Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-TT/LB

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 1977 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ THU, CHI KINH PHÍ NHÀ TRẺ CỦA CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ nghị định số 145-CP ngày 21-7-1971 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương cùng hệ thống tổ chức bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở địa phương;
Căn cứ nghị định số 24-CP ngày 2-2-1976 và nghị quyết số 61-CP ngày 5-4-1976 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện về việc quản lý đời sống của dân cư trong địa phương;
Căn cứ vào công văn số 10-TCCP ngày 11-1-1977 của Ban tổ chức Chính phủ về kinh phí nhà trẻ;
Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương và Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, chi kinh phí nhà trẻ của cơ quan, xí nghiệp Nhà nước như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1977, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quản lý toàn bộ công tác nhà trẻ của cơ quan, xí nghiệp và nhà trẻ khu vực trong phạm vi địa phương mình (bao gồm cả các nhà trẻ thuộc cơ quan, xí nghiệp trung ương đóng ở địa phương) theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và sự chỉ đạo của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương về kế hoạch xây dựng mạng lưới nhà trẻ, về nghiệp vụ nuôi dạy trẻ, về nghiệp vụ quản lý nhà trẻ, về đào tạo bồi dưỡng đội ngũ có nuôi dạy trẻ. Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý toàn bộ công tác nhà trẻ trong địa phương.

2. Tùy theo tình hình và đặc điểm, khả năng bộ máy của từng địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có thể phân cấp cho Ủy ban nhân dân huyện, khu phố, quận, thị xã quản lý công tác nhà trẻ trong phạm vi địa phương (bao gồm cả các nhà trẻ thuộc các cơ quan, xí nghiệp của trung ương và của tỉnh, thành phố đóng ở địa phương) theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, theo kế hoạch xây dựng, phát triển nhà trẻ của địa phương và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố. Phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em huyện, quận, thị xã, khu phố là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, khu phố quản lý toàn bộ công tác nhà trẻ trong địa phương.

3. Tất cả các khoản chi về công tác nhà trẻ trong phạm vi địa phương (bao gồm cả các nhà trẻ thuộc cơ quan, xí nghiệp trung ương đóng ở địa phương) đều do ngân sách địa phương gánh chịu: các khoản chi về công tác nhà trẻ, bao gồm vốn xây dựng cơ bản, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cô nuôi dạy trẻ, tiền lương và phụ cấp cô nuôi dạy trẻ và cán bộ quản lý nhà trẻ, kinh phí thường xuyên trợ cấp cho nhà trẻ ở trong địa phương.

Riêng năm 1977, năm đầu thực hiện phân cấp quản lý nhà trẻ cho các địa phương, để bảo đảm tính ổn định của ngân sách địa phương, nên ngân sách trung ương sẽ trợ cấp cho ngân sách địa phương khoản chi trợ cấp công tác nhà trẻ.

4. Căn cứ vào yêu cầu chi tiêu để củng cố và nâng cao chất lượng nhà trẻ, căn cứ vào chính sách chế độ hiện hành, liên bộ tạm thời quy định mức chi thường xuyên bình quân cho một trẻ trong một tháng là 12đ. Định mức chi quy định tạm thời trên đây là định mức bình quân để tính dự toán chung cho địa phương. Khi xét duyệt dự toán và cấp phát phải căn cứ vào tình hình, đặc điểm và yêu cầu chi tiêu của từng nhà trẻ mà giải quyết cho thỏa đáng, không nhất thiết nhà trẻ nào cũng cấp phát bình quân như nhau.

II. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ THU, CHI NHÀ TRẺ

1. Nhà trẻ là đơn vị sự nghiệp phúc lợi tập thể, có thu và có chi, được ngân sách Nhà nước trợ cấp chênh lệch nhằm mở rộng phạm vi phục vụ và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Nội dung các khoản thu, chi nhà trẻ bao gồm:

Về thu:

a) Thu tiền góp của nữ cán bộ, công nhân, viên chức có con gửi nhà trẻ theo chế độ hiện hành;

b) Trợ cấp quỹ xí nghiệp (nếu có);

c) Thu khác..;

d) Số tiền thu thuộc ngân sách Nhà nước trợ cấp chênh lệch.

Về chi:

a) Chi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp phục vụ nhà trẻ gồm các khoản tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, v.v… theo chế độ hiện hành;

b) Chi cho công việc gồm các khoản: sổ sách, giấy bút, tiền thuê nhà, điện, nước, vệ sinh tẩy uế, sửa chửa đồ đạc, dụng cụ máy móc, sửa chữa nhỏ nhà cửa, mua sắm vật rẻ tiền mau hỏng, thuốc thông thường cho các cháu;

c) Mua sắm dụng cụ đồ đạc bổ sung (giường, chiếu, màn chăn, quạt, lò sưởi, phích đựng nước, bô, đồ chơi…).

2. Ngoài những khoản chi trên đây, các nhà trẻ nào cần thiết phải sửa chữa lớn nhà cửa, xây dựng thêm các nhà phụ sẽ được dự trù thêm kinh phí ngoài định mức nêu trên. Việc xây dựng nhà trẻ mới và đào tạo huấn luyện các cô nuôi dạy trẻ được ghi vào chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh về vốn xây dựng cơ bản và kinh phí đào tạo.

3. Tiêu chuẩn biên chế phục vụ của một nhà trẻ sẽ do cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em trực tiếp lãnh đạo quy định cho phù hợp với quy mô và yêu cầu nuôi dạy trẻ của từng nhà trẻ.

Nay liên bộ tạm thời quy định chung đối với các địa phương như sau:

a) Một nhân viên nhà trẻ phục vụ 6 cháu đối với những nhà trẻ bảo đảm thực hiện chương trình nuôi dạy của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương, bảo đảm cho các cháu ăn ba chế độ, giặt giũ cho các cháu (nhân viên nhà trẻ nói trên gồm cô nuôi dạy trẻ, cô phụ trách chung, cô nấu ăn, người làm vệ sinh, bảo vệ…).

b) Các nhà trẻ khác, một nhân viên phục vụ 7 cháu.

4. Dự toán, quyết toán.

Hàng năm, các cơ quan, xí nghiệp có nhà trẻ, các nhà trẻ khu vực đều phải lập dự toán thu, chi cho nhà trẻ gửi cho Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em các tỉnh, thành phố hoặc phòng bảo vệ bà mẹ và trẻ em các huyện, thị xã hay khu phố theo sự phân cấp quản lý của địa phương. Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, khu phố tổng hợp và lập dự toán của địa phương gửi cho Sở, Ty tài chính hoặc phòng tài chính các huyện, thị xã, khu phố để trình Ủy ban nhân dân xét duyệt khoản chi trợ cấp chênh lệch và ghi vào ngân sách địa phương.

Dự toán thu, chi nhà trẻ căn cứ vào kế hoạch phát triển sự nghiệp nhà trẻ, tiêu chuẩn phục vụ, định mức chi tiêu, các chính sách, chế độ đối với nhà trẻ và cán bộ nhân viên nhà trẻ, các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của Nhà nước.

Chế độ lập dự toán và chấp hành các báo cáo quyết toán theo như điều lệ lập và chấp hành ngân sách Nhà nước do cơ quan tài chính địa phương hướng dẫn.

III. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ TRẺ

1. Các nhà trẻ phải thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài sản hiện hành của Nhà nước. Phải mở sổ tài sản để ghi chép theo dõi mọi tài sản, thực hiện chế độ kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm.

2. Tất cả các tài sản hiện có ở nhà trẻ không kể do nguồn vốn nào mua sắm đều là tài sản của nhà trẻ, phải ghi sổ tài sản nhà trẻ. Mỗi khi tăng, giảm tài sản phải ghi sổ kịp thời (có lý do tăng, giảm) để nắm vững tài sản nhà trẻ. Hàng quý cần tiến hành kiểm điểm việc quản lý và sử dụng tài sản, đưa việc quản lý vào nền nếp, giúp cho việc nâng cao chất lượng nuôi dạy các cháu.

IV. KHOẢN CHI TRỢ CẤP NỮ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CÓ CON TỪ 36 THÁNG TRỞ XUỐNG KHÔNG GỬI NHÀ TRẺ

Trong khi chờ đợi nghiên cứu sửa đổi chế độ trợ cấp cho nữ công nhân, viên chức có con nhỏ từ 36 tháng trở xuống không gửi nhà trẻ mà tự trông nom lấy, đối với các tỉnh phía Bắc, tạm thời thi hành các quy định như sau:

- Nữ công nhân, viên chức có con từ 36 tháng trở xuống không gửi nhà trẻ (theo công văn số 149-TTg/TN ngày 8-12-1965 của  Thủ tướng Chính phủ và công văn số 18-UB/CBĐT ngày 10-7-1973) được trợ cấp mỗi cháu mỗi tháng 5đ;

- Nữ công nhân, viên chức phải thường xuyên đi công tác lưu động hoặc nữ diễn viên văn công có con từ 36 tháng trở xuống mà tự giải quyết trông nom con (theo quyết định số 209-TTg ngày 6-12-1966 của Thủ tướng Chính phủ) được trợ cấp mỗi tháng mỗi cháu 7đ;

- Nữ công nhân, viên chức công tác ở vùng cao có con nhỏ từ 36 tháng trở xuống không gửi nhà trẻ thì được trợ cấp mỗi cháu mỗi tháng 10đ (theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 109-CP ngày 19-6-1973).

Các khoản trợ cấp cho nữ công nhân, viên chức trên đây đều do cơ quan, xí nghiệp có nữ công nhân, viên chức lập dự toán của dự toán đơn vị và trả trợ cấp hàng tháng cho nữ công nhân, viên chức (ghi vào loại 2 - khoản 45 - hạng 1 trong mục lục ngân sách Nhà nước) trả cùng một lần với tiền lương hàng tháng (kỳ 1).

Việc dự toán, quyết toán giống như trả trợ cấp đông con.

Như vậy từ quý II năm 1977, kinh phí trợ cấp nhà trẻ của Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em không trả khoản trợ cấp này nữa.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1977.

Trong khi thi hành thông tư này, nếu gặp khó khăn, mắc mứu gì, đề nghị các Bộ, các ngành ở trung ương và Ủy ban nhân dân các địa phương phản ánh về liên bộ nghiên cứu giải quyết.

Các điều quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH

THỨ TRƯỞNG
 
 


Trịnh Văn Bính

K.T. CHỦ NHIỆM ỦY BAN
BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM TRUNG ƯƠNG

PHÓ CHỦ NHIỆM


 
 
Trần Thanh Quang