Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 145/2017/TT-BTC về hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác

1. Đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính; lập dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định theo quy định tại Điều 17 của Thông tư này và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước và điều kiện thực tế của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Căn cứ phương án tự chủ tài chính do đơn vị đề xuất, cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp phương án phân loại mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị trực thuộc và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định; cụ thể:

a) Đối với các đơn vị trực thuộc Trung ương:

- Các Bộ, cơ quan trung ương xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ (theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi Bộ Tài chính (theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

- Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc phân loại đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính; kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ, theo đề nghị của các Bộ, cơ quan trung ương.

- Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp ra quyết định giao quyền tự chủ cho đơn vị, trong đó xác định phân loại đơn vị và phê duyệt dự toán kinh phí theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này cho các đơn vị năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ (theo Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Đối với các đơn vị trực thuộc địa phương:

- Cơ quan chủ quản ở địa phương xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ (theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp (theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

- Cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc phân loại đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính; kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ, theo đề nghị của cơ quan chủ quản.

- Sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan chủ quản ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp mình (hoặc quyết định nếu được phân cấp) quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị trực thuộc, trong đó xác định phân loại đơn vị và phê duyệt dự toán kinh phí theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này cho các đơn vị năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ (theo Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này).

c) Về xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ:

- Ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cho đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi thường xuyên đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí (không có nguồn thu hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ khác) do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không đủ chi thường xuyên (nếu có).

- Ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 12, Điểm b Khoản 1 Điều 13 và Điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ đối với trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ cho đơn vị (cùng với thời gian phân bổ và giao dự toán) xác định được nhiệm vụ và kinh phí đặt hàng, cơ quan chủ quản xác định kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị năm đầu thời kỳ ổn định. Trường hợp nhiệm vụ đặt hàng không nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc đơn giá đặt hàng không theo đúng đơn giá được ban hành, cơ quan tài chính yêu cầu cơ quan chủ quản điều chỉnh lại kinh phí đặt hàng theo quy định.

- Nguồn thu phí được để lại chi thường xuyên theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Giao dự toán thu, chi thường xuyên hai 2 năm tiếp theo của thời kỳ ổn định: Hàng năm, trong thời kỳ ổn định phân loại đơn vị, cơ quan chủ quản quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này. Trong đó, đối với dự toán kinh phí Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo số lượng, khối lượng, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc dự toán chi theo chế độ quy định hiện hành, trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.

4. Khi rà soát phương án tự chủ, trường hợp đơn vị không có nguồn thu để bảo đảm chi thường xuyên, các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sắp xếp tổ chức lại, giải thể các đơn vị hoặc chuyển đổi các đơn vị sang đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị được ổn định trong thời gian 3 năm. Năm cuối của thời kỳ ổn định, các đơn vị báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ trong 3 năm. Căn cứ vào kết quả thực hiện của thời kỳ trước, nhiệm vụ của năm kế hoạch và thời kỳ tiếp theo, các đơn vị xây dựng phương án tự chủ của thời kỳ ổn định tiếp theo, gửi cơ quan quản lý cấp trên xem xét cùng với thời gian lập dự toán ngân sách của năm kế hoạch.

Trường hợp đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động về nguồn thu làm thay đổi mức độ tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, đơn vị xây dựng phương án tự chủ về tài chính theo quy định tại Khoản 1 Điều này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Trình tự xem xét, phân loại và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 21 Thông tư này.

Điều 22. Chế độ báo cáo hàng năm

1. Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thực hiện chế độ tự chủ định kỳ hàng năm phải báo cáo về kết quả thực hiện chế độ tự chủ cho cơ quan chủ quản cấp trên để tổng hợp trước ngày 28 tháng 2 năm sau (theo Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

Đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác trực thuộc địa phương quản lý, định kỳ hàng năm phải báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên để tổng hợp về kết quả thực hiện chế độ tự chủ và báo cáo gửi Sở Tài chính trước ngày 28 tháng 2 năm sau để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá về tình hình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác, gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 3 của năm sau (theo Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư này).

Điều 23. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác đã được giao quyền tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ) nếu còn trong giai đoạn ổn định thì năm 2018 chuyển sang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác đã được giao quyền tự chủ giai đoạn 2017-2019 theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp trong năm 2018 đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động về nguồn thu làm thay đổi mức độ tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, đơn vị xây dựng phương án tự chủ về tài chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Thông tư này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

3. Số dư quỹ dự phòng ổn định thu nhập đã trích lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, nếu còn dư đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được chuyển vào Quỹ bổ sung thu nhập của đơn vị.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2018 và được áp dụng thực hiện phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác từ năm 2018.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.

Thông tư 145/2017/TT-BTC về hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 145/2017/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 479 đến số 480
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH