Hệ thống pháp luật

Điều 37 Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Điều 37. Phương pháp kế toán các khoản dự phòng liên quan đến các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết

1. Phương pháp xử lý dự phòng quy định tại điều này áp dụng cho cả dự phòng đầu tư tài chính dài hạn và dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh (gọi chung là dự phòng đầu tư tài chính) liên quan đến các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết.

2. Xử lý khoản dự phòng đầu tư tài chính được trích lập trong kỳ

a) Đối với khoản dự phòng đầu tư tài chính được trích lập trong kỳ liên quan đến khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết của tập đoàn, khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán thực hiện bút toán điều chỉnh để loại trừ số dự phòng được trích lập trong kỳ, ghi:

Nợ Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn

Có Chi phí tài chính

b) Khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán ghi nhận thuế hoãn lại phải trả phát sinh từ việc loại trừ khoản dự phòng đầu tư tài chính trích lập trong kỳ nếu số dự phòng trích lập được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của đơn vị trích lập. Giá trị khoản thuế thu nhập hoãn lại phải trả được ghi nhận bằng số dự phòng trích lập trong kỳ nhân (x) thuế suất thuế TNDN:

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Có Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

3. Xử lý khoản dự phòng đầu tư tài chính đã trích lập từ kỳ trước

a) Đối với khoản dự phòng đầu tư tài chính đã trích lập từ kỳ trước liên quan đến các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết của tập đoàn, khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán thực hiện bút toán điều chỉnh để loại trừ số dự phòng đã trích lập từ các kỳ trước, ghi:

Nợ Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước

b) Khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán ghi nhận thuế hoãn lại phải trả phát sinh từ việc loại trừ khoản dự phòng đầu tư tài chính đã trích lập từ kỳ trước nếu số dự phòng trích lập đã được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ trước của đơn vị trích lập. Giá trị khoản thuế thu nhập hoãn lại phải trả được ghi nhận bằng số dự phòng đã trích lập từ kỳ trước nhân (x) thuế suất thuế TNDN:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước

Có Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

4. Xử lý khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính trong kỳ

a) Trường hợp phát sinh việc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính liên quan đến các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết của tập đoàn, khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán thực hiện bút toán điều chỉnh để loại trừ khoản hoàn nhập dự phòng trong kỳ, ghi:

Nợ Chi phí tài chính

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước

b) Nếu khoản dự phòng đã trích lập từ kỳ trước chưa được hoàn nhập hết, khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán phải loại trừ số dư còn lại của khoản dự phòng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

c) Xử lý thuế thu nhập hoãn lại phải trả khi hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính:

- Khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán phải ghi nhận thuế hoãn lại phải trả bằng toàn bộ số dư khoản dự phòng tại thời điểm đầu kỳ (chưa tính đến số được hoàn nhập trong kỳ này), ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước

Có Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

- Khi hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính, kế toán phải ghi giảm số thuế hoãn lại phải trả bằng số dự phòng được hoàn nhập nhân (x) thuế suất thuế TNDN:

Nợ Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

Có Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.

Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 202/2014/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 271 đến số 272
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH