Hệ thống pháp luật

Điều 4 Thông tư 22/2009/TT-NHNN hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Điều 4. Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền

1. Căn cứ vào quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan, tổ chức báo cáo phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền gồm các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục cơ bản dưới đây:

a) Chính sách chấp nhận khách hàng;

b) Quy trình, thủ tục nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng;

c) Quy định về những giao dịch phải báo cáo;

d) Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ;

đ) Quy định về cách thức giao tiếp với những khách hàng có dấu hiệu đáng ngờ;

e) Quy định về lưu giữ và bảo mật thông tin;

g) Quy định biện pháp tạm thời áp dụng trong phòng, chống rửa tiền và nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn, không thực hiện giao dịch;

h) Quy định về sự hợp tác với các cơ quan thi hành pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền và trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

i) Quy định về đào tạo nâng cao nhận thức và nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền;

k) Quy định về kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của người phụ trách phòng, chống rửa tiền và từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

2. Nội dung quy chế nội bộ phải đảm bảo phù hợp với cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động của tổ chức báo cáo.

3. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức báo cáo có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản liên quan đến quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền phù hợp với quy định tại Thông tư này và gửi báo cáo thực hiện kèm các văn bản có liên quan về Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

4. Tổ chức báo cáo phải thường xuyên xem xét, đánh giá quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, sự thay đổi và phát triển của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

5. Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền phải được phổ biến đến từng cá nhân, bộ phận có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền trong tổ chức báo cáo, kể cả đối với những người được tổ chức báo cáo thuê làm việc trong thời gian từ 6 tháng có liên quan đến những giao dịch tài chính, tiền tệ tại trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài.

6. Tổ chức bảo vệ tự quyết định việc cung cấp quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền cho các định chế tài chính nước ngoài trong quan hệ ngân hàng đại lý khi được yêu cầu.

Thông tư 22/2009/TT-NHNN hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 22/2009/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/11/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 547 đến số 548
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra