Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2285/QP-TT

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 2285/QP-TT NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 1995 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 28/CP NGÀY 29-4-1995 CỦA CHÍNH PHỦ

(phần thuộc trách nhiệm của Quân đội quản lý)

Thực hiện Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; căn cứ vào Thông tư số 18/LĐ-TBXH ngày 01-8-1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 4428/LĐ-TBXH-CV ngày 08-11-1995, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thêm một số điểm thực hiện chế độ ưu đãi đối với người đang tại ngũ như sau:

A- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng được xác nhận là đối tượng quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh, được hưởng các chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ.

Trường hợp một người được xác nhận từ 2 đối tượng trở lên quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh thì được hưởng đủ chế độ trợ cấp, phụ cấp quy định cho từng đối tượng nói tại Chương II của Nghị định. Riêng các chế độ ưu đãi khác quy định tại Chương III của Nghị định, thì chỉ hưởng một chế độ nào cao hơn trong đối tượng được xác nhận.

2. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng vừa thuộc diện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, vừa thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi theo Quyết định này khi chết, gia đình chỉ hưởng một chế độ trợ cấp tiền tuất nào cao hơn.

3. Nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ thuộc diện được hưởng các chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định và Thông tư này, do ngân sách Nhà nước cấp và được quyết toán riêng (không lấy từ các nguồn kinh phí khác).

4. Hồ sơ của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng được hưởng chế độ ưu đãi phải theo mẫu quy định thống nhất để quản lý và thực hiện chính sách khi tại ngũ và khi xuất ngũ. Các giấy tờ quy định trong hồ sơ là chứng từ pháp lý phải do Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền ký và đóng dấu đơn vị (không dùng giấy sao lục, không ký thừa lệnh hoặc dùng dấu chữ ký sẵn).

B- CÁC CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

I- ĐỐI VỚI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8-1945

1. Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8-1945 theo quy định tại Điều 6 của Nghị định là người tham gia các tổ chức cách mạng của Đảng từ ngày 31-12-1944 trở về trước và những đảng viên Đảng cộng sản Đông dương được kết nạp trước ngày 19-8-1945 đã được Tổng cục Chính trị quyết định công nhận theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Từ ngày 01-01-1945 trở đi, người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8-1945 được điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cáp như sau:

Trợ cấp hàng tháng bằng 120.000 đồng; ngoài ra được hưởng phu cấp hàng tháng tính theo thâm niên hoạt động trước cách mạng, cứ mỗi năm bằng 30.000 đồng.

Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8-1945 hưởng trợ cấp, phụ cấp nói tại điểm 1 này thì không hưởng phụ cấp "Tiền khởi nghĩa" nói ở điểm 2 dưới đây.

2. Người hoạt động cách mạng từ 01-01-1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 quy định tại Điều 8 của Nghị định thực hiện như sau:

a) Người đủ điều kiện tiêu chuẩn quy định tại các Điều 8, Điều 9 của Nghị định (nếu có) thì đơn vị lập hồ sơ báo cáo về Tổng cục Chính trị (qua Cục Cán bộ) để xem xét ra quyết định công nhận.

b) Sau khi có quyết định của Tổng cục Chính trị người được công nhận có thời gian hoạt động cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 được hưởng khoản phụ cấp "Tiền khởi nghĩa" bằng 50.000 đồng/tháng và tính từ ngày 01-01-1995 trở đi.

Các khoản trợ cấp, phụ cấp nói ở điểm 1, điểm 2 trên đây đối với người đang tại ngũ do đơn vị quản lý cấp.

II- ĐỐI VỚI LIỆT SỸ VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SỸ

1. Việc xác nhận liệt sĩ phải thực hiện đúng tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 11 của Nghị định.

Thủ trưởng cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên ký giấy báo tử đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thuộc quyền theo phân cấp quản lý.

Để bảo đảm chặt chẽ trong việc xác nhận liệt sĩ, đối với những trường hợp chết nói tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 11 của Nghị định, các đơn vị phải báo cáo cụ thể từng trường hợp với Tổng cục Chính trị (qua Cục Chính sách) để thống nhất trước khi lập hồ sơ và ký giấy báo tử về địa phương và gia đình.

2. Những trường hợp chết từ ngày 31-12-1994 trở về trước, nay mới báo tử thì việc xác nhận là liệt sĩ phải theo đúng tiêu chuẩn quy định tại Điều 11 của Nghị định và Thông tư này. Riêng những trường hợp bị mất tin, mất tích trong chiến tranh ở các chiến trường, việc xác nhận lập hồ sơ báo tử vẫn thực hiện như quy định tại Quyết định số 193/CP ngày 02-8-1978, Điều 10 Quyết định số 301/CP ngày 20-9-1980 của Chính phủ.

3. Về khoản tiền chi phí tổ chức lễ báo tử ở gia đình thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định. Thôi thực hiện tiền chi phí tổ chức lễ báo tử quy định tại khoản b Điều 3 Quyết định số 106/QĐ-QP ngày 26-02-1994 của Bộ Quốc phòng.

III- ĐỐI VỚI ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN, ANH HÙNG LAO ĐỘNG ĐANG TẠI NGŨ

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động được Nhà nước tuyên dương anh hùng vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sản xuất phục vụ kháng chiến, hàng tháng được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 72.000 đồng và được tính hưởng từ ngày 01-01-1995.

Diện Anh hùng nói trên, các đơn vị (nếu có) lập hồ sơ báo cáo về Tổng cục Chính trị (qua Cục Chính sách) để xem xét ra quyết định hưởng phụ cấp hàng tháng.

IV- ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH

1. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị thương được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thực hiện đúng tiêu chuẩn chế độ quy định tại các Điều 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định.

Thủ trưởng cấp trung đoàn, hoặc tương đương trở lên ký giấy chứng nhận bị thương cho những quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thuộc quyền.

2. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ, đã được xác nhận là thương binh loại A, người hưởng chính sách như thương binh từ ngày 31-12-1994 trở về trước và quân nhân đã được xác nhận là thương binh loại B từ trước ngày 01-01-1995 đang hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng theo Thông tư số 289/TT-QP ngày 26-02-1994 của Bộ Quốc phòng thì từ ngày 01-01-1995 trở đi giải quyết như sau:

a) Nếu giấy chứng nhận thương binh xác định loại A thì nay gọi là thương binh; trợ cấp thương tật được hưởng theo quy định tại Điều 30 của Nghị định (phụ lục kèm theo Thông tư này).

b) Nếu giấy chứng nhận thương binh xác định loại B, thì nay không gọi là thương binh, mà gọi là quân nhân bị tai nạn lao động; Trợ cấp thương tật hàng tháng và các chế độ khác thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Nghị định.

3. Những thương binh đã được xác nhận đang nuôi dưỡng điều trị ở tại các Đoàn an dưỡng, bệnh viện quân đội, từ ngày 01-01-1995 trở đi, được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng theo quy định tại điểm 2, phần IV Thông tư này.

4. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị thương từ ngày 31-12-1994 trở về trước, nay xác nhận là thương binh thực hiện đúng tiêu chuẩn quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Nghị định; trợ cấp thương tật hàng tháng được hưởng kể từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận. Cụ thể là:

a) Nếu giám định thương tật trước ngày 01-01-1995, thì trợ cấp thương tật của thời gian trước ngày 01-01-1995 được hưởng theo mức quy định cho từng thời điểm đối với thương binh loại A nói tại Thông tư số 289/TT-QP ngày 26-02-1994 của Bộ Quốc phòng; từ ngày 01-01-1995 trở đi hưởng theo mức quy định phụ lục kèm theo Thông tư này.

b) Nếu giám định thương tật từ ngày 01-01-1995 trở đi, thì trợ cấp thương tật được hưởng từ ngày Hội đồng giám định y khoa có kết luận.

5. Thương binh thuộc diện hưởng lương khi bị thương đã được xác nhận từ ngày 31-12-1994 trở về trước (kể cả số ở các đoàn an dưỡng quân đội) và những người bị thương từ ngày 31-12-1994 trở về trước nay mới được xác nhận là thương binh, nếu khi bị thương có mức lương cũ (sau khi chuyển đổi sang mức lương mới quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ) cao hơn mức lương quy định (312.000 đồng) thì được trợ cấp thêm một lần bằng từ 1 đến 4 tháng lương khi bị thương quy định tại khoản 3 Điều 30 của Nghị định. Diện đối tượng này, nếu đã hưởng trợ cấp thêm một lầm theo quy định tại tiết b điểm 2 Mục II Thông tư số 289/TT-QP ngày 26-02-1994 của Bộ Quốc phòng thì không giải quyết cấp lại nữa.

6. Những quân nhân thuộc diện hưởng lương, đã xác nhận là thương binh loại B từ ngày 31-12-1994 trở về trước, nếu khi bị thương có mức lương cũ (sau khi chuyển đổi sang mức lương mới quy định tại Nghị định số 25/CP, ngày 23-5-1993 của Chính phủ) cao hơn mức lương quy định (312.000 đồng) thì được trợ cấp thêm một lần bằng từ tháng 1 đến 3 tháng lương khi bị thương quy định tại khoản 5 Điều 40 của Nghị định. Diện đối tượng này, nếu đã hưởng trợ cấp thêm một lần theo quy định tại tiết b điểm 2 Mục II Thông tư số 289/TT-QP ngày 26-02-1994 của Bộ Quốc phòng thì không giải quyết cấp lại nữa.

Các khoản trợ cấp nói ở điểm 2, 3, 4, 5 và 6 trên do đơn vị quản lý cấp.

7. Bệnh binh quy định tại Điều 42 của Nghị định là những quân nhân khi xuất ngũ (nghỉ việc) không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, bị mắc bệnh mất sức lao động từ 61% trở lên do một trong các trường hợp sau đây:

- Do hoạt động ở chiến trường;

- Do hoạt động ở nơi có phụ cấp đặc biệt mức 100% từ 3 năm trở lên;

- Do hoạt động ở nơi có phụ cấp đặc biệt mức 100% chưa đủ 3 năm nhưng đã có 10 năm trở lên phục vụ trong quân đội;

- Đã có thời gian phục vụ trong quân đội đủ 15 năm trở lên.

8. Để quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, giấy chứng nhận bệnh binh quy định như sau:

a) Tư lệnh Quân khu ký quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; giấy chứng nhận bệnh binh và quyết định hưởng trợ cấp đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thuộc quyền.

b) Chủ nhiệm Tổng cục Chính trí hoặc do Cục trưởng Cục Chính sách được uỷ quyền ký quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; giấy chứng nhận bệnh binh và quyết định hưởng trợ cấp đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thuộc các đơn vị còn lại.

V- ĐỐI VỚI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ LÀM NGHĨA VỤ QUỐC TẾ

1. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng có thời gian hoạt động kháng chiến từ 19-8-1945 đến 30-4-1975 (tính theo lịch) thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng là những người đã được khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến với các hình thức Huân chương, Huy chương Chiến thắng; Huân chương, Huy chương kháng chiến (thành tích kháng chiến chống Pháp), hoặc Huân chương, Huy chương tổng kết kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời gian để tính hưởng trợ cấp như sau:

- Thời gian phục vụ trong quân đội;

- Thời gian hoạt động kháng chiến trước khi vào phục vụ trong quân đội đã được tính khen thưởng theo quy định tại Điều lệ khen thưởng về thành tích kháng chiến.

Thời gian hoạt động kháng chiến nói trên tính theo năm nếu có tháng lẻ thì từ 6 tháng trở lên tính là 1 năm, dưới 6 tháng tính là nửa năm.

2. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ, nếu có đủ điều kiện nói ở điểm 1 trên đây, thì khi nam đến tuổi 60, nữ đến tuổi 55 được hưởng trợ cấp hàng tháng cứ mỗi năm hoạt động kháng chiến bằng 2400 đồng. Những người tính đến trước ngày 01-01-1995, đến tuổi theo quy định (nam 60, nữ 55) thì được hưởng từ ngày 01-01-1995.

3. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng có thời gian hoạt động kháng chiến nói ở điểm 1 trên nếu đã chết trong khoảng thời gian từ ngày 01-01-1995 đến ngày thực hiện Thông tư này (kể cả người chết khi chưa đến tuổi 60 đối với nam, 55 tuổi đối với nữ) thì gia đình được hưởng trợ cấp một lần cứ 1 năm hoạt động kháng chiến bằng 120.000 đồng và do đơn vị quản lý người chết cấp.

4. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng có thời gian hoạt động kháng hiến chống Pháp; hoặc có thời gian hoạt động kháng chiến chống Mỹ dưới 10 năm, có đơn tự nguyện (có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị) xin hưởng trợ cấp một lần trước khi có quyết định trợ cấp hàng tháng, thì giải quyết trợ cấp một lần. Những người đã hưởng trợ cấp hàng tháng thì không giải quyết trợ cấp một lần.

5. Khi có quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc một lần, thì đơn vị quản lý lập hồ sơ báo cáo về Tổng cục Chính trị (qua Cục Chính sách) để xem xét ra quyết định hưởng trợ cấp.

VI- ĐỐI VỚI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG HOẶCHOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ ĐỊCH BẮT TÙ ĐẦY

1. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy quy định tại Điều 53 của Nghị định là người trong thời gian ở tù không khai báo có hại cho cách mạng, cho kháng chiến; không làm tay sai cho địch đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận. Các đơn vị (nếu có) căn cứ vào lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên và kết luận của cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ báo cáo về Tổng cục Chính trị (qua Cục Chính sách) để xem xét ra quyết định hưởng trợ cấp.

2. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Điều 55 của Nghị định như sau:

a) Được Nhà nước tặng "kỷ niệm chương".

b) Nếu có vết thương thực thể do bị địch tra tấn ở trong tù và mất sức lao động từ 21% trở lên do thương tật, thì được thực hiện các chế độ như đối với thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh.

c) Nếu không thuộc diện là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thì được trợ cấp 1 lần tính theo thời gian bị bắt ở các nhà tù như sau:

- Người ở tù dưới 1 năm được trợ cấp bằng 500.000 đồng;

- Người ở tù từ 1 năm đến 3 năm được trợ cấp bằng 1.000.000 đồng;

- Người ở tù trên 3 năm đến 5 năm được trợ cấp bằng 1.500.000 đồng;

- Người ở tù từ trên 5 năm đến 10 năm được trợ cấp bằng 2.000.000 đồng;

- Người ở tù trên 10 năm được trợ cấp 2.500.000 đồng.

Khoản trợ cấp một lần do đơn vị quản lý cấp.

C- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hồ sơ xác nhận và quản lý thực hiện chế độ ưu đãi đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ và khi chuyển ra, Cục Chính sách Tổng cục Chính trị căn cứ quy định của Nhà nước để hướng dẫn thực hiện trong quân đội.

2. Những quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng được xác nhận hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định và Thông tư này khi xuất ngũ, thì đơn vị chuyển hồ sơ sang cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng về cư trú để quản lý và thực hiện chính sách.

3. Những quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng có thời gian hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 đã xuất ngũ trước ngày ban hành Thông tư này thì Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị xem xét cấp giấy xác nhận.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-1995. Các quy định trước đây về chế độ ưu đãi trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ để xem xét, giải quyết.

Nguyễn Trọng Xuyên

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 2285/QP-TT-1995 hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi theo Nghị định 28/CP-1995 do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 2285/QP-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/11/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Nguyễn Trọng Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản