Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG LÂM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 21-NL/TCCB | Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 1959 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHÍNH SÁCH LƯƠNG VÀ CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHÒNG HỘ CHO CÔNG NHÂN ĐÁNH CÁ BỂ
Do yêu cầu công tác của ngành cá, Bộ đã thành lập trạm kỹ thuật đánh cá biển tại cửa Hội (Nghệ An) ngoài việc hướng dẫn ngư dân, đúc kết và phổ biến những kinh nghiệm sản xuất tốt của ngư dân, trạm còn có công nhân trực tiếp đi đánh cá trên mặt biển ngoài khơi hoặc trong lộng, công việc nặng nhọc, giờ giấc không nhất định. Để đãi ngộ tương xứng với công sức ấy, Bộ đã ban hành thang lương 5 bậc, một số chế độ trang bị phòng hộ và phụ cấp hao mòn tại Nghị định số 64-NĐ nhằm bồi dưỡng và bảo vệ sức lao động cho công nhân, khuyến khích anh chị em ra sức học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, phát huy hơn nữa nhiệt tình lao động, đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ.
Thông tư này nhằm hướng dẫn một số điểm cụ thể để thi hành Nghị định nói trên.
I. TIÊU CHUẨN VÀ KHUNG BẬC SẮP XẾP
Tất cả công nhân làm nghề đánh cá thường xuyên ngoài bể đều được sắp xếp vào thang lương 5 bậc này. Nhưng mức độ đãi ngộ có khác nhau, tùy theo tài năng và tinh thần thái độ công tác của mỗi người. Do đó cần phải có tiêu chuẩn nghề nghiệp cho từng bậc. Tuy nhiên trong điều kiện tổ chức chúng ta còn mới mẻ, việc xây dựng tiêu chuẩn và vận dụng tiêu chuẩn cần phải thận trọng. Vụ Nghề cá có trách nhiệm nghiên cứu tạm thời quy định tiêu chuẩn hướng dẫn sắp xếp cho công nhân vào thang lương nói trên và trong quá trình thi hành, rút kinh nghiệm bổ sung đề nghị Bộ ban hành tiêu chuẩn chính thức.
Thang lương gồm có 5 bậc xếp cho 5 loại trình độ khác nhau; công nhân thành nghề, lái thuyền, thuyền trưởng thuyền phó và một bậc sơ tuyển. Để giữ tương quan sắp xếp được tốt cần phải có mức khống chế như sau:
- Mức lương trong thời gian thử thách chỉ để xếp cho những công nhân mới tuyển vào, tuy đã biết nghề nghiệp nhưng cần phải được thử thách qua về khả năng chuyên môn, sức chịu đựng khó khăn gian khổ. Tinh thần và thái độ công tác. Sau thời gian từ 1 đến 3 tháng sẽ nghiên cứu xét đủ điều kiện thì xếp lên bậc khởi điểm hoặc một bậc nào trong thang lương tương xứng với khả năng người công nhân ấy.
Nhưng đối với cán bộ, công nhân trong biên chế từ cơ quan, xí nghiệp khác chuyển đến công tác nghề đánh cá thì áp dụng 2 cách:
- Nếu mức lương cũ thấp hơn mức 40đ thì được nâng lên 40đ trong thời kỳ thử thách.
- Nếu mức lương cũ cao hơn 40đ thì được giữ theo lương cũ và sau thời gian từ 1 đến 3 tháng xét xếp theo lương mới.
- Từ bậc 1 đến bậc 4 xếp cho công nhân, lái và phụ lái.
- Từ bậc 4 đến 5 xếp cho thuyền trưởng, thuyền phó. Tuy mức khống chế đặt ra như thế với tiêu chuẩn của từng bậc nhưng vì thực tế tình hình cơ sở ta mới thành lập chưa qua nhiều sản xuất, công nhân chưa biểu hiện rõ khả năng của mình nên hiện nay căn cứ vào tiêu chuẩn mà sắp xếp cho thích đáng, sau thời gian công tác dài sẽ xét lại.
II. CÁC KHOẢN PHỤ CẤP VÀ TRANG BỊ PHÒNG HỘ
a) Về trang bị phòng hộ mục đích để bảo đảm an toàn trong khi lao động như phao cứu sinh, găng tay,v.v… Do đó trong việc sử dụng cần phải có ý thức bảo quản chu đáo, tránh việc sử dụng bừa bãi hư hại tài sản Nhà nước. Vụ nghề cá sẽ quy định nội quy sử dụng cho thích hợp.
b) Về phụ cấp mỗi ngày làm việc ngoài biển được phụ cấp 1 đồng. Trường hợp vì điều kiện công tác có thể làm việc ngày chủ nhật và ngày lễ, cơ quan cần bố trí cho anh em nghỉ bù sau mỗi chuyến đi.
Nhưng nếu không nghỉ bù được thì anh em được trả lương thêm ngày chủ nhật và phụ cấp 1 đồng. Hàng ngày phải đi sớm về muộn, không được tính làm thêm giờ vì trong tiền lương và phụ cấp đã có chiếu cố đến tình hình thực tế ấy rồi.
Để đảm bảo số tiền bồi dưỡng đúng với tính chất của nó, cơ quan, công đoàn cần phải quản lý mua sắm những thức ăn thực tế bồi dưỡng được sức lao động của anh em như đường, trái cây, thịt, v.v… Tránh hiện tượng của một số công nhân dùng tiền bồi dưỡng để mua sắm áo quần, xe đạp… như thế sẽ có hại cho sức khỏe ảnh hưởng đến việc sản xuất.
Đối với cán bộ nhân viên các cơ quan thuộc Bộ, Ty Nông lâm đi công tác hướng dẫn, chỉ đạo, nghiên cứu sản xuất nghề biển, nếu trực tiếp tham gia lao động với công nhân trên thuyền buồm lắp máy, hay thuyền buồm kể cả thuyền của ngư dân hợp tác xã đều được phụ cấp mỗi ngày làm việc ngoài biển 1đ.
Cán bộ công nhân viên ấy phải lấy chữ ký chứng nhận của cơ quan, đoàn thể địa phương mình đi công tác, nói rõ lý do, thời gian, làm việc gì mới được thanh toán. Đi từ 4 giờ trở lên được tính 1 ngày, từ 4 giờ trở xuống tính 1/2 giây.
III. CÁCH TRẢ LƯƠNG VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Chế độ lương và phụ cấp được thi hành kể từ ngày 01/4/1959 cho thuyền buồm và từ 01/5/1959 cho công nhân thuyền buồm lắp máy. Công nhân sẽ được truy lĩnh khoản tiền lương chênh lệch sau khi sắp xếp, khoản tiền phụ cấp 1 đồng một ngày trong những ngày thực sự đi đánh cá ngoài biển.
Cách trả lương trên đây là áp dụng theo chế độ lương tháng.
Nhưng đối với các cơ quan sản xuất cần thi hành chế độ lương ngày theo tinh thần Nghị định số 182-TTg của Thủ tướng phủ và Thông tư số 32-LĐ/TT ngày 26/12/1958 của Bộ Lao động. Và Bộ cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 18-NL/TT ngày 6/12/1958. Nhưng với điều kiện và tính chất công tác của ngành đánh cá bể nó có đặc điểm riêng, Bộ sẽ nghiên cứu và hướng dẫn thi hành sau.
Trong thời gian chờ đợi công nhân sẽ được sắp xếp vào thang lương và tạm thời trả theo lương tháng.
Vụ nghề cá căn cứ vào thông tư này nghiên cứu tổ chức học tập trong công nhân và tiến hành sắp xếp trong tháng 6/1959 cho xong.
Riêng đối với công nhân sửa chữa máy sẽ xếp theo thang lương cơ khí 8 bậc.
Trong khi thi hành gặp gì khó khăn báo cáo cho Bộ biết để kịp thời giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM |
- 1Thông tư 367-VH-TT năm 1963 hướng dẫn thi hành chế độ trang bị phòng hộ cho công nhân, viên chức ngành in do Bộ Văn hóa ban hành
- 2Nghị định 182-TTg năm 1958 quy định chế độ lương cho khu vực sản xuất do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 3Thông tư 18-LĐTT năm 1958 về việc trang bị bảo hộ lao động do Bộ Lao Động ban hành.
- 4Nghị định 64-NL/NĐ năm 1959 về thang lương công nhân đánh cá biển bằng thuyền buồm và thuyền buồm lắp máy và quy định chế độ trang bị phòng hộ lao động và vệ sinh an toàn đối với công nhân trực tiếp đi đánh cá do Bộ trưởng Bộ Nông Lâm ban hành.
Thông tư 21-NL/TCCB năm 1959 hướng dẫn chính sách lương và chế độ trang bị phòng hộ cho công nhân đánh cá bể do Bộ Nông Lâm ban hành.
- Số hiệu: 21-NL/TCCB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 09/06/1959
- Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
- Người ký: Lê Duy Trinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra