Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46-TTLB/TC/NHNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 1986 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 76-HĐBT NGÀY 26-6-1986 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG.

Thực hiện Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng, nhằm phát huy quyền chủ động của xí nghiệp trong việc quản lý vốn lưu động, đáp ứng tốt yêu cầu của sản xuất – kinh doanh, bảo đảm xí nghiệp sử dụng vốn tiết kiệm, đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế cao, liên Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể một số vấn đề về quản lý vốn lưu động của các xí nghiệp quốc doanh như sau :

1. Vốn lưu động của xí nghiệp được đáp ứng bằng hai nguồn :

a) Vốn lưu động tự có và coi như tự có bao gồm :

- Vốn cấp phát ban đầu của Ngân sách Nhà nước khi xí nghiệp mới bước vào sản xuất.

- Vốn trích từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh để bổ sung vốn lưu động hàng năm.

- Các khoản nợ định mức (vốn chiếm dụng thường xuyên hợp pháp) như các khoản phải nộp Ngân sách nhưng chưa đến hạn nộp, tiền lương phải trả cho công nhân viên nhưng chưa đến hạn trả, chi phí trích trước.

- Các khoản vốn lưu động khác như vốn góp bằng nguồn vốn tự có trong liên doanh, liên kết, vốn lưu động được cơ quan chủ quản cấp thêm, giá trị những tài sản cố định thuộc vốn Ngân sách Nhà nước cấp, mua sắm bằng vốn tự có, bằng vốn vay Ngân hàng nhưng đã trả hết nợ mà đã chuyển thành tài sản lưu động do thay đổi tiêu chuẩn tài sản cố định, một phần số dư nhàn rỗi các loại quỹ của xí nghiệp trong lúc chưa sử dụng đến (như vốn khấu hao sửa chữa lớn, quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi) có thể tạm thời huy động vào dự trữ vật tư.

b) Vốn lưu động vay Ngân hàng Nhà nước.

2. Khi xí nghiệp mới đi vào sản xuất, kinh doanh, xí nghiệp được Ngân sách cấp một phần định mức vốn lưu động được duyệt (không phân biệt vốn lưu động định mức là hàng hóa hay không phải là hàng hóa) tùy theo từng ngành để bảo đảm phần vốn lưu động ngân sách cấp và các khoản nợ định mức kế hoạch chiếm :

- 10% (mười phần trăm) đối với các xí nghiệp dịch vụ, xí nghiệp ăn uống công cộng.

- 20% (hai mươi phần trăm) đối với các xí nghiệp vận tải nghiệp vụ bưu điện.

- 30% (ba mươi phần trăm) đối với các xí nghiệp thương nghiệp, các công ty ngoại thương.

- 50% (năm mươi phần trăm) đối với các xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, khai thác lâm sản, thăm dò địa chất, thủy sản, muối, xây lắp, bao thầu, các tổ chức cung ứng vật tư và các loại xí nghiệp khác.

Đối với những xí nghiệp theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt, xí nghiệp đưa vào khai thác làm nhiều đợt thì trong mỗi đợt xí nghiệp được xét duyệt lại định mức vốn lưu động cho phù hợp với nhu cầu vốn lưu động tăng thêm. Căn cứ vào tỷ lệ Ngân sách Nhà nước phải cấp phát trong định mức vốn lưu động, Ngân sách Nhà nước sẽ cấp thêm vốn ban đầu cho xí nghiệp cho tới khi định hình.

Trường hợp, do sắp xếp lại sản xuất, xác định lại nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh của một số xí nghiệp mà trên cơ sở đó có thành lập thêm xí nghiệp mới thì các cơ quan chủ quản, tài chính và ngân hàng không những phải xét duyệt định mức vốn lưu động của xí nghiệp mới thành lập mà còn phải xét duyệt lại định mức vốn lưu động của các xí nghiệp cũ do có thay đổi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Nếu các xí nghiệp cũ do thu hẹp nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mà thừa vốn lưu động tự có thì các xí nghiệp này phải chuyển số vốn thừa sang cho xí nghiệp mới thành lập theo lệnh điều động của cơ quan chủ quản, Ngân sách Nhà nước chỉ cấp phát cho xí nghiệp mới thành lập phần vốn lưu động ban đầu (tính theo tỷ lệ quy định ở trên) sau khi đã trừ đi số vốn lưu động thừa của các xí nghiệp cũ chuyển sang.

3. Phương pháp xác định định mức vốn lưu động cho xí nghiệp được tiến hành theo đúng những quy định đã ban hành theo Quyết định số 302-TTg ngày 07-7-1976 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ chủ quản phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xét duyệt định mức vốn lưu động cho các xí nghiệp quốc doanh trung ương.

Sở chủ quản phối hợp với Sở Tài chính và Chi nhánh Nhà nước Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xét duyệt định mức vốn lưu động cho các xí nghiệp quốc doanh do tỉnh quản lý.

Phòng chhủ quản phối hợp với Phòng tài chính và Chi nhánh Ngân hàng huyện, quận xét duyệt định mức vốn cho các xí nghiệp quốc doanh do huyện, quận quản lý.

4. Các xí nghiệp đã đi vào hoạt động trước ngày 1-7-1986 được giữ lại toàn bộ số vốn Ngân sách Nhà nước đã trực tiếp cấp phát cũng như số vốn Ngân sách Nhà nước đã cấp phát thay Ngân sách theo Chỉ thị số 301-CT ngày 1-12-1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và số vốn được phân chia từ khoản chênh lệch giá vật tư hàng hóa tồn kho để bổ sung vốn lưu động tự có, để dùng làm vốn lưu động tự có.

Hàng năm, xí nghiệp xem xét lại định mức vốn lưu động, nếu cần thiết thì đề nghị duyệt lại định mức vốn lưu động, trên cơ sở đó xác định số vốn lưu động tự có còn thiếu mà xí nghiệp phải tự bổ sung.

5. Ngoài số vốn do Ngân sách Nhà nước đã cấp, hàng năm xí nghiệp phải ưu tiên sử dụng quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh để bổ sung vốn lưu động tự có. Mức trích cụ thể từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh để bổ sung vốn lưu động tự có do Giám đốc xí nghiệp quyết định để bảo đảm đạt tỷ lệ vốn lưu động tự có và coi như tự có như quy định tại điểm 2 của Thông tư này. Trong năm kế hoạch, nếu xí nghiệp chưa thực hiện được kế hoạch tự bổ sung vốn thì vay Ngân hàng để bổ sung.

6. Ngoài số vốn lưu động tự có và coi như tự có, xí nghiệp được vay Ngân hàng để bảo đảm hoạt động sản xuất – kinh doanh, trên cơ sở kế hoạch tín dụng đã thỏa thuận, xí nghiệp ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng.

Trường hợp đặc biệt, nếu vốn lưu động bị mất mát, tổn thất do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa thì xí nghiệp được cơ quan tài chính xét cấp phục hồi vốn lưu động cho từng trường hợp cụ thể.

7. Đối với những vật tư ứ đọng chậm luân chuyển phát sinh trước đây đã được Ngân sách cấp phát và Ngân hàng cho vay thì khi giải phóng đến đâu, xí nghiệp có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Nhà nước và bổ sung vốn lưu động tự có tương ứng với kết cấu của vốn Ngân sách và vốn Ngân hàng trong vật tư ứ đọng chậm luân chuyển.

8. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-1986. Tất cả những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

 

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC



Nguyễn Văn Chuẩn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH




Hồ Tế

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 46-TTLB/TC/NHNN năm 1986 hướng dẫn Quyết định 76-HĐBT về quản lý vốn lưu động của các xí nghiệp quốc doanh do Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 46-TTLB/TC/NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 06/12/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Hồ Tế, Nguyễn Văn Chuẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản