai, đỡ đẻ, tình trạng sức khỏe của mẹ và trẻ sau sinh; kết quả khám và điều trị cho trẻ em vào Sổ TDSKBMTE.
c) Trung tâm y tế tuyến huyện (Khoa CSSKSS) có trách nhiệm triển khai sử dụng và ghi chép thông tin về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vào Sổ TDSKBMTE theo chỉ đạo của Sở Y tế.
d) Khoa sản, khoa nhi bệnh viện tỉnh, huyện có thể cấp/bán Sổ nếu xác định thai phụ, trẻ nhỏ chưa được cấp/mua Sổ tại trạm y tế xã/phường. Tránh trùng lắp nhiều Sổ.
e) Trạm y tế xã/phường lập danh sách phụ nữ có thai, trẻ em dưới 1 tuổi theo từng thôn/bản, phường, xã gửi báo cáo lên Trung tâm y tế huyện và Trung tâm CSSKSS tỉnh để tổng hợp, báo cáo Sở Y tế tỉnh để có căn cứ xây dựng kế hoạch in và cấp Sổ đầy đủ. Sắp xếp lịch cấp phát Sổ cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 1 tuổi tại trạm y tế hoặc tại nhà kết hợp tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng Sổ. Không nên tổ chức cấp phát/bán Sổ vào ngày khám thai hoặc ngày tiêm chủng hàng tháng.
5. Thông tin - giáo dục - truyền thông
Đối với tuyến tỉnh, huyện: tổ chức lồng ghép vào các chiến dịch truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em... Có thể kết hợp khám thai, khám phụ khoa, khám sức khỏe trẻ em dưới 6 tuổi và ghi thông tin vào Sổ.
Đối với tuyến xã, phường: chuẩn bị và phát các bài về nội dung và hướng dẫn cách sử dụng Sổ trên đài truyền thanh; tổ chức tư vấn theo nhóm tại cộng đồng, phát tờ rơi, tranh treo tường về nội dung và khuyến khích sử dụng Sổ TDSKBMTE. Trạm y tế có thể xây dựng mô hình câu lạc bộ bà mẹ có Sổ hoặc kết hợp với hoạt động của các câu lạc bộ sức khỏe bà mẹ, câu lạc bộ sức khỏe trẻ em và dinh dưỡng, câu lạc bộ phụ nữ... hiện có tại địa phương.
6. Hậu cần
Các cơ sở y tế định kỳ ước tính và báo cáo nhu cầu cấp phát Sổ, tài liệu truyền thông, Sổ theo dõi hậu cần lên Trung tâm CSSKSS tỉnh.
Trung tâm CSSKSS tỉnh tổng hợp nhu cầu từ các cơ sở y tế đối chiếu với báo cáo thống kê số phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 1 tuổi để lập kế hoạch in và cấp phát/bán Sổ, trình Sở Y tế tỉnh phê duyệt.
7. Theo dõi - giám sát
Trung tâm CSSKSS tỉnh chịu trách nhiệm nhận, tổng hợp số liệu về việc cấp phát, sử dụng Sổ từ các tuyến và báo cáo Sở Y tế để bổ sung, chấn chỉnh kịp thời. Trung tâm CSSKSS tỉnh phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn, cập nhật về nội dung Sổ cho đội ngũ giám sát viên và tiến hành giám sát tuyến dưới, nên kết hợp với công tác giám sát định kỳ, thường quy về CSSKSS tại địa phương.
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố
- Thống nhất chủ trương và có văn bản chỉ đạo Ngành Y tế và các sở, ban, ngành có liên quan trong việc triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE trong địa bàn tỉnh theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế
- Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch và triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương, bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương;
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông phối hợp với Ngành Y tế tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về lợi ích và vận động người dân, đặc biệt là các bà mẹ mang thai và phụ nữ sau sinh sử dụng Sổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế;
- Tăng cường huy động nguồn lực của trung ương, địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác cũng như xem xét tạo cơ chế để xã hội hóa việc triển khai sử dụng Sổ, in và bán Sổ cho người dân.
2. Sở Y tế
- Chỉ đạo toàn diện việc triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE tại địa phương. Định kỳ tổ chức các buổi giao ban, đối thoại giữa các cơ sở y tế trong việc ghi chép, theo dõi, sử dụng Sổ TDSKBMTE và giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
3. Trung tâm CSSKSS
- Lầm đầu mối thay mặt Sở Y tế trong các vấn đề liên quan đến triển khai, sử dụng Sổ TDSKBMTE.
4. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em
- Ngoài việc ghi chép đầy đủ thông tin vào Sổ cần nhắc nhở các bà mẹ khi đến nhận dịch vụ hoặc đưa con đến khám bệnh, tiêm chủng... cần mang theo Sổ để ghi chép, đồng thời tham gia đầy đủ, có trách nhiệm trong các buổi giao ban đối thoại giữa các cơ sở y tế.
5. Trung tâm Y tế huyện (Khoa CSSKSS)
- Là đầu mối phối hợp với các phòng ban liên quan như Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh Xã hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, v.v... để tổ chức triển khai sử dụng Sổ hiệu quả.
6. Trạm y tế xã
- Trưởng trạm y tế và cán bộ chuyên trách về sức khỏe bà mẹ trẻ em làm đầu mối, phối hợp vơi các ban, ngành liên quan và hướng dẫn y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để triển khai sử dụng Sổ có hiệu quả tại địa bàn.
Bộ Y tế giao Vụ SKBMTE là đơn vị đầu mối, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện đầu ngành sản khoa, nhi khoa hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn các địa phương triển khai sử dụng Sổ./.
- 1Công văn 518/BYT-BM-TE năm 2016 về tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân do Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 4177/QĐ-BYT năm 2016 phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Thông tư 23/2017/TT-BYT hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Công văn 284/BYT-BM-TE năm 2020 hướng dẫn triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế ban hành
- 5Quyết định 1021/QĐ-BYT năm 2021 về Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản điện tử do Bộ Y tế ban hành
- 1Công văn 518/BYT-BM-TE năm 2016 về tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân do Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 4177/QĐ-BYT năm 2016 phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Thông tư 23/2017/TT-BYT hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Công văn 381/BYT-BM-TE năm 2016 về triển khai mở rộng sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế ban hành
- 5Công văn 284/BYT-BM-TE năm 2020 hướng dẫn triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế ban hành
- 6Quyết định 1021/QĐ-BYT năm 2021 về Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản điện tử do Bộ Y tế ban hành
Công văn 4538/BYT-BM-TE năm 2017 triển khai sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 4538/BYT-BM-TE
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 10/08/2017
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Viết Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/08/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra