Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 126-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ GỬI TRẺ

Kính gửi
Đồng Kính gửi

- Các bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương,
- Các ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh
- Tổng công đoàn Việt Nam
- Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam

 

Chế độ gửi trẻ đã được ban hành từ thời kỳ kháng chiến. Sau ngày hòa bình lập lại đến nay, chế độ này đã được bổ sung và tổ chức gửi trẻ cũng được phát triển lên nhiều. Hầu hết các cơ quan Nhà nước có nhiều chị em phụ nữ đều có tổ chức gửi trẻ, tuy vậy có một số xí nghiệp số trẻ được gửi cũng còn ít.

Về việc đóng góp vào chi phí cho nhà trẻ, có nơi chị em đóng góp, có nơi không có mức đóng góp cũng không thống nhất. Về việc chăm sóc và giáo dục trẻ tuy các xí nghiệp, cơ quan và các chị em làm công tác trại trẻ, nhóm trẻ đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót, chủ yếu là do trình độ nghiệp vụ của một số chị em làm công tác này còn non. Mặt khác, vì tổ chức gửi trẻ chưa có khả năng mở rộng, nên một số chị em công nhân, viên chức có con mọn phải tốn nhiều tiền để thuê người trông con.

Để giải quyết tình hình trên, nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 25-04-1960 đã nêu: “cần phải quan tâm đầy đủ đến việc phát triển và củng cố các tổ chức gửi trẻ trong xí nghiệp, cơ quan với sự giúp đỡ của Nhà nước và sự đóng góp của quần chúng”, và Hội đồng Chính phủ, trong phiên họp Hội nghị Thường vụ ngày 10-01-1961 đã quyết nghị: “Chuyển chế độ gửi trẻ hiện nay từ hình thức cung cấp thành hình thức phúc lợi tập thể để có thể mở rộng các nhà gửi trẻ hơn, việc nuôi dạy trẻ được chu đáo hơn; giúp cho chị em công nhân, viên chức có chỗ gửi con, an tâm sản xuất, công tác và có thể tham gia các mặt hoạt động xã hội, học tập, để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ”.

Căn cứ theo tinh thần của các nghị quyết trên, Thủ tướng Chính phủ quy định một số điểm như sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Nhà gửi trẻ theo hình thức phúc lợi tập thể do Nhà nước tổ chức và trợ cấp một phần tiền chi phí, nữ công nhân, viên chức gửi con phải đóng góp một phần chi phí và góp phần xây dựng các nhà gửi trẻ.

2. Thống nhất thi hành chế độ gửi trẻ cho công nhân, viên chức cả hai khu vực hành chính sự nghiệp và sản xuất, không phân biệt công nhân viên chức kháng chiến hay tuyển sau hòa bình, trong hay ngoài biên chế (trừ nhân công thuê mượn tạm thời).

3. Khi tiến hành công tác củng cố và phát triển các nhà trẻ cần dựa vào phương châm đã ghi trong nghị quyết Hội đồng Chính phủ: “phải tùy hoàn cảnh và khả năng thực tế của ta mà giải quyết dần dần, nhằm vào những yêu cầu thiết yếu trước mắt của quần chúng, không chạy theo hình thức, thoát ly mức sống chung của nhân dân. Phải khéo sắp xếp, dùng ít tiền mà làm được nhiều việc”.

II. TỔ CHỨC

1. Để đảm bảo cho các nhà gửi trẻ có thể phát triển, đồng thời đáp ứng được yêu cầu công tác và học tập của nữ công nhân viên chức, cần phát triển nhiều hình thức tổ chức nhà gửi trẻ như; gửi trẻ theo giờ người mẹ đi làm việc, gửi trẻ trong những buổi người mẹ đi hội họp, học tập cho các cháu dưới 3 tuổi; gửi trẻ suốt cả ngày đêm hoặc cả tuần lễ của những người mẹ cần gửi con để đi công tác lưu động.

2. Các nhà gửi trẻ phải đảm bảo cho trẻ ăn, ở hợp vệ sinh và đặc biệt cần chú trọng đến việc phát triển trí dục, đức dục của trẻ, tạo cho trẻ một nếp sống tập thể lành mạnh, v.v…

3. Nhân viên trông trẻ là những người trực tiếp nuôi dạy trẻ em. Nhiệm vụ này rất khó khăn nhưng đồng thời cũng rất vinh quan. Người được tuyển làm công tác trông trẻ phải có đủ các điều kiện sức khỏe, đạo đức và phải được huấn luyện về nghiệp vụ trông trẻ.

III. CHI PHÍ

1. Hàng năm Nhà nước trích quỹ xã hội để trợ cấp tiền chi phí thường xuyên cho các nhà gửi trẻ của xí nghiệp và cơ quan.

2. Người có con gửi vào nhà trẻ (thuộc loại gửi trẻ trong giờ làm việc), mỗi tháng đóng tiền gửi một cháu, cao nhất không quá 2đ, hai cháu không quá 3đ, ba cháu không quá 4đ50. Đối với các loại tổ chức gửi trẻ khác sẽ do Bộ Lao động, tùy theo tình hình cụ thể, quy định sau.

3. Đối với các gia đình mà mức thu nhập bình quân quá thấp, do Công đoàn cơ quan đề nghị và thủ trưởng cơ quan đồng ý, có thể được giảm hoặc miễn đóng góp.

4. Chi phí về xây dựng, trang bị lúc đầu và sửa chữa lớn cho nhà trẻ đều do quỹ kiến thiết cơ bản của Nhà nước đài thọ. Ở xí nghiệp cần trích quỹ xí nghiệp (hoặc quỹ phúc lợi) xây dựng thêm, trang bị thêm nhà trẻ.

IV. NHIỆM VỤ CÁC NGÀNH

1. Xí nghiệp cơ quan sử dụng nữ công nhân, viên chức có con nhỏ dưới 3 tuổi phải tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, xí nghiệp gần nhau tổ chức các nhà gửi trẻ.

2. Bộ Lao động có nhiệm vụ quy định cụ thể chế độ và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành.

3. Bộ Y tế có nhiệm vụ lãnh đạo, hướng dẫn việc chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh ở các nhà trẻ và cùng với Bộ Giáo dục, Hội Liên hiệp phụ nữ hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên công tác nhà trẻ.

4. Ủy ban hành chính các địa phương có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện chế độ gửi trẻ, giúp đỡ các cơ quan  xí nghiệp tổ chức các nhà gửi trẻ và đôn đốc các ngành có liên quan trong địa phương làm tốt công tác nhà trẻ.

5. Đề nghị Tổng công đoàn Việt Nam hướng dẫn các cấp Công đoàn tham gia lãnh đạo các tổ chức gửi trẻ, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các chế độ Chính phủ đã quy định, đồng thời vận động quần chúng tích cực đóng góp công sức xây dựng các nhà trẻ.

V. PHÁT TRIỂN CÁC NHÀ GỬI TRẺ DÂN LẬP

Do khả năng tổ chức có hạn nên các nhả gửi trẻ của Nhà nước chưa có thể thu nhận hết con nữ công nhân, viên chức. Vì vậy các cấp chính quyền cần có biện pháp giúp đỡ cho các nhà gửi trẻ dân lập phát triển mạnh mẽ để đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của đông đảo phụ nữ lao động trong các tổ chức hợp tác xã, đồng thời tạo điều kiện cho nữ công nhân, viên chức có nơi gửi con. Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ nghiên cứu biện pháp cụ thể, tích cực hướng dẫn các địa phương phát triển tốt các nhóm trẻ dân lập.

Ủy ban hành chính các thành phố, thị xã, thị trấn và các Ban Quản trị hợp tác xã phải coi công tác phát triển các nhà trẻ dân lập là một công tác xã hội quan trọng mà chính quyền địa phương có trách nhiệm lãnh đạo, giúp đỡ phát triển và tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng các nhóm trẻ dân lập được nhiều và tốt.

Các xí nghiệp, cơ quan có nữ công nhân, viên chức gửi con nhỏ trong các nhóm trẻ dân lập phải đóng góp công sức cùng khu phố tổ chức tốt các nhóm trẻ này. Nơi nào có quỹ xí nghiệp (hay quỹ phúc lợi) có thể trích một phần để giúp đỡ cho các nhóm trẻ dân lập nào có con nữ công nhân, viên chức xí nghiệp, cơ quan mình gửi.

Phát triển các tổ chức gửi trẻ là một trong những chính sách lớn của Đảng và Chính phủ đối với phụ nữ và trẻ em. Đó là một bộ phận trọng yếu trong toàn bộ sự nghiệp phúc lợi tập thể của công nhân, viên chức dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Làm tốt công tác gửi trẻ sẽ góp phần cải thiện đời sống công nhân, viên chức và có tác dụng thúc đẩy sản xuất. Thủ tướng Chính phủ nhắc các ngành, các cấp nhận thức đầy đủ ý nghĩa trên đây để tăng cường lãnh đạo các tổ chức gửi trẻ được tốt.

Việc cải tiến chế độ gửi trẻ lần này sẽ giúp đỡ số đông nữ công nhân, viên chức giải quyết khó khăn trong việc nuôi con nhỏ, giảm nhẹ được một phần đóng góp vào chi phí nhà trẻ cho một số chị em, nhưng cũng sẽ đụng chạm đến số chị em từ trước chưa phải đóng góp tiền gửi trẻ. Các ngành, các cấp cần chú trọng giáo dục tư tưởng làm cho chị em thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với phụ nữ và trẻ em, thấy rõ sự cần thiết phải cải tiến chế độ gửi trẻ, làm cho chị em phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập tiến bộ, đồng thời thấy rõ trách nhiệm của người có con gửi nhà trẻ phải tham gia đóng góp công sức xây dựng sự nghiệp phúc lợi tập thể ngày càng phát triển.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 

Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 126-TTg năm 1961 về cải tiến chế độ gửi trẻ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 126-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/04/1961
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 19/04/1961
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 16/04/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản