Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 155-CT

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 1986

 

CHỈ THỊ

VỀ THI HÀNH NGHỊ QUYẾT (DỰ THẢO) CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ CHỦ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ CƠ SỞ

Thực hiện Nghị quyết (dự thảo) của Bộ Chính trị về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành các chính sách, chế độ tạm thời áp dụng cho các đơn vị kinh tế cơ sở về kế hoạch hoá, vật tư, lao động, tài chính, ngân hàng, giá, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ, xuất nhập khẩu, hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế.

Để tạo điều kiện cho các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và các Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

I. NHANH CHÓNG RA NHỮNG CHỈ THỊ, THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT CÁCH ĐỒNG BỘ CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH THEO ĐÚNG NGHỊ QUYẾT (DỰ THẢO) CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG.

1. Các ngành có liên quan khẩn trương soạn thảo và ban hành các thông tư hướng dẫn nhằm cụ thể hoá các Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng trong tháng 6 năm 1986 và tháng 7 năm 1986.

2. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính và Uỷ ban Vật giá Nhà nước soạn thảo và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định tạm thời về chế độ kế hoạch hoá và hạch toán giá thành vào tháng 7 năm 1986.

3. Tổng cục Thống kê chủ trì cùng Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước soạn thảo và ban hành thông tư liên bộ về chế độ kế toán, thống kê các ngành kinh tế quốc dân vào tháng 7 năm 1986.

4. Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương phải soát xét lại các văn bản do Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, các cấp đã ban hành từ trước tới nay, xoá bỏ những điều quy định không còn phù hợp, và hoàn thành hệ thống văn bản mới phù hợp với nội dung cơ chế quản lý mới. Công việc này phải làm xong trong quý III năm 1986.

Có những điểm gì thấy chưa rõ hoặc chưa được đưa vào Nghị quyết (dự thảo) của Bộ Chính trị và trong các văn bản mới ban hành của Nhà nước cần giải quyết thì các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở phải báo cáo xin chỉ thị của cấp trên. Cơ quan cấp trên có trách nhiệm nghiên cứu trả lời không quá hai tuần lễ kể từ khi nhận được văn bản đề nghị. Quá thời hạn ấy mà không có ý kiến trả lời thì xem như cấp trên đã đồng ý, cấp dưới hoặc cơ sở được thi hành theo đề nghị của mình. Vấn đề nào thấy cần phải nghiên cứu thêm chưa thể giải quyết sớm được thì cấp trên báo cáo cho các ngành, địa phương hay cơ sở biết và nghiên cứu trả lời không quá 2 tháng sau đó.

5. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì cùng Ban Tổ chức của Chính phủ, có sự tham gia ý kiến của Tổng công đoàn soạn thảo, trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định và ban hành mới hoặc bổ sung Điều lệ Liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh, Điều lệ Hội đồng xí nghiệp, Quyết định số 182 - CP (sửa đổi), Điều lệ Giám đốc xí nghiệp.

6. Bộ Tài chính chủ trì cùng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành bổ sung Điều lệ kế toán trưởng xí nghiệp.

Bộ Tài chính chủ trì cùng Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước nghiên cứu quy định lại một số chế độ cho xí nghiệp về kinh phí, thưởng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý.

7. Tổng cục thống kê chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng để Hội đồng Bộ trưởng xét trình Hội đồng Nhà nước ban hành pháp lệnh về kế toán - thống kê thống nhất trong cả nước.

8. Liên hiệp xã Trung ương chủ trì cùng Viện nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương và Ban tổ chức của Chính phủ nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp (sửa đổi).

9. Bộ Lao động, Tổng Công đoàn Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu trình dự thảo lần thứ nhất Luật lao động và Luật công đoàn vào cuối năm 1986.

II. CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Thực hiện việc chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm áp dụng rộng rãi có kết quả:

a) Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo điểm:

- Ngành than (Bộ Mỏ và than và Liên hiệp các xí nghiệp than Hòn Gai chịu trách nhiệm thực hiện).

- Nhà máy super phốt phát Lâm Thao (Tổng cục Hoá chất chịu trách nhiệm thực hiện).

- Ngành dệt (Bộ công nghiệp nhẹ và Liên hiệp các xí nghiệp dệt Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện).

- Các ngành chè, đường (Bộ công nghiệp thực phẩm cùng Liên hiệp các xí nghiệp chè Việt Nam và Liên hiệp mía đường II chịu trách nhiệm thực hiện).

- Nhà máy Giấy Vĩnh Phú (Liên hiệp các xí nghiệp giấy I và nhà máy giấy Vĩnh Phú chịu trách nhiệm thực hiện).

- Các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng (Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và thành phố nói trên chịu trách nhiệm thực hiện).

- Một số đơn vị thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, xây dựng, vận tải, thương nghiệp.

b) Mỗi ngành ở trung ương, Uỷ ban Nhân dân mỗi tỉnh, thành phố chọn và chỉ đạo điểm từ 1 đến 2 đơn vị trực thuộc.

c) Các ngành, địa phương và đơn vị cơ sở được chọn chỉ đạo điểm (cả trung ương và địa phương) phải lập đề án áp dụng cơ chế quản lý mới, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, những nội dung cần tập trung chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm áp dụng cho các ngành, địa phương và các đơn vị cơ sở khác; tổ chức thực hiện (bao gồm cơ quan hoặc người trực tiếp phụ trách, biện pháp tiến độ thực hiện ở từng bước, kế hoạch đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết...). Đề án phải trình cơ quan chỉ đạo cấp trên xem xét trước khi thực hiện.

2. Làm thí điểm.

Những vấn đề sau đây cần phải làm thí điểm ở một số nơi nhất định, do những cơ quan được giao chỉ đạo sau khi đã có kết luận mới mở rộng áp dụng:

a) Nghiên cứu thay chế độ thu quốc doanh bằng những hình thức thuế thích hợp: Bộ Tài chính chủ trì.

b) Chế độ tuyển lao động theo hợp đồng: Bộ Lao động chủ trì.

c) Bổ nhiệm giám đốc xí nghiệp trên cơ sở công nhân, viên chức bỏ phiếu tín nhiệm: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì.

Các cơ quan chỉ đạo điểm nêu trên có trách nhiệm cùng các ngành có liên quan nghiên cứu phương án thí điểm, chọn đơn vị thí điểm và chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị đó làm thí điểm; phương án phải trình xin ý kiến Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng muộn nhất là 2 tuần lễ trước khi cho thực hiện.

3. Tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu của cơ chế quản lý mới.

a) Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có chương trình bồi dưỡng gấp các lớp tập trung ngắn hạn cho cán bộ chủ chốt thuộc các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở quan trọng, trước hết là Giám đốc (Tổng Giám đốc) và bí thư Đảng uỷ các đơn vị trọng điểm. Chương trình, nội dung bồi dưỡng bao gồm các Nghị quyết, các Quy định mới của Trung ương Đảng, của Hội đồng Bộ trưởng, những kinh nghiệm, điển hình quản lý tốt đã được đúc kết.

b) Các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ thuộc ngành, cấp mình và của các cơ sở trực thuộc theo chương trình và nội dung nêu trên.

c) Các Viện, trường kinh tế có kế hoạch phối hợp, giúp đỡ các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đưa những nội dung cơ chế quản lý mới, những kinh nghiệm, điển hình quản lý tiên tiến vào chương trình và nội dung giảng dạy trong nhà trường. Tổ chức nghiên cứu những đề tài khoa học làm sáng tỏ những cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý kinh tế trong chặng đường đầu thời kỳ quá độ, những vấn đề chưa rõ cần làm thí điểm để góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý mới.

III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO

a) Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng phân công một Phó Chủ tịch chỉ đạo chung.

- Các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các ngành thuộc khối mình phụ trách.

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng là những cơ quan tham mưu giúp Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo chung.

- Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách chỉ đạo chung chỉ định một nhóm cán bộ thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp giúp Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo thực hiện.

b) Các ngành, các cấp chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên và sâu sát, phải kiểm tra chặt chẽ, kịp thời phát hiện các điển hình tiên tiến uốn nắn, sửa chữa những thiếu sót, lệch lạc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là ở các nơi chỉ đạo điểm và thí điểm.

Hàng tháng, hàng quý, các đơn vị điểm và thí điểm, các ngành, các cấp phải báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện lên cơ quan quản lý cấp trên của mình và lên cơ quan chỉ đạo điểm, thí điểm.

c) Đến cuối quý 3 và trong quý 4 năm 1986, các cơ sở làm điểm, thí điểm, các ngành, các cấp phải sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết (dự thảo) của Bộ Chính trị, rút ra những kết luận xác đáng về áp dụng cơ chế quản lý mới và báo cáo bằng văn bản về các cơ quan quản lý, các cơ quan chỉ đạo điểm, thí điểm cấp trên, góp phần hoàn chỉnh văn bản để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chính thức.

Xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý mới, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị kinh tế cơ sở là quán triệt và thi hành đồng bộ các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6, 7, 8, 9 của Trung ương (khoá V), các Nghị quyết 28, 31, 306 của Bộ Chính trị, kết luận của Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương, các nghị quyết và các Quy định của Hội đồng Bộ trưởng về phân phối lưu thông và về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nói chung. Đó là một công tác cách mạng có nội dung phong phú, sâu sắc, phức tạp; phải làm khẩn trương, nhưng làm có kế hoạch, từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện không ngừng. Phải chống bảo thủ, trì trệ, nhưng cũng phải chống chủ quan, nóng vội, giản đơn.

Đổi mới quản lý, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở hiện nay, trước hết phải nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt là đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; tăng cường quản lý thị trường, lập lại trật tự trong phân phối lưu thông, đấu tranh bình ổn vật giá, nhanh chóng cân bằng ngân sách chống lạm phát, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân; bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1986.

Những nhiệm vụ trên đây hết sức nặng nề, đòi hỏi các ngành, các cấp phải củng cố tổ chức và tăng cường năng lực và hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; đề cao trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, ý chí chiến đấu kiên cường của mỗi cán bộ, Đảng viên, phát huy vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn và các đoàn thể quần chúng khác.

Yêu cầu thủ trưởng các ngành, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị này, và trong quá trình thi hành có gì vướng mắc, phải báo cáo kịp thời để Hội đồng Bộ trưởng xem xét giải quyết.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 155-CT năm 1986 thi hành Nghị quyết (dự thảo) của Bộ Chính trị và Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 155-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/06/1986
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 11/07/1986
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản