Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-TT/LB

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1961

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 126/TTG NGÀY 01-4-1961 CỦA PHỦ THỦ TƯỚNG VỀ VIỆC CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ GỬI TRẺ CỦA NỮ CÔNG NHÂN, NỮ VIÊN CHỨC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan, đoàn thể trung ương
- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh

Phủ Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 126/TTg ngày 01-4-1961 cải tiến chế độ gửi trẻ. Nay Liên bộ quy định chi tiết, giải thích và hướng dẫn việc thi hành như sau:

I. CÁC HÌNH THỨC GỬI TRẺ VÀ ĐIỀU KIỆN THU NHẬN TRẺ

Tổ chức nhà trẻ cần sát với hoàn cảnh công tác, sản xuất của nữ công nhân, nữ viên chức và thích hợp với điều kiện sinh hoạt của trẻ.

Do đó có hai hình thức gửi trẻ:

1. Gửi trẻ theo giờ làm việc:

Tổ chức nhà trẻ theo giờ làm việc nhằm đảm bảo cho các người mẹ yên tâm công tác, sản xuất trong giờ làm việc. Hết giờ làm việc người mẹ đón con về. Ở bệnh viện, nhà trẻ có trách nhiệm trông trẻ cho cả những nữ công nhân, nữ viên chức trực nhật ngoài giờ làm việc chung. Ở các xí nghiệp làm việc theo ca, kíp, thì nhà trẻ phải tổ chức việc gửi trẻ theo ca, kíp.

Những cơ quan, xí nghiệp sử dụng nhiều nữ công nhân, nữ viên chức, nếu nhà trẻ ở xa nơi làm việc mà có từ 6 trẻ con đang bú sữa mẹ trở lên, thì cần tổ chức riêng một nhà trẻ cho loại này ở gần hoặc ở trong cơ quan, xí nghiệp để thực hiện chế độ giờ nghỉ cho con bú đã được quy định, đảm bảo sức khỏe cho trẻ đồng thời đảm bảo thời gian sản xuất, công tác của người mẹ.

2. Gửi trẻ thường xuyên:

Tổ chức gửi trẻ thường xuyên là nhằm bảo đảm việc trông nom trẻ cho những nữ công nhân, nữ nhân viên chức do yêu cầu công tác phải đi về các cơ sở, các địa phương một thời gian, mà hàng ngày gia đình không có điều kiện đưa con đến nhà gửi trẻ theo giờ làm việc để sau đó lại đón con về. Thời gian được gửi con thường xuyên là suốt thời gian người mẹ đi công tác xa, vắng nhà.

Tùy theo tình hình mỗi nơi, một nhà trẻ có thể đảm nhiệm cả hai hình thức gửi trẻ: gửi trẻ theo giờ và gửi trẻ thường xuyên, không nhất thiết tổ chức hai nhà trẻ riêng cho hai hình thức gửi trẻ.

Trong việc tổ chức nhà trẻ cần phối hợp giữa các cơ quan, xí nghiệp ở gần nhau mà tổ chức nhà trẻ liên cơ quan gửi theo giờ làm việc hay thường xuyên, không bó hẹp trong phạm vi từng đơn vị như trước. Nữ công nhân, nữ viên chức được gửi con ở nhà trẻ của cơ quan, xí nghiệp nào thuận tiện nhất cho việc đưa đón con, không nhất thiết làm việc ở đơn vị nào thì phải gửi con ở nhà trẻ của đơn vị ấy.

Đặc biệt những cơ quan ở xa nhau, không thể tổ chức nhà trẻ liên cơ quan được, thì có thể tổ chức nhà trẻ riêng, nếu có ít nhất 4 trẻ dưới 18 tháng, hoặc 8 trẻ trên 18 tháng đến 36 tháng.

3. Thì giờ làm việc của nhà trẻ:

Nhà trẻ phải tổ chức việc trông trẻ theo giờ làm việc của các người mẹ, ngày hai buổi, hoặc theo ca kíp kể cả giờ làm việc ban đêm.

Nhà trẻ cần phân công nhân viên công tác nhà trẻ đến trước giờ làm việc của các người mẹ để đảm bảo cho các người mẹ sau khi gửi con còn có đủ thì giờ cần thiết đi tới nơi làm việc được đúng giờ. Và khi hết giờ thì nhà trẻ cũng phải phân công nhân viên ở lại một thời gian để cho các người mẹ đến đón con. Thời gian đến sớm, về muộn để đảm bảo việc giao và nhận trẻ như vậy coi là chế độ công tác, không có phụ cấp thêm giờ. Mỗi cơ quan, xí nghiệp sẽ quy định thì giờ đi sớm về muộn cho các nhân viên công tác nhà trẻ cho sát.

4. Điều kiện thu nhận trẻ:

Con của nữ công nhân, nữ viên chức từ 36 tháng trở xuống được thầy thuốc chứng nhận không có bệnh truyền nhiễm thì được xét để thu nhận vào các nhà gửi trẻ.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT ĐỂ GỬI CON VÀ MỨC ĐÓNG GÓP

1. Đối tượng được xét:

a) Những người được gửi con vào nhà trẻ theo giờ làm việc:

- Nữ công nhân, nữ viên chức trong biên chế làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường.

- Nữ công nhân, nữ viên chức ngoài biên chế làm việc thường xuyên liên tục, nữ công nhân học nghề theo lối kèm cặp ở các xí nghiệp, nữ công nhân, nữ viên chức trong thời gian tập sự.

- Nữ công nhân, viên chức được cử đi học các lớp đào tạo hoặc bổ túc.

- Công nhân, viên chức vợ chết, phải trực tiếp nuôi con.

Vì khả năng tổ chức, phát triển nhà trẻ có hạn, chưa cho phép thu nhận tất cả các trẻ dưới 36 tháng của những nữ công nhân, nữ viên chức nói trên, nên phải xét và ưu tiên thu nhận con của những người có trách nhiệm nặng trong công tác, trong sản xuất, con của những người có thái độ lao động tốt, tích cực công tác, sản xuất và con của những người có hoàn cảnh khó khăn. Riêng những trẻ đã được gửi từ trước khi ra thông tư này thì vẫn tiếp tục được gửi và những trẻ trước đã được hưởng chế độ trợ cấp 3đ50, 7đ00 nay bỏ khoản trợ cấp này, cũng được ưu tiên thu nhận vào nhà trẻ không phải xét.

b) Chỉ trong những trường hợp con của nữ công nhân, nữ viên chức đi công tác xa hoặc ốm đau nặng trong thời kỳ cấp tính mà người chồng công tác ở địa phương khác không có điều kiện trông nom thay thì mới được gửi vào nhà trẻ thường xuyên.

2. Mức đóng góp của người gửi con:

Chế độ gửi trẻ đã được cải tiến, chuyển từ hình thức cung cấp sang hình thức phúc lợi tập thể nhằm phát triển rộng rãi các tổ chức gửi trẻ để đông đảo nữ công nhân, nữ viên chức có nơi gửi con. Do đó ngoài phần chi tiêu do Nhà nước đài thọ, nữ công nhân, nữ viên chức có con gửi nhà trẻ có trách nhiệm đóng góp một phần. Mức đóng góp đã được quy định cụ thể trong Chỉ thị số 126/TTg của Phủ Thủ tướng.

- Gửi 1 con đóng 2 đồng một tháng.

- Gửi 2 hoặc 3 con thì đóng mỗi con 1đ50 một tháng.

Mức đóng góp này áp dụng thống nhất cho cả hai hình thức gửi trẻ theo giờ làm việc và gửi trẻ thường xuyên.

Trường hợp được miễn hoặc giảm: Những nữ công nhân, nữ viên chức hoàn cảnh quá khó khăn túng thiếu sẽ được cơ quan, xí nghiệp phối hợp với công đoàn xét và có thể được giảm ½ hoặc toàn phần tiền đóng góp. Những người được miễn hoặc giảm phải là những người có mức thu nhập bình quân đầu người trong gia đình thấp hơn mức quy định trong chế độ trợ cấp cho gia đình công nhân, viên chức gặp khó khăn hiện hành, và khi xét việc miễn hoặc giảm, cơ quan, xí nghiệp cần lưu ý đảm bảo được quan hệ tốt giữa người vừa được trợ cấp khó khăn vừa được miễn hoặc giảm tiền gửi trẻ với những người tuy có khó khăn mà chưa đến mức được trợ cấp khó khăn.

Đặc biệt những trường hợp đẻ sinh đôi, sinh ba thì những trẻ ấy được gửi vào nhà trẻ và miễn đóng góp.

III. KIỆN TUYỂN DỤNG, QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÂN VIÊN GIỮ TRẺ

1. Tuyển dụng và bồi dưỡng nghiệp vụ:

Việc tuyển dụng nhân viên giữ trẻ phải thi hành theo chế độ và kiện tuyển dụng công nhân, viên chức nói chung của Nhà nước. Nhưng cần chú ý những điểm:

- Tư cách, đạo đức tốt;

- Sức khỏe đảm bảo, không có bệnh truyền nhiễm;

- Yêu nghề.

Nhân viên mới được tuyển dụng làm công tác giữ trẻ phải qua một lớp huấn luyện ngắn ngày về nghiệp vụ giữ trẻ.

Những nhân viên hiện đang công tác ở nhà trẻ sẽ được tổ chức học tập nghiệp vụ tại chức theo chương trình do Bộ Y tế hướng dẫn.

Đối với những người đang làm công tác giữ trẻ, nếu thiếu các điều kiện cần thiết về mặt tuyển dụng như đã nói trên, thì cơ quan, xí nghiệp không nên để làm công tác giữ trẻ nữa, và nên chuyển làm công tác khác thích hợp. Trường hợp đặc biệt mới phải cho thôi việc.

2. Quyền lợi:

Nhân viên giữ trẻ được hưởng mọi quyền lợi vật chất, tinh thần như các công nhân, viên chức khác của Nhà nước.

3. Trách nhiệm:

a) Nhân viên giữ trẻ có trách nhiệm phục vụ theo tiêu chuẩn:

- Đối với các nhà trẻ tập trung đông trẻ: mỗi nhân viên phục vụ ít nhất 6 trẻ dưới 18 tháng, hoặc ít nhất 12 trẻ từ 18 tháng đến 36 tháng.

-Đối với các nhà trẻ chỉ có ít trẻ: mỗi nhân viên phục vụ ít nhất 4 trẻ dưới 18 tháng, hoặc ít nhất 8 trẻ từ 18 tháng đến 36 tháng.

Nếu tính chung trẻ lớn (từ 18 tháng đến 36 tháng), và trẻ bé (dưới 18 tháng) thì cứ 2 trẻ lớn được tính bằng 1 trẻ bé.

Tiêu chuẩn quy định trên đây là cơ sở để bố trí số người giữ trẻ cần thiết. Nhưng trong thực tế số trẻ gửi vào nhà trẻ có trường hợp không đúng số trẻ đã quy định. Gặp trường hợp đó thì giải quyết như sau:

- Đối với các nhà trẻ có dưới 4 người trông nom thì chỉ khi số trẻ lẻ quá nửa số quy định của 1 người mới được bố trí thêm 1 người trông.

- Đối với các nhà trẻ có từ 5 người trông nom trở lên, nếu chưa có đủ số trẻ như đã quy định thì không bố trí thêm người trông nom, mà động viên chị em cố gắng tăng hiệu suất công tác để trông nom thêm số trẻ lẻ đó.

Các nhà trẻ có từ 30 đến 50 trẻ thì được phân công 1/2 người làm công tác phụ trách chung nhà trẻ. Nhà trẻ có trên 50 trẻ thì được bố trí thêm 1 người để phụ trách chung.

Tiêu chuẩn quy định trên đây bao gồm các công việc phục vụ trong nhà trẻ, kể cả việc làm vệ sinh và nấu thức ăn cho trẻ.

b) Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và đảm bảo việc nuôi dạy trẻ theo phương pháp khoa học, tập thể, nhân viên công tác nhà trẻ có nhiệm vụ:

- Cho trẻ ăn, ngủ đúng giờ, nấu ăn cho trẻ đảm bảo vệ sinh và tùy theo từng lứa tuổi, nơi nào có điều kiện thì cho trẻ ăn theo thực đơn của thầy thuốc.

- Tập cho trẻ những thói quen tốt: giữ vệ sinh, trật tự, biết vâng lời, thương yêu bạn…

- Giặt tã lót và đồ dùng của trẻ dưới 1 năm.

- Tắm rửa cho trẻ.

- Hướng dẫn trẻ chơi.

- Theo dõi sức khỏe và chăm sóc trẻ khi ốm đau thường.

Đối với những nhà trẻ có ít trẻ, có ít nhân viên nên việc phân công lao động có khó khăn, thì có thể tùy tình hình cụ thể giảm bớt một số nhiệm vụ cho nhân viên giữ trẻ, như tắm rửa, giặt giũ hay chuẩn bị thức ăn.

4. Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ:

Đối với các nhà trẻ có từ 100 trẻ trở xuống thì y tá cơ quan, xí nghiệp kiêm nghiệm việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Đối với nhà trẻ liên cơ quan thì Ủy ban hành chính địa phương chỉ định y tá cơ quan gần nhà trẻ chịu trách nhiệm trông nom sức khỏe cho tất cả các trẻ của nhà trẻ liên cơ quan.

Những nhà trẻ có trên 100 trẻ thì được bố trí riêng một y tá.

IV. XÂY DỰNG TRANG BỊ CÁC NHÀ TRẺ VÀ VẤN ĐỀ KINH PHÍ

1. Khi xây dựng xí nghiệp hay nhà ở cho công nhân, viên chức, phải tùy theo số nữ công nhân, nữ viên chức sẽ có mà xây dựng nhà trẻ.

Nhà trẻ phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, xa hố xí, chuồng súc vật, phải có phòng cách ly, có bếp, sân chơi và thuận tiện trong việc lấy nước để tắm rửa, giặt giũ cho trẻ.

Đề nghị Bộ Kiến trúc phối hợp với Bộ Y tế để hướng dẫn quy cách xây dựng nhà trẻ cho thích hợp với việc nuôi dạy trẻ.

Hàng năm cơ quan, xí nghiệp sẽ tùy theo khả năng của mình và căn cứ vào số trẻ còn chưa được gửi mà lập kế hoạch xin dự trù kinh phí xây dựng thêm nhà trẻ. Đối với nhà trẻ theo giờ làm việc bình quân mỗi trẻ được từ 1m250 đến 2m2. Đối với nhà trẻ thường xuyên thì bình quân mỗi trẻ từ 2m2 đến 2m250 không kể nhà bếp, nhà tắm, sân chơi. Diện tích trên đây là quy định cho các nhà trẻ sẽ xây dựng. Còn đối với các nhà trẻ hiện có thì phải tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi cơ quan, mỗi địa phương mà giải quyết.

2. Trang bị:

Việc trang bị nhà trẻ, cũng như việc xây dựng nhà trẻ phải căn cứ vào tinh thần nghị quyết của Hội đồng Chính phủ là phải thiết thực, đơn giản, tiết kiệm, tùy theo hoàn cảnh và khả năng thực tế mà giải quyết dần dần, tránh hình thức, lãng phí.

Nhưng mỗi nhà trẻ tối thiểu cũng cần có những dụng cụ, phương tiện sau đây: giường, cũi, chạn để thức ăn để đảm bảo vệ sinh, chậu rửa mặt, chậu tắm, bô đi ỉa (có một vài bô dùng riêng cho trẻ cần cách ly).

3. Kinh phí:

a) Tiền xây dựng, trang bị và sửa chữa nhà trẻ: do quỹ kiến thiết cơ bản đài thọ.

b) Những chi phí thường xuyên như: lương, các khoảng chi về bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội cho nhân viên nhà trẻ do quỹ xã hội (phần chi về trợ cấp xã hội) đài thọ. Các cơ quan, xí nghiệp phải đảm bảo chi trong tỷ lệ đã quy định để khỏi vượt quá dự toán quỹ xã hội của Nhà nước.

c) Đối với nhà trẻ liên cơ quan:

Những chi phí thường xuyên sẽ phân bổ cho các cơ quan, xí nghiệp theo tỷ lệ số trẻ của các nơi ấy gửi.

Những xí nghiệp có quỹ phúc lợi sẽ trích một phần để chi thêm như để mở rộng nhà trẻ, sửa chữa, trang bị chống nóng, chống rét, mua thêm đồ chơi v.v…

d) Tiền ăn cho trẻ:

Nhà trẻ quy định mức đóng tiền ăn cho trẻ tùy theo lứa tuổi, tùy theo địa phương. Nhà trẻ cần bàn với người gửi con để định mức đóng góp cho thích hợp, vừa bảo đảm sức khỏe cho trẻ, vừa hợp với khả năng người gửi con.

V. VIỆC LÃNH ĐẠO VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN ĐỐI VỚI NHÀ TRẺ

1. Các Bộ, các cơ quan trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương lãnh đạo thực hiện chế độ gửi trẻ, đôn đốc các cơ quan, xí nghiệp tổ chức và phát triển nhà trẻ. Ủy ban hành chính địa phương sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể các cơ quan, xí nghiệp mà hướng dẫn tổ chức các nhà gửi trẻ liên cơ quan, hoặc giao trách nhiệm cho một cơ quan có điều kiện thuận lợi nhất thay mặt Ủy ban đứng ra tổ chức các nhà trẻ này.

2. Tổng công đoàn kiểm tra, đôn đốc giám sát việc thực hiện chế độ nhà trẻ, đồng thời vận động, giáo dục công nhân, viên chức chấp hành tốt chế độ nhà trẻ.

Các Công đoàn cơ sở tham gia tổ chức, lãnh đạo công tác nhà trẻ và giáo dục tư tưởng cho nhân viên giữ trẻ đồng thời tham gia ý kiến xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển và cải tiến công tác nhà trẻ.

3. Bộ Y tế đảm nhiệm việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên giữ trẻ, hướng dẫn công tác vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

4. Các cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm thi hành đầy đủ các quy định về chế độ gửi trẻ và phối hợp với công đoàn để tổ chức, lãnh đạo và quản lý nhà trẻ.

VI. TRỢ CẤP TIỀN

Các hình thức gửi trẻ nói trên đã chú ý đến hoàn cảnh, điều kiện công tác của nữ công nhân, nữ viên chức.

Nhưng riêng đối với số nữ công nhân, nữ viên chức ở những đơn vị công tác không có nơi gửi con thường xuyên mà phải đi công tác lưu động thì chị em còn gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc con. Do đó để giúp đỡ chị em một phần trong việc trôm nom con trong thời gian đi công tác lưu động vắng nhà, nay quy định chế độ trợ cấp bằng tiền như sau:

Nữ công nhân, nữ viên chức có con dưới 36 tháng, trong thời gian đi công tác lưu động mà cơ quan không có tổ chức gửi trẻ thường xuyên, hoặc chị em cũng không có thể tiếp tục gửi con vào nhà trẻ theo giờ làm việc được vì không có người nhà trông nom sau giờ làm việc thì được trợ cấp:

- Nếu thời gian đi công tác lưu động trọn cả tháng, thì mỗi trẻ dưới 36 tháng được trợ cấp 7 đồng;

- Nếu thời gian đi công tác dưới một tháng thì cứ mỗi ngày đi công tác, mỗi trẻ dưới 36 tháng được trợ cấp 0đ25.

Chế độ trợ cấp bằng tiền (3đ50, 7 đồng) quy định trước đây trái với thông tư này nay hủy bỏ.

VII. GỬI TRẺ NGOÀI GIỜ LÀM VIỆC

Ngoài những hình thức gửi trẻ nói trên do cơ quan, xí nghiệp phụ trách, công đoàn của cơ quan, xí nghiệp nên hướng dẫn, giúp đỡ nhà trẻ tổ chức việc nhận trẻ buổi trưa, buổi tối để đảm bảo cho nữ công nhân, nữ viên chức có thì giờ học tập, sinh hoạt, hoặc để giúp đỡ chị em khi ốm đau.

Tiền thuê người trôm nom trẻ ngoài giờ hoàn toàn do các người mẹ gửi con đóng góp.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước trái với thông tư này đều hủy bỏ.

Trong khi thi hành, các Bộ, các ngành gặp mắc mứu, khó khăn gì đề nghị phản ảnh để Liên bộ Nghiên cứu góp ý kiến giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Lê Tất Đắc

K.T.BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Đăng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18-TT/LB năm 1961 hướng dẫn Chỉ thị 126/TTg về việc cải tiến chế độ gửi trẻ của nữ công nhân, nữ viên chức do Bộ Nội Vụ- Bộ Lao Động ban hành

  • Số hiệu: 18-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/10/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Tất Đắc, Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 43
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản