Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1765-PT/KH

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ TRÌNH ĐỘ HỌC LỰC GIÁO VIÊN TƯ THỤC VÀ BỔ SUNG THỂ LỆ TRƯỜNG TƯ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi: Ủy ban Hành chính các khu, thành phố và tỉnh, Khu, Sở Ty Giáo dục

Bộ giải thích trong thông tư này thể thức áp dụng và thi hành Nghị định số 770-NĐ ngày 10-08-1957 và quy định một số điểm bổ xung về thể lệ trường tư.

I. – TRÌNH ĐỘ HỌC LỰC CỦA GIÁO VIÊN TƯ THỰC

A. – TRÌNH ĐỘ HỌC LỰC GIÁO VIÊN TƯ THỤC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 770/NĐ:

Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông đặt yêu cầu cao hơn chương trình cũ và hoàn cảnh cũng đã cho phép các trường tư tuyển lực giáo viên dễ dàng hơn, nên Bộ quy định trình độ văn hóa đòi hỏi ở giáo viên tư thục. Giáo viên này phải: "Có trình độ học lực cao hơn lớp mình xin dạy ít nhất là ba lớp và đã học qua đầy đủ cấp mình xin dạy.

Thể lệ ghi "đã học qua đầy đủ cấp mình xin dạy "để một mặt đòi hỏi giáo viên ít nhất phải đã học hết cấp (không đòi hỏi phải tốt nghiệp hết cấp), mặt khác phải học đầy đủ (không học nhảy lớp).

B. - THỂ THỨC ÁP DỤNG NGHỊ ĐỊNH TRÊN TRONG THỜI KỲ CHUYỂN TIẾP:

Nghị định số 770-NĐ sẽ áp dụng ngay đối với giáo viên chưa được cấp giấy phép chính thức làm giáo viên tư thục.

Đối với giáo viên đã được cấp giấy phép chính thức dạy học theo điều 3 của Nghị định cũ số 80-NĐ thì vẫn được giữ nguyên phép dạy học tại các lớp đã ghi trong giấy phép trong thời hạn 2 niên học để giáo viên có thời gian bồi dưỡng thêm. Sau thời hạn này, nếu xét giáo viên nào còn quá kém thì sẽ điều chỉnh lại giấy phép cho dạy xuống lớp dưới.

II. - GIẢI THÍCH VÀ BỔ XUNG THÊM MỘT SỐ ĐIỂM VỀ THỂ LỆ TRƯỜNG TƯ

A. - MỞ TRƯỜNG, LỚP TƯ

1. – Các lớp dạy riêng (Cours particuliers): Các lớp này thường là những lớp "bổ túc" cho một số học sinh (dưới 10 người) chỉ dạy về một số môn học nào mà không dạy đủ toàn bộ chương trình như một lớp tư thục.

Chúng ta không cấm mở các lớp dạy riêng, nhưng phải theo dõi, kiểm tra các lớp này, để tránh mọi sự lợi dụng và hành động vô tổ chức.

Bộ quy định sau đây thể thức về việc mở các lớp dạy riêng:

a) Người đứng mở lớp dạy riêng, trước khi mở, phải báo cáo với Sở hay Ty Giáo dục tình hình tổ chức lớp một cách cụ thể (Sở hay Ty nên dựa vào mẫu tờ khai mở trường tư để ấn định sẵn mẫu, nhưng cần thật đơn giản).

b) Giáo viên dạy lớp riêng phải có đủ trình độ văn hóa như giáo viên tư thục.

c) Giấy chứng nhận học lực do các lớp dạy riêng cấp không có giá trị trong việc xin vào học các trường công và tư, trong việc thi cử, xin công tác, v.v...

Trong khi theo dõi và kiểm tra các lớp dạy riêng, nếu cơ quan giáo dục nhận thấy thực chất các lớp này là một lớp tư thục thì báo ngay cho người đứng mở phải theo đúng thể lệ mở trường tư thục.

Cũng cần chú ý là các lớp dạy riêng khác với các lớp gia đình (xem giải thích quan niệm về lớp gia đình trong công văn số 388-PT ngày 18-05-1956 của Nha Giáo dục Phổ thông).

2. – Ngày khai giảng trường tư. Trước mỗi niên học, Sở hay Ty Giáo dục thông báo rộng rãi cho công chúng biết thời hạn nhận đơn xin mở trường tư. Các trường tư mới xin mở phải bảo đảm khai giảng trường chậm nhất là 1 tháng sau ngày khai giảng chính thức của trường công. Những trường tư mới mở không bảo đảm khai giảng trong thời hạn đã châm chước sẽ không được phép mở.

Các trường tư đã có phép cũ mở rồi phải khai giảng đúng ngày khai giảng của trường công.

B. - VỀ HỌC SINH

1. – Thời gian thu nhận học sinh:

Trường tư chỉ được nhận học sinh trước ngày khai giảng hoặc chậm lắm là 15 ngày sau. Hết thời hạn này, trường tư không được nhận học sinh mới trừ trường hợp chuyển trường quy định dưới đây.

2. – Chuyển trường:

Trường tư chỉ được nhận học sinh chuyển trường vào đầu mỗi học kỳ. Giữa học kỳ trường có thể nhận học sinh chuyển trường vì học sinh hay gia đình đổi chỗ ở.

Tất cả mọi việc chuyển trường ngoài nguyên tắc trên đây phải được Sở hay Ty Giáo dục duyệt y trước.

Sự quy định trên nhằm ổn định tình hình học tập của trường tư, sau ngày khai giảng, và chấm dứt tình trạng học sinh tự do đổi trường theo sở thích từng lúc của học sinh làm đảo lộn sinh hoạt bình thường của nhà trường.

3. – Hạn tuổi:

- Điều 13 của Nghị định số 02-NĐ ngày 11-01-1956 ghi như sau: "Thể lệ về hạn tuổi tối đa của học sinh học trường công không áp dụng đối với học sinh theo học trường tư". Bộ quy định hạn tuổi tối đa học sinh theo học trường tư được gia thêm mỗi lớp 2 tuổi so với tuổi học sinh trường công ấn định trong quy chế trường Phổ thông 10 năm (Nghị định số 596-NĐ ngày 16-08-1957 điều 11). Cụ thể là:

- Nam sinh vào lớp I: từ 7 đến 13 tuổi chẵn tính đến ngày khai giảng niên học.

- Nữ sinh vào lớp I: từ 7 đến 14 tuổi chẵn tính đến ngày khai giảng niên học v.v...

- Hạn tuổi này chỉ áp dụng cho học sinh mới xin vào học (kể cả học sinh cũ đã bỏ học nay mới đi học lại) bất kỳ lớp nào của trường phổ thông tư thục bắt đầu từ niên học 1957-1958, nghĩa là những học sinh cũ hiện đang học liên tục tại trường tư vẫn được tiếp tục theo học cho đến hết bậc phổ thông dù đã quá hạn tuổi mới quy định trên đây.

- Sở hay Ty sẽ căn cứ vào nguyên tắc xét chiếu cố cho học sinh trường công để giải quyết trường hợp những học sinh trường tư quá tuổi hạn định xin gia hạn tuổi để theo học tại trường tư (xem thông tư số 1586-PT-KH ngày 02-08-1957 của Nha Giao dục Phổ thông.

4. – Hồ sơ cá nhân của học sinh:

Điều 14 quy chế trường phổ thông 10 năm và Thông tư giải thích số 830-TT-PT ngày 21-08-1956 của Nha Giáo dục phổ thông (Đoạn 4, Mục C) đã quy định rõ thể thức nhận học sinh vào học mỗi lớp, việc lập và bảo quản hồ sơ cá nhân của học sinh.

Hiện nay, một số trường tư chưa chấp hành nghiêm chỉnh thể lệ nhận học sinh, nhất là việc lập hồ sơ cá nhân của học sinh (không có học bạ, thiếu giấy chứng nhận học lực hợp lệ, không có khai sinh v.v...).

Khu, Sở, Ty, sau khi nhắc nhở lại cho các trường rõ thể lệ, cần nghiêm khắc phê bình hoặc áp dụng kỷ luật đối với những trường tư nào nhận học sinh vô nguyên tắc.

5. – Số học sinh tối đa mỗi lớp (hay phòng học):

Theo thông tư số 16-TT/PT ngày 04-02-1956 của Bộ, thì Ty hay Sở Gíao dục sẽ đề nghị với Ủy ban Hành chính ghi rõ số học sinh tối đa được thu nhận vào mỗi phòng học trong giấy phép mở trường. Để bảo đảm sức khỏe của học sinh và chất lượng giảng dạy. Bộ quy định số học sinh tối đa của mỗi lớp là 60 học sinh.

Nếu vì lý do đặc biệt, Sở hay Ty nào thấy cần cho phép trường tự nhận quá mức ấn định trên đây sẽ trình bày ý kiến với Ủy ban Hành chính thành phố hay tỉnh quyết định và báo cáo lên Nha Giáo dục Phổ thông biết quyết định của Ủy ban Hành chính.

C. - VỀ GIÁO VIÊN

1. - Số giờ tối đa hàng tuần của giáo viên:

Thông tư số 16-TT-PT của Bộ đã hướng dẫn các Sở, Ty thể thức ấn định chế độ công tác của giáo viên tư. Tuy nhiên, Bộ nhận thấy trường hợp một số giáo viên dạy nhiều lớp tại cấp 1, hoặc quá nhiều giờ tại cấp 2 và 3 còn rất phổ biến dù hoàn cảnh tuyển dụng giáo viên đã tương đối dễ dàng hơn trước.

Bộ quy định số giờ tối đa hàng tuần của giáo viên trường tư như sau:

- Giáo viên cấp 1: chỉ dạy nhiều nhất 1 lớp (hoặc đơn, hoặc ghép)

- Giáo viên cấp 2, 3: chỉ dạy nhiều nhất 30 giờ một tuần lễ...

Tuy nhiên, Sở hay Ty giáo dục có thể châm chước về số giờ tối đa đối với hai loại giáo viên cấp 1 sau đây:

- giáo viên cấp 1 đã dạy một lớp cấp 1, nhưng lớp này có ít học sinh ảnh hưởng lớn đến đời sống giáo viên.

- giáo viên cấp 1 đã dạy một lớp cấp 1, nhưng có đủ trình độ văn hóa để dạy thêm một số giờ tại cấp 2.

Đối với những giáo viên cấp 1 này, Sở hay Ty có thể đặc biệt cho phép hoặc dạy thêm lớp thứ hai, hoặc dạy thêm một số giờ học tại cấp 2.

2. - Giáo viên trường công dạy học tại trường tư:

Nghị định số 286-NĐ ngày 08-05-1956 của Bộ (điều 8) và thông tư giải thích số 359-TT-PT ngày 11-05-1956 của Nha Giáo dục phổ thông (Mục VI) đã ấn định rõ nguyên tắc giáo viên trường công dạy thêm giờ tại trường tư.

Những nguyên tắc này chưa được các trường và giáo viên tôn trọng triệt để, một phần vì năm vừa qua trường tư thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên cấp 3, một phần vì các cơ quan giáo dục còn thiếu cương quyết trong việc áp dụng thể lệ.

Bộ nhắc các Khu, Sở và Ty chú ý áp dụng đúng mấy nguyên tắc sau:

- Giáo viên trường công phải được phép của cơ quan giáo dục mà giáo viên trực thuộc trước khi ra dạy thêm tại trường tư. Số giờ tối đa được dạy thêm ngoài là 6 giờ một tuần.

- Giáo viên trường công, khi đến dạy tại một trường tư nào phải có giấy phép của Ty hay Sở Giáo dục nơi mở trường như bất cứ một giáo viên tư thục nào khác.

- Trường tư chỉ được nhận những giáo viên trường công đã có giấy phép của Sở hay Ty Giáo dục vào dạy tại trường mình.

D. - HIỆU TRƯỞNG

Điều 1 của Nghị định số 80-NĐ ngày 07-02-1956 quy định người nào muốn xin làm hiệu trưởng một trường tư dạy văn hóa thì một trong năm điều kiện là "phải đã dạy học ở một trường công hay tư, hoặc đã trực tiếp tham gia công tác chuyên môn giáo dục khác trong một thời gian ít nhất 3 năm".

Bộ thấy điều kiện này có thể châm chước đối với những người đã theo học mãn khóa các trường sư phạm chính quy muốn xin làm hiệu trưởng.

E. - HỌC PHÍ

1. - Miễn giảm học phí

Việc cho học sinh trường tư được miễn giảm học phí là do sự tự nguyện của mỗi trường. Tuy nhiên Bộ nhận thấy cơ quan giáo dục cũng nên hướng dẫn các trường thực hiện việc miễn giảm tốt.

Bộ đề nghị các Sở và Ty nên căn cứ vào thể lệ miễn, giảm học phí tại các trường dân lập và thể lệ cấp học bổng để giúp đỡ và hướng dẫn các trường tư thực hiện đúng ý nghĩa việc miễn giảm đạt được tác dụng thực tế đối với học sinh nghèo cần chiếu cố.

2. - Giá biểu học phí.

Bộ thấy hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định giá biểu học phí thống nhất trong toàn quốc, mà chỉ nên đặt một số nguyên tắc sau để các Sở hay Ty dựa vào đó lãnh đạo giá biểu học phí:

- Nếu lẻ tẻ có trường định giá biểu học phí cao quá so với những trường khác trong tỉnh, cơ quan giáo dục tỉnh vận động trường ấy điều chỉnh lại cho hợp lý.

- Nếu thấy giá biểu học phí có chiều hướng chung là tăng lên quá cao, cơ quan giáo dục tỉnh phối hợp với Công đoàn giáo dục vận động các trường cùng thỏa thuận đặt một giá biểu học phí đúng mức. Nếu thấy cần thiết hơn nữa, Sở hay Ty Giáo dục sẽ đề nghị với Ủy ban Hành chính thành phố hay tỉnh ấn định giá biểu học phí chung từng thời kỳ (niên học, học kỳ).

Bộ trân trọng yêu cầu các Khu, Sở, Ty phổ biến rộng rãi thông tư này cho tất cả các trường tư thục các cấp.

T.L. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
GIÁM ĐỐC NHA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG




Nguyễn Văn Hiếu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 1765-PT/KH năm 1957 về trình độ học lực giáo viên tư thục và bổ sung thể lệ trường tư do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 1765-PT/KH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/08/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 40
  • Ngày hiệu lực: 12/09/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản