Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 263-CT

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 76-HĐBT NGÀY 26-6-1986 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG NHẰM BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ CHỦ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH

Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã thông qua Nghị quyết về "Chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế".

Để thực hiện Nghị quyết quan trọng này, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước sẽ ban hành Luật đầu tư, Luật lao động, các Pháp lệnh về thuế, về hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế, về kế toán - thống kê,...; Hội đồng Bộ trưởng sẽ ban hành nghị định về đổi mới kế hoạch hoá kinh tế quốc dân, các quyết định về chuyển hoạt động của các tổ chức thuộc các ngành phân phối lưu thông sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa và nhiều quy định quan trọng khác. Việc thể chế hoá Nghị quyết của Trung ương một cách đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh đòi hỏi phải có thời gian.

Trước mắt, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở kinh tế quốc doanh, nhất là cho việc tập trung sức hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước quý IV và cả năm 1987, chuẩn bị tốt việc lập kế hoạch năm tới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chức năng của Nhà nước tiến hành khẩn trương trong tháng 9 năm 1987 việc rà soát lại những quy định tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng; sửa đổi những điểm không phù hợp; bổ sung những nội dung mới theo tinh thần Nghị quyết 3 của Trung ương.

2. Những quy định được sửa đổi và bổ sung cần nêu cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, không trùng lặp, không trái ngược lẫn nhau, cũng như không mâu thuẫn với tinh thần của Nghị quyết Trung ương.

3. Nhằm bảo đảm yêu cầu trên đây, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, sự phân công rõ ràng và đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Cụ thể là:

- Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng phân công đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương thống nhất chỉ đạo việc xây dựng bản dự thảo bổ sung sửa đổi Quyết định số 76-HĐBT trước khi trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

- Đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong lĩnh vực kế hoạch hoá.

- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Vật tư có trách nhiệm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về bảo đảm vật tư - kỹ thuật nhằm thực hiện quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.

- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong lĩnh vực lao động, tiền lương.

- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở.

- Đồng chí Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về cơ chế kinh doanh xã hội chủ nghĩa và quản lý Nhà nước của Ngân hàng để bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.

- Đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong lĩnh vực giá cả.

- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội thương có trách nhiệm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ.

- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại thương có trách nhiệm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu và xuất nhập khẩu.

- Đồng chí Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung bản quy định tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

- Đồng chí Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có trách nhiệm chủ trì tổ chức, phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo, tổng hợp và hoàn chỉnh văn bản, trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng để xem xét và ban hành chính thức vào cuối tháng 9 năm 1987.

4. Các đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban, Bộ trưởng, Tổng cục trưởng và Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm gửi các ý kiến đóng góp cụ thể của Bộ, ngành mình và những điểm cần sửa đổi Quyết định số 76-HĐBT về Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (V3) trước ngày 25 tháng 9 năm 1987.

5. Việc soạn thảo và thông qua các quy định cần có sự tham gia ý kiến của các Ban hữu quan của Trung ương Đảng và của Tổng Công đoàn.

Việc sửa đổi, bổ sung những quy định tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 76-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm đáp ứng sự mong mỏi tháo gỡ khó khăn trước mắt của các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh sớm đưa Nghị quyết của Trung ương về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế vào cuộc sống. Làm tốt việc sửa đổi, bổ sung các văn bản của Nhà nước lần này còn tạo tiền đề thuận lợi cho các bước thể chế tiếp theo một cách đồng bộ, có chất lượng cao, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về cơ chế quản lý mới. Với ý nghĩa trên đây, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan hữu quan dành thời gian thoả đáng, tập trung sức chỉ đạo để thi hành tốt Chỉ thị này.

 

 

Phạm Hùng

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 263-CT sửa đổi Quyết định 76-HĐBT về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế quốc doanh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 263-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/09/1987
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 25/09/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản