Hệ thống pháp luật

Chương 7 Thông tư 12/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện truyền tải do Bộ Công thương ban hành

Chương 7.

ĐÁNH GIÁ AN NINH HỆ THỐNG ĐIỆN

Điều 90. Quy định chung về đánh giá an ninh hệ thống điện

1. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm thực hiện đánh giá an ninh hệ thống điện phục vụ việc lập kế hoạch vận hành hệ thống điện truyền tải năm tới, tháng tới và lập lịch điều độ, huy động ngày tới, giờ tới và thời gian thực.

2. Đơn vị truyền tải điện và Khách hàng sử dụng lưới điện truyền tải có trách nhiệm cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện đầy đủ các thông tin liên quan để thực hiện đánh giá an ninh hệ thống điện. Các thông tin cung cấp bao gồm: dự báo phụ tải, kế hoạch phát điện, kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa lưới truyền tải điện, công suất truyền tải trên lưới, kế hoạch sửa chữa lưới điện, kế hoạch sửa chữa các tổ máy, công suất khả dụng và công suất công bố của các tổ máy, các ràng buộc năng lượng và các thông tin liên quan cần thiết khác.

3. Đánh giá an ninh hệ thống điện bao gồm các nội dung tính toán, phân tích và công bố tổng công suất nguồn khả dụng dự kiến, phụ tải dự báo của hệ thống điện và các yêu cầu về an ninh hệ thống điện. Đánh giá an ninh hệ thống điện bao gồm đánh giá trung hạn và ngắn hạn được quy định như sau:

a) Đánh giá an ninh trung hạn:

- Đánh giá an ninh hệ thống cho hai (02) năm tiếp theo: được xây dựng nhằm đánh giá khả năng đảm bảo an ninh cung cấp điện của hệ thống điện trong hai (02) năm tiếp theo với đơn vị thời gian tính toán là tháng;

- Đánh giá an ninh hệ thống cho mười hai (12) tháng tới: được xây dựng nhằm đánh giá khả năng đảm bảo an ninh cung cấp điện của hệ thống điện trong mười hai (12) tháng tới với đơn vị thời gian tính toán là tuần;

- Đánh giá an ninh hệ thống cho tám (08) tuần tiếp theo: được xây dựng nhằm đánh giá khả năng đảm bảo an ninh cung cấp điện của hệ thống điện trong tám (08) tuần tiếp theo với đơn vị thời gian tính toán là tuần;

b) Đánh giá an ninh ngắn hạn: được xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện của hệ thống điện cho hai (02) tuần tiếp theo với đơn vị thời gian tính toán là giờ.

4. Kết quả đánh giá an ninh hệ thống điện trung hạn là cơ sở để các đơn vị tham gia thị trường điện tự xây dựng kế hoạch phát điện, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, tham gia điều chỉnh cân bằng cung cầu của hệ thống điện.

5. Để phục vụ việc đánh giá an ninh hệ thống điện, Đơn vị truyền tải điện và Khách hàng sử dụng lưới điện truyền tải phải đăng ký với Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa thiết bị điện, lưới điện và nguồn điện.

6. Trường hợp Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện nhận thấy kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa lưới điện, nguồn điện đe dọa tới an ninh hệ thống điện, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có quyền từ chối kế hoạch đó và phải nêu rõ lý do đối với bên bị từ chối.

7. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện chỉ được từ chối một kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa trên cơ sở xác định ảnh hưởng tới an ninh cung cấp điện của hệ thống do việc thực hiện kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa gây ra.

8. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Quy trình thực hiện đánh giá an ninh hệ thống điện trung hạn và ngắn hạn trình Cục Điều tiết điện lực ban hành.

Điều 91. Xác định mức dự phòng điện năng và dự phòng công suất hệ thống điện

1. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm tính toán xác định mức dự phòng công suất và dự phòng điện năng của hệ thống điện theo quy định xác định nhu cầu dịch vụ phụ trợ quy định tại Điều 71 Thông tư này trình Cục Điều tiết điện lực phê duyệt.

2. Trong quá trình xây dựng phương pháp tính toán dự phòng công suất và điện năng dự phòng, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải bảo đảm thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Xác định mức dự phòng công suất hợp lý:

- Công suất dự phòng là hiệu số giữa tổng công suất phát khả dụng dự báo của tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện và nhu cầu công suất cực đại dự báo của phụ tải hệ thống điện trong cùng thời gian;

- Dự phòng công suất tối ưu đạt được khi chi phí biên của điện năng thiếu hụt do sự cố nguồn điện và sự tăng đột biến của phụ tải vượt ngoài dự báo bằng với chi phí biên cho dự phòng khởi động nhanh để bù đắp lượng điện năng thiếu hụt đó;

- Mức công suất dự phòng hợp lý tương ứng với mức dự phòng công suất tối ưu có tính đến những yếu tố biến động phụ tải và các ràng buộc tổ máy phát điện trong hệ thống;

- Mức dự phòng công suất hợp lý được quy định tại Điều 92 Thông tư này.

b) Xác định dự phòng điện năng hợp lý:

- Dự phòng điện năng là hiệu số giữa tổng điện năng khả dụng dự báo của tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện trừ đi nhu cầu điện năng dự báo của phụ tải hệ thống điện trong cùng thời gian;

- Dự phòng điện năng tối ưu đạt được khi chi phí biên của lượng điện năng thiếu hụt do sự cố và biến động thủy văn của các nhà máy thủy điện vượt ngoài khoảng dự báo, bằng với giá biên của dự phòng khởi động nguội để bù đắp lượng điện năng thiếu hụt đó;

- Mức dự phòng điện năng hợp lý tương ứng với mức dự phòng điện năng tối ưu có tính đến những yếu tố biến động phụ tải và các ràng buộc tổ máy phát điện trong hệ thống;

- Mức dự phòng điện năng hợp lý được quy định tại Điều 92 Thông tư này.

3. Các yếu tố đầu vào sử dụng khi tính toán dự phòng công suất và dự phòng điện năng cho những trường hợp sau:

a) Tính toán mức dự phòng công suất được dùng để lập kế hoạch mua dự phòng khởi động nhanh, bao gồm:

- Công suất phát là công suất đăng ký của tất cả các nhà máy điện đã ký hợp đồng mua bán điện dài hạn;

- Suất sự cố của mỗi tổ máy được quy định dựa trên số liệu thống kê hoặc giá trị tính toán của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện cho loại máy phát đó;

- Dự báo nhu cầu phụ tải do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán cho vận hành được quy định tại Chương III Thông tư này;

- Chi phí thiếu hụt điện năng được xác định căn cứ trên các số liệu thống kê trước đây cho trường hợp nhu cầu phụ tải vượt quá tổng công suất khả dụng của nguồn cấp và tính toán của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện về chi phí cho cắt giảm nhu cầu phụ tải ngoài dự kiến (VOLL).

b) Tính toán mức dự phòng công suất hợp lý được sử dụng để lập kế hoạch ngừng, giảm cung cấp điện và sa thải phụ tải, bao gồm:

- Công suất phát là công suất khả dụng công bố của tất cả các nhà máy điện;

- Suất sự cố của mỗi tổ máy điện được quy định căn cứ trên số liệu thống kê hoặc theo đánh giá của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện cho loại tổ máy phát điện đó;

- Dự báo nhu cầu phụ tải do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán cho vận hành được quy định tại Chương III Thông tư này;

- Chi phí thiếu hụt điện năng được xác định căn cứ trên các số liệu thống kê trước đây cho trường hợp nhu cầu phụ tải vượt quá công suất khả dụng và tính toán của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện về chi phí cho cắt giảm nhu cầu phụ tải ngoài dự kiến (VOLL).

c) Tính toán mức dự phòng điện năng được sử dụng để lập kế hoạch mua dự phòng khởi động nguội, bao gồm:

- Công suất đăng ký của các tổ máy phát điện của nhà máy nhiệt điện có hợp đồng mua bán điện dài hạn hoặc hợp đồng dịch vụ dự phòng khởi động nhanh với suất sự cố tương ứng;

- Suất sự cố được xác định theo dữ liệu trước đây cho mỗi tổ máy phát điện (nếu có) hoặc theo đánh giá của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện cho loại máy phát đó;

- Dự báo biến động sản lượng điện năng của các nhà máy thủy điện được tính từ các dữ liệu trước đây về sản lượng điện năng thực phát hoặc dự báo căn cứ trên dữ liệu thủy văn;

- Nhu cầu điện năng được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán phục vụ vận hành quy định tại Chương VII Thông tư này;

- Chi phí thiếu hụt điện năng được xác định căn cứ trên sản lượng điện năng thiếu hụt tính toán, theo phương pháp thống kê (có tính đến sự biến động về sản lượng điện năng của các nhà máy thủy điện) và tính toán của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện về chi phí cho cắt giảm nhu cầu phụ tải ngoài dự kiến (VOLL).

d) Tính toán mức dự phòng điện năng được dùng để lập kế hoạch ngừng, giảm cung cấp điện và sa thải phụ tải, bao gồm:

- Điện năng công bố của các tổ máy nhà máy nhiệt điện trong từng giai đoạn;

- Suất sự cố của mỗi tổ máy được quy định căn cứ trên số liệu thống kê hoặc theo đánh giá của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện cho loại máy phát đó;

- Dự báo biến động sản lượng điện năng của các nhà máy thủy điện được tính từ các dữ liệu trước đây về sản lượng điện năng thực phát hoặc dự báo căn cứ trên dữ liệu thủy văn;

- Nhu cầu điện năng được Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán cho vận hành được quy định tại Chương VI Thông tư này;

- Chi phí thiếu hụt điện năng được xác định căn cứ trên sản lượng điện năng thiếu hụt tính toán, theo phương pháp thống kê (có tính đến sự biến động về sản lượng điện năng của các nhà máy thủy điện) và tính toán của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện về chi phí cho cắt giảm nhu cầu phụ tải ngoài dự kiến (VOLL).

Điều 92. Phê duyệt mức dự phòng công suất và dự phòng điện năng

1. Mức dự phòng công suất và dự phòng điện năng của hệ thống điện phải được Cục Điều tiết điện lực thông qua trên cơ sở đảm bảo mức dự phòng công suất và điện năng hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

2. Trong quá trình thẩm định để phê duyệt mức dự phòng công suất và dự phòng điện năng, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm lấy ý kiến từ các bên liên quan để xác định mức dự phòng công suất và dự phòng điện năng cụ thể như sau:

a) Lấy ý kiến về tác động ảnh hưởng của chi phí mua bán dịch vụ phụ trợ từ Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện;

b) Lấy ý kiến về tác động ảnh hưởng tới các tiêu chuẩn vận hành từ Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

c) Lấy ý kiến về tác động ảnh hưởng tới chất lượng điện từ đại diện khách hàng sử dụng điện;

d) Lấy ý kiến đánh giá tương quan chi phí cung cấp và chất lượng cấp điện từ Đơn vị bán buôn điện.

Điều 93. Đánh giá an ninh hệ thống trung hạn

1. Hàng năm, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải công bố thông tin đánh giá an ninh hệ thống trung hạn hai (02) năm tiếp theo.

2. Hàng quý, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm công bố lại đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn mười hai (12) tháng tới.

3. Hàng tuần, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm cập nhật và công bố đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn cho tám (08) tuần tiếp theo kể từ tuần công bố.

4. Các thông tin đầu vào cho đánh giá an ninh hệ thống trung hạn như sau:

a) Phụ tải dự báo của hệ thống điện và của ba miền, bao gồm cả công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ;

b) Biểu đồ phụ tải điển hình từng tuần của hệ thống và từng miền;

c) Điện năng đảm bảo tuần của các hồ chứa thủy điện đã phê duyệt;

d) Suất sự cố của các tổ máy và lưới điện truyền tải;

đ) Các yêu cầu về dịch vụ phụ của hệ thống;

e) Các ràng buộc lưới điện truyền tải dự kiến.

5. Đơn vị phát điện có trách nhiệm cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện các thông tin đầu vào phục vụ đánh giá an ninh hệ thống trung hạn như sau:

a) Dự kiến kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa thiết bị;

b) Công suất khả dụng hàng tuần của tổ máy;

c) Các ràng buộc năng lượng hàng tuần (nếu có) của tổ máy.

Những thông tin này phải cung cấp theo mẫu do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện yêu cầu.

6. Đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa lưới điện truyền tải các thông tin đầu vào phục vụ đánh giá an ninh hệ thống trung hạn. Trường hợp kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa lưới truyền tải điện có ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có quyền điều chỉnh khả năng phát điện của các tổ máy phát điện và thông báo các thay đổi và ràng buộc của lưới điện truyền tải cho các Đơn vị phát điện.

7. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện dự báo nhu cầu phụ tải điện tại các điểm giao nhận trên lưới điện truyền tải.

8. Các thông tin do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố trong đánh giá an ninh hệ thống trung hạn như sau:

a) Tổng công suất nguồn khả dụng có tính đến các ràng buộc năng lượng tổ máy, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện truyền tải và tổ máy phát điện;

b) Các yêu cầu về dịch vụ phụ trợ;

c) Công suất dự phòng hệ thống;

d) Điện năng dự phòng hệ thống;

đ) Dự kiến các ràng buộc trên lưới điện truyền tải.

9. Trường hợp Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện nhận thấy mức dự phòng công suất, dự phòng điện năng thấp hơn mức dự phòng được phê duyệt quy định tại Điều 92 Thông tư này, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có thể từ chối kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa của Đơn vị truyền tải điện và Đơn vị phát điện.

10. Trường hợp Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện từ chối kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, các đơn vị chịu ảnh hưởng có quyền đề xuất Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện kế hoạch sửa đổi trong thời hạn bảy (07) ngày.

11. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải duy trì cập nhật về đánh giá an ninh hệ thống trung hạn. Nếu các mức dự phòng công suất, dự phòng điện năng và an ninh cung cấp điện cục bộ được đáp ứng, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải phê duyệt kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa sửa đổi.

12. Sau khi các điều kiện an ninh hệ thống trung hạn được đáp ứng, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải công bố toàn bộ việc đánh giá an ninh hệ thống.

Điều 94. Đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn

1. Thời gian quy định cho đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn là mười bốn (14) ngày tới kể từ 24h00 của ngày công bố đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn cho đến 24h00 của ngày thứ 14 kế tiếp với đơn vị thời gian tính toán là giờ.

2. Hàng ngày, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm công bố đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn.

3. Các thông tin đầu vào cho đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn gồm:

a) Dự báo nhu cầu phụ tải điện;

b) Suất sự cố của các tổ máy và lưới điện truyền tải;

c) Yêu cầu về dịch vụ phụ của hệ thống;

d) Dự kiến các ràng buộc trên lưới.

4. Đơn vị phát điện phải cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện các thông tin đầu vào phục vụ đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn gồm:

a) Kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị;

b) Công suất khả dụng của tổ máy cho từng chu kỳ giao dịch;

c) Công suất công bố của tổ máy cho từng chu kỳ giao dịch;

d) Thời gian khởi động và ngừng máy đối với tổ máy khởi động chậm;

đ) Công suất phát ổn định thấp nhất của tổ máy.

5. Đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm thông báo cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa lưới truyền tải điện đã được phê duyệt. Trong trường hợp kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa lưới truyền tải có ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có quyền điều chỉnh khả năng phát điện của các tổ máy phát điện và thông báo cho các Đơn vị phát điện biết các điều chỉnh và ràng buộc trên lưới điện truyền tải.

6. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm cung cấp cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện dự báo nhu cầu phụ tải điện tại các điểm đấu nối vào lưới điện truyền tải.

7. Các thông tin do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố trong đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn bao gồm:

a) Tổng công suất khả dụng hệ thống có tính đến kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa lưới truyền tải;

b) Tổng công suất công bố của hệ thống có tính đến kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng lưới truyền tải;

c) Dự báo phụ tải hệ thống;

d) Yêu cầu về dịch vụ phụ;

đ) Dự phòng công suất hệ thống;

e) Dự phòng điện năng hệ thống;

g) Các dự kiến ràng buộc lưới.

8. Trường hợp Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện nhận thấy mức dự phòng công suất, dự phòng điện năng hay an ninh cung cấp điện cục bộ không đảm bảo mức dự phòng đã phê duyệt, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có thể từ chối kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa của Đơn vị truyền tải điện và các Đơn vị phát điện.

9. Trường hợp Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện từ chối kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, các đơn vị chịu ảnh hưởng có quyền đề xuất Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện kế hoạch sửa đổi trong thời hạn bảy (07) ngày.

10. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải duy trì cập nhật về đánh giá an ninh hệ thống ngắn hạn. Nếu các mức dự phòng công suất, dự phòng điện năng và an ninh cung cấp điện cục bộ được đáp ứng, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải phê duyệt kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa sửa đổi.

11. Nếu các điều kiện an ninh hệ thống ngắn hạn được thỏa mãn, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải công bố toàn bộ việc đánh giá an ninh hệ thống.

Thông tư 12/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện truyền tải do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 12/2010/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/04/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hữu Hào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 202 đến số 203
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH