Hệ thống pháp luật

Mục 6 Chương 2 Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

MỤC 6. LOẠI TRỪ CÁC GIAO DỊCH NỘI BỘ

Điều 26. Loại trừ ảnh hưởng của giao dịch bán hàng tồn kho trong nội bộ tập đoàn

1. Nguyên tắc loại trừ

- Trong Báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu và giá vốn của hàng tiêu thụ trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ toàn bộ. Các khoản lãi, lỗ chưa thực hiện từ các giao dịch bán hàng đang phản ánh trong giá trị của hàng tồn kho cũng phải được loại trừ hoàn toàn.

- Lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ được xác định như sau:

Lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ

=

Giá trị của hàng tồn kho cuối kỳ tính theo giá bán nội bộ

-

Giá trị của hàng tồn kho cuối kỳ tính theo giá vốn của bên bán hàng

- Lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phải được loại trừ khỏi giá trị hàng tồn kho cuối kỳ, đồng thời lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho đầu kỳ cũng phải được loại trừ khỏi giá vốn hàng bán trong kỳ.

- Việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giao dịch công ty mẹ bán hàng cho công ty con không ảnh hưởng đến việc phân chia lợi ích cho các cổ đông không kiểm soát của công ty con vì toàn bộ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện thuộc về công ty mẹ.

- Trường hợp công ty con ghi nhận lãi hoặc lỗ từ giao dịch bán hàng nội bộ trong tập đoàn thì lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho phải được phân bổ giữa công ty mẹ và các cổ đông không kiểm soát theo tỷ lệ lợi ích của các bên.

- Các khoản lỗ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch bán hàng nội bộ cũng phải được loại bỏ, trừ khi chi phí tạo nên khoản lỗ đó không thể thu hồi được. Trường hợp giá bán hàng nội bộ thấp hơn giá gốc của hàng hóa mua vào, kế toán phải đánh giá khả năng bên mua hàng sẽ bán được hàng tồn kho này với giá cao hơn giá gốc của tập đoàn. Trường hợp xét thấy bên mua hàng không thể bán được hàng với giá cao hơn giá gốc của tập đoàn thì việc phản ánh khoản lỗ chưa thực hiện là phù hợp với việc ghi nhận hàng tồn kho theo giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được của tập đoàn do đó không cần phải thực hiện việc loại trừ.

- Nếu đến cuối kỳ kế toán bên mua hàng vẫn chưa trả hết tiền thì khoản mục phải thu của khách hàng và khoản mục phải trả cho người bán trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất cũng phải loại trừ số tiền còn nợ giữa các đơn vị trong tập đoàn.

- Giá trị ghi sổ của hàng tồn kho trong Báo cáo tài chính hợp nhất đã loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch nội bộ, tuy nhiên cơ sở tính thuế của hàng tồn kho được xác định trên cơ sở hoá đơn mua hàng đã có lãi hoặc lỗ từ các giao dịch bán hàng nội bộ.

- Việc loại trừ lãi chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phát sinh từ giao dịch bán hàng giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn sẽ làm cho giá trị ghi sổ của hàng tồn kho cuối kỳ trong Báo cáo tài chính hợp nhất nhỏ hơn cơ sở tính thuế của nó. Trường hợp này sẽ phát sinh một khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Thuế thu nhập doanh nghiệp”. Khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ này sẽ làm phát sinh tài sản thuế thu nhập hoãn lại, đồng thời làm giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại trong kỳ của cả tập đoàn. Do đó, kế toán phải phản ánh tài sản thuế thu nhập hoãn lại trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất.

- Việc loại trừ khoản lỗ trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phát sinh từ giao dịch nội bộ chỉ được thực hiện khi chắc chắn rằng giá vốn xét trên phương diện tập đoàn đối với lô hàng này vẫn nhỏ hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của chúng. Trong trường hợp đó, việc loại trừ khoản lỗ trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phát sinh từ giao dịch bán hàng giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn sẽ làm cho giá trị ghi sổ của hàng tồn kho trong Báo cáo tài chính hợp nhất lớn hơn cơ sở tính thuế của nó. Trường hợp này sẽ tạo ra chênh lệch tạm thời phải chịu thuế và làm phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả và làm tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại của cả tập đoàn. Do đó, kế toán phải phản ánh thuế thu nhập hoãn lại phải trả trong BCĐKT hợp nhất.

2. Bút toán điều chỉnh

a) Loại trừ doanh thu, giá vốn hàng bán và lãi hoặc lỗ chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch bán hàng nội bộ trong kỳ: Kế toán phải tính toán, xác định số lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ phát sinh từ các giao dịch bán hàng nội bộ, ghi:

- Trường hợp có lãi:

Nợ Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (doanh thu bán hàng nội bộ).

Có Giá vốn hàng bán (doanh thu bán hàng nội bộ - Lãi chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ)

Có Hàng tồn kho (Lãi chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ).

- Trường hợp lỗ:

+ Nếu giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho nhỏ hơn giá gốc của số hàng tồn kho tiêu thụ nội bộ (giá trị tại bên bán) thì kế toán không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện mà chỉ loại trừ doanh thu bán hàng và giá vốn hàng bán như sau:

Nợ Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (doanh thu bán hàng nội bộ).

Có Giá vốn hàng bán (doanh thu bán hàng nội bộ).

+ Khi giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho cuối kỳ phát sinh từ giao dịch bán hàng nội bộ trong kỳ lớn hơn giá gốc của số hàng tồn kho trong nội bộ (giá trị tại bên bán) thì kế toán thực hiện loại trừ khoản lỗ chưa thực hiện. Trường hợp này kế toán ghi:

Nợ Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (doanh thu bán hàng nội bộ)

Nợ Hàng tồn kho (lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ)

Có Giá vốn hàng bán (doanh thu bán hàng nội bộ + lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ).

b) Loại trừ giá vốn hàng bán và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đầu kỳ do ảnh hưởng của lợi nhuận chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho đầu kỳ khi bán hàng ở kỳ sau.

Lợi nhuận chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho đầu kỳ sẽ được chuyển vào giá vốn hàng bán trong kỳ khi bên mua hàng bán hàng tồn kho được mua từ các đơn vị trong nội bộ ra ngoài tập đoàn làm tăng chỉ tiêu giá vốn hàng bán của cả tập đoàn. Do đó trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất kế toán phải loại trừ ảnh hưởng của lợi nhuận chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho đầu kỳ đã được ghi nhận vào chỉ tiêu giá vốn hàng bán của kỳ này bằng cách ghi giảm giá vốn hàng bán, đồng thời ghi giảm lợi nhuận chưa phân phối (đầu kỳ).

- Trường hợp năm trước đã loại trừ lãi chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho đầu kỳ này, kế toán ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (lãi chưa thực hiện trong hàng tồn kho đầu kỳ)

Có Giá vốn hàng bán (lãi chưa thực hiện trong hàng tồn kho đầu kỳ).

- Trường hợp năm trước đã loại trừ lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho đầu kỳ này, kế toán ghi:

Nợ Giá vốn hàng bán (lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho đầu kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho đầu kỳ).

c) Điều chỉnh ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp do loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện trong hàng tồn kho cuối kỳ.

- Trường hợp loại trừ lãi chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ trong Báo cáo tài chính hợp nhất làm phát sinh chênh lệch tạm thời được khấu trừ, kế toán phải xác định tài sản thuế thu nhập hoãn lại và ghi nhận như sau:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại.

- Trường hợp loại trừ lỗ chưa thực hiện trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ trong Báo cáo tài chính hợp nhất làm phát sinh chênh lệch tạm thời phải chịu thuế, kế toán phải xác định thuế thu nhập hoãn lại phải trả và ghi nhận như sau:

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Có Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

d) Điều chỉnh ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp do loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho đầu kỳ.

Sang kỳ sau khi bên mua đã bán hàng tồn kho mua từ các đơn vị trong nội bộ ra ngoài tập đoàn, cùng với việc loại trừ lãi, lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho đầu kỳ, kế toán phải tính toán ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại và ghi nhận như sau:

- Trường hợp năm trước đã loại trừ lãi chưa thực hiện trong hàng tồn kho kế toán phải tính toán tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong kỳ, ghi:

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước.

- Trường hợp năm trước đã loại trừ lỗ chưa thực hiện trong hàng tồn kho kế toán phải tính toán thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong kỳ, ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại.

đ) Điều chỉnh ảnh hưởng của việc loại trừ lãi chưa thực hiện trong giao dịch Công ty con bán hàng hoá cho Công ty mẹ đến lợi ích cổ đông không kiểm soát.

Khi loại trừ lãi chưa thực hiện của Công ty con, kế toán tính toán ảnh hưởng của việc loại trừ lãi chưa thực hiện đến lợi ích cổ đông không kiểm soát và ghi:

Nợ Lợi ích cổ đông không kiểm soát

Có Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát.

Khi loại trừ lỗ chưa thực hiện của Công ty con, kế toán tính toán ảnh hưởng của việc loại trừ lỗ chưa thực hiện đến lợi ích cổ đông không kiểm soát và ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát

Có Lợi ích cổ đông không kiểm soát.

Điều 27. Loại trừ ảnh hưởng của giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ

1. Nguyên tắc điều chỉnh

- Các khoản thu nhập khác, chi phí khác, lãi hoặc lỗ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn. Trong Báo cáo tài chính hợp nhất, giá trị ghi sổ của TSCĐ (nguyên giá, hao mòn lũy kế) phải được điều chỉnh lại như thể không phát sinh giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn.

- Trường hợp tài sản cố định được bán có lãi thì chi phí khấu hao đang được ghi nhận trong Báo cáo tài chính riêng của bên mua tài sản cố định sẽ cao hơn chi phí khấu hao xét trên phương diện của cả tập đoàn, do đó trong Báo cáo tài chính hợp nhất kế toán phải điều chỉnh giảm chi phí khấu hao và hao mòn lũy kế do ảnh hưởng của giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn.

- Khi loại trừ lãi chưa thực hiện trong giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn thì giá trị ghi sổ của tài sản cố định trong Báo cáo tài chính hợp nhất sẽ nhỏ hơn cơ sở tính thuế của nó nên kế toán phải phản ánh tài sản thuế thu nhập hoãn lại tương ứng với số lãi chưa thực hiện bị loại trừ khỏi giá trị TSCĐ. Trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, khoản mục chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại cũng phải được ghi giảm số tiền tương ứng với thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc loại trừ lãi chưa thực hiện của tập đoàn. Tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh từ giao dịch bán tài sản cố định giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn sẽ được hoàn nhập dần hàng kỳ khi kế toán điều chỉnh giảm chi phí khấu hao của tập đoàn.

- Trường hợp giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị thuộc tập đoàn làm phát sinh một khoản lỗ thì giá trị ghi sổ của tài sản cố định xét trên phương diện tập đoàn sẽ lớn hơn cơ sở tính thuế của nó nên Báo cáo tài chính hợp nhất phải phản ánh được phần thuế thu nhập hoãn lại tương ứng với số lỗ chưa thực hiện nằm trong giá trị TSCĐ. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải phản ánh được số tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tương ứng với việc tăng lợi nhuận của tập đoàn. Thuế thu nhập hoãn lại phát sinh từ giao dịch bán tài sản cố định giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn sẽ được hoàn nhập dần hàng kỳ khi kế toán điều chỉnh tăng chi phí khấu hao của tập đoàn.

- Trường hợp phát sinh lãi hoặc lỗ chưa thực hiện từ giao dịch công ty con bán TSCĐ trong nội bộ tập đoàn thì khi xác định lợi ích cổ đông không kiểm soát, kế toán phải xác định phần lãi hoặc lỗ chưa thực hiện cần phân bổ cho các cổ đông không kiểm soát và điều chỉnh lợi ích cổ đông không kiểm soát.

2. Bút toán điều chỉnh

a) Loại trừ thu nhập khác, chi phí khác, lợi nhuận chưa thực hiện và điều chỉnh lại giá trị ghi sổ của tài sản cố định phát sinh từ giao dịch bán tài sản cố định giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn trong kỳ.

- Trường hợp giao dịch bán TSCĐ có lãi và giá bán nhỏ hơn nguyên giá tài sản cố định, kế toán ghi:

Nợ Nguyên giá TSCĐ (phần chênh lệch giữa nguyên giá - giá bán )

Nợ Thu nhập khác (phần chênh lệch giữa giá bán cao hơn GTCL TSCĐ và chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ)

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (hao mòn lũy kế đến ngày bán)

- Trường hợp giao dịch bán TSCĐ có lãi và giá bán lớn hơn nguyên giá tài sản cố định, kế toán ghi:

Nợ Thu nhập khác phần chênh lệch giữa giá bán cao hơn GTCL TSCĐ và chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ)

Có Nguyên giá TSCĐ (phần chênh lệch giữa giá bán - nguyên giá)

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (hao mòn lũy kế đến ngày bán)

- Trường hợp giao dịch bán TSCĐ bị lỗ, kế toán ghi:

Nợ Nguyên giá TSCĐ (phần chênh lệch giữa nguyên giá - giá bán )

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (hao mòn lũy kế đến ngày bán)

Có Chi phí khác (chênh lệch giữa giá bán nhỏ hơn GTCL TSCĐ và chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ)

b) Loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch bán tài sản cố định giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn trong kỳ trước.

- Trường hợp giao dịch bán tài sản cố định phát sinh lãi và nguyên giá tài sản cố định lớn hơn giá bán, kế toán ghi:

Nợ Nguyên giá TSCĐ ( phần chênh lệch giữa nguyên giá - giá bán)

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (lãi gộp từ giao dịch bán TSCĐ )

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (hao mòn lũy kế).

- Trường hợp giao dịch bán tài sản cố định phát sinh lãi và nguyên giá tài sản cố định nhỏ hơn giá bán kế toán ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (lãi từ giao dịch bán TSCĐ trong nội bộ)

Có Nguyên giá TSCĐ (Phần chênh lệch giữa giá bán - nguyên giá)

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (hao mòn lũy kế).

- Trường hợp giao dịch bán tài sản cố định phát sinh lỗ, kế toán ghi:

Nợ Nguyên giá TSCĐ (phần chênh lệch giữa nguyên giá - giá bán)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (lỗ từ giao dịch bán TSCĐ trong nội bộ)

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (Hao mòn lũy kế).

c) Điều chỉnh chi phí khấu hao và hao mòn lũy kế do ảnh hưởng của lãi chưa thực hiện trong giao dịch bán TSCĐ.

Kế toán phải xác định ảnh hưởng của lãi chưa thực hiện phản ánh trong giá trị TSCĐ đến chi phí khấu hao trong kỳ và hao mòn lũy kế đến cuối kỳ. Tuỳ thuộc vào tài sản cố định được sử dụng trong sản xuất, kinh doanh hay trong quản lý doanh nghiệp hoặc bán hàng kế toán sẽ loại trừ chi phí khấu hao vào các khoản mục chi phí tương ứng. Do Báo cáo tài chính được lập từ các Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn nên khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ báo cáo, ngoài việc điều chỉnh lại chi phí khấu hao trong kỳ kế toán còn phải điều chỉnh ảnh hưởng của hao mòn lũy kế đã được điều chỉnh đến đầu kỳ báo cáo.

- Trường hợp tài sản được sử dụng trong hoạt động quản lý, hoạt động bán hàng, kế toán ghi:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ )

Có Chi phí quản lý doanh nghiệp (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Chi phí bán hàng (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số hao mòn lũy kế đến cuối kỳ trước).

- Trường hợp tài sản được sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hoặc kinh doanh dịch vụ, kế toán phải xác định ảnh hưởng của chi phí khấu hao đến giá vốn hàng bán ghi:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ )

Có Giá vốn hàng bán (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số hao mòn lũy kế đến cuối kỳ trước)

- Nếu việc loại trừ chi phí khấu hao có ảnh hưởng trọng yếu đến chỉ tiêu hàng tồn kho thì kế toán phải phân bổ chi phí khấu hao phải loại trừ giữa giá vốn hàng bán và hàng tồn kho để loại trừ cho phù hợp. Trong trường hợp đó bút toán loại trừ như sau:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ )

Có Giá vốn hàng bán (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Hàng tồn kho (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số hao mòn lũy kế đến cuối kỳ trước).

d) Điều chỉnh chi phí khấu hao và hao mòn lũy kế do ảnh hưởng của lỗ chưa thực hiện trong giá trị còn lại của TSCĐ.

Kế toán phải xác định ảnh hưởng của lỗ chưa thực hiện phản ánh trong giá trị còn lại của TSCĐ đến chi phí khấu hao trong kỳ và hao mòn lũy kế đến cuối kỳ. Tuỳ thuộc vào tài sản cố định được sử dụng trong sản xuất, kinh doanh hay trong quản lý doanh nghiệp hoặc bán hàng kế toán sẽ bổ sung chi phí khấu hao vào các khoản mục chi phí tương ứng. Do Báo cáo tài chính được lập từ các Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn nên khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ báo cáo, ngoài việc điều chỉnh lại chi phí khấu hao trong kỳ, kế toán còn phải điều chỉnh ảnh hưởng của hao mòn lũy kế đã được điều chỉnh đến đầu kỳ báo cáo.

- Trường hợp tài sản được dùng trong quản lý hoặc cho bộ phận bán hàng, kế toán ghi:

Nợ Chi phí quản lý doanh nghiệp (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Nợ Chi phí bán hàng (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số hao mòn lũy kế đến cuối kỳ trước)

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ(số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ).

- Trường hợp tài sản được dùng sản xuất, kế toán ghi:

Nợ Giá vốn hàng bán (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số hao mòn lũy kế đến cuối kỳ trước)

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ(số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ).

- Nếu việc loại trừ chi phí khấu hao có ảnh hưởng trọng yếu đến chỉ tiêu hàng tồn kho thì kế toán phải phân bổ ảnh hưởng của chi phí khấu hao được loại trừ giữa hai chỉ tiêu giá vốn hàng bán và hàng tồn kho cuối kỳ và ghi:

Nợ Giá vốn hàng bán (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Nợ Hàng tồn kho (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số hao mòn lũy kế đến cuối kỳ trước)

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ(số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ).

đ) Ghi nhận ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng của giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn khi tài sản vẫn đang sử dụng.

- Kế toán phải xác định thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn và phản ánh ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đến Báo cáo tài chính. Đồng thời với việc loại trừ lãi chưa thực hiện trong giao dịch bán tài sản cố định giữa các đơn vị nội bộ trong tập đoàn, kế toán ghi:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại.

Các kỳ sau kế toán điều chỉnh ảnh hưởng của thuế phát sinh từ việc loại trừ lãi chưa thực hiện trong giao dịch bán tài sản cố định kỳ trước ghi:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước.

- Đồng thời với việc loại trừ lỗ chưa thực hiện trong giao dịch bán tài sản cố định giữa các đơn vị nội bộ trong tập đoàn, kế toán ghi:

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Có Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.

Các kỳ sau kế toán điều chỉnh ảnh hưởng của thuế phát sinh từ việc loại trừ lỗ chưa thực hiện trong giao dịch bán tài sản cố định kỳ trước ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước

Có Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.

e) Ghi nhận ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng của việc điều chỉnh chi phí khấu hao khi tài sản cố định vẫn đang sử dụng: Khi tài sản vẫn còn đang được sử dụng và đang được trích khấu hao thì đồng thời với việc điều chỉnh ảnh hưởng của chi phí khấu hao tài sản cố định và hao mòn lũy kế tài sản cố định, kế toán phải điều chỉnh ảnh hưởng về thuế thu nhập doanh nghiệp của việc điều chỉnh trên.

- Trường hợp loại trừ lãi từ giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ dẫn đến việc điều chỉnh giảm chi phí khấu hao và hao mòn lũy kế, kế toán điều chỉnh ảnh hưởng của thuế như sau:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (ảnh hưởng của thuế thu nhập từ việc loại trừ chi phí khấu hao lũy kế đến đầu kỳ)

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại (ảnh hưởng của thuế thu nhập từ việc loại trừ chi phí khấu hao trong kỳ)

Có Tài sản thuế thu nhập hoãn lại (ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại lũy kế đến cuối kỳ).

- Trường hợp loại trừ lỗ từ giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ dẫn đến việc điều chỉnh tăng chi phí khấu hao và hao mòn lũy kế, kế toán điều chỉnh ảnh hưởng của thuế như sau:

Nợ Thuế thu nhập hoãn lại phải trả (ảnh hưởng của thuế thu nhập lũy kế đến cuối kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (ảnh hưởng của thuế thu nhập từ việc loại trừ chi phí khấu hao lũy kế đến đầu kỳ)

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại (ảnh hưởng của thuế thu nhập từ việc loại trừ chi phí khấu hao trong kỳ).

Khi tài sản cố định vẫn còn đang được sử dụng nhưng đã khấu hao hết theo nguyên giá thì toàn bộ lãi chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn đã chuyển thành lãi thực của tập đoàn thông qua việc giảm trừ chi phí khấu hao hàng kỳ. Từ thời điểm này không còn phát sinh thuế thu nhập hoãn lại.

g) Ảnh hưởng của việc loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện đến lợi ích cổ đông không kiểm soát.

- Giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn có thể ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông không kiểm soát.

- Nếu công ty con là bên bán thì việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty con và theo đó ảnh hưởng đến việc xác định lợi ích cổ đông không kiểm soát phát sinh trong kỳ.

- Nếu công ty con là bên mua thì việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện sẽ ảnh hưởng đến chi phí khấu hao tài sản cố định của công ty con và theo đó ảnh hưởng đến việc xác định lợi ích cổ đông không kiểm soát phát sinh trong kỳ.

- Sau khi xác định ảnh hưởng của việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn, nếu lợi ích cổ đông không kiểm soát bị giảm xuống, kế toán ghi:

Nợ Lợi ích cổ đông không kiểm soát

Có Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát.

- Sau khi xác định ảnh hưởng của việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn, nếu lợi ích cổ đông không kiểm soát tăng lên, kế toán ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát

Có Lợi ích cổ đông không kiểm soát.

h) Ảnh hưởng của giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn trong các năm trước đối với các TSCĐ đã được bên mua khấu hao hết theo nguyên giá và vẫn đang sử dụng.

- Trường hợp giá bán nội bộ lớn hơn nguyên giá kế toán phải điều chỉnh bằng cách ghi:

Nợ Nguyên giá TSCĐ (phần chênh lệch giữa nguyên giá – giá bán)

Có Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (nguyên giá – giá bán).

- Trường hợp giá bán nội bộ trước đây nhỏ hơn nguyên giá, kế toán ghi:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (giữa giá bán – nguyên giá)

Có Nguyên giá TSCĐ (giá bán – nguyên giá).

Các trường hợp này không phát sinh chênh lệch tạm thời và không ảnh hưởng đến thuế thu nhập hoãn lại.

i) Trường hợp TSCĐ mua từ một đơn vị trong nội bộ tập đoàn được bán khi chưa khấu hao hết.

Khi TSCĐ mua từ một đơn vị trong nội bộ tập đoàn được bán khi chưa khấu hao hết thì kế toán phải phản ánh việc hoàn nhập giá trị còn lại của tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc loại trừ lãi chưa thực hiện còn nằm trong giá trị còn lại của TSCĐ, kế toán ghi:

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Có Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.

Điều 28. Điều chỉnh và loại trừ ảnh hưởng của giao dịch chuyển hàng tồn kho thành tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn

1. Nguyên tắc điều chỉnh

- Trường hợp một đơn vị trong tập đoàn bán hàng hoá, thành phẩm cho đơn vị khác trong tập đoàn sử dụng làm tài sản cố định thì toàn bộ doanh thu bán hàng hoá, giá vốn hàng bán và lợi nhuận chưa thực hiện trong nguyên giá TSCĐ phải được loại trừ hoàn toàn.

- Nếu giao dịch bán hàng nội bộ có lãi thì chi phí khấu hao đang được ghi nhận trong Báo cáo tài chính riêng của bên mua tài sản cố định sẽ cao hơn chi phí khấu hao xét trên phương diện của cả tập đoàn, do đó trong Báo cáo tài chính hợp nhất kế toán phải điều chỉnh chi phí khấu hao và hao mòn lũy kế do ảnh hưởng của giao dịch chuyển hàng tồn kho thành tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn.

- Khi loại trừ lãi chưa thực hiện trong nguyên giá tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn thì giá trị ghi sổ của tài sản cố định trong Báo cáo tài chính hợp nhất sẽ nhỏ hơn cơ sở tính thuế của nó nên kế toán phải phản ánh tài sản thuế thu nhập hoãn lại tương ứng với số lãi chưa thực hiện nằm trong nguyên giá TSCĐ. Trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, khoản mục chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại cũng phải được ghi giảm số tiền tương ứng với thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc giảm lợi nhuận của tập đoàn. Tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh do việc loại trừ lãi chưa thực hiện trong nguyên giá tài sản cố định của bên mua hàng sẽ được hoàn nhập dần hàng kỳ khi kế toán điều chỉnh giảm chi phí khấu hao của tập đoàn.

- Trường hợp hàng tồn kho được bán lỗ thường thể hiện lợi ích kinh tế mang lại trong tương lai của tài sản nhỏ hơn giá gốc của nó. Trường hợp này kế toán sẽ không loại trừ lỗ từ giao dịch bán hàng trong nội bộ tập đoàn trừ khi chắc chắn rằng khoản lỗ này có thể được thu hồi.

- Khi loại trừ lãi (lỗ) chưa thực hiện phát sinh từ lợi nhuận trong giao dịch công ty con bán hàng hoá, thành phẩm thì kế toán phải xác định phần lãi, lỗ chưa thực hiện cần phân bổ cho các cổ đông không kiểm soát khi xác định lợi ích cổ đông không kiểm soát.

2. Bút toán điều chỉnh

a) Bút toán loại trừ doanh thu, giá vốn hàng bán và lợi nhuận chưa thực hiện trong nguyên giá tài sản cố định phát sinh từ giao dịch bán hàng nội bộ mà hàng hoá, thành phẩm của bên bán được sử dụng là tài sản cố định của bên mua.

Trường hợp giao dịch nội bộ làm phát sinh lãi chưa thực hiện, kế toán điều chỉnh như sau:

Nợ Doanh thu bán hàng hoá và dịch vụ (doanh thu bán hàng nội bộ)

Có Giá vốn hàng bán (giá vốn hàng tiêu thụ nội bộ)

Có Nguyên giá TSCĐ (lãi chưa thực hiện).

b) Bút toán loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch nội bộ trong đó hàng hoá, thành phẩm tại bên bán được sử dụng là tài sản cố định tại bên mua phát sinh trong kỳ trước.

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (lãi chưa thực hiện từ kỳ trước)

Có Nguyên giá TSCĐ (lãi chưa thực hiện).

c) Điều chỉnh chi phí khấu hao và hao mòn lũy kế do ảnh hưởng của lãi chưa thực hiện trong giá trị TSCĐ.

Kế toán phải xác định ảnh hưởng của lãi chưa thực hiện phản ánh trong nguyên giá TSCĐ đến chi phí khấu hao trong kỳ và hao mòn lũy kế đến cuối kỳ. Tuỳ thuộc vào tài sản cố định được sử dụng trong sản xuất, kinh doanh hay trong quản lý doanh nghiệp hoặc bán hàng kế toán sẽ loại trừ chi phí khấu hao vào các chỉ tiêu chi phí tương ứng. Do Báo cáo tài chính được lập từ các Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn nên khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất cho kỳ báo cáo, ngoài việc điều chỉnh lại chi phí khấu hao trong kỳ kế toán còn phải điều chỉnh ảnh hưởng của hao mòn lũy kế đã được điều chỉnh đến đầu kỳ báo cáo.

- Trường hợp tài sản được sử dụng trong hoạt động quản lý hoặc bán hàng, kế toán ghi:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ )

Có Chi phí quản lý doanh nghiệp (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Chi phí bán hàng (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (điều chỉnh lũy kế đến đầu kỳ).

- Trường hợp tài sản được sử dụng trong sản xuất sản phẩm, kế toán phải xác định ảnh hưởng của chi phí khấu hao đến giá vốn hàng bán ghi:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ )

Có Giá vốn hàng bán (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số điều chỉnh lũy kế đến đầu kỳ).

- Nếu việc loại trừ chi phí khấu hao có ảnh hưởng trọng yếu đến chỉ tiêu hàng tồn kho thì kế toán phải phân bổ số phải loại trừ giữa giá vốn hàng bán và hàng tồn kho cho phù hợp. Trong trường hợp đó bút toán loại trừ như sau:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (số điều chỉnh lũy kế đến cuối kỳ )

Có Giá vốn hàng bán (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Hàng tồn kho (số điều chỉnh phát sinh trong kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số điều chỉnh lũy kế đến đầu kỳ).

- Trường hợp tài sản cố định đã hết khấu hao theo nguyên giá nhưng vẫn đang sử dụng bút toán điều chỉnh như sau:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ (lãi gộp trong giao dịch nội bộ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước.

d) Ghi nhận ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng của việc loại trừ lãi từ giao dịch bán hàng hoá khi tài sản cố định tại bên mua vẫn đang sử dụng và đang còn khấu hao.

- Kế toán phải xác định thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn và phản ánh ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đến Báo cáo tài chính. Đồng thời với việc loại trừ lãi chưa thực hiện trong giao dịch bán tài sản cố định giữa các đơn vị nội bộ trong tập đoàn, kế toán ghi:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại.

- Các kỳ sau kế toán điều chỉnh ảnh hưởng của thuế phát sinh từ việc loại trừ lãi chưa thực hiện trong giao dịch bán tài sản cố định kỳ trước ghi:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước.

đ) Ghi nhận ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng của việc điều chỉnh chi phí khấu hao khi tài sản cố định vẫn đang sử dụng và đang còn khấu hao.

Khi tài sản vẫn còn đang được sử dụng và đang được trích khấu hao thì đồng thời với việc điều chỉnh ảnh hưởng của chi phí khấu hao tài sản cố định và hao mòn lũy kế tài sản cố định, kế toán phải điều chỉnh ảnh hưởng về thuế thu nhập doanh nghiệp của việc điều chỉnh trên, kế toán ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (ảnh hưởng của thuế thu nhập từ việc loại trừ chi phí khấu hao lũy kế đến đầu kỳ)

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại (ảnh hưởng của thuế thu nhập từ việc loại trừ chi phí khấu hao trong kỳ)

Có Tài sản thuế thu nhập hoãn lại (ảnh hưởng của thuế thu nhập lũy đến cuối kỳ).

e) Ảnh hưởng của việc loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện đến lợi ích cổ đông không kiểm soát.

- Nếu công ty con là bên bán thì việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty con và theo đó ảnh hưởng đến việc xác định lợi ích cổ đông không kiểm soát phát sinh trong kỳ.

- Nếu công ty con là bên mua thì việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện sẽ ảnh hưởng đến chi phí khấu hao tài sản cố định của công ty con và theo đó ảnh hưởng đến việc xác định lợi ích cổ đông không kiểm soát phát sinh trong kỳ.

- Sau khi xác định ảnh hưởng của việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn, nếu lợi ích cổ đông không kiểm soát bị giảm xuống, kế toán ghi:

Nợ Lợi ích cổ đông không kiểm soát

Có Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát.

- Sau khi xác định ảnh hưởng của việc loại trừ lãi hoặc lỗ chưa thực hiện trong giao dịch bán TSCĐ giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn, nếu lợi ích cổ đông không kiểm soát tăng lên, kế toán ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát

Có Lợi ích cổ đông không kiểm soát.

g) Ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp khi tài sản cố định đang sử dụng nhưng đã khấu hao hết theo nguyên giá.

Khi tài sản cố định vẫn còn đang được sử dụng nhưng đã khấu hao hết theo nguyên giá thì toàn bộ lãi chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn đã chuyển thành lãi thực của tập đoàn thông qua việc giảm trừ chi phí khấu hao hàng kỳ. Từ thời điểm này không còn phát sinh thuế thu nhập hoãn lại.

Điều 29. Điều chỉnh và loại trừ ảnh hưởng của giao dịch góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ vào công ty con

1. Nguyên tắc điều chỉnh:

- Khi góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ vào công ty con, công ty mẹ phải ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con và thực hiện loại trừ giá trị khoản đầu tư vào công ty con, ghi nhận lợi thế thương mại (hoặc lãi từ giao dịch mua rẻ nếu có).

- Trường hợp có chênh lệch giữa giá đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản mang đi góp vốn thì sẽ phát sinh lãi hoặc lỗ trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ. Tuy nhiên, khoản lãi, lỗ này được coi là chưa thực hiện nên phải bị loại trừ hoàn toàn khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất.

- Do lãi, lỗ phát sinh từ giao dịch này được coi là chưa thực hiện nên giá trị ghi sổ của tài sản trên Báo cáo tài chính hợp nhất sẽ khác cơ sở tính thuế của nó. Vì vậy, kế toán phải ghi nhận tài sản thuế hoãn lại hoặc thuế hoãn lại phải trả đối với các khoản chênh lệch tạm thời phát sinh từ giao dịch này.

- Do giá trị ghi sổ mới của tài sản trên báo cáo tài chính của bên mua khác so với giá trị ghi sổ ban đầu trên báo cáo tài chính của bên bán nên khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán phải điều chỉnh giá trị ghi sổ mới của tài sản về giá trị ghi sổ ban đầu, loại trừ ảnh hưởng của sự thay đổi trong hao mòn lũy kế và chi phí khấu hao.

2. Phương pháp kế toán

- Việc loại trừ giá trị khoản đầu tư vào công ty con, ghi nhận lợi thế thương mại (hoặc lãi từ giao dịch mua rẻ nếu có) trong giao dịch góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ được thực hiện phù hợp với quy định tại mục I Chương này.

- Việc loại trừ lãi, lỗ chưa thực hiện, điều chỉnh giá trị ghi sổ của tài sản, hao mòn lũy kế, chi phí khấu hao, ghi nhận và hoàn nhập thuế hoãn lại được thực hiện tương tự như giao dịch bán tài sản cố định trong nội bộ tập đoàn.

Điều 30. Loại trừ cổ tức công ty mẹ được chia từ lợi nhuận sau ngày mua của công ty con

1. Toàn bộ cổ tức được chia từ lợi nhuận sau ngày mua từ các công ty con trong tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn trong Báo cáo tài chính hợp nhất. Nếu công ty mẹ chưa nhận được số cổ tức hoặc lợi nhuận được chia này do công ty con chưa chuyển tiền thì khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất phải loại trừ số phải thu, phải trả về số cổ tức lợi nhuận được chia đang phản ánh trong khoản mục phải thu khác trong Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và khoản mục phải trả khác trong Báo cáo tài chính riêng của công ty con chia lợi nhuận.

2. Trường hợp công ty con trả cổ tức bằng cổ phiếu:

a) Các công ty mẹ thuộc sở hữu Nhà nước nếu đã ghi tăng doanh thu hoạt động tài chính và giá trị khoản đầu tư trên báo cáo tài chính riêng thì khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất phải ghi giảm toàn bộ số doanh thu hoạt động tài chính (trong kỳ phát sinh) hoặc ghi giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (trong các kỳ sau) và ghi giảm giá trị khoản đầu tư đã ghi nhận trên báo cáo tài chính riêng.

b) Các công ty mẹ không thuộc đối tượng tại điểm a nêu trên không được ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính trên báo cáo tài chính riêng.

c) Giá trị cổ phiếu công ty con phát hành thêm do trả cổ tức đang được trình bày tại chỉ tiêu “Vốn đầu tư của chủ sở hữu” thuộc Bảng cân đối kế toán của công ty con được chuyển sang trình bày tại chỉ tiêu “Vốn khác của chủ sở hữu” thuộc Bảng cân đối kế toán hợp nhất.

3. Bút toán điều chỉnh

a) Khi công ty con trả cổ tức sau ngày mua cho công ty mẹ bằng tiền, kế toán phải loại trừ cổ tức, lợi nhuận công ty mẹ được chia từ các công ty con phát sinh trong kỳ, ghi:

Nợ Doanh thu hoạt động tài chính

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này.

b) Trường hợp công ty con trả cổ tức sau ngày mua cho công ty mẹ bằng cổ phiếu:

- Trường hợp công ty mẹ không phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty mẹ phản ánh giá trị số cổ phiếu nhận được là vốn khác của chủ sở hữu, ghi:

Nợ Vốn góp của chủ sở hữu

Có Vốn khác của chủ sở hữu

- Trường hợp công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nếu công ty mẹ đã hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương ứng với số tiền cổ tức được chia trên báo cáo tài chính riêng thì khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, công ty mẹ phải điều chỉnh giảm doanh thu hoạt động tài chính và giá trị khoản đầu tư vào công ty con:

Nợ Doanh thu hoạt động tài chính

Có Đầu tư vào công ty con.

Điều 31. Các khoản vay trong nội bộ

1. Các khoản vay trong nội bộ tập đoàn chưa trả phải được loại trừ hoàn toàn khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất. Theo đó, các khoản thu nhập từ cho vay và chi phí đi vay cũng phải loại trừ toàn bộ trong Báo cáo tài chính hợp nhất.

2. Nếu các đơn vị trong một tập đoàn có quan hệ vay mượn lẫn nhau thì số dư tiền vay trong nội bộ tập đoàn đang phản ánh trong các khoản mục “Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn”, “Vay và nợ thuê tài chính dài hạn”, khoản mục “Phải thu về cho vay ngắn hạn”, “Phải thu về cho vay dài hạn khác” phải được loại trừ toàn bộ.

3. Trường hợp vay nội bộ để đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang:

- Các khoản chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang phải được loại trừ hoàn toàn.

- Trường hợp một đơn vị trong tập đoàn đi vay bên thứ ba (ngoài tập đoàn) để cho đơn vị khác cũng trong nội bộ tập đoàn vay lại thì số tiền trả lãi cho bên thứ ba được ghi nhận là chi phí tài chính trên báo cáo tài chính riêng của bên đi vay nhưng phải được vốn hoá trên Báo cáo tài chính hợp nhất. Vì vậy, phải thực hiện bút toán điều chỉnh đối với khoản chi phí lãi vay đã ghi nhận vào chi phí tài chính trong kỳ.

- Khoản mục “Doanh thu hoạt động tài chính” trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của bên cho vay phải được loại trừ. Trường hợp này làm phát sinh tài sản thuế thu nhập hoãn lại do giá trị ghi sổ của tài sản dở dang trên Báo cáo tài chính hợp nhất thấp hơn cơ sở tính thuế của nó. Khi kết thúc thời kỳ đầu tư hoặc xây dựng tài sản, số lợi nhuận chưa thực hiện này thông qua chi phí khấu hao sẽ chuyển thành lợi nhuận thực hiện. Thời gian khấu hao của TSCĐ là thời kỳ hoàn nhập của tài sản thuế thu nhập hoãn lại.

4. Trường hợp lãi vay chưa được thanh toán và đang phản ánh trong các khoản mục phải thu, khoản mục phải trả thì các khoản mục chứa đựng số phải thu, phải trả này cũng phải được loại trừ hoàn toàn.

5. Bút toán điều chỉnh

a) Loại trừ số dư tiền vay giữa các đơn vị trong tập đoàn, ghi:

Nợ Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn

Nợ Vay và nợ thuê tài chính dài hạn

Có Phải thu về cho vay ngắn hạn

Có Phải thu về cho vay dài hạn.

Nếu các khoản vay được thể hiện trong khoản mục khác thì kế toán phải điều chỉnh bút toán loại trừ cho phù hợp nhằm đảm bảo rằng trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất không còn số dư các khoản vay trong nội bộ tập đoàn.

b) Loại trừ doanh thu tài chính và chi phí tài chính phát sinh từ khoản vay trong nội bộ sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường:

Khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán phải loại trừ doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tại bên cho vay và chi phí tài chính ghi nhận tại bên đi vay, ghi:

Nợ Doanh thu hoạt động tài chính

Có Chi phí tài chính.

c) Loại trừ doanh thu tài chính và lãi vay được vốn hoá phát sinh từ khoản vay trong nội bộ sử dụng cho hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất tài sản dở dang:

c1) Trường hợp bên cho vay sử dụng vốn tự có để cho vay

- Trường hợp chi phí đi vay phát sinh từ các khoản vay nội bộ được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang, kế toán loại trừ thu nhập từ hoạt động cho vay phát sinh trong kỳ, ảnh hưởng lũy kế của việc loại trừ chi phí đi vay trong giá trị tài sản dở dang lũy kế đến thời điểm đầu kỳ báo cáo, ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (Chi phí đi vay nội bộ đã phản ánh vào giá trị tài sản đầu tư xây dựng dở dang đến đầu kỳ báo cáo)

Nợ Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tiền vay phát sinh trong kỳ) Có Chi phí xây dựng cơ bản dở dang (lũy kế lãi tiền vay nội bộ đã phản ánh vào giá trị tài sản đầu tư xây dựng dở dang).

Có Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (lãi vay phát sinh trong kỳ được vốn hoá vào hàng tồn kho).

- Trên Báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán phải ghi nhận tài sản thuế hoãn lại phát sinh từ việc loại trừ lãi vay trong nội bộ tập đoàn, ghi:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại (số điều chỉnh trong kỳ)

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (số điều chỉnh lũy kế đến đầu kỳ)

- Khi tài sản hoàn thành, bàn giao đi vào hoạt động, chi phí lãi vay không tiếp tục được vốn hoá, khi loại trừ lãi vay nội bộ thực hiện theo quy định tại điểm b điều này.

- Trong các kỳ sau, khi tài sản đi vào hoạt động, kế toán phải loại trừ và thực hiện điều chỉnh giảm nguyên giá tài sản để loại trừ phần lãi vay nội bộ được vốn hoá, điều chỉnh giảm chi phí khấu hao và hao mòn lũy kế, hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại và các điều chỉnh khác… tương tự như hướng dẫn trong phần loại trừ giao dịch mua, bán tài sản trong nội bộ tập đoàn của Thông tư này.

c2) Trường hợp bên cho vay sử dụng vốn vay riêng biệt từ bên thứ ba (ngoài tập đoàn) để cho một đơn vị khác trong nội bộ tập đoàn vay lại:

- Bên cho vay phải hạch toán lãi vay trả cho bên thứ ba là chi phí tài chính; Bên đi vay vốn hoá khoản lãi vay phải trả nội bộ. Tuy nhiên, luồng tiền trả lãi nội bộ vẫn cần được phản ánh là được vốn hoá trên Báo cáo tài chính hợp nhất. Vì vậy việc loại trừ lãi vay phát sinh trong nội bộ phải được thực hiện bằng cách ghi giảm chi phí tài chính, ghi:

Nợ Doanh thu hoạt động tài chính

Có Chi phí tài chính.

- Kế toán không phải loại trừ các khoản lãi nội bộ, việc điều chỉnh đối với nguyên giá tài sản, khấu hao và hao mòn lũy kế, tài sản thuế hoãn lại được thực hiện như quy định tại mục c1, do bản chất khoản lãi vay được vốn hoá trên Báo cáo tài chính hợp nhất phát sinh từ khoản vay bên ngoài tập đoàn.

Điều 32. Điều chỉnh các khoản mục nội bộ khác

1. Số dư các khoản mục phát sinh từ các giao dịch giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn, như phải thu, phải trả, doanh thu chưa thực hiện, chi phí trả trước…phải được loại trừ hoàn toàn khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất.

2. Kế toán cần lập Bảng tổng hợp và đối chiếu số dư các khoản mục phát sinh từ các giao dịch giữa các đơn vị trong nội bộ tập đoàn sau đó thực hiện việc loại trừ.

3. Các khoản doanh thu, thu nhập, giá vốn, chi phí phát sinh từ các giao dịch khác trong nội bộ tập đoàn, như các khoản doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, doanh thu cho thuê, cung cấp dịch vụ... trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn.

4. Bút toán điều chỉnh

Nợ Phải trả người bán

Nợ Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác

Nợ Chi phí phải trả

Nợ Doanh thu chưa thực hiện

Nợ Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Nợ Doanh thu hoạt động tài chính

Có Phải thu khách hàng

Có Các khoản phải thu khác

Có Chi phí trả trước dài hạn

Có Giá vốn hàng bán

Có Chi phí tài chính

Điều 33. Bút toán kết chuyển

1. Nguyên tắc: Bút toán kết chuyển được lập để kết chuyển tổng ảnh hưởng của các bút toán điều chỉnh đến Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sang chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Bảng Cân đối kế toán.

2. Sau khi thực hiện các bút toán điều chỉnh và loại trừ, nếu tổng giá trị điều chỉnh đến các chỉ tiêu trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh làm tăng kết quả hoạt động kinh doanh, kế toán ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này.

3. Ngược lại, nếu tổng giá trị điều chỉnh đến các chỉ tiêu trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh làm giảm kết quả hoạt động kinh doanh kế toán ghi:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này

Có Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 202/2014/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 271 đến số 272
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH