Hệ thống pháp luật

UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ TRẺ EM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 260-UB/QĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 1977 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC NHÀ TRẺ

CHỦ NHIỆM ỦY BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM T.Ư.

Căn cứ nghị định số 145-CP ngày 21-7-1971 của Hội đồng Chính phủ quy định quyền hạn, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương;
Căn cứ nghị quyết số 140-CP ngày 15-7-1971 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường tổ chức và quản lý công tác nhà trẻ;

Sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Nông nghiệp, Bộ Lao động , Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tổng công đoàn Việt Nam và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam;
Theo đề nghị của đồng chí Vụ trưởng Vụ cán bộ và đào tạo và đồng chí trưởng phòng nghiên cứu nuôi dạy trẻ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Ban hành bản Điều lệ tạm thời về tổ chức nhà trẻ kèm theo quyết định này để thi hành thống nhất trong cả nước.

Điều 2. – Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

CHỦ NHIỆM
ỦY BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM TRUNG ƯƠNG




Đinh Thị Cần

 

ĐIỀU LỆ

TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC NHÀ TRẺ

Chương 1:

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA NHÀ TRẺ

Điều 1. – Nhà trẻ là cơ sở sự nghiệp phúc lợi có nhiệm nuôi dạy trẻ từ tháng thứ 2 đến hết 36 tháng nhằm bảo đảm cho trẻ phát triển toàn diện bước đầu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các bà mẹ tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, góp phần giải phóng phụ nữ và tăng năng suất lao động xã hội.

Điều 2. – Nhà trẻ có nhiệm vụ nuôi dạy trẻ tốt. Cụ thể là :

- Có chế độ chăm sóc phù hợp với từng lứa tuổi, cho trẻ ăn uống hợp lý có chất lượng dựa vào mức đóng góp của các bà mẹ ở từng khu vực, từng địa phương và từng nhà trẻ, phối hợp với y tế thực hiện tốt chế độ khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe, chế độ vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch cũng như các biện pháp bảo vệ an toàn phòng tránh tai nạn đối với trẻ (ngộ độc, cháy, bỏng, ngã, chết đuối v.v…) thực hiện đúng chế độ rèn luyện cơ thể cho trẻ: mặc quần áo hợp lý, tắm nắng, thông thoáng không khí, chơi ngoài trời, trò chơi thể dục v.v…

- Thực hiện đúng chế độ chương trình trò chơi học tập cho từng lứa tuổi để thực hiện từng bước phát triển khả năng ngôn ngữ, tư duy, ý chí tình cảm, rèn luyện những tập quán tốt, tự lập, trật tự, kỷ luật, ý thức tập thể, yêu mến và vâng lời cha mẹ, cô nuôi dạy trẻ, yêu bè bạn, yêu tổ quốc, nhân dân, yêu lao động, biết tôn trọng của công, thật thà, khiêm tốn, dũng cảm.

- Mặt khác thông qua sự gương mẫu trên mọi mặt của cô nuôi dạy trẻ, thông qua tổ chức và quản lý tốt nhà trẻ, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trẻ, gia đình và tập thể mà nuôi dạy trẻ tốt.

Chương 2:

ĐỐI TƯỢNG PHỤC VỤ CỦA NHÀ TRẺ

Điều 3. – Đối tượng được xét, nhận vào nhà trẻ là :

a) Đối với nhà trẻ khu vực, nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp, công trường, lâm trường, nông trường, bệnh viện, cửa hàng (gọi tắt là cơ quan, xí nghiệp):

- Con nữ công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước;

- Con nữ công nhân, viên chức ngoài biên chế (hợp đồng tạm tuyển làm việc thường xuyên liên tục);

- Con nữ công nhân, viên chức đang trong thời gian tập sự, được cử đi học các lớp bổ túc, đào tạo, học nghề theo lối kèm cặp ở các xí nghiệp;

- Con công nhân, viên chức vợ chết phải trực tiếp nuôi con;

b) Đối với nhà trẻ ký túc (hoặc nhóm trẻ ký túc trong nhà trẻ hàng ngày), chỉ nhận trẻ từ 18 tháng trở lên thuộc diện nói ở tiết a và có những điều kiện :

- Đi công tác xa hoặc công tác lưu động,

- Đi chữa bệnh lâu ngày,

- Đi học xa hoặc đi học nước ngoài,

- Mồ côi mẹ, bố là cán bộ, công nhân, viên chức.

c) Đối với nhà trẻ hợp tác xã (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp v.v… )

- Con của nữ xã viên,

- Con của nữ công nhân, viên chức Nhà nước cư trú tại hợp tác xã hay đang công tác tại hợp tác xã.

Điều 4.- Nhà trẻ không nhận trẻ mù, câm, điếc, trẻ bị bệnh tâm thần, thần kinh, trẻ đang trong thời kỳ bị bệnh lây hay bệnh cấp tính.

Điều 5. – Cha mẹ gửi con vào nhà trẻ phải nộp :

- Đơn xin gửi trẻ có chứng nhận của cơ quan, xí nghiệp (nếu mẹ là cán bộ, nhân viên Nhà nước) hoặc giới thiệu của đội trưởng đội sản xuất (nếu mẹ là xã viên);

- Giấy khai sinh;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do y bác sĩ ở phòng hoặc trạm y tế cấp.

Điều 6. – Cha mẹ gửi con phải tuân theo nội quy của nhà trẻ. Hàng tháng cha mẹ phải đóng tiền gửi trẻ hoặc đóng góp công điểm theo quy định của Nhà nước và của hợp tác xã và đóng tiền ăn, tem phiếu cho trẻ theo quy định của nhà trẻ. Khi trẻ hết 36 tháng cha mẹ phải đưa về gửi mẫu giáo.

Điều 7.- Khi nhà trẻ mới thành lập nhưng chưa có khả năng thu nhận hết các trẻ cần gửi hoặc khi có chỗ trống có thể thu nhận thêm cần ưu tiên nhận lứa tuổi từ 2 đến 10 tháng, con thương binh, liệt sĩ, con gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Điều 8.- Quyền hạn nhận vào nhà trẻ :

- Đối với nhà trẻ khu vực do các Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố, các phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em huyện, quận, khu phố, thị xã v.v… xét hoặc ủy nhiệm cho chủ nhiệm nhà trẻ theo quy định và theo địa chỉ cư trú của trẻ xét và quyết định.

- Đối với nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp do thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp hoặc ủy nhiệm cho chủ nhiệm nhà trẻ xét và quyết định.

- Đối với nhà trẻ hợp tác xã do ban quản trị hoặc ủy nhiệm cho chủ nhiệm nhà trẻ xét và quyết định.

Chương  3:

TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ NHÀ TRẺ

Điều 9. – Nhà trẻ phải được tổ chức theo nơi cư trú đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác, học tập của nữ công nhân, viên chức của nữ xã viên.

Điều 10. - Việc tổ chức các loại nhà trẻ như sau :

a) Đối với khu vực Nhà nước gồm có :

- Nhà trẻ khu vực ở các đường phố, tiểu khu, phường, thị trấn, thị xã, huyện, quận do Ủy ban nhân thành phố, tỉnh, huyện, quận, khu phố, thị xã quyết định thành lập, và giao cho Ủy ban hoặc phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em trực tiếp quản lý. Nhà trẻ khu vực có nhiệm vụ nhận trẻ con nữ công nhân, viên chức cư trú trong một phạm vi nhất định (do Ủy ban hoặc phòng bảo vệ bà mẹ trẻ em địa phương quyết định) căn cứ vào khả năng thu nhận của nhà trẻ.

- Nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp, do cơ quan, xí nghiệp thành lập theo đúng thủ tục quy định của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương sau khi được sự thỏa thuận của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, quận, khu phố, thị xã duyệt theo kế hoạch hàng năm. Nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp có nhiệm vụ nhận con nữ công nhân, viên chức của cơ quan, xí nghiệp đó và cần nhận con nữ công nhân, viên chức của cơ quan, xí nghiệp khác mà cơ quan, xí nghiệp đó không có đủ điều kiện để lập nhà trẻ hoặc ở quá xa nhà trẻ khu vực.

b) Đối với khu vực tập thể (hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp: nhà trẻ do hợp tác xã thành lập theo đúng thủ tục quy định của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương sau khi được sự thỏa thuận của phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã duyệt theo kế hoạch hàng năm. Nhà trẻ hợp tác xã có nhiệm vụ nhận con xã viên hợp tác xã và con công nhân, viên chức công tác tại xã.

Điều 11. – Nhà trẻ được tổ chức theo nhiều hình thức :

a) Nhà trẻ hàng ngày nhận trẻ trước giờ làm việc của bà mẹ 1/2giờ và trả trẻ sau giờ làm việc 1/2 giờ. Nếu bà mẹ yêu cầu gửi con buổi tối để đi học, nhà trẻ có thể căn cứ vào số lượng cháu cần gửi để lưu trẻ buổi tối một số buổi trong tuần và người mẹ phải đóng thêm tiền để trả phụ cấp làm thêm giờ cho cô nuôi dạy trẻ.

b) Nhà trẻ làm việc theo ca kíp của các cơ quan, xí nghiệp tổ chức làm việc theo ca kíp hoặc trực đêm.

c) Nhà trẻ ký túc nhận trẻ từ 18 tháng trở lên.

d) Nhà trẻ hàng ngày có thể tổ chức một hai nhóm ký túc tùy yêu cầu gửi ký túc nhiều hay ít.

Điều 12.- Các địa phương, cơ quan, xí nghiệp muốn xây dựng nhà trẻ phải theo đúng tiêu chuẩn và quy phạm xây dựng nhà trẻ (TCXD 35.72) của Bộ Xây dựng đã ban hành. Trang bị nhà trẻ phải theo mẫu mực và tiêu chuẩn của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương.

Điều 13. – Nhà trẻ hoạt động suốt năm, trừ nhữnng ngày nghỉ và ngày lễ theo quy định chung của Nhà nước đối với khu vực Nhà nước hoặc do quy định của hợp tác xã với khu vực tập thể và thời gian phải sửa chữa nhà.

Điều 14.- Các loại nhà trẻ đều phải chia trẻ thành từng nhóm trẻ để nuôi dạy theo lứa tuổi:

a) Nhóm trẻ được chia như sau :

 - 2 tháng đến 5 tháng : 18 đến 20 trẻ

 - 6 tháng đến 10 tháng : 18 đến 20 trẻ

 - 11 tháng đến 18 tháng : 18 đến 20 trẻ (nhiều nhất cho 1 nhóm)

 - 19 tháng đến 24 tháng : 20 đến 25 trẻ

 - 25 tháng đến 36 tháng : 20 đến 25 trẻ

b) Nếu số trẻ cùng lứa tuổi chia như trên ít quá không đủ thành lập nhóm riêng thì ghép nhóm như sau :

 - 2 tháng đến 10 tháng hoặc 2 tháng đến 18 tháng .

 - 19 tháng đến 36 tháng

Trường hợp phải chia nhóm như trên thì trong mỗi nhóm phải chia thành phân nhóm theo lứa tuổi do từng cô phụ trách để thực hiện đúng chế độ nuôi dạy trẻ phù hợp với từng lứa tuổi.

Điều 15. – Biên chế cán bộ, nhân viên nhà trẻ được ổn định theo tiêu chuẩn biên chế do Nhà nước quy định đối với nhà trẻ thuộc khu vực Nhà nước (một nhân viên phục vụ 6 cháu với nhà trẻ hàng ngày cho cháu ăn 3 chế độ, giặt giũ cho các cháu và dạy các cháu theo chương trình nuôi dạy; một nhân viên phục vụ 7 cháu đối với các nhà trẻ hàng ngày khác), do hợp tác xã quy định theo sự hướng dẫn của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương đối với nhà trẻ thuộc khu vực tập thể.

Điều 16 .- Cán bộ, nhân viên phục vụ trong nhà trẻ gồm có :

- Chủ nhiệm nhà trẻ (đối với nhà trẻ từ 50 trẻ trở lên) hoặc phụ trách nhà trẻ (đối với nhà trẻ dưới 50 trẻ)

- Phó chủ nhiệm nhà trẻ đối với nhà trẻ có 150 trẻ trở lên;

- Cô nuôi dạy trẻ;

- Cán bộ chuyên môn y tế (bác sĩ, y sĩ, y tá);

- Nhân viên hành chính, quản trị, kế toán;

- Nhân viên nấu ăn;

- Nhân viên vệ sinh giặt là;

- Nhân viên thường trực, bảo vệ v.v…

Điều 17. – Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm nhà trẻ hoặc cán bộ phụ trách nhà trẻ phải là những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, yêu trẻ, yêu nghề, có kiến thức về khoa học nuôi dạy trẻ, có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, có khả năng tổ chức quản lý nhà trẻ. Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hoặc cán bộ phụ trách nhà trẻ có thể là nữ bác sĩ, y sĩ, trung cấp nuôi dạy trẻ hoặc cán bộ khác đã qua các lớp huấn luyện về nghiệp vụ nuôi dạy trẻ và quản lý nhà trẻ.

Điều 18. - Việc bổ nhiệm, bãi miễn, điều động chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hoặc cán bộ phụ trách nhà trẻ như sau :

- Đối với nhà trẻ khu vực do Ủy ban nhân dân cấp trực tiếp quản lý quyết định theo đề nghị của Ủy ban hoặc phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em hoặc Ủy ban nhân dân ủy nhiệm cho thủ trưởng Ủy ban hoặc phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em quyết định theo nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ của địa phương .

- Đối với nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp, do thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp quyết định sau khi đã thỏa thuận với Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

- Đối với nhà trẻ hợp tác xã do ban quản trị hợp tác xã quyết định sau khi được sự thỏa thuận của cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em cấp trực tiếp chỉ đạo.

Điều 19. - Chủ nhiệm nhà trẻ hoặc cán bộ phụ trách nhà trẻ chịu trách nhiệm trước Ủy ban hoặc phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em trực thuộc quản lý (đối với nhà trẻ khu vực) hoặc trước thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp (đối với nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp) hoặc trước ban quản trị hợp tác xã (đối với nhà trẻ hợp tác xã) dựa vào các quy định, thông tư của Nhà nước về công tác nhà trẻ, điều lệ, nội quy nhà trẻ và các quy định hướng dẫn về chương trình, phương pháp nuôi dạy trẻ, tổ chức quản lý nhà trẻ của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em mà điều hành toàn bộ hoạt động của nhà trẻ.

Điều 20. – Cô nuôi dạy trẻ phải tốt nghiệp trung học hoặc cơ sở chuyên nghiệp nuôi dạy trẻ hoặc qua những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nuôi dạy trẻ từ 1 đến 3 tháng và phải đủ tiêu chuẩn, chức vụ quy định trong thông tư số 44-UB/CBĐT ngày 23-11-1972 của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương đối với khu vực Nhà nước và thông tư số 47-TTg/VG ngày 15-4-1968 của Phủ thủ tướng đối với nông thôn.

Điều 21. – Cô nuôi dạy trẻ ở nhà trẻ khu vực do Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc tuyển dụng, điều động, cho thôi việc theo đề nghị của chủ nhiệm nhà trẻ.

Cô nuôi dạy trẻ ở nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp do thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp tuyển dụng, điều động, cho thôi việc sau khi đã thỏa thuận với Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hay phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em huyện, quận, khu phố, thị xã, thành phố (theo sự phân cấp quản lý của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Cô nuôi dạy trẻ ở nhà trẻ hợp tác xã do ban quản trị hợp tác xã cử và chuyển sang công tác khác sau khi đã thỏa thuận với cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em cấp trực tiếp chị đạo.

Điều 22. - Việc tuyển dụng hay cho thôi việc đối với các cán bộ, nhân viên khác của nhà trẻ thuộc khu vực Nhà nước theo quy chế chung của Nhà nước.

Chương 4:

TÀI CHÍNH – TÀI SẢN CỦA NHÀ TRẺ

Điều 23. – Kinh phí hoạt động của nhà trẻ thuộc khu vực Nhà nước thực hiện theo chế độ quy định của Nhà nước.

Việc xây dựng nhà trẻ, trang bị ban đầu, sửa chữa lớn do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, quận, khu phố, thị xã hoặc thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch hàng năm của Nhà nước.

Điều 24. – Kinh phí hoạt động của nhà trẻ hợp tác xã do hợp tác xã cấp. Việc xây dựng nhà trẻ, trang bị ban đầu, sửa chữa lớn do hợp tác xã chịu trách nhiệm. Tùy điều kiện cụ thể Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, quận, khu phố, thị xã, phường có thể đầu tư một phần kinh phí giúp hợp tác xã.

Điều 25. – Toàn bộ tài sản, khu đất công trình, trang thiết bị đồ dùng của nhà trẻ khu vực và nhà trẻ cơ quan, xí nghiệp thuộc tài sản của Nhà nước .

Toàn bộ tài sản của nhà trẻ hợp tác xã thuộc tài sản  của hợp tác xã.

Điều 26. – Nhà trẻ khu vực có từ 100 trẻ trở lên có tài khoản và con dấu riêng. Chủ nhiệm nhà trẻ đứng tên chủ tài khoản.

Điều 27. – Nhà trẻ phải có đầy đủ hồ sơ sổ sách theo quy định của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương và phải thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý, bảo quản tài sản, chế độ báo cáo, kiểm tra theo quy định chung của Nhà nước.

Chương 5:

BAN BẢO TRỢ NHÀ TRẺ

Điều 28. – Ban bảo trợ nhà trẻ được tổ chức để giúp đỡ nhà trẻ phải thực hiện các biện pháp nhằm củng cố cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng công tác của nhà trẻ, kiểm tra việc thi hành điều lệ, nội quy các phương pháp nuôi dạy theo quy định của Nhà nước .

Điều 29. – Ban bảo trợ nhà trẻ gồm có:

- Đại diện của công đoàn hoặc phụ nữ, phụ lão, thanh niên.

- Đại biểu các bà mẹ có con gửi nhà trẻ,

- Đại biểu y tế.

Điều 30. – Ban bảo trợ nhà trẻ có nhiệm vụ và quyền hạn như sau :

- Vận động các đoàn thể trong cơ quan xí nghiệp, hợp tác xã giúp đỡ nhà trẻ.

- Đôn đốc nhắc nhở các bà mẹ thực hiện tốt nội quy nhà trẻ, phối hợp chặt chẽ việc nuôi dạy trẻ ở nhà trẻ và gia đình theo phương pháp khoa học.

- Phản ánh những ý kiến của bà mẹ có con gửi nhà trẻ về tinh thần thái độ, chất lượng nuôi dạy, thu chi của nhà trẻ với cơ quan có trách nhiệm, kiến nghị những biện pháp sửa chữa các thiếu sót nếu có.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 260-UB/QĐ năm 1977 ban hành bản điều lệ tạm thời về tổ chức nhà trẻ của Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em trung ương

  • Số hiệu: 260-UB/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/04/1977
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em
  • Người ký: Đinh Thị Cần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản