Hệ thống pháp luật

Mục 5 Chương 6 Thông tư 12/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện truyền tải do Bộ Công thương ban hành

MỤC 5. LẬP LỊCH VÀ ĐIỀU ĐỘ HỆ THỐNG ĐIỆN

Điều 79. Lập lịch huy động ngày tới

1. Mục đích của việc lập lịch huy động ngày tới là điều chỉnh lịch huy động điện năng và các dịch vụ phụ trợ của mỗi tổ máy phát điện cho ngày tới.

2. Lập lịch huy động ngày tới được thực hiện căn cứ trên bản chào của các Đơn vị phát điện phù hợp với Quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đồng thời xét đến các ràng buộc an ninh hệ thống điện.

3. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm công bố trên trang Web chính thức của thị trường điện kết quả lịch huy động ngày tới dựa trên các bản chào của Đơn vị phát điện theo Quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.

Điều 80. Lập lịch huy động giờ tới

1. Mục đích của việc lập lịch huy động giờ tới:

a) Điều chỉnh lịch huy động các tổ máy phát điện theo dự báo nhu cầu phụ tải điện giờ tới và xét đến ràng buộc an ninh hệ thống điện;

b) Lập lịch huy động giờ tới cho các tổ máy phát điện và các dịch vụ phụ trợ phục vụ vận hành thời gian thực.

2. Trước ba mươi (30) phút của giờ tới, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm dự báo nhu cầu phụ tải điện giờ tới phục vụ lập lịch huy động giờ tới, chế độ vận hành dự kiến, các ràng buộc an ninh của hệ thống điện và các thông tin cần thiết khác.

3. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm công bố thông tin về kết quả lịch huy động giờ tới trên trang Web thị trường điện theo thời gian biểu vận hành thị trường điện.

Điều 81. Ràng buộc an ninh hệ thống

1. Để lập lịch huy động và điều độ đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc vận hành an toàn quy định tại Điều 57 và Điều 59 Thông tư này; Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải đưa ra chi tiết các ràng buộc an ninh hệ thống điện trong mô hình tính toán lập lịch huy động.

2. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm nghiên cứu và xác định danh mục các ràng buộc an ninh hệ thống điện phục vụ quá trình lập lịch huy động và điều độ kinh tế hệ thống điện, bao gồm:

a) Ràng buộc lưới điện truyền tải;

b) Ràng buộc khả năng phát của tổ máy phát điện;

c) Yêu cầu đối với dịch vụ phụ trợ;

d) Các ràng buộc cần thiết để đảm bảo an toàn cung cấp điện quy định tại Điều 57 và Điều 59 Thông tư này.

3. Quy trình lập lịch huy động và điều độ phải tính đến tất cả các ràng buộc an ninh hệ thống.

4. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải công bố cơ sở và cách tính các ràng buộc an ninh hệ thống điện trước ít nhất một tuần và phải được cập nhật liên tục.

5. Trường hợp cần thiết, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có thể thay đổi những ràng buộc an ninh hệ thống điện trong quá trình điều độ thời gian thực để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.

6. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải công bố lịch huy động ngày tới, những ràng buộc an ninh ảnh hưởng đến lịch huy động ngày tới, lịch huy động giờ tới và những phương thức điều độ thời gian thực cùng với giải trình về bất kỳ thay đổi nào khi thực hiện điều độ thời gian thực.

Điều 82. Điều độ hệ thống điện thời gian thực

1. Mục đích điều độ hệ thống điện thời gian thực.

a) Đảm bảo lịch điều độ các tổ máy phát điện và dịch vụ phụ trợ trong thời gian thực được thực hiện minh bạch đối với tất cả các bên khi tham gia thị trường điện;

b) Đảm bảo hệ thống điện được vận hành an toàn tin cậy theo quy định.

2. Các nguyên tắc điều độ hệ thống điện thời gian thực

a) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm vận hành hệ thống điện trong thời gian thực, ra lệnh điều độ và tuân thủ theo các quy trình, quy định có liên quan;

b) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm điều độ hệ thống điện trong thời gian thực căn cứ trên lịch huy động giờ tới. Trường hợp khẩn cấp, để đảm bảo an ninh hệ thống điện, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có quyền vận hành hệ thống điện khác với lịch huy động giờ tới. Các thay đổi này phải được ghi lại trong báo cáo vận hành ngày và thông báo cho các bên có liên quan;

c) Các đơn vị tham gia thị trường điện phải tuân thủ lệnh điều độ của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện;

d) Các lệnh điều độ phải được ghi lại trong nhật ký điều độ, bằng máy ghi âm và cơ sở dữ liệu của phần mềm quản lý vận hành hệ thống điện;

đ) Sau thời điểm vận hành thời gian thực, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải công bố thông tin về các lệnh điều độ huy động tổ máy, vận hành hệ thống điện trang Web thị trường điện theo thời gian biểu vận hành thị trường điện.

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Quy trình Điều độ hệ thống điện quốc gia trình Cục Điều tiết điện lực ban hành.

Điều 83. Các phương thức vận hành hệ thống điện thời gian thực

1. Phương thức vận hành ở chế độ bình thường và cảnh báo.

a) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện đảm bảo cân bằng cung cầu trong thời gian thực bằng cách ra lệnh thực hiện các thao tác vận hành dựa trên cơ sở lịch huy động giờ tới;

b) Khi xảy ra trạng thái mất cân bằng trên hệ thống điện, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện ra lệnh huy động các tổ máy phát điện cung cấp dịch vụ điều tần, dự phòng quay và sau đó điều chỉnh công suất phát của các tổ máy phát điện căn cứ trên thứ tự huy động theo các bản chào để đưa hệ thống điện trở lại trạng thái cân bằng và duy trì mức dự phòng theo quy định.

2. Phương thức vận hành ở chế độ khẩn cấp.

a) Trường hợp đã thực hiện các biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này mà hệ thống điện không trở về chế độ bình thường, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm huy động các tổ máy dự phòng khởi động nhanh căn cứ trên chi phí thấp nhất bao gồm cả lịch huy động giờ tới;

b) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm công bố lịch huy động thực tế của các loại dịch vụ phụ trợ trên trang Web thị trường điện theo Quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.

3. Phương thức vận hành ở chế độ cực kỳ khẩn cấp:

a) Trường hợp đã thực hiện các biện pháp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này mà hệ thống điện vẫn ở trạng thái mất cân bằng, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện được phép thực hiện các biện pháp sa thải phụ tải;

b) Trường hợp xảy ra sự cố trong vận hành thời gian thực, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự cố, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có quyền điều độ tất cả các nhà máy điện trong hệ thống điện nhằm nhanh chóng đưa hệ thống điện trở về trạng thái vận hành bình thường;

c) Các đơn vị liên quan phải tuân thủ lệnh điều độ của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện để khôi phục hệ thống điện trở về trạng thái vận hành bình thường;

d) Các thay đổi trên phải được ghi trong báo cáo vận hành của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện và thông báo cho các bên liên quan;

đ) Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Quy trình, thủ tục sa thải phụ tải của hệ thống điện trong chế độ sự cố trình Cục Điều tiết điện lực ban hành.

4. Khôi phục hệ thống điện

Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện phải thực hiện quy định tại Quy định khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia để tiến hành các biện pháp khôi phục hệ thống điện về chế độ vận hành bình thường.

5. Vận hành khi dừng thị trường điện

Trong trường hợp thị trường điện tạm dừng hoạt động, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm điều độ hệ thống điện căn cứ trên lịch huy động ngày tới có xét đến các ràng buộc an ninh hệ thống được tính toán và công bố.

Thông tư 12/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện truyền tải do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 12/2010/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/04/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Hữu Hào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 202 đến số 203
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH