Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2021/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH DANH MỤC LOÀI CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP CHÍNH; CÔNG NHẬN GIỐNG VÀ NGUỒN GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; trình tự, thủ tục công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cây trồng lâm nghiệp là những loài cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và trồng phân tán.

2. Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp là nơi cung cấp vật liệu nhân giống bao gồm: Lâm phần tuyển chọn, rừng giống chuyển hóa, rừng giống trồng, vườn giống, cây trội, cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng.

3. Lâm phần tuyển chọn là khu rừng tự nhiên hoặc rừng trồng được tuyển chọn, chưa tác động các biện pháp kỹ thuật lâm sinh và được công nhận để cung cấp vật liệu nhân giống.

4. Rừng giống chuyển hóa là khu rừng tự nhiên hoặc rừng trồng được tuyển chọn, đã tác động các biện pháp kỹ thuật lâm sinh theo quy định và được công nhận để cung cấp vật liệu nhân giống.

5. Rừng giống trồng là khu rừng được trồng không theo sơ đồ bằng cây gieo ươm từ hạt thu hái từ cây trội, được công nhận để cung cấp vật liệu nhân giống.

6. Vườn giống là khu rừng được trồng theo sơ đồ nhất định từ các dòng vô tính (vườn giống vô tính) hoặc từ hạt (vườn giống hữu tính) của cây trội đã được tuyển chọn, được công nhận để cung cấp vật liệu nhân giống.

7. Cây trội là cây được tuyển chọn trong rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng giống chuyển hóa, rừng giống trồng, vườn giống, cây trồng phân tán, được công nhận để cung cấp vật liệu nhân giống.

8. Cây đầu dòng là cây được đánh giá và công nhận từ quần thể của một giống cây trồng lâm nghiệp, để cung cấp vật liệu nhân giống vô tính.

9. Vườn cây đầu dòng là vườn cây được trồng bằng cây giống vô tính nhân từ cây đầu dòng hoặc nhân giống vô tính từ giống gốc, được công nhận để cung cấp vật liệu sản xuất giống vô tính.

10. Trồng thử nghiệm là hoạt động trồng, theo dõi và đánh giá năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh hại hoặc điều kiện bất lợi khác của giống trồng thử nghiệm.

11. Loài cây sinh trưởng nhanh là loài cây có tăng trưởng đường kính bình quân đạt tối thiểu từ 02cm/năm trở lên hoặc năng suất bình quân trong một chu kỳ kinh doanh đạt tối thiểu từ 15m3/ha/năm trở lên.

12. Loài cây sinh trưởng chậm là loài cây có tăng trưởng đường kính bình quân đạt dưới 02cm/năm hoặc năng suất bình quân trong một chu kỳ kinh doanh đạt dưới 15m3/ha/năm.

13. Vùng sinh thái lâm nghiệp là vùng có đặc trưng về khí hậu (lượng mưa, nhiệt độ), địa hình địa mạo, thổ nhưỡng và thảm thực vật rừng đặc trưng; được chia thành 08 vùng sinh thái, chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương II

LOÀI CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP CHÍNH; CÔNG NHẬN VÀ HỦY BỎ CÔNG NHẬN GIỐNG, NGUỒN GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Mục 1. LOÀI CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP CHÍNH

Điều 4. Tiêu chí loài cây trồng lâm nghiệp chính

1. Có giống hoặc nguồn giống đã được công nhận, đáp ứng nhu cầu và mục đích trồng rừng.

2. Có diện tích rừng trồng từ 500 ha trở lên tại ít nhất 02 vùng sinh thái lâm nghiệp.

Điều 5. Danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính

1. Danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính được ban hành tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

2. Danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính được bổ sung, loại bỏ trong các trường hợp sau:

a) Bổ sung vào danh mục khi có loài cây mới đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/2021/NĐ-CP) và đủ các tiêu chí quy định tại Điều 4 Thông tư này;

b) Loại bỏ khỏi danh mục đối với loài cây không còn đáp ứng theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 27/2021/NĐ-CP và một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Tổng cục Lâm nghiệp rà soát, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung, loại bỏ danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Mục 2. CÔNG NHẬN, HỦY BỎ CÔNG NHẬN GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Điều 6. Tiêu chí công nhận giống cây trồng lâm nghiệp

Tiêu chí công nhận giống cây trồng lâm nghiệp bao gồm:

1. Giống đã khảo nghiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 27/2021/NĐ-CP hoặc đã trồng thử nghiệm theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Kết quả khảo nghiệm hoặc trồng thử nghiệm đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia về giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận, có năng suất, chất lượng tương đương trở lên so với giống cùng loài hoặc nhóm loài đã được công nhận và được trồng trong cùng một vùng sinh thái lâm nghiệp.

Điều 7. Trồng thử nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp

1. Đối tượng trồng thử nghiệm: Giống cây trồng lâm nghiệp bản địa đặc hữu của địa phương; giống cây trồng lâm nghiệp đã công nhận được trồng thử nghiệm ở vùng sinh thái lâm nghiệp khác; giống cây trồng lâm nghiệp nhập khẩu lần đầu có năng suất, chất lượng cao tại nước xuất khẩu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phù hợp với điều kiện sinh thái nơi trồng thử nghiệm.

2. Diện tích trồng thử nghiệm tối thiểu 02 ha, tối đa 10 ha.

3. Phương pháp trồng thử nghiệm thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về trồng thử nghiệm. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

4. Thời gian đánh giá kết quả trồng thử nghiệm: Đối với loài cây sinh trưởng nhanh là ba mươi sáu tháng; đối với loài cây sinh trưởng chậm là bảy mươi hai tháng; đối với loài cây lâm sản ngoài gỗ có sản phẩm theo mục tiêu chọn giống được thu hoạch ổn định trong 02 vụ liên tiếp.

Điều 8. Trình tự, thủ tục công nhận giống cây trồng lâm nghiệp

1. Thẩm quyền: Tổng cục Lâm nghiệp công nhận giống cây trồng lâm nghiệp.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận giống cây trồng lâm nghiệp của tổ chức, cá nhân, gồm:

a) Văn bản đề nghị công nhận giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

b) Báo cáo kết quả khảo nghiệm hoặc trồng thử nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

c) Hồ sơ, tài liệu đối với giống cây trồng lâm nghiệp nhập khẩu gồm các thông tin về năng suất, chất lượng, điều kiện sinh thái nơi lấy giống cây trồng lâm nghiệp tại nước xuất khẩu (bản sao).

3. Cách thức nộp hồ sơ: Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tuyến.

4. Trình tự thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận giống cây trồng lâm nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Tổng cục Lâm nghiệp. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ và nêu rõ lý do;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Lâm nghiệp thành lập Hội đồng thẩm định, tiến hành thẩm định hồ sơ, thực hiện kiểm tra hiện trường, lập biên bản thẩm định và báo cáo thẩm định. Nội dung kiểm tra, cách thức kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc gia về giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận. Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định và báo cáo thẩm định, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 03 Phụ lục III và Mục A Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; trả kết quả cho tổ chức, cá nhân và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Lâm nghiệp; trường hợp không công nhận giống cây trồng lâm nghiệp, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 9. Hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp

1. Hủy bỏ quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Giống cây trồng lâm nghiệp bị thoái hóa, suy giảm về năng suất, chất lượng hoặc bị sâu bệnh hại ở mức độ nặng so với tiêu chuẩn quốc gia về giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận;

b) Giống cây trồng lâm nghiệp không còn vật liệu nhân giống.

2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về tình trạng giống cây trồng lâm nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức kiểm tra, xác minh, quyết định hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 03 Phụ lục III và Mục A Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và công bố trên Cổng thông tin của Tổng cục Lâm nghiệp; trường hợp không hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

Mục 3. CÔNG NHẬN, HỦY BỎ CÔNG NHẬN NGUỒN GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Điều 10. Tiêu chí công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp

1. Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận khi đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia về nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

2. Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận, gồm: Lâm phần tuyển chọn; rừng giống chuyển hóa; rừng giống trồng; vườn giống; vườn cây đầu dòng; cây trội lấy vật liệu giống sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng; cây đầu dòng để cung cấp hom, cành ghép, mắt ghép.

Không công nhận cây trội để lấy vật liệu giống xây dựng rừng giống, vườn giống; cây trội, cây đầu dòng để phục tráng giống.

Điều 11. Trình tự, thủ tục công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp

1. Thẩm quyền: Chi cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Lâm nghiệp công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp tại địa phương. Trường hợp địa phương không có Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp, thẩm quyền công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định (sau đây gọi là Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương).

2. Hồ sơ đề nghị công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp của tổ chức, cá nhân, gồm:

a) Văn bản đề nghị công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính);

b) Báo cáo kỹ thuật về nguồn giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 05 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (bản chính).

3. Cách thức nộp hồ sơ: Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tuyến.

4. Trình tự thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ và nêu rõ lý do;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thành lập Hội đồng thẩm định, tiến hành thẩm định hồ sơ, thực hiện kiểm tra hiện trường, lập biên bản thẩm định và báo cáo thẩm định. Nội dung kiểm tra, cách thức kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc gia về nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận. Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định do Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương ban hành;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định và báo cáo thẩm định, Thủ tướng Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 06 Phụ lục III và Mục B Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; trả kết quả cho tổ chức, cá nhân và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chi cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trường hợp không công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Thời hạn của Quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp:

a) Vườn giống là 15 năm;

b) Rừng giống trồng là 07 năm;

c) Rừng giống chuyển hóa và lâm phần tuyển chọn là 05 năm;

d) Vườn cây đầu dòng cung cấp hom loài cây sinh trưởng nhanh là 03 năm;

đ) Cây trội là 10 năm;

e) Cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng loài cây lấy gỗ sinh trưởng chậm và cây lâm sản ngoài gỗ để cung cấp hom, cành ghép, mắt ghép là 10 năm.

6. Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp muốn tiếp tục sử dụng phải được đánh giá và công nhận lại. Trình tự, thủ tục, thời hạn của quyết định nguồn giống cây trồng lâm nghiệp công nhận lại thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này. Không thực hiện công nhận lại đối với vườn cây đầu dòng cung cấp hom loài cây sinh trưởng nhanh.

Điều 12. Hủy bỏ công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp

1. Hủy bỏ quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đang trong thời hạn sử dụng bị thoái hóa, suy giảm về năng suất, chất lượng, không đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn về nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận;

b) Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp không còn tồn tại, bị hủy hoại do thiên tai, dịch bệnh; nguồn giống cây trồng lâm nghiệp của giống cây trồng lâm nghiệp đã bị hủy bỏ công nhận.

2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về tình trạng nguồn giống cây trồng lâm nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương tổ chức kiểm tra, xác minh, quyết định hủy bỏ công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 06 Phụ lục III và Mục B Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chi cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Lâm nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trường hợp không hủy bỏ công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng cục Lâm nghiệp:

a) Thường xuyên rà soát, tổng hợp, cập nhật, công bố danh mục giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận hoặc hủy bỏ công nhận trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục;

b) Kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp của các địa phương theo quy định của pháp luật;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên phạm vi cả nước theo thẩm quyền.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Hướng dẫn quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả giống, nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn về giống cây trồng lâm nghiệp;

c) Thường xuyên rà soát, tổng hợp, cập nhật, công bố công khai danh mục nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận hoặc hủy bỏ công nhận trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thông báo cho Tổng cục Lâm nghiệp về việc công nhận hoặc hủy bỏ công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp ngay sau khi ban hành quyết định;

d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp tại địa phương theo quy định của pháp luật;

đ) Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp tại địa phương (bao gồm cả diện tích rừng trồng theo từng loài cây).

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân:

a) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định;

b) Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn sử dụng theo quyết định đã công nhận.

2. Các trường hợp đã nộp hồ sơ đề nghị công nhận giống, nguồn giống cây trồng lâm nghiệp trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa được công nhận, thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2022.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính.

3. Trường hợp văn bản, tiêu chuẩn quốc gia được viện dẫn tại Thông tư này khi có sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản, tiêu chuẩn sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

4. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT quy định về danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 22/2021/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Quốc Doanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản