Hệ thống pháp luật

UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ TRẺ EM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3-CB/UB

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 1980

THÔNG TƯ

CỦA UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM TRUNG ƯƠNG SỐ 3 - CB/UB NGÀY 7 THÁNG 3 NĂM 1980 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 304-CP NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 1979 VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY,BIÊN CHẾ CỦA NHÀ TRẺ THUỘC KHU VỰC NHÀ NƯỚC

Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định số 304-CP ngày 29 tháng 8 năm 1979 về tổ chức bộ máy, biên chế của nhà trẻ thuộc khu vực Nhà nước. Để thi hành thống nhất trong cả nước, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương ra thông tư hướng dẫn cụ thể như sau:

I. TỔ CHỨC NHÀ TRẺ THUỘC KHU VỰC NHÀ NƯỚC

Quyết định số 304-CP đã nêu rõ: nhà trẻ là đơn vị sự nghiệp giáo dục và phúc lợi. Nghị quyết về cải cách giáo dục của Bộ chính trị đã đề ra nhà trẻ nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để thực hiện tinh thần các văn bản trên, từng bước đưa nhà trẻ thành một tổ chức có tính chất giáo dục làm tốt nhiệm vụ nuôi dạy trẻ phù hợp với yêu cầu gửi trẻ của nữ công nhân, viên chức, tổ chức nhà trẻ thuộc khu vực Nhà nước gồm có:

- Nhà trẻ khu vực là nhà trẻ do hệ thống quản lý của ngành bảo vệ bà mẹ và trẻ em các cấp trực tiếp chỉ đạo và quản lý ở các phường, tiểu khu, khu tập thể, thị trấn, v.v... Nhà trẻ có nhiệm vụ nhận con công nhân, viên chức thuộc độ tuổi nhà trẻ cư trú tại khu vực đó. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức phát triển mạng lưới nhà trẻ khu vực, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ và tạo thuận lợi cho nữ công nhân, viên chức gửi trẻ.

- Nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp do cơ quan, xí nghiệp tổ chức và quản lý dưới sự hướng dẫn nghiệp vụ của ngành bảo vệ bà mẹ và trẻ em , có nhiệm vụ thu nhận con của công nhân, viên chức thuộc cơ quan, xí nghiệp đó và có thể thu nhận con của công nhân, viên chức công tác tại các cơ quan, xí nghiệp khác (ở gần nhà trẻ đó) theo sự thoả thuận của đơn vị chủ quản. Những nơi có nhà trẻ khu vực mà cơ quan, xí nghiệp có số trẻ ít, thì nên thu xếp cho nữ công nhân, viên chức gửi con vào nhà trẻ khu vực; trường hợp thật cần thiết mới tổ chức nhà trẻ, nhưng ít nhất cũng là một nhóm (25 trẻ) trở lên. ở các khu vực đó nếu có nhóm trẻ cơ quan quá ít cháu thì nên thu xếp đưa trẻ vào nhà trẻ khu vực (nếu còn khả năng thu nhận) hoặc ghép vào các nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp khác, hoặc giao cho cơ quan quản lý của ngành bảo vệ bà mẹ và trẻ em tiếp thu toàn bộ cơ sở nhà trẻ đó để tổ chức lại cho phù hợp với yêu cầu nuôi dạy.

Đối với các nhà trẻ có từ 50 trẻ trở lên, hàng năm (hoặc 6 tháng một lần đối với nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp mà số trẻ hay biến động) cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em cần xác định rõ quy mô nhà trẻ để có cơ sở thu nhận trẻ và ổn định biên chế nhà trẻ bảo đảm được việc nuôi dạy trẻ tốt.

II. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NHÀ TRẺ

Để thực hiện được tốt nhiệm vụ công tác nhà trẻ nêu ở điều 3 quyết định số 304-CP, các nhà trẻ cần phải thực hiện được một số công việc cụ thể như sau:

- Các nhà trẻ có từ 25 trẻ trở lên phải tổ chức nấu ăn cho trẻ từ 3 chế độ (bột, cháo, cơm) đến 4 chế độ (sữa, bột, cháo, cơm), bảo đảm cho trẻ ăn ở nhà trẻ (2 bữa chính, 1 bữa phụ).

Các nhóm trẻ nhỏ cần xen ghép vào bếp ăn với nhà trẻ gần nhất hoặc tổ chức bếp ăn chung để đảm bảo việc ăn của trẻ ở các nhóm trẻ nhỏ gần nhau.

- Các nhà trẻ phải chăm sóc vệ sinh cho trẻ, chăm sóc trẻ mệt, phát hiện bệnh để chuyển cho cơ quan y tế điều trị.

- Các nhà trẻ đều phải dạy trẻ: các nhà trẻ từ 50 trẻ trở lên phải dạy trẻ theo chương trình của Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương đã hướng dẫn, các nhà trẻ dưới 50 trẻ nếu chưa có điều kiện dạy cho toàn thể trẻ thì trước hết phải dạy cho trẻ từ 24 tháng đến 36 tháng.

- Các nhà trẻ phải có nội quy, có chương trình hoạt động cụ thể và phải thực hiện đầy đủ các quy chế nuôi dạy trẻ của Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương.

- Các nhà trẻ phải quản lý theo dõi chặt chẽ từng trẻ về các mặt (thể lực, trí thông minh, tình cảm, v.v...) tạo mọi thuận lợi cho trẻ phát triển tốt và có phiếu nhận xét kèm theo khi chuyển trẻ lên mẫu giáo.

III. BIÊN CHẾ NHÀ TRẺ

Điều 4 của quyết định số 304 - CP quy định số lượng biên chế của nhà trẻ có phân biệt giữa nhà trẻ dưới 50 trẻ và nhà trẻ từ 50 trẻ trở lên, giữa nhà trẻ khu vực và nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp.

Nhà trẻ dưới 50 trẻ là đơn vị chưa hoàn chỉnh nên số lượng biên chế có hạn, do đó việc chuyên môn hoá cán bộ, nhân viên nhà trẻ chưa thực hiện được đầy đủ nên cô nuôi dạy trẻ ngoài nhiệm vụ chính của mình phải kiêm nhiệm thêm một số công việc. Nhà trẻ từ 50 trẻ trở lên phải chuyên môn hoá cán bộ, nhân viên nhà trẻ chưa thực hiện được đầy đủ nên cô nuôi dạy trẻ ngoài nhiệm vụ chính của mình phải kiêm nhiệm thêm một số công viện. Nhà trẻ từ 50 trẻ trở lên phải chuyên môn hoá cán bộ, nhân viên ( như nuôi dạy trẻ, nấu ăn, v.v... tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên đi sâu vào nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nuôi dạy.

Nhà trẻ khu vực là một tổ chức hoàn chỉnh quản lý toàn diện về các mặt nghiệp vụ, lao động, vật tư, tài chính, v.v... Nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp là một đơn vị của cơ quan, xí nghiệp nên một số công tác như tài vụ, vật tư, lao động, v.v... do các bộ môn của cơ quan, xí nghiệp.... Do những đặc điểm trên nên số lượng biên chế có phân biệt giữa các loại nhà trẻ nói trên. Ngoài ra căn cứ vào tình hình cơ sở vật chất và trình độ quản lý hiện nay như trong thông tư số 12 - UBTT ngày 19 tháng 5 năm 1975 của Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương quy định tổ chức nhà trẻ khu vực ở các thành phố, thị xã, thị trấn, quy mô nhà trẻ nói chung nên từ 50 trẻ và không nên quá 150 trẻ. Trong thời gian qua đặc biệt ở một số thành phố, thị xã có tổ chức một số nhà trẻ trên 200 trẻ phần lớn do Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em thành phố trực thuộc trung ương hoặc tỉnh trực tiếp quản lý thì vẫn theo quy định nêu trong quyết định số 304 - CP.

Số trẻ của các nhà trẻ hàng tháng có biến động, do đó căn cứ vào quy định sau đây để xác định số trẻ ở nhà trẻ:

Nhà trẻ khu vực căn cứ vào quy mô nhà trẻ, trường hợp số cháu thu nhận nhiều hơn quy mô nhà trẻ được xây dựng thì căn cứ vào số cháu đăng ký nhưng nhiều nhất không quá 50% so với quy mô nhà trẻ. Thí dụ: nhà trẻ quy mô là 100, nếu thu nhận nhiều nhất là 150 cháu. Nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp căn cứ vào số trẻ đăng ký gửi trẻ đã được nhà trẻ thu nhận.

Việc xác định số trẻ của từng nhà trẻ do cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em cấp trực tiếp quản lý quyết định hàng năm hoặc 6 tháng một lần.

Để từng bước ổn định tổ chức nhà trẻ cho phù hợp với cơ sở vật chất đã được xây dựng và trang bị theo đúng quy cách, các nhà trẻ khu vực nên xác định các loại: 2 nhóm (50 trẻ), 3 nhóm (75 trẻ), 4 nhóm (100 trẻ), 5 nhóm (125 trẻ), 6 nhóm (150 trẻ), 7 nhóm (175 trẻ), 8 nhóm (200 trẻ), v. v... mỗi nhóm là 25 trẻ để tiện việc thu nhận trẻ và ổn định biên chế nhà trẻ.

A. NHÀ TRẺ DƯỚI 50 TRẺ.

1. Đối với nhà trẻ khu vực cứ 6 trẻ được bố trí một biên chế (bao gồm cả cán bộ, quản lý, y tế, nuôi dạy trẻ, nấu ăn, v.v...) trường hợp số trẻ nhiều quá nửa tiêu chuẩn định mức tức là 4 trẻ cũng được bố trí thêm một biên chế. Thí dụ: nhà trẻ 40 trẻ được bố trí 7 biên chế.

2. Nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp được bố trí biên chế như sau:

Dưới 6 trẻ đến 8 trẻ được bố trí 1 biên chế,

Từ 9 trẻ đến 16 trẻ được bố trí 2 biên chế,

Từ 9 trẻ đến 16 trẻ được bố trí 2 biên chế,

Từ 17 trẻ đến 23 trẻ được bố trí 3 biên chế,

Từ 24 trẻ đến 29 trẻ được bố trí 4 biên chế,

Từ 30 trẻ đến 36 trẻ được bố trí 5 biên chế,

Từ 37 trẻ đến 42 trẻ được bố trí 6 biên chế,

Từ 43 trẻ đến dưới 50 trẻ được bố trí 7 biên chế.

3. Các nhà trẻ dưới 50 trẻ căn cứ vào tình hình cụ thể mà phân công cho các cán bộ, nhân viên nhà trẻ ngoài nhiệm vụ chính kiêm thêm một số công việc khác.

Thí dụ: cô nuôi dạy trẻ kiêm thêm một việc như thủ quỹ, thủ kho, kế toán nhà ăn, v.v...

4. Trường hợp cô nuôi dạy trẻ nghỉ từ 15 ngày trở lên (nghỉ đẻ, ốm dài hạn hay đi phép dài ngày, đi học, v.v...) ở nhà trẻ khu vực thì nhà trẻ có thể thuê công nhật, hợp đồng để thay thế nhưng nên bố trí làm những công việc như phụ bếp, vệ sinh, giặt dũ; ở nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp nên điều nhân viên cơ quan, xí nghiệp tạm thay, nếu quá khó khăn thì thuê công nhật hợp đồng như ở nhà trẻ khu vực.

B. NHÀ TRẺ TỪ 50 TRẺ TRỞ LÊN.

1. Tiêu chuẩn biên chế của nhà trẻ từ 50 trẻ trở lên bao gồm nhà trẻ khu vực và nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp được quy định thống nhất cho một số chức danh sau đây:

a) Chủ nhiệm nhà trẻ: Nhà trẻ là một tổ chức nuôi và dạy trẻ, do đó chủ nhiệm nhà trẻ là người phụ trách cao nhất của nhà trẻ, phải có khả năng tổ chức quản lý và nhất thiết phải hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ nuôi dạy trẻ. Cần lựa chọn những cô đã qua đào tạo chính quy về nuôi dạy trẻ hoặc cán bộ y tế, giáo dục có khả năng quản lý nhà trẻ để bổ nhiệm chủ nhiệm nhà trẻ, các cô chủ nhiệm nhà trẻ nhất thiết phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ nuôi dạy trẻ, và công tác quản lý nhà trẻ.

b. Phó chủ nhiệm nhà trẻ: Nhà trẻ có từ 100 trẻ trở lên có thêm một phó chủ nhiệm có trình độ từ trung học chuyên nghiệp trở lên về nuôi dạy trẻ, giáo dục hoặc y tế.

c) Cô nuôi dạy trẻ: Mỗi người phục vụ bình quân 9 trẻ gửi theo giờ hành chính hoặc ca kíp và cứ dôi ra 5 trẻ thì được bố trí thêm 1 cô nuôi dạy trẻ. Thí dụ: nhà trẻ 50 trẻ được bố trí 6 cô, nhà trẻ 75 trẻ được bố trí 8 cô, nhà trẻ 100 trẻ được bố trí 11 cô nuôi dạy trẻ phục vụ các nhóm trẻ.

Tiêu chuẩn phục vụ bình quân 9 trẻ 1 người là tiêu chuẩn chung. Chủ nhiệm nhà trẻ căn cứ vào tình hình các nhóm trẻ để bố trí biên chế cho phù hợp.

Thí dụ: nhà trẻ 150 trẻ chia làm 6 nhóm có thể bố trí như sau:

- 1 nhóm 20 trẻ từ 2 tháng đến 10 tháng, bố trí 4 cô nuôi dạy trẻ.

- 1 nhóm 25 trẻ từ 11 tháng đến 18 tháng, bố trí 4 cô nuôi dạy trẻ.

- 2 nhóm 19 tháng đến 24 tháng thì nhóm 20 trẻ bố trí 2 cô nuôi dạy trẻ, và nhóm 30 trẻ bố trí 3 cô nuôi dạy trẻ.

- 2 nhóm 25 tháng đến 36 tháng trong đó nhóm 25 trẻ từ 25 tháng đến 30 tháng bố trí 2 cô nuôi dạy trẻ, và nhóm 30 trẻ từ 31 tháng đến 36 tháng bố trí 2 cô nuôi dạy trẻ.

Như vậy tổng số là 150 trẻ được bố trí 17 cô nuôi dạy trẻ. Đối với trẻ (từ 18 tháng trở lên) gửi theo hình thức ký túc cả tuần, thì một cô nuôi dạy trẻ phục vụ 4 trẻ, nếu dôi ra từ 2 trẻ trở lên thì được bố trí thêm 1 cô nuôi dạy trẻ.

d) Nhân viên nấu ăn (bao gồm quản lý, tiếp phẩm, kế toán nhà ăn, v.v. ..).

Tiêu chuẩn biên chế một người phục vụ từ 30 đến 35 trẻ chỉ áp dụng cho những nhà trẻ có tổ chức cho trẻ ăn ít nhất từ 2 bữa chính trở lên. Những nhà trẻ dưới 100 trẻ 1 người phục vụ 30 trẻ, những nhà trẻ từ 100 trẻ trở lên 1 người phục vụ 35 trẻ. Việc quy định số lượng nhân viên nấu ăn cho từng nhà trẻ nên xem xét thêm về điều kiện làm việc để quy định cho phù hợp và do cấp trực tiếp quản lý nhà trẻ xét duyệt. Nhân viên nấu ăn có trách nhiệm nấu ăn chia cơm, cháo, bột bảo đảm đúng tiêu chuẩn, dọn bữa ăn cho trẻ và rửa bát sau bữa ăn. Những nơi chưa cho trẻ ăn hoặc mới cho ăn một bữa chính ở nhà trẻ thì cần phải vận động các bà mẹ đóng góp để tổ chức nấu ăn cho trẻ. Trong khi chờ đợi có thể vận dụng tạm thời một người phục vụ 50 trẻ nếu nhà trẻ chỉ nấu cho trẻ ăn một bữa chính hoặc một bữa chính và một bữa phụ.

đ) Cán bộ y tế: Nhà trẻ từ 100 trẻ trở lên được bố trí một bác sĩ hoặc y sĩ, nếu chưa có thì chúng tôi bố trí một y tá trung cấp.

2. Nhân viên hành chính quản trị (bao gồm văn thư, quản trị, kế toán, thủ kho, thủ quỹ, vệ sinh, trồng cây cảnh, bảo vệ, v.v...):

a. Đối với nhà trẻ khu vực được bố trí theo quy định trong quyết định số 304 - CP của Hội đồng Chính phủ như sau:

Nhà trẻ từ 50 trẻ đến 75 trẻ bố trí 1 người,

Nhà trẻ từ 75 trẻ đến 100 trẻ bố trí 2 người,

Nhà trẻ từ 100 trẻ đến 150 trẻ bố trí 3 người,

Nhà trẻ từ 150 trẻ đến 200 trẻ bố trí 4 người,

Nhà trẻ từ 200 trẻ em trở lên bố trí 5 người,

Việc phân công các nhân viên hành chính, quản trị cần căn cứ vào tình hình cụ thể của nhà trẻ và số lượng biên chế đã quy định để bố trí cho phù hợp, nhằm bảo đảm các công việc cần thiết của nhà trẻ. Vì vậy đối với các nhân viên hành chính, quản trị, một người có thể làm nhiều việc tuỳ theo khối lượng công việc. Thí dụ: thủ kho, thủ quỹ kiêm mua sắm; kế toán kiêm văn thư, v.v... Việc phân công kiêm nhiệm là cần thiết nhưng không nên phân công kế toán kiêm thủ kho, thủ quỹ kiêm mua sắm...

Việc bảo vệ tài sản ở nhà trẻ là một vấn đề quan trọng, tuy vậy khi bố trí số lượng bảo vệ nên căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trẻ để tiết kiệm được lao động mà vẫn bảo vệ tốt được nhà trẻ. Thí dụ nhà trẻ nằm trong khu vực của cơ quan Uỷ ban nhân dân huyện đã có bảo vệ, hoặc ở xem kẽ với nhà ở của nhân viên Nhà trẻ thì có thể không bố trí bảo vệ riêng.

Đối với nhà trẻ khu vực ở thành phố, thị xã, thị trấn có từ 150 trẻ em trở lên, thì ngoài số nhân viên hành chính quản trị đã được quy định (trong đó có một bảo vệ), được bố trí thêm một bảo vệ nữa.

b. Đối với nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp, số nhân viên hành chính quản trị chủ yếu bố trí làm công tác vệ sinh, hành chính quản trị còn các mặt tài vụ, bảo vệ, v.v... do cơ quan, xí nghiệp đảm nhiệm.

Nhà trẻ thuộc khu vực Nhà nước đang trong quá trình phát triển từ nhỏ đến lớn và từng bước hoàn chỉnh về tổ chức và quản lý, do đó có những đặc điểm khác nhau nên Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ đạo các ban giáo dục, các phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em quy định cụ thể biên chế cho từng nhà trẻ thuộc phạm vi mình quản lý. Việc thi hành quyết định số 304 - CP của Hội đồng Chính phủ phải được tiến hành khẩn trương nhưng thận trọng, tiết kiệm lao động, tăng cường thêm một bước công tác quản lý nhằm đạt được mục đích nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, thực hiện tốt nghị quyết của Bộ chính trị về cải cách giáo dục và chỉ thị số 65 - CT/TU ngày 8 tháng 2 năm 1979 của Ban bí thư trung ương Đảng về công tác nuôi dạy trẻ.

Để tạo điều kiện cho việc thực hiện đầy đủ quyết định trên, các địa phương cần làm một số việc sau đây:

1. Phân cấp quản lý các mặt cho các nhà trẻ khu vực, làm cho các nhà trẻ khu vực trở thành các đơn vị hoàn chỉnh, trước mắt cần phân cấp ngay và kiện toàn các nhà trẻ khu vực có từ 100 trẻ trở lên.

2. Căn cứ vào hướng dẫn của Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương trong công văn số 766-UB/KH ngày 12 tháng 7 năm 1979 để xây dựng chức trách cụ thể của từng cán bộ, nhân viên trong nhà trẻ và thực hiện đầy đủ các quy chế về nuôi dạy trẻ đã được ban hành.

3. Dựa vào các quy định về biên chế trong quyết định số 304- CP để xây dựng kế hoạch lao động của nhà trẻ thuộc khu vực Nhà nước hàng năm và dự toán kinh phí chi tiêu cho nhà trẻ.

Các quy định về biên chế nhà trẻ trong các văn bản trước đây (thông tư số 18 - TT/LB ngày 18 tháng 10 năm 1961 của liên Bộ Nội vụ - Lao động, thông tư số 12 - TT/UB ngày 19 tháng 5 năm 1975 của Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương về quy định tổ chức nhà trẻ khu vực ở các thành phố, thị xã, thị trấn, thông tư số 1 - TT/LB ngày 8 tháng 2 năm 1977 của liên Bộ Tài chính - Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương trái với quyết định số 304 - CP đều bãi bỏ.

Trong quá trình thi hành thông tư này, nếu có những khó khăn gì, yêu cầu các địa phương phản ảnh cho Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương biết để giải quyết.

Đinh Thị Cẩn

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 3-CB/UB-1980 hướng dẫn thi hành Quyết định 304-CP-1979 về tổ chức bộ máy, biên chế của nhà trẻ thuộc khu vực Nhà nước do Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em ban hành

  • Số hiệu: 3-CB/UB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/03/1980
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em
  • Người ký: Đinh Thị Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản