Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TC/CĐKT

Hà Nội, ngày 07 tháng 2 năm 1987

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 10-TC/CĐKT NGÀY 7-2-1987 QUY ĐỊNH NHỮNG ĐIỂM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VỀ KẾ TOÁN ĐỂ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 76-HĐBT NGÀY 26-6-1986 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ CHỦ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ CƠ SỞ

Tiếp theo các thông tư hướng dẫn về chế độ tài chính đối với các đơn vị kinh tế cơ sở, thông tư này quy định những điểm sửa đổi, bổ sung về kế toán để thi hành Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng như sau:

I. KẾ TOÁN TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÀ KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

Ngoài những điểm đã quy định tại Thông tư liện Bộ Tài chính - Tổng cục Thống kê số 43-LB/TT ngày 29-11-1986 về kế toán xử lý kết quả tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định, các đơn vị xí nghiệp phải thực hiện các điểm sau đây:

Trường hợp tài sản cố định đã khấu hao cơ bản hết, nhưng vẫn được sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thì xí nghiệp phải xác định lại giá trị còn sử dụng được của tài sản cố định để tiếp tục trích khấu hao tính vào giá thành sản phẩm. Khoản trích khấu hao cơ bản của những tài sản cố định này được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp, kế toán ghi:

Nợ TK 86 - Vốn khấu hao (86.1 - Vốn khấu hao cơ bản).

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.1 - Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất).

Khi chuyển tiền gửi Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 55 - các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.5 - Tiền gửi Ngân hàng về các quỹ xí nghiệp).

Có TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

Vốn khấu hao sửa chữa lớn sử dụng theo chế độ hiện hành.

2. Trường hợp tài sản cố định chưa khấu hao hết đã hư hỏng, không sử dụng được nữa do nguyên nhân chủ quan, xí nghiệp phải làm thủ tục thanh lý, ghi giảm giá trị tài sản cố định và vốn cố định theo chế độ hiện hành. Khoản thiệt hại do tài sản cố định hư hỏng trước thời hạn gây ra, nếu là tài sản cố định đầu tư bằng vốn tín dụng thì xí nghiệp phải dùng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất để trả nợ Ngân hàng số tiền vay chưa trả hết, kế toán ghi:

Nợ TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.1 - quỹ khuyến khích phát triển sản xuất).

Có TK 72 - Thanh toán tiền vay Ngân hàng về xây dựng cơ bản bằng lợi nhuận và các nguồn vốn khác.

Khi trả nợ Ngân hàng kế toán ghi:

Nợ TK 94 - Vay dài hạn Ngân hàng.

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.5 - Tiền gửi Ngân hàng về các quỹ xí nghiệp).

Nếu là tài sản cố định đầu tư bằng vốn của ngân sách thì xí nghiệp phải dùng vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản để nộp ngân sách phần giá trị còn lại chưa khấu hao cơ bản hết, kế toán ghi:

- Xác định số phải nộp:

Nợ TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.4 - Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 71 - Thanh toán với ngân sách (71.4 - Các khoản nộp khác).

- Khi thanh toán với ngân sách:

Nợ TK 71 - Thanh toán với ngân sách (71.4 - các khoản nộp khác).

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

3. Trường hợp cấp có thẩm quyền ra lệnh điều động hoặc cho phép nhượng bán tài sản cố định, xí nghiệp phải tiến hành đánh giá lại tài sản cố định đó để xác định nguyên giá và giá trị còn lại phù hợp với chi phí đầu tư, mua sắm và mức hao mòn của tài sản cố định ở thời điểm bàn giao. Nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản cố định đã được đánh giá lại nói trên là căn cứ để tiến hành bàn giao và thanh toán giữa bên giao và bên nhận.

Mọi trường hợp điều đồng, nhượng bán tài sản cố định của xí nghiệp phải được thanh toán bằng tiền và thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước về thủ tục và phương pháp ghi chép kế toán.

Tiền thu về điều động, nhượng bán tài sản cố định tuỳ theo nguồn vốn đầu tư, mua sắm tài sản đó mà phải nộp ngân sách (nếu bằng vốn ngân sách), trả nợ ngân hàng (nếu bằng vốn tín dụng), hoặc bổ sung vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản (nếu bằng vốn tự có). Trình tự ghi sổ kế toán như sau:

a) Khi thu được tiền do điều động, nhượng bán tài sản cố định đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc vốn tín dụng, kế toán ghi:

Nợ TK 51 - Tiền gửi ngân hàng.

Có TK 30 - Kinh doanh ngoài cơ bản.

b) Xác định số phải nộp ngân sách, hoặc trả nợ ngân hàng, ghi:

Nợ TK 30 - Sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản.

Có TK 71 - Thanh toán với ngân sách (71.4 - Các khoản nộp khác), hoặc:

Có TK 72 - Thanh toán tiền vay ngân hàng về xây dựng cơ bản bằng lợi nhuận và các nguồn vốn khác.

Số phải nộp ngân sách là phần giá trị còn lại chưa khấu hao hết của tài sản cố định. Số phải trả nợ ngân hàng là số tiền vay còn nợ ngân hàng về đầu tư xây dựng cơ bản của tài sản cố định điều động, nhượng bán:

c) Khi nộp ngân sách, ghi:

Nợ TK 71 - Thanh toán với ngân sách (71.4 - Các khoản nộp khác)

Có TK 51 - Tiền gửi ngân hàng.

d) Khi trả nợ ngân hàng, ghi:

Nợ TK 94 - Vay dài hạn ngân hàng.

Có TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

e) Phần chênh lệch (thu lớn hơn số phải nộp) do điều động nhượng bán tài sản cố định được bổ sung vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, kế toán ghi:

Nợ TK 30 - Sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản.

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.1 - Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất).

Khi chuyển tiền gửi Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 55 - Các khoản tiền gửi ngân hàng khác (55.5 - Tiền gửi Ngân hàng về các quỹ xí nghiệp).

Có TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

g) Phần chênh lệch (phải nộp lớn hơn số thu) do điều động, nhượng bán tài sản cố định được bù đắp bằng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, kế toán ghi sổ bằng các bút toán ngược lại các bút toán ở mục e.

h) Trường hợp xí nghiệp được phép giữ lại tiền thu về nhượng bán tài sản cố định do nguồn vốn ngân sách đầu tư để bổ sung vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản sẽ hướng dẫn ở mục II của thông tư này.

Đối với tài sản cố định đầu tư bằng nguồn vốn tự có, khi thu được tiền do điều động, nhượng bán hạch toán trực tiếp vào nguồn vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, kế toán ghi:

Nợ TK 55 - Các khoản tiền gửi ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 87 - Các quỹ xí nghiệp (87.4 - Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

4. Trường hợp thanh lý tài sản cố định, xí nghiệp phải thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước về thủ tục và phương pháp ghi chép kế toán.

Các khoản thu chi phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản cố định được hạch toán theo chế độ kế toán hiện hành.

Phần chênh lệch thu lớn hơn chi do thanh lý tài sản cố định được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, kế toán ghi:

Nợ TK 85 - Vốn cơ bản (85.2 - Vốn lưu động).

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.1 - Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất).

Khi chuyển tiền gửi ngân hàng, ghi:

Nợ TK 55 - Các khoản tiền gửi ngân hàng khác (55.5 - Tiền gửi ngân hàng về các quỹ xí nghiệp).

Có TK 51 - Tiền gửi ngân hàng.

Phần chênh lệch chi lớn hơn thu do thanh lý tài sản cố định thì dùng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất để bù đắp, kế toán ghi sổ bằng các bút toán ngược lại các bút toán nói trên.

II. KẾ TOÁN VIỆC TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG VỐN TỰ CÓ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Căn cứ quy định tại mục II Thông tư số 10-ĐTXD ngày 22-7-1986 của Bộ tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng vốn tự có về đầu tư xây dựng và sử dụng cơ bản của các tổ chức sản xuất - kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc doanh thì nguồn trích lập vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của các xí nghiệp gồm có khấu hao cơ bản được phép để lại, số trích theo một tỷ lệ nhất định từ các quỹ xí nghiệp (quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi), số khấu hao sửa chữa lớn của tài sản cố định xét thấy cần đổi mới kỹ thuật, không cần thiết sửa chữa lớn theo định kỳ. Ngoài ra còn có các nguồn vốn khác như khoản tiền thu được do điều động vốn từ nơi khác đến, số tiền nhượng bán tài sản cố định được phép để lại theo quy định của Nhà nước...

Số vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản trích được phải gửi vào tài khoản tiền gửi vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản mở tại ngân hàng đầu tư và xây dựng, nơi xí nghiệp mở tài khoản và được sử dụng vào việc đầu tư chiều sâu nhằm đổi mới thiết bị, xây dựng mới, cải tạo, mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh và xây dựng nhà ở, các công trình phúc lợi khác của xí nghiệp.

Các Liên hiệp các xí nghiệp, các Tổng Công ty (tổ chức hoạt động theo điều lệ Liên hiệp các xí nghiệp) có quyền điều hoà nguồn vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản của các xí nghiệp do mình quản lý (sau khi có sự thoả thuận của xí nghiệp).

Để theo dõi và quản lý nguồn vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, kế toán sử dụng tài khoản 87 "Các quỹ của xí nghiệp" tiểu khoản 87.4 "Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản" (mở thêm), có chi tiết riêng theo từng nguồn hình thành và tài khoản 55 "Các khoản tiền gửi ngân hàng khác", tiểu khoản 55.7 "Tiền gửi ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản" (mở thêm) trong hệ thống tài khoản kế toán thống nhất. Phương pháp ghi chép kế toán như sau:

1. Khi trích khấu hao cơ bản để lại làm vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, kế toán ghi:

Nợ TK 86 - Vốn khấu hao (86.1 - Vốn khấu hao cơ bản).

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.4-Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

Khi chuyển tiền gửi ngân hàng, ghi:

Nợ TK 55 - Các khoản tiền gửi ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 51 - Tiền gửi ngân hàng.

2. Khi trích quỹ khuyến khích phát triển sản xuất hoặc quỹ phúc lợi làm vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, kế toán ghi:

Nợ TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.1 - Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất; 87.3 - Quỹ phúc lợi).

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.4 - Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

Khi chuyển tiền gửi ngân hàng, ghi:

Nợ TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi Ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.5 - Tiền gửi Ngân hàng về các quỹ của xí nghiệp).

3. Khi trích quỹ khấu hao sửa chữa lớn bổ sung vốn tư có về đầu tư xây dựng cơ bản, kế toán ghi:

Nợ TK 86 - Vốn khấu hao (86.2 - Vốn khấu hao sửa chữa lớn).

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.4 - Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

Khi chuyền tiền gửi ngân hàng, ghi:

Nợ TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi Ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.1 - Tiền gửi Ngân hàng về sửa chữa lớn).

4. Khi nhận được vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản do Liên hiệp các xí nghiệp hoặc Tổng công ty điều đến hoặc điều tra, kế toán ghi:

Nợ TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi Ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.4 - Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

5. Khi được phép để lại tiền thu về nhượng bán tài sản cố định nguồn vốn Ngân sách đầu tư để bổ sung vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, kế toán ghi:

Nợ TK 30 - Sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản.

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.4 - Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

Khi chuyển tiền gửi Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 55 - các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi Ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

6. Khi chuyển đi hoặc điều trả vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản cho đơn vị khác theo kế hoạch điều hoà của Liên hiệp các xí nghiệp hoặc Tổng công ty, kế toán ghi:

Nợ TK 87 - Các quỹ xí nghiệp (87.4 - Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi Ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

7. Khi sử dụng vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản sẽ tiến hành chuyển vốn và nguồn vốn theo chế độ quản lý xây dựng cơ bản của Nhà nước.

- Khi chuyển nguồn vốn, kế toán ghi:

Nợ TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.4 - Vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản).

Có TK 95 - Cấp phát xây dựng cơ bản (95.2 - Các nguồn vốn khác).

- Khi chuyển tiền gửi Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 54 - Tiền gửi Ngân hàng về vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.7 - Tiền gửi Ngân hàng về vốn tự có đầu tư xây dựng cơ bản).

III. KẾ TOÁN VỐN LƯU ĐỘNG

1. Theo thông tư số 46-TT/LB/TC/NHNN ngày 6-12-1986 của liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc quản lý vốn lưu động của các xí nghiệp quốc doanh, vốn lưu động của các xí nghiệp được đáp ứng bằng hai nguồn:

a) Vốn lưu động tự có và coi như tự có gồm:

- Vốn cấp phát ban đầu của ngân sách Nhà nước khi xí nghiệp mới bước vào sản xuất;

- Vốn trích từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh để tự bổ sung vốn lưu động hàng năm;

- Các khoản nợ định mức và các nguồn vốn khác (nếu có).

b) Vốn lưu động vay Ngân hàng Nhà nước:

Khi mới đi vào sản xuất - kinh doanh, xí nghiệp được ngân sách cấp một phần vốn lưu động định mức. Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, xí nghiệp giải quyết nhu cầu vốn tăng thêm bằng các nguồn vốn tự có và coi như tự có hoặc vay Ngân hàng trên cơ sở kế hoạch và hợp đồng tín dụng với Ngân hàng.

Ngoài ra, khi cần thiết cơ quan chủ quản cấp trên có thể điều động từ xí nghiệp hoặc cấp thêm vốn lưu động cho xí nghiệp (có hoàn lại hoặc không hoàn lại). Để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi,

ngoài số vốn ban đầu do ngân sách Nhà nước cấp, xí nghiệp phải huy động và sử dụng tốt nhất các nguồn vốn lưu động tự có và coi như tự có của mình.

Để quản lý chặt chẽ các nguồn hình thành vốn lưu động tự có và coi như tự có của xí nghiệp, trên sổ sách kế toán chi tiết và trên báo cáo kế toán về vốn lưu động (tiểu khoản 85-2) phải ghi chép và phản ánh rành mạch tình hình tăng, giảm và số hiện có của vốn lưu động theo từng nguồn vốn:

- Vốn lưu động do ngân sách Nhà nước cấp.

- Vốn lưu động bổ sung từ quỹ khuyến khích, phát triển sản xuất.

- Vốn lưu động từ các nguồn khác.

Khi có sự thay đổi về giá cả vật tư, hàng hoá tồn kho thuộc tài sản lưu động do cấp có thẩm quyền quyết định, xí nghiệp phải hạch toán khoản chênh lệch do thay đổi giá vào vốn lưu động của mình hoặc hạch toán tăng số dư nợ tiền vay ngân hàng theo tỷ lệ thực tế của từng loại vốn. Những xí nghiệp nào chưa xử lý khoản chênh lệch gía vật tư, hàng hoá còn để trên tài khoản 15 "đánh giá lại vật tư, hàng hoá" thì phải tiến hành xử lý theo quy định tại công văn số 36-LB/TC/NH ngày 17-2-1986 của liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước và công văn số 164-TC/CĐKT ngày 17-3-1986 của Bộ Tài chính.

2. Phương pháp kế toán vốn lưu động:

a) Khi có quyết định bổ sung vốn lưu động từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, kế toán ghi:

Nợ TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.1 - Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất).

Có TK 85 - Vốn cơ bản (85.2 - Vốn lư động - chi tiết vốn lưu động bổ sung từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất).

Khi chuyển tiền gửi Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.5 - Tiền gửi Ngân hàng về các quỹ của xí nghiệp).

b) Khi nhận được vốn lưu động do cơ quan cấp trên điều động hoặc cấp thêm, kế toán ghi:

Nợ TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

Có TK 85 - Vốn cơ bản (85.2 - Vốn lưu động - chi tiết vốn lưu động từ các nguồn khác).

Khi phải hoàn trả cơ quan cấp trên số vốn này, kế toán ghi sổ bằng bút toán ngược lại.

c) Giải quyết số chênh lệch do thay đổi giá vật tư, hàng hoá:

- Phản ánh số chênh lệch do tăng hoặc giảm giá vật tư, hàng hoá tồn kho, kế toán ghi:

Nếu tăng giá:

Nợ TK vật tư, hàng hoá.

Có TK 15 - Đánh giá lại vật tư, hàng hoá.

Nếu giảm giá:

Nợ TK 15 - Đánh giá lại vật tư, hàng hoá.

Có TK vật tư, hàng hoá:

- Phản ánh số chênh lệch giá tính cho từng phần vốn lưu động, kế toán ghi:

Trường hợp tăng giá:

Nợ TK 15 - Đánh giá lại vật tư, hàng hoá.

Có TK 71 - Thanh toán với ngân sách (phần nộp ngân sách) (71.3 - Các khoản chênh lệch giá).

Có TK 93 - Vay ngắn hạn ngân hàng (phần tăng dư nợ tiền vay ngân hàng).

Có TK 85 - Vốn cơ bản (phần tăng vốn lưu động tự có) (85.2 - Vốn lưu động).

Trường hợp giảm giá:

Nợ TK 93 - Vay ngắn hạn Ngân hàng (phần giảm dư nợ tiền vay Ngân hàng).

Nợ TK 85 - Vốn cơ bản (phần giảm vốn lưu động tự có) (85.2 - Vốn lưu động).

Có TK 15 - Đánh giá lại vật tư, hàng hoá.

d) Trường hợp Bộ, Tổng cục hoặc địa phương điều hoà vốn lưu động do ngân sách cấp từ nơi thừa đến nới thiếu giữa các xí nghiệp trực thuộc:

- Khi điều vốn lưu động đi, kế toán ghi:

Nợ TK 85 - Vốn cơ bản (85.2 - Vốn lưu động chi tiết - vốn lưu động do ngân sách cấp).

Có TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

- Khi nhận vốn lưu động từ nơi khác điều đến, kế toán ghi sổ như mục b trên đây.

IV. KẾ TOÁN MỘT SỐ KHOẢN CHI ĐƯỢC TÍNH VÀO GIÁ THÀNH THEO QUY ĐỊNH MỚI

Căn cứ điều 12 của quy định tạm thời của Hội đồng Bộ trưởng về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở (ban hành kèm theo Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng). Các khoản chi phí trước đây thuộc chế độ chi ngoài giá thành, nay quy định hạch toán vào giá thành sản phẩm:

- Chi phí cho các lớp bồi dưỡng tay nghề tập trung của xí nghiệp.

- Các chi phí bệnh xá, trạm y tế của xí nghiệp (có sự hỗ trợ của quỹ phúc lợi xí nghiệp).

- Chi phí phục vụ nhà ăn tập thể, nhà ăn bồi dưỡng ca ba, bồi dưỡng độc hại của xí nghiệp.

- Chi phí luyện tập quân sự, tiền lương của công nhân viên nghỉ để luyện tập quân sự.

Các khoản chi phí trên được hạch toán vào chi phí quản lý xí nghiệp, chi phí gián tiếp hoặc phí lưu thông.

Khi phát sinh các khoản chi phí trên, kế toán ghi:

Nợ TK 26 - Chi phí quản lý xí nghiệp hoặc

Nợ TK 27 - Chi phí gián tiếp hoặc

Nợ TK 44 - Chi phí lưu thông

Có các TK liên quan.

Các khoản chi ngoài giá thành khác sẽ được hướng dẫn ở thông tư riêng.

V. KẾ TOÁN KẾT QUẢ TÀI CHÍNH VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ XÍ NGHIỆP

Căn cứ vào điều 14, 15 của quy định tạm thời của Hội đồng Bộ trưởng về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở (ban hành kèm theo Quyết định số 76-HĐBTR ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng) thì lợi nhuận thực hiện của xí nghiệp gồm:

- Lợi nhuận thực hiện trong kế hoạch pháp lệnh, trong đó có:

Lợi nhuận trong kế hoạch.

Lợi nhuận vượt kế hoạch.

- Lợi nhuận sản xuất phụ bằng phế liệu, phế phẩm.

Đối với các khoản nộp phạt như phạt vi phạm hợp đồng kinh tế, phạt vi phạm kỷ luật tiền mặt, tín dụng, thanh toán... phải trừ vào phần lợi nhuận để lại xí nghiệp.

Khi nộp phạt, kế toán ghi sổ:

Nợ TK 99 - Lãi và lỗ.

Có TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

Để có cơ sở phân phối chính xác từng phần lợi nhuận, kế toán phải phản ánh riêng biệt từng phần lãi lỗ trong sổ kế toán và báo cáo kế toán.

Kế toán nộp lợi nhuận cho ngân sách và trích lập các quỹ xí nghiệp như chế độ kế toán hiện hành. Về sử dụng các quỹ xí nghiệp, ngoài các nội dung chi tiêu như chế độ đã quy định, bổ sung thêm một số nội dung chi tiêu và phương pháp kế toán như sau:

- Khi trích quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp để lập quỹ nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và quỹ dự trữ tài chính tập trung ở cơ quan quản lý cấp trên, kế toán ghi:

Nợ TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.1 - Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất).

Có TK 55 - các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.5 - Tiền gửi Ngân hàng về các quỹ của xí nghiệp).

- Khi trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi để lập quỹ Bộ trưởng (hoặc quỹ Tổng giám đốc liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty đối với các đơn vị không thuộc đối tượng trích lập ba quỹ xí nghiệp), kế toán ghi:

Nợ TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp

(87.2 - Quỹ khen thưởng)

(87.3 - Quỹ phúc lợi).

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác

(55.5 - Tiền gửi Ngân hàng về các quỹ xí nghiệp).

Trường hợp tổng số được trích vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi của đơn vị cơ sở vượt quá 50% quỹ lương cơ bản thực hiện cả năm của công nhân viên xí nghiệp, thì Nhà nước thu một khoản điều tiết theo tỷ lệ luỹ tiến quy định. Phần còn lại sau khi nộp một tỷ lệ nhất định cho cấp trên lập quỹ dự trữ tài chính, sẽ được bổ sung vào các quỹ xí nghiệp (vào quỹ nào, bao nhiêu, do giám đốc xí nghiệp quyết định). Kết quả phân phối này sẽ được xác định khi duyệt quyết toán.

Khi lập và xét duyệt quyết toán phải xác định tổng số tiền được trích các quỹ xí nghiệp, số lãi phải nộp ngân sách. Phần quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi được trích vượt quá 50% quỹ lương cơ bản (sau khi đã trừ 1% số dành cho hai quỹ này để lập quỹ Bộ trưởng hoặc quỹ Tổng giám đốc) phải trích một phần nộp ngân sách và cơ quan quản lý cấp trên để lập quỹ dự trữ tài chính.

- Trước hết kế toán ghi bút toán thanh toán về các quỹ xí nghiệp đã tạm trích và trích thêm cho đủ:

Nợ TK 99 - Lãi và lỗ. Số được trích các quỹ xí nghiệp.

Có TK 80 - Vốn trích (80.1; 80.2; 80.3). Số đã tạm trích.

Có TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp (87.1; 87.2; 87.3). Số được trích thêm.

- Phản ánh số phải nộp ngân sách và nộp cấp trên để lập quỹ dự trữ tài chính phần vượt quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi được trích:

Nợ TK 99 - Lãi và lỗ.

Có TK 71 - Thanh toán với ngân sách (71.4 - Các khoản nộp khác).

Có TK 87 - Thanh toán trong nội bộ ngành về các nghiệp vụ vãng lai (87.3 - Các khoản thanh toán khác).

- Khi nộp ngân sách hoặc cấp trên:

Nợ TK 71 - Thanh toán với ngân sách (71.4 - Các khoản thanh toán khác).

Nợ TK 78 - Thanh toán trong nội bộ ngành về các nghiệp vụ vãng lai (78.3 - Các khoản thanh toán khác).

Có TK 51 - Tiền gửi Ngân hàng.

- Trường hợp các xí nghiệp phải nộp một phần quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi để lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi của Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty (không thuộc đối tượng xét trích lập ba quỹ) kế toán ghi:

Nợ TK 87 - Các quỹ của xí nghiệp

(87.2 - Quỹ khen thưởng)

(87.3 - Quỹ phúc lợi)

Có TK 55 - Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác (55.5 - Tiền gửi Ngân hàng về các quỹ xí nghiệp).

- Kế toán lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của cơ quan quản lý cấp trên dược thực hiện trên tài khoản 88 "Các quỹ của ngành và Liên hiệp các xí nghiệp", tiểu khoản 88.2 "quỹ khen thưởng", 88.3 "quỹ phúc lợi".

- Kế toán lập và sử dụng quỹ Bộ trưởng (hoặc quỹ Tổng giám đốc) và quỹ dự trữ tài chính của cơ quan quản lý cấp trên cũng được thực hiện trên TK 88 "Các quỹ của ngành và Liên hiệp các xí nghiệp", tiểu khoản 88.6 "quỹ dự trữ tài chính của cơ quan quản lý cấp trên" và tiểu khoản 88.8 "Quỹ Bộ trưởng hoặc Tổng giám đốc" (mở thêm).

- Về kế toán tiền gửi Ngân hàng các loại quỹ trên được thực hiện trên TK 55 "Các khoản tiền gửi Ngân hàng khác", tiểu khoản 55.6 "tiền gửi Ngân hàng về các quỹ của ngành và Liên hiệp các xí nghiệp" (chi tiết riêng cho từng loại quỹ).

Các nghiệp vụ về hạch toán giá thành, thu, chi ngoại tệ, liên doanh, liên kết kinh tế sẽ có hướng dẫn riêng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1986 và áp dụng cho tất cả các ngành kinh tế thuộc khu vực quốc doanh.

Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các ngành, địa phương phản ánh về Bộ tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Hồ Tế

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-TC/CĐKT-1987 sửa đổi về kế toán để thi hành Quyết định 76-HĐBT-1986 về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 10-TC/CĐKT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/02/1987
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hồ Tế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/07/1986
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản