HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 140-CP | Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1971 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC NHÀ TRẺ
I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC NHÀ TRẺ TRONG THỜI GIAN QUA
Trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng nhà trẻ đã phát triển khá nhanh chóng. Nhiều xí nghiệp (nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường) và cơ quan, nhiều xã, hợp tác xã, đường phố đã có nhà trẻ. Số trẻ em được thu nhận vào nhà trẻ mỗi năm một tăng. Một đội ngũ cô nuôi trẻ đã được đào tạo và bồi dưỡng. Một số nhà trẻ tốt đã xuất hiện. Ở những nơi làm tốt phong trào nhà trẻ, số ngày công lao động bình quân hàng năm và năng suất lao động của phụ nữ rõ ràng cao hơn nhiều so với những nơi chưa có phong trào nhà trẻ. Nhà trẻ đã có tác dụng tích cực trong việc phục vụ sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta, đồng thời đã bước đầu tạo ra điều kiện nuôi dạy trẻ em tốt hơn.
Song công tác nhà trẻ hiện nay nói chung còn nhiều mặt yếu. Phong trào phát triển không đều; còn nhiều hợp tác xã, xí nghiệp, cơ quan chưa tích cực tổ chức nhà trẻ. Chất lượng các nhà trẻ nói chung thấp, cơ sở vật chất của nhà trẻ qúa thiếu, đội ngũ cô nuôi trẻ phần lớn không ổn định và yếu về mặt nghề nghiệp. Sức khoẻ, sức lớn cũng như sự phát triển về tâm lý, sinh lý, năng khiếu của trẻ em ở nhà trẻ chưa trội hơn hẳn so với trẻ em ở nhà trẻ em nuôi ở gia đình. Một số chế độ, chính sách về công tác nhà trẻ chưa được nghiên cứu và giải quyết chu đáo.
Những nguyên nhân chính của tình hình nói trên là:
1. Nhiều cán bộ có trách nhiệm ở một số ngành và địa phương chưa nhận thức rõ ràng ý nghĩa và tác dụng to lớn của công tác nhà trẻ đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đẩy mạnh sản xuất, tăng nhanh năng suất lao động, cũng như đối với sự nghiệp nuôi dạy thế hệ tương lai của đất nước.
2. Tổ chức quản lý công tác nhà trẻ bị phân tán, Nhà nước chưa có bộ máy chuyên trách và có hiệu lực để quản lý thống nhất toàn bộ vấn đề nhà trẻ. Sự phối hợp giữa các ngành và các đoàn thể có liên quan đến công tác nhà trẻ chưa tốt.
3. Hoàn cảnh chiến tranh và tình hình kinh tế của nước ta và của xã hội đối với công tác nhà trẻ.
II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC NHÀ TRẺ TRONG THỜI GIAN TỚI.
Hiện nay, phụ nữ đã trở thành một lực lượng lao động to lớn của xã hội miền Bắc, nhưng lực lượng này chưa được phát huy đúng mức, một phần quan trọng là vì công tác nhà trẻ chưa được phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác nhà trẻ chưa được giải quyết tốt thì nhiều phụ nữ còn phải tốn sức lực và thì giờ vào con cái, do đó, số ngày công, giờ công và năng suất lao động của chị em khó mà giảm bớt, khả năng của lao động phụ nữ làm ra của cải vật chất sẽ còn bị hạn chế.
Mặt khác, việc nuôi nấng và dạy dỗ trẻ em trong thời kỳ trứng nước (cho đến 3-4 tuổi) có tác dụng quyết định khá lớn đối với sự hình thành và phát triển thế hệ tương lai của dân tộc ta và có ý nghĩa rất sâu xa đối với tiền đồ của đất nước. Vì hai lẽ đó, Hội đồng Chính phủ quyết định:
1. Nhà nước ta khẳng định việc phát triển sự nghiệp nhà trẻ là một công tác quan trọng, không phải chỉ trong phạm vi phúc lợi xã hội, mà còn cả trên mặt trận kinh tế và văn hóa, nhằm giải phóng sức lao động của phụ nữ, đẩy mạnh sản xuất, tăng nhanh năng suất lao động xã hội, tăng cường nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, xây dựng phát triển nhà trẻ là một chính sách lớn của Nhà nước, kế hoạch phát triển sự nghiệp nhà trẻ là một bộ phận không thể thiếu được của kế hoạch Nhà nước phát triển kinh tế và văn hóa.
Các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành và các đoàn thể cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng lớn của sự nghiệp nhà trẻ, trên cơ sở đó tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, làm cho sự nghiệp nhà trẻ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc, kịp thời đáp ứng yêu cầu của sản xuất và công tác, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ.
2. Giao cho Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đảm nhiệm việc quản lý thống nhất toàn bộ công tác nhà trẻ.
Cụ thể là:
a) Nghiên cứu và trình Hội đồng chính phủ quyết định các phương hướng, chủ trương, nhiệm vụ, kế hoạch, chế độ, chính sách về công tác nhà trẻ.
b) Chỉ đạo việc tổ chức và quản lý thống nhất hệ thống nhà trẻ ở các ngành, các cấp. Tổ chức việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cô nuôi trẻ và cán bộ quản lý nhà trẻ, và quản lý thống nhất đội ngũ đó.
c) Thống nhất quản lý vấn đề chi tiêu cho công tác nhà trẻ:
- Xây dựng các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức về công tác nhà trẻ, và kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức ấy.
- Tính toán và đề nghị kinh phí cần chi tiêu và trợ cấp về công tác nhà trẻ.
d) Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức nuôi dạy trẻ em trong cán bộ, công nhân, viên chức và trong nhân dân. Hướng dẫn các cấp, các ngành đẩy mạnh phong trào chăm sóc và nuôi dạy trẻ em.
e) Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nuôi dạy trẻ em.
h) Tham gia ý kiến với các ngành, các cấp về những việc có liên quan đến phúc lợi xã hội của trẻ em.
3. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trẻ, cần coi trọng cả hai mặt số lượng và chất lượng.
Để thu hút đông đảo các cháu vào nhà trẻ, phải tổ chức hệ thống nhà trẻ theo hình thức linh hoạt cho phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác và sinh hoạt ở nông thôn và thành phố, trong khu vực Nhà nước cũng như trong khu vực tập thể. Phải căn cứ vào yêu cầu và khả năng của các ngành, các địa phương mà xây dựng và phát triển nhà trẻ một cách vững chắc. Phải từng bước làm cho nghiệp vụ nuôi dạy trẻ em của các nhà trẻ có cơ sở khoa học và thích hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Trong sự nghiệp nhà trẻ, phải dựa vào lực lượng của nhân dân là chính, đồng thời Nhà nước cần đầu tư một cách thích đáng.
4. Việc xây dựng đội ngũ cô nuôi trẻ và cán bộ quản lý nhà trẻ có nhiệt tình và phẩm chất cách mạng, yêu trẻ và yêu nghề, có trình độ khá về văn hóa và chuyên môn, có sức khỏe là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong sự nghiệp phát nhà trẻ. Vì vậy, cần coi trọng việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ đông đảo cô nuôi trẻ và cán bộ quản lý nhà trẻ cần có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với đội ngũ đó, để ổn định và khuyến khích các chị em yên tâm công tác, đi sâu vào nghiệp vụ, và cống hiến ngày càng nhiều cho sự nghiệp nuôi dưỡng các cháu.
5. Cần có kế hoạch từng bước xây dựng cơ sở vật chất và từng bước trang bị những phương tiện cần thiết cho các nhà trẻ đồng thời cần nghiên cứu để kịp thời sửa đổi hoặc bổ sung những chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức về công tác nhà trẻ, bảo đảm cho sự nghiệp nhà trẻ phát triển thuận lợi, phù hợp với yêu cầu và khả năng của ta.
Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương có thể làm tốt nhiệm vụ quản lý thống nhất toàn bộ công tác nhà trẻ, các Bộ, Tổng cục các đoàn thể nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm, tùy theo chức năng của mình mà phối hợp công tác với Ủy ban, bảo đảm thực hiện có kết quả tốt những phương hướng, chủ trương, kế hoạch, biện pháp, chính sách và chế độ do Nhà nước quy định về công tác nhà trẻ.
Hội Liên hiệp phụ nữ có nhiệm vụ tham gia Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương trong việc xây dựng phương hướng, chủ trương, kế hoạch, chính sách, chế độ, … về phát triển và củng cố các nhà trẻ nông thôn và đường phố; hướng dẫn các cấp bộ của Hội đồng tham gia chăm lo công tác nhà trẻ; vận động quần chúng đóng góp xây dựng nhà trẻ, giáo dục, động viên cô nuôi trẻ làm tốt nhiệm vụ, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước về công tác nhà trẻ và về cô nuôi trẻ ở nông thông và đường phố.
Tổng công đoàn có nhiệm vụ tham gia với Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương trong việc xây dựng phương hướng, chủ trương, kế hoạch, chính sách, chế độ… về phát triển và củng cố các nhà trẻ ở các cơ quan và xí nghiệp của Nhà nước (nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, cửa hàng); hướng dẫn công đoàn các cấp phối hợp với thủ trưởng các cơ quan và xí nghiệp chăm lo công tác nhà trẻ; vận động quần chúng đóng góp xây dựng nhà trẻ; giáo dục, động viên cô nuôi trẻ làm tốt nhiệm vụ, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước về công tác nhà trẻ và về cô nuôi trẻ ở các cơ quan và xí nghiệp của Nhà nước.
Ủy ban Nông nghiệp trung ương có nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương trong việc xây dựng các quy chế mẫu về tổ chức và quản lý nhà trẻ, các chế độ, chính sách đối với nhà trẻ và cô nuôi trẻ trong khu vực nông nghiệp; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hợp tác xã nông nghiệp và các xí nghiệp quốc doanh nông nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách ấy.
Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp Trung ương có nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương trong việc chỉ đạo tổ chức, quản lý nhà trẻ của hợp tác xã tiểu thủ công; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nhà trẻ và cô nuôi trẻ. Hướng dẫn các hợp tác xã tiểu thủ công trích một phần quỹ phúc lợi để chi cho sự nghiệp trẻ em của hợp tác xã hoặc đóng góp vào việc tổ chức các nhà trẻ đường phố nếu các hợp tác xã không có điều kiện tổ chức nhà trẻ riêng.
Bộ Lao động có nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương trong việc xây dựng các chế độ, chính sách đối với cô nuôi trẻ ở cả hai khu vực Nhà nước và tập thể; kiểm tra các ngành, các địa phương trong việc thi hành những chế độ, chính sách đó.
Bộ y tế có nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương trong việc hướng dẫn và kiểm tra về nghiệp vụ nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe trẻ em ở các nhà trẻ, trong việc đào tạo và bồi dưỡng các cô nuôi trẻ về nghiệp vụ và bảo vệ sức khỏe trẻ em; tổ chức việc phòng bệnh, phòng dịch và chữa bệnh cho trẻ em.
Ngoài ra, Bộ Tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn các Ủy ban hành chính địa phương và các Sở, ty tài chính trong việc dự trù kinh phí về trợ cấp nhà trẻ; hướng dẫn các xí nghiệp trích một phần qũy phúc lợi cấp cho nhà trẻ; theo dõi, giúp đỡ, giám đốc tài chính đối với hoạt động qũy nhà trẻ ở trung ương và địa phương.
Ủy ban kế hoạch Nhà nước có nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương và Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch phát triển và củng cố các nhà trẻ trình Chính phủ xét duyệt và phân phối vốn đầu tư cơ bản và chỉ tiêu về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nhà trẻ cho các ngành, các địa phương.
Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm có nhiệm vụ sản xuất và tổ chức phân phối các dụng cụ trang bị, hàng hóa, lương thực, thực phẩm cần thiết cho các nhà trẻ và cho trẻ em theo kế hoạch đã được Nhà nước phê chuẩn.
Các Bộ, các ngành ở Trung ương và Ủy ban hành chính các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo công tác nhà trẻ trong ngành hoặc địa phương mình theo đúng các chế độ, chính sách của Nhà nước; lập và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển và củng cố nhà trẻ; lập dự trù kinh phí về nhà trẻ và đề nghị ngân sách Nhà nước trợ cấp hàng năm cho ngành hoặc địa phương mình; chỉ đạo giải quyết tốt việc xây dựng cơ sở vật chất và việc cung cấp các phương tiện và hàng hóa cần thiết cho các nhà trẻ.
Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước (nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, cửa hàng) và chủ nhiệm các hợp tác xã chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác nhà trẻ trong đơn vị mình theo đúng các chế độ, chính sách của Nhà nước; hàng năm, lập kế hoạch và dự trù kinh phí cho công tác nhà trẻ trong đơn vị mình. Các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước có công nhân, viên chức gửi con trong các nhà trẻ đường phố hoặc nhà trẻ của hợp tác xã phải đóng góp vào việc xây dựng các nhà trẻ này.
Những điểm trái với Nghị quyết này nêu trong Chỉ thị số 126-TTg ngày 01/4/1961, quyết định số 104-TTg ngày 17/10/1962, Thông tư số 125-TTg ngày 20/12/1962 và Chỉ thị số 170-TTg ngày 22/9/1970 đều bãi bỏ.
Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương, các Bộ, Tổng cục, các ngành và các đoàn thể ở Trung ương các Ủy ban hành chính địa phương chịu trách nhiệm thi hành và hướng dẫn thi hành nghị quyết này.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1Quyết định 66-CP năm 1972 về chế độ đãi ngộ đối với cô nuôi trẻ thuộc khu vực Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 126-TTg năm 1961 về cải tiến chế độ gửi trẻ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 1-UB/TT-1973 hướng dẫn việc xếp vào thang lương mới đối với cô nuôi dạy trẻ thuộc khu vực Nhà nước do Uỷ ban bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em ban hành
- 4Thông tư 19-UB/TT-1973 quy định chế độ kế toán kinh phí nhà trẻ do Uỷ ban bảo vệ Bà mẹ và trẻ em ban hành
Nghị quyết số 140-CP về việc tăng cường tổ chức và quản lý công tác nhà trẻ do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 140-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 15/07/1971
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: 15/08/1971
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 30/07/1971
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định