Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2001/TT-BYT

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 10/2001/TT-BYT NGÀY 22 THÁNG 5 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN VIỆC ĐẦU TƯ CỦA NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC KHÁM, CHỮA BỆNH TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này.
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12/11/1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 9/6/2000 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 6/3/2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 3/3/1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
Căn cứ Pháp lệnh hành nghề Y dược tư nhân, Nghị định số 06/CP ngày 29/1/1994 về cụ thể hoá một số Điều của Pháp lệnh hành nghề Y dược tư nhân và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh và Nghị định trên.
Căn cứ Thông tư số 08/2000/TT-BLĐTBXH ngày 29/3/2000 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện việc cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam.
Sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2096 BKH/PLĐT ngày 9/4/2001, Bộ Y tế hướng dẫn việc đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực khám, chữa bệnh tại Việt Nam như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư vào lĩnh vực khám, chữa bệnh tại Việt Nam dưới các loại hình khám, chữa bệnh và hình thức đầu tư sau đây:

1. Loại hình khám, chữa bệnh:

1.1. Bệnh viện:

a. Bệnh viện đa khoa.

b. Bệnh viện chuyên khoa.

1.2. Phòng khám, cơ sở cận lâm sàng:

a. Phòng khám đa khoa: Là phòng khám có nhiều chuyên khoa (ít nhất có 2).

b. Phòng khám chuyên khoa.

c. Nhà hộ sinh.

d. Phòng khám chuyên khoa cận lâm sàng.

1.3. Dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài.

Các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài hoặc cơ sở khác nếu có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 14 Điều 9 của Thông tư này được đăng ký dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài.

2. Hình thức đầu tư:

a. Liên doanh.

b. 100% vốn nước ngoài.

c. Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Điều 2. Tổ chức Việt Nam được hợp tác đầu tư với nước ngoài để thành lập cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư với nước ngoài là:

1. Bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cơ sở khám, chữa bệnh là đơn vị sự nghiệp có thu của Việt Nam.

2. Bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh bán công.

3. Bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh tư nhân.

4. Các đối tượng thuộc Điều 2 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 3. Các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các loại hình quy định tại điểm 1.1, 1.2 Khoản 1 Điều 1 của Thông tư này phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật về hàng nghề y, dược tư nhân và các quy định khác của pháp luật có liên quan, thực hiện các quy định về chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.

Điều 4.

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét cấp Giấy phép đầu tư cho các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Y tế trên cơ sở xem xét Dự án đầu tư ban đầu phù hợp với qui hoạch tổ chức mạng lưới khám, chữa bệnh, đối tượng phục vụ trên địa bàn nơi cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở.

2. Sau khi cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài được xây dựng và hoàn chỉnh về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, tổ chức bộ máy, nhân sự. Bộ Y tế sẽ thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bênh.

3. Khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh do Bộ Y tế cấp, cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài mới được phép hoạt động.

Điều 5. Cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đúng phạm vi hoạt động chuyên môn được Bộ Y tế cho phép. Giá khám, chữa bệnh phải phù hợp trên cơ sở chất lượng trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, trình độ chuyên môn kỹ thuật của thầy thuốc và nhân viên y tế.

Điều 6.

1. Cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải làm lại thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh mới trong những trường hợp sau:

- Thay đổi hình thức đầu tư hoặc loại hình khám, chữa bệnh.

- Tách hoặc sáp nhập cơ sở khám, chữa bệnh.

- Thay đổi địa điểm hành nghề khám, chữa bệnh.

- Giấy chứng nhận hết hạn sử dụng.

2. Trong khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh còn giá trị, nếu thay đổi chủ đầu tư, thay đổi Giám đốc, cơ sở khám, chữa bệnh phải báo cáo Bộ Trưởng Bộ Y tế. Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh mới phải có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Điều 7. Cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải nộp phí, lệ phí thẩm định điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 8. Điều kiện chung:

1. Cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng các phương pháp hiện đại trong chuẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh với chất lượng cao, bảo đảm được tính hiệu quả và sự an toàn cho người bệnh.

2. Cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải có trang thiết bị y tế hiện đại phù hợp với từng loại hình khám, chữa bệnh đang được sử dụng trên thế giới. Hạ tầng cơ sở và cán bộ y tế phải phù hợp với trang thiết bị y tế hiện đại và phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật được duyệt; có tủ thuốc cấp cứu và hộp thuốc chống choáng (theo phụ lục 1), có đủ điện, nước, công trình vệ sinh, thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy... đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý chất thải theo đúng quy định pháp luật.

3. Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh (được gọi chung cho các chức danh Giám đốc bệnh viện, Trưởng phòng khám đa khoa, Trưởng phòng khám chuyên khoa, Trưởng phòng xét nghiệm, Trưởng phòng nhà hộ sinh) có vốn đầu tư nước ngoài phải có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh do Bộ Y tế cấp. Các Bác sỹ, nhân viên y tế làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc được giao và đã có trên 03 năm thực hành chuyên khoa.

4. Các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải có kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ Việt Nam.

Điều 9. Điều kiện cụ thể: Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 8 của Thông tư này, cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải có các điều kiện cụ thể sau:

1. Bệnh viện: Bệnh viện là cơ sở khám, chữa bệnh có điều trị nội trú và ngoại trú. Bệnh viện có thể là bệnh viện đa khoa hay bệnh viện chuyên khoa.

1.1. Điều kiện để Bệnh viện được phép hoạt động khám, chữa bệnh:

a. Giám đốc Bệnh viện là Bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Bệnh viện do Bộ Y tế cấp.

Trưởng khoa trong Bệnh viện là bác sĩ chuyên khoa đã thực hành 05 năm ở cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có 3 năm thực hành chuyên khoa.

b. Bệnh viện có ít nhất 21 giường bệnh.

c. Tổ chức, cán bộ phù hợp với qui mô bệnh viện.

d. Bệnh viện phải có đủ:

+ Khoa khám bệnh.

+ Khoa cấp cứu.

+ Các khoa điều trị.

+ Các khoa cận lâm sàng.

1.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn: Thực hiện theo đúng danh mục phạm vi hoạt động chuyên môn đã được Bộ Y tế phê duyệt. Bệnh viện phải nhận bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu, chỉ được chuyển viện sau khi đã cấp cứu.

2. Phòng khám đa khoa: Phòng khám đa khoa là cơ sở khám, chữa bệnh gồm nhiều phòng khám chuyên khoa (ít nhất có 2) do một Giám đốc phụ trách chung.

2.1. Điều kiện để Phòng khám đa khoa được phép hoạt động khám, chữa bệnh:

a. Giám đốc phòng khám đa khoa là bác sỹ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký phòng khám đa khoa do Bộ Y tế cấp.

Trưởng Phòng khám các chuyên khoa trong Phòng khám đa khoa phải là bác sĩ chuyên khoa đã thực hành 05 năm ở các cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp trong đó có 03 năm thực hành chuyên khoa.

b. Cơ sở hạ tầng: Các phòng khám chuyên khoa trong Phòng khám đa khoa phải đảm bảo đủ diện tích, trang thiết bị và điều kiện như phòng khám chuyên khoa theo quy định của Thông tư này. Ngoài quy định trên, Phòng khám đa khoa nhất thiết phải có phòng đợi, phòng cấp cứu, phòng lưu (phòng lưu tối đa không quá 10 giường và không lưu quá 24 giờ).

2.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn: Hành nghề theo danh mục của các chuyên khoa đã được duyệt.

3. Phòng khám nội: Phòng khám nội gồm các loại:

- Phòng khám nội tổng hợp.

- Các phòng khám thuộc hệ nội.

- Phòng khám gia đình.

- Phòng tư vấn sức khoẻ qua điện thoại.

3.1. Điều kiện để Phòng khám nội được phép hoạt động khám, chữa bệnh:

a. Trưởng phòng khám là bác sỹ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Phòng khám nội do Bộ Y tế cấp.

b. Phòng khám nội tổng hợp, các phòng khám thuộc hệ nội, Phòng khám Gia đình phải có trang thiết bị chuyên môn phù hợp phạm vi hành nghề.

Phải có buồng khám riêng biệt tối thiểu 10 m2, có giường khám, bàn làm việc.

Riêng phòng tư vấn sức khoẻ qua điện thoại không phải thực hiện quy định tại điểm b khoản 3.1 của điều này.

3.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

a. Phòng khám nội tổng hợp, phòng khám gia đình:

- Tư vấn sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình.

- Quản lý sức khoẻ.

- Sơ cứu, cấp cứu ban đầu, khám và kê đơn, điều trị các bệnh thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa. Phát hiện những trường hợp vượt quá khả năng, chuyển đến phòng khám chuyên khoa hay tuyến trên.

- Khám ngoại: sơ cứu gẫy xương, không bó bột, không làm tiểu phẫu.

- Khám sản phụ: khám thai, quản lý thai sản, không đỡ đẻ.

- Khám răng, không được nhổ răng.

- Khám Tai-Mũi-Họng: soi Tai-Mũi-Họng, không được chích rạch viêm tai giữa.

- Lấy bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, không được sinh thiết, không được chọc dò.

- Điện tim, siêu âm v.v... không cần phải cấp Giấy chứng nhận riêng, nhưng phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và đã được thực hành về các chuyên khoa này của cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho phép ghi trong phạm vi hành nghề.

b. Các phòng khám thuộc hệ nội: khám bệnh, chuẩn đoán, điều trị các bệnh thuộc chuyên khoa đã được phê duyệt.

4. Phòng khám chuyên khoa ngoại:

4.1. Điều kiện để Phòng khám ngoại được phép hoạt động khám, chữa bệnh:

a. Trưởng phòng khám là bác sỹ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Phòng khám ngoại do Bộ Y tế cấp.

b. Phòng khám chuyên khoa ngoại phải có dụng cụ tiểu phẫu và phòng tiểu phẫu, phòng cấp cứu và lưu bệnh nhân, phải đặc biệt lưu ý đến kỹ thuật chống nhiễm khuẩn.

4.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Sơ cứu - cấp cứu ban đầu ngoại khoa.

- Khám và xử trí các vết thương thông thường.

- Bó bột gẫy xương nhỏ.

- Tháo bột theo chỉ định của thầy thuốc đã bó bột cho người bệnh.

- Thắt búi trĩ nhỏ, mổ u nang bã đậu, u nông nhỏ.

- Không chích các ổ mủ lan toả lớn.

5. Phòng khám chuyên khoa phụ sản - Kế hoạch hoá gia đình:

5.1. Điều kiện để Phòng khám chuyên khoa phụ sản - kế hoạch hoá gia đình được phép hoạt động khám, chữa bệnh:

a. Trưởng phòng khám là bác sỹ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Phòng khám chuyên khoa Phụ sản - Kế hoạch hoá gia đình do Bộ Y tế cấp.

b. Có buồng khám riêng biệt với diện tích ít nhất là 10 m2, có bàn khám, dụng cụ khám và làm thủ thuật về phụ sản. Ngoài phòng khám có phòng làm thủ thuật.

5.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Tư vấn giáo dục sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình.

- Cấp cứu ban đầu sản phụ khoa.

- Khám thai, quản lý thai dản.

- Khám, chữa bệnh phụ khoa thông thường.

- Đặt thuốc âm đạo.

- Đốt điều trị lộ tuyến cổ tử cung.

- Soi cổ tử cung, lấy bệnh phẩm tìm tế bào K.

- Đặt vòng

- Hút thai dưới 15 ngày.

- Đình sản nam không dùng dao.

- Không nạo thai, phá thai, không tháo vòng, không đình sản nữ.

- Không đỡ đẻ tại phòng khám.

6. Phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm Mặt:

6.1. Điều kiện để Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt được phép hoạt động khám, chữa bệnh:

a. Trưởng phòng khám là bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt do Bộ Y tế cấp.

b. Có đủ phòng tiểu phẫu, phòng làm việc thích hợp với phạm vi hành nghề.

6.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Khám, chữa bệnh thông thường, cấp cứu ban đầu các vết thương hàm mặt.

- Làm các tiểu phẫu sửa sẹo vết thương nhỏ dưới 02 cm ở mặt.

- Nắn sai khớp hàm

- Điều trị laze bề mặt.

- Chữa các bệnh viêm quanh răng.

- Chích rạch áp xe, lấy cao răng, nhổ răng.

- Làm răng, hàm giả.

7. Phòng khám chuyên khoa Tai- Mũi - Họng:

7.1. Điều kiện để Phòng khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng được phép hoạt động khám, chữa bệnh: Trưởng Phòng khám là bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Phòng khám chuyên khoa tai Mũi Họng do Bộ Y tế cấp.

7.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Cấp cứu ban đầu về Tai Mũi Họng.

- Khám, chữa bệnh thông thường:

+ Viêm xoang, chọc dò xoang, chọc hút dịch u nang.

+ Chích rạch viêm tai giữa cấp.

+ Chích rạch áp xe amiđan

+ Cắt polip đơn giản, u bã đậu, u nang lành, u mỡ vùng tai mũi họng.

+ Cầm máu cam.

+ Lấy dị vật vùng tai mũi họng. Không lấy dị vật thanh quản, thực quản.

+ Đốt họng bằng nhiệt, bằng laze.

+ Khâu vết thương vùng đầu cổ dưới 5 cm

+ Nạo VA.

8. Phòng khám chuyên khoa Mắt:

8.1. Điều kiện để Phòng khám chuyên khoa mắt được phép hoạt động khám, chữa bệnh: Trưởng phòng khám là bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Phòng khám chuyên khoa mắt do Bộ Y tế cấp.

8.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Cấp cứu ban đầu, chữa bệnh thông thường về mắt.

- Tiêm dưới kết mạc, cạnh nhãn cầu, hậu nhãn cầu.

- Lấy dị vật kết mạc, chích chắp lẹo, mổ quặm, mổ mộng.

- Thông rửa lệ đạo.

9. Phòng chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ: là cơ sở thực hiện những dịch vụ thẩm mỹ do thầy thuốc đảm nhiệm.

9.1. Điều kiện để Phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ được phép hoạt động:

a. Trưởng phòng khám là bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh dược phép đăng ký Phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ do Bộ Y tế cấp.

b. Cơ sở phải đảm bảo vô trùng, có đủ phòng phẫu thuật, phòng lưu, phòng chờ.

c. Nếu những tiểu phẫu thuật làm thay đổi về nhận dạng phải được sự đồng ý của cơ quan công an.

9.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Xăm môi, xăm mi, hút mụn, các dịch vụ chăm sóc gây chảy máu.

- Cấy tóc.

- Nâng gò má thấp, nâng sống mũi.

- Phẫu thuật căng da mặt.

- Xử lý các nếp nhăn mi trên, mi dưới, tạo hình mắt một mí thành hai mí.

10. Phòng chuyên khoa Điều dưỡng - phục hồi chức năng và Vật lý trị liệu:

10.1. Điều kiện để Phòng khám chuyên khoa Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Vật lý trị liệu được phép hoạt động khám, chữa bệnh: trưởng phòng khám là bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Phòng khám chuyên khoa Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Vật lý trị liệu do Bộ Y tế cấp.

10.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Chăm sóc các hội chứng liệt thần kinh Trung ương và ngoại biên.

- Chăm sóc các bệnh cơ xương khớp mãn tính.

- Chăm sóc sau phẫu thuật cần phục hồi chức năng tiếp tục.

- Thực hiện các kỹ thuật:

+ Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.

+ Các phương pháp vật lý trị liệu được duyệt.

+ Hoạt động trị liệu.

11. Phòng chuẩn đoán hình ảnh: Phòng chuẩn đoán hình ảnh là cơ sở góp phần chuẩn đoán bệnh và theo dõi kết quả điều trị bằng các thiết bị X quang, siêu âm.

11.1. Điều kiện đề phòng chuẩn đoán hình ảnh được phép hoạt động khám, chữa bệnh:

a. Trưởng phòng chuẩn đoán hình ảnh là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được đăng ký Phòng khám, chuyên khoa, chuẩn đoán hình ảnh do Bộ Y tế cấp

b. Có đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, khám X quang đạt tiêu chuẩn an toàn bức xạ được cấp giấy phép bức xạ an toàn. Cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn; phải có phòng đợi, buồng chiếu chụp; buồng rửa phim, in ảnh, buồng đọc kết quả v.v... Buồng đặt thiết bị phải cao ít nhất 3,5 m, tường trát barit, cửa có ốp tấm chì, nền nhà cao ráo.

11.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Chuẩn đoán X quang, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ.

- Chuẩn đoán siêu âm doppler, siêu âm thường, nọi soi chuẩn đoán.

- Không sử dụng cản quang tĩnh mạch.

- Không chọc dò dưới hướng dẫn của siêu âm, không làm phẫu thuật nội soi, không soi phế quản, không làm các can thiệp X quang chảy máu.

12. Phòng xét nghiệm: Phòng xét nghiệm là cơ sở giúp cho chẩn đoán và theo dõi điều trị: gồm huyết học, hoá sinh, vi sinh, giải phẫu bệnh vi thể.

12.1. Điều kiện để phòng xét nghiệm được phép hoạt động:

a. Trưởng phòng xét nghiệm là bác sỹ hay dược sỹ, cử nhân sinh học, hoá học có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Phòng khám chuyên khoa xét nghiệm do Bộ Y tế cấp.

b. Cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tiêu chuẩn của một labo xét nghiệm, thiết kế kiến trúc và tổ chức phải đảm bảo an toàn lao động theo đúng quy chế công tác khoa xét nghiệm. Ngoài khu vực làm xét nghiệm cần chú ý đến các bộ phận phụ trợ như điện, nước và phòng chống cháy.

12.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

Làm các xét nghiệm về huyết học, hoá sinh, vi sinh vật, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh (vi thể).

13. Nhà hộ sinh: Nhà hộ sinh là cơ sở đỡ đẻ, quản lý và chăm sóc thai sản.

13.1. Điều kiện để nhà hộ sinh được phép hoạt động:

a. Trưởng Nhà hộ sinh là bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được phép đăng ký Nhà hộ sinh do Bộ Y tế cấp. Trưởng Nhà hộ sinh phải là người hành nghề 100% thời gian.

b. Cơ sở hạ tầng: Có phòng chờ đẻ, phòng đẻ, phòng sau đẻ đảm bảo vệ sinh vô khuẩn và thông thoáng.

13.2. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

- Khám thai, quản lý thai sản.

- Cấp cứu ban đầu, sơ cứu sản khoa.

- Tiêm phòng uốn ván theo quy định cho mỗi bà mẹ khi mang thai.

- Thử Protein niệu

- Đỡ đẻ thường.

- Cắt, khâu tầng sinh môn khi có chỉ định, khâu rách tầng sinh môn độ một.

- Nạo hút thai dưới 12 tuần.

- Nạo sót rau sau đẻ, sau sẩy.

- Có thể đỡ đẻ khó, giác hút, Forceps.

- Đặt vòng, không tháo vòng, không được làm thủ thuật sản khoa loại I.

14. Dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài: Điều kiện được phép hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài:

- Phải là cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài. Giám đốc các cơ sở này phải có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh

- Có đủ bác sỹ, nhân viên y tế chuyên khoa hồi sức cấp cứu, có phương tiện vận chuyển và đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc cấp cứu đảm bảo an toàn cho người bệnh trong khi vận chuyển.

- Có hợp đồng với Công ty dịch vụ hàng không để vận chuyển người bệnh.

Chương 3:

HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH

Điều 10. Hồ sơ thủ tục:

1. Cá nhân đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

a. Hồ sơ:

- Đơn xin cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

- Giấy cam kết thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về y tế và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan (theo phụ lục 2)

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên khoa, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy xác nhận thời gian thực hành trên 5 năm của nước sở tại (có chứng nhận Công chứng Nhà nước)

- Giấy phép lao động do Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp cho người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý

b. Thủ tục: Hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được gửi về Bộ Y tế (Vụ Điều trị). Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Y tế sẽ cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh hoặc từ chối cấp thì phải thông báo bằng văn bản

2. Cá nhân đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài là người mang quốc tịch Việt Nam:

a. Hồ sơ: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2000/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn xét cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

b. Thủ tục: Sau 15 ngày kể từ khi Bộ Y tế nhận được hồ sơ hợp lệ, cá nhân sẽ được thông báo thời gian dự kiểm tra cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh vào tháng thứ 03 của mỗi quý.

Điều 11. Thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh:

Bộ Trưởng Bộ Y tế xét cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư này để đăng ký các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có giá trị trong phạm vi cả nước và có thời hạn trong 5 năm kể từ ngày cấp. Sau 5 năm người có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải trình với Bộ Y tế Giấy xác nhận đã tham gia lớp đào tạo cập nhật kiến thức chuyên khoa để làm thủ tục gia hạn Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Chương 4:

HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ KHÁM CHỮA, CHỮA BỆNH

Điều 12. Hồ sơ xin cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh" (theo phụ lục 3).

Điều 13. Thủ tục thẩm định để cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh":

1. Cơ sở xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh phải gửi hồ sơ đến Bộ Y tế (Vụ điều trị)

2. Nội dung biên bản thẩm định: (theo phụ lục 4)

Tất cả tài liệu đều gửi bản chính kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, các bản dịch ra tiếng Việt và các bản sao đều phải có dấu công chứng nhà nước.

Điều 14. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh.

1. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh" cho cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Bộ Y tế thành lập Hội đồng thẩm định giúp Bộ trưởng trong việc xem xét đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận. Hội đồng do Thứ trưởng làm Chủ tịch, Vụ trưởng Vụ điều trị làm Phó Chủ tịch thường trực, một đại diện ban chấp hành Tổng hội Y dược học Việt Nam và các thành viên khác. Khi tiến hành thẩm định, có sự tham gia của 01 đại diện Sở Y tế và đại diện cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 15. Thời gian hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh:

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp có giá trị trong 5 năm kể từ ngày cấp.

2. Trước khi hết hạn 3 tháng, các cơ sở phải làm thủ tục để xin gia hạn tiếp.

2.1. Hồ sơ:

+ Đơn xin gia hạn

+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh đã được cấp

+ Bản báo cáo hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài trong 5 năm: Báo cáo cần nêu rõ tình hình hoạt động cụ thể về hoạt động khám, chữa bệnh trong 5 năm, tình trạng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế, tiến bộ kỹ thuật, ưu điểm, tồn tại và biện pháp khắc phục, hướng phát triển trong thời gian tới.....

+ Giấy khám sức khoẻ của Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh, các Trưởng khoa, bác sỹ, nhân viên y tế và nhân viên khác.

2.2. Thủ tục: Hồ sơ gửi đến Bộ Y tế (Vụ Điều trị), Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn thẩm định để xem xét gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh được gửi và lưu như sau: Giấy chứng nhận do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp được làm thành 4 bản: 01 bản gửi cho Sở Y tế, 01 bản gửi cho đương sự, 02 bản lưu Bộ Y tế.

Chương 5:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 16. Ngoài quyền và nghĩa vụ được quy định tại Chương III của Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân và Điều 16 Nghị định 06/CP ngày 29/01/1994 của Chính phủ về cụ thể hoá một số điều của Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Chương V (Khuyến khích và ưu đãi đầu tư) của Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 6/3/2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài có quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Quyền:

- Bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài được phép tổ chức Nhà thuốc cung cấp thuốc cho bệnh nhân ngoại trú, thủ tục lập nhà thuốc theo đúng quy định của pháp luật. Nếu không thành lập nhà thuốc thì bệnh viện phải có khoa dược bệnh viện cung cấp thuốc cho bệnh nhân nội trú.

- Bác sỹ, dược sỹ và các nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài được học tập dài hạn theo các quy định tuyển sinh của nhà nước để nâng cao nghiệp vụ; tham gia đều đặn các sinh hoạt và bồi dưỡng chuyên môn của ngành, được dự tập huấn cập nhật kiến thức, đặc biệt là những dịch bệnh nguy hiểm (sốt rét, tả, thương hàn, HIV/AIDS....). Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) có trách nhiệm phối hợp với Hội Y dược học tỉnh tổ chức đào tạo, huấn luyện, nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức cho các đối tuợng nêu trên.

- Cơ sở khám, chữa bệnh, cá nhân có thành tích trong phục vụ người bệnh được biểu dương, khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ các hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở.

- Cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng khuyến khích và ưu đãi đầu tư tại Điều 18, 19, 20, 21,22, 23 của Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 6/03/2000 của Chính phủ.

2. Nghĩa vụ:

- Phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, tài chính như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và được hưởng các khuyến khích ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài trích lợi nhuận/năm để tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí hoặc hỗ trợ cho người nghèo, thảm hoạ.

- Phải treo biển hiệu đúng quy định (theo phụ lục 5), niêm yết công khai biểu giá viện phí, phạm vi hành nghề chi tiết; thực hiện đúng phạm vi hành nghề cho phép và giá viện phí được duyệt. Cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải xây dựng bảng xây dựng bảng giá viện phí báo cáo Bộ Y tế phê duyệt.

- Không được kê đơn, sử dụng các loại thuốc, sử dụng các thiết bị y tế chưa được phép lưu hành, áp dụng các kỹ thuật mới chưa được phép của Bộ Y tế.

- Có nghĩa vụ tham gia phòng chống dịch và tham gia các chương trình y tế quốc gia. Nghiêm cấm việc lợi dụng thuốc, dụng cụ của chương trình (được nhà nước bao cấp miễn phí) đem bán để thu lợi.

- Phải ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước Việt Nam để được hỗ trợ kỹ thuật và chuyển bệnh nhân khi có yêu cầu.

- Phải thực hiện các quy định trong "Quy chế bệnh viện" ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/09/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế (Hồ sơ bệnh án phải viết bằng tiếng Việt hoặc song ngữ tiếng Việt và một ngoại ngữ khác do cơ sở khám, chữa bệnh tự chọn), thực hiện các chế độ phụ cấp đặc thù nghề đặc biệt như cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 17.

- Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài trong toàn quốc.

- Sở Y tế có trách nhiệm quản lý Nhà nước về chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài trong địa bàn do Sở Y tế quản lý.

Điều 18. Các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ quý, 6 tháng, năm về Sở Y tế, Bộ Y tế theo Quy chế Bệnh viện, ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/09/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Báo cáo định kỳ của Sở Y tế gửi về Bộ Y tế phải có phần quản lý khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài của địa phương. (Phụ lục 7).

- Hàng năm các Sở Y tế có báo cáo riêng về khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài.

Chương 7:

KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Bộ Y tế tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ hay đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề khám, chữa bệnh ở các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài trong toàn quốc.

Sở Y tế tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ hay đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề khám, chữa bệnh ở các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài trong địa phương quản lý.

Các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra tại cơ sở của mình.

Điều 20. Các cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân hành nghề trong các cơ sở này, nếu vi phạm các quy định của Thông tư này, vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế, vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 22/BYT-TT ngày 29/12/1994 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn việc đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khám, chữa bệnh tại Việt Nam.

Điều 22. Các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp "Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện thành lập cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Thông tư số 22/BYT-TT ngày 29/12/1994 của Bộ trưởng Bộ Y tế, trước khi hết hạn 05 tháng, cơ sở phải làm các thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận mới theo quy định của Thông tư này.

Đỗ Nguyên Phương

(Đã ký)

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC THUỐC CẤP CỨU DÙNG CHO CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2001/TT-BYT ngày 22/5/2001)

STT

Tên thuốc

Đường dùng, hàm lượng, dạng bào chế

Số lượng

1

Acetylsalicylic acid

Uống, viên hoặc gói bột 100-300-500 mg

10 viên

2

Aminophylline

Tiêm, ống 25mg/ml ống 10 ml

5 ống

Uống, viên 300 mg

10 viên

3

Ampicillin (muối natri)

Tiêm, lọ 500-1000 mg

5 lọ

4

Atropin sulfat

Tiêm, ống 0,25mg/1ml

5 ống

5

Artesunat

Uống, viên 50 mg

10 viên

Tiêm, lọ 60 mg bột + 0,6 ml dung dịch Natricarbonate 5%

5 ống

6

Benzylpenicillin

(muối Kali hay muối Natri)

Tiêm, lọ 200.000UI-1.000.000UI

5 lọ

7

Calci chlorid

Tiêm, ống 500 mg/5ml

5 ống

8

Chlorpromazin

Tiêm, ống 25 mg/2ml

5 ống

9

Co-trimoxazol

Uống, viên 480 mg

10 viên

11

Diphenhydramine

Tiêm, ống 10-30-50 mg

5 ống

12

Gentamicin

Tiêm, ống 40 mg - 80 mg

5 ống

13

Glocose

Tiêm, dung dịch 30% ống 10 ml

5 ống

14

Glyceryl trinitrate

Uống, viên 0,5 mg - 2,5 mg

10 viên

15

Furosemid

Tiêm, ống 20mg/2ml

5 ống

16

Heptaminol (Hydrocloride)

Uống, viên 150 mg

10 viên

17

Isoprenallin

Tiêm, ống 2mg/1ml

5 ống

18

Lidocain (Hydrocloride)

Tiêm, ống 1-2-5ml dung dịch 1-2%

5 ống

19

Loperamide (HCL)

Uống, viên 2 mg

10 viên

20

Metronidazol

Tiêm, chai 500 mg/100 ml

1 chai

21

Natri hydrocarbonat

Tiêm, ống 10ml dung dịch 1,4%

10 ống

22

Natri thiosulfat

Viên nén 330 mg

10 viên

Tiêm 100mg/ml và 200mg/ml ống 10ml

5 ống

23

Nifedipin

Uống, viên 10mg - 20 mg

10 viên

24

Oresol (ORS)

Uống, gói bột 27,9 g/l dùng pha 1lít nước sôi để nguội

5 gói

25

Panthenol

Phun sương, hộp

1 lọ

26

Papaverin (Hydrochloride)

Uống, viên 40 mg

20 viên

27

Paracetamol

Uống, viên 100-500 mg

10 viên

Đặt, viên đạn 100 mg

5 viên

28

Paracetamol+ Dextroproxyphene chlohydrate

Uống, viên Paracetamol 400 mg + Dextroproxyphene chlohydrate 30 mg

10 viên

29

Propacétamol (Chlohydrate)

Tiêm bắp, tiêm tính mạch, ống 1g propacétamol chlohydrate + ống dung môi Citrate trisodique

5 ống

30

Promethazine

Uống, viên bọc đường 10mg - 50mg

10 viên

31

Propranolol (Hydrocloride)

Uống, viên 40 mg

10 viên

32

Quinin(Hydrocloride)

Tiêm, ống 500mg/5ml

5 ống

33

Salbutamol (Sulfat)

Uống, viên 2-4 mg

10 viên

Phun sương, hộp 0,1mg/liều

1 hộp

34

Than hoạt

Gói bột 20 gam, uống

10 gói

35

Naloxone

Tiêm, ống 0,5 mg

5 ống

36

PAM

Uống, viên 1 mg

20 viên

37

Sorbitol

Gói bột 5 gam, uống

10 gói

35

Vitamin K1

Tiêm, ống 5mg/1ml

5 ống

38

Vitamin B1

Tiêm, ống 25 mg

5 ống

THUỐC GÂY NGHIỆN

39

Morphin (Chlohydrat)

Tiêm, ống 10mg/ml

5 ống

40

Pethidin (Hydrocloride)

Tiêm, ống 50mg/ml ống 2ml

5 ống

THUỐC HƯỚNG TÂM THẦN, TIỀN CHẤT

41

Diazepam

Tiêm, ống 10mg/2ml

5 ống

Uống, viên 5 mg

10 viên

42

Ergotamin (Tartrate)

Tiêm, ống 0,5mg/1ml

10 ống

43

Phenobacbital

Uống, viên 100 mg

10 viên

THUỐC ĐỘC

44

Digoxin

Uống, viên 0,25 mg

10 viên

Tiêm, ống 0,5mg/2ml

5 ống

45

Dopamin (Hydrocloride)

Tiêm, 40mg/ml ống 5 ml

5 ống

46

Epinephrin

Tiêm, ống 1mg/1ml

5 ống

47

Haloperidol

Tiêm, ống 5mg/1ml

5 ống

48

Mazipredon

Tiêm, ống 30mg/1ml

5 ống

49

Methylprednisonon acetat

Tiêm, ống 40 - 80 mg

5 ống

50

Norepinephrine

Tiêm, ống 1mg/1ml

5 ống

51

Papayverin

Tiêm, ống 10mg/1ml

5 ống

52

Oxytoxin

Tiêm, ống 5 UI/1ml

10 ống

53

Pilocarpin (Nitrat)

Thuốc nhỏ mắt 2-4%

1 lọ

54

Salbutamol (Sulfat)

Tiêm, ống 0,5mg/2ml, 5mg/5ml

5 ống

55

Tiemonium (Iodide)

Tiêm, ống 5mg/2ml

5 ống

DỊCH TRUYỀN

56

Glucose

Dung dịch tiêm truyền 5% chai 250ml - 500 ml

1 chai

Dung dịch tiêm truyền 30% chai 250ml - 500ml

1 chai

57

Natri clorua

Dung dịch tiêm truyền 0,9%, chai 500ml

1 chai

58

Ringger lartat

Dung dịch tiêm truyền, chai 250-500 ml

1 chai

LOẠI KHÁC

59

Oxygen dược dụng

Đường hô hấp, bình khí hoá lỏng

1 bình

Quy định về sử dụng danh mục thuốc cấp cứu:

1. Thuốc gây nghiện chỉ sử dụng cho phòng khám đa khoa có giường lưu, Phòng khám chuyên khoa ngoại, Nhà hộ sinh. Việc truyền dịch chỉ được thực hiện tại phòng khám đa khoa có giường lưu và nhà hộ sinh.

2. Các phòng khám, nhà hộ sinh căn cứ danh mục thuốc cấp cứu này xây dựng cơ số thuốc cấp cứu phù hợp phạm vi hành nghề cho phép.

3. Căn cứ phạm vi hành nghề của từng loại hình đã được duyệt và căn cứ vào quy định của danh mục thuốc này: Bộ Y tế (Cục quản lý Dược Việt Nam) duyệt thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc độc cho các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

PHỤ LỤC 2

MẪU CAM KẾT THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2001/TT-BYT ngày 22/5/2001)

Họ tên:

Sinh ngày tháng năm

Giấy phép lao động số ngày tháng năm. Nơi cấp:

Loại hình khám, chữa bệnh:

Để cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài của tôi hoạt động theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, tôi cam đoan đã đọc và hiểu biết về các văn bản quy phạm luật về y tế, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt là các văn bản sau:

1. Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

2. Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân và các văn bản liên quan đến Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân.

3. Nghị định số 46/CP ngày 6/8/1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế.

4. 12 điều quy định về y đức (Ban hành kèm theo Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 6/1/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

5. Quy chế bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

6. Quy chế quản lý chất thải y tế (Ban hành kèm theo Quyết định số 2575/1999/QĐ-BYT ngày 27/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

7. Các Chương trình y tế Quốc gia phổ cập có liên quan đến khám, chữa bệnh.

Nếu tôi thực hiện không đúng các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm và chịu xử lý vi phạm theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

KÝ TÊN

PHỤ LỤC SỐ 3

HỒ SƠ XIN CẤP "GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH"
(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2001/TT-BYT ngày 22/5/2001)

1. Văn bản đề nghị của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở.

2. Đơn xin xét cấp "Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh"

3. Điều lệ tổ chức hoạt động cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài.

4. Giải trình kinh tế - kỹ thuật phải thể hiện các nội dung sau:

- Sự cần thiết phải đầu tư.

- Mục tiêu của Đề án.

- Tên hiệu, địa điểm, hình thức đầu tư, phương án xây dựng hạ tầng cơ sở.

- Các khu vực, phòng chuyên môn, số giường bệnh.

- Các hạng mục hỗ trợ (điện, nước, phòng cháy chữa cháy, xử lý chất thải, đường đi, cảnh quan).

- Chi phí xây dựng. Tiến độ thực hiện.

- Có Giấy chứng nhận xử lý chất thải, an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy.

- Ký hợp đồng hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật với các cơ sở y tế Nhà nước.

- Tên thiết bị y tế, ký mã hiệu, hãng sản xuất, số lượng, đơn giá, thành tiền. Tổng giá trị đầu tư cho thiết bị y tế.

- Bộ máy quản lý, tổ chức nhân sự (số lượng, cơ cấu bác sĩ, nhân viên y tế chủ chốt). Kế hoạch chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ Việt Nam. Vốn đầu tư và phân tích tài chính. Hiệu quả kinh tế, xã hội.

5. Phạm vi hoạt động chuyên môn cụ thể. (Nếu thực hiện dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài phải có hợp đồng với cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ngoài có đủ điều kiện về chuyên môn và kỹ thuật cao để tiếp người bệnh chuyển đến).

6. Danh sách của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.

7. Hồ sơ cá nhân:

- Giấy khám sức khoẻ, bản sao văn bằng nghiệp vụ chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, Giấy phép lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp cho Giám đốc.

- Giấy khám sức khoẻ, bản sao văn bằng nghiệp vụ chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của nước sở tại và xác nhận thực hành trên 05 năm, Giấy phép lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp của các Trưởng khoa, các bác sĩ, dược sĩ, cán bộ đại học và các nhân viên y tế người nước ngoài (có chứng nhận của công chứng Nhà nước).

- Giấy khám sức khoẻ, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, hợp đồng lao động của các bác sĩ và các nhân viên y tế là người Việt Nam.

- Khi thay đổi bác sĩ, nhân viên y tế là người nước ngoài phải trình Bộ Y tế phê duyệt trước khi tham gia hành nghề và được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Y tế.

8. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế cấp. Riêng đối với cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký là công ty hợp danh thì các thành viên hợp danh phải nộp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

9. Giấy giới thiệu của Tổng hội Y Dược Việt Nam.

10. Giấy phép Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp.

11. Nếu là cơ sở khám, chữa bệnh liên doanh thì phải có hợp đồng liên doanh và Điều lệ liên doanh (Theo Điều 12, 13 của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000)

12. Hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ kỹ thuật y tế phải nêu rõ được nội dung Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Theo Điều 7 của Nghị định cố 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000)

Lưu ý: Hồ sơ làm thành 02 bộ bằng tiếng Việt và 02 bộ bằng tiếng Anh.

PHỤ LỤC 4

NỘI DUNG BIÊN BẢN THẨM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2001/TT-BYT ngày 22/5/2001)

1. Căn cứ pháp lý.

2. Hồ sơ xin thành lập (theo quy định tại Điều 23)

3. Cơ sở hạ tầng và điều kiện vệ sinh môi trường.

4. Tổ chức - Nhân sự.

5. Trang thiết bị dụng cụ y tế.

6. Phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật cụ thể.

7. Giá dịch vụ.

8. Biên bản thẩm định gồm các phần chính:

- Thời gian và địa điểm.

- Thành phần:

+ Đoàn thẩm định.

+ Đại diện của cơ sở được thẩm định.

9. Kết quả thẩm định của các nội dung (Ghi cụ thể).

10. Kết luận và kiến nghị.

PHỤ LỤC SỐ 5

MẪU BIỂN HIỆU CƠ SỞ HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2001/TT-BYT ngày 22/5/2001)

1. Quy định chung:

- Biển một màu nền trắng chữ đỏ.

- Kích thước tương xứng với diện tích nơi hành nghề nhưng tối thiểu là 0.6m x 1m

- Biển treo nơi dễ thấy, chữ dễ đọc, không sử dụng các biển đã hoen rỉ, rơi thiếu chữ, chữ đã mờ không rõ nghĩa.

- Không được để chữ thập đỏ lên biển hiệu.

- Nội dung bảng hiệu gồm các nội dung sau:

. Tên loại hình hành nghề.

. Họ tên người đăng ký hành nghề.

. Địa chỉ hành nghề.

. Số điện thoại (nếu có)

. Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

. Giờ làm việc.

2. Bệnh viện

BỆNH VIỆN (tên chuyên khoa)...................

(Tên bệnh viện)

Địa chỉ:

Số giấy phép: Số điện thoại:

3. Phòng khám bệnh chuyên khoa:

PHÒNG KHÁM BỆNH

(Tên phòng khám)

Bác sĩ: (Ghi rõ họ tên chủ phòng khám)

Khám chữa bệnh chuyên khoa: (Ghi đúng giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp)

Số giấy phép: Số điện thoại:

Số giấy phép: Giờ làm việc:

4. Phòng khám đa khoa.

PHÒNG KHÁM BỆNH ĐA KHOA

(Tên phòng khám)

Các chuyên khoa.............................

Bác sĩ phụ trách: (Ghi rõ họ tên BS trưởng phòng khám đa khoa)

Địa chỉ Điện thoại:

Số giấy phép: Giờ làm việc:

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10/2001/TT-BYT hướng dẫn việc đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực khám, chữa bệnh tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 10/2001/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/05/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Nguyên Phương
  • Ngày công báo: 22/07/2001
  • Số công báo: Số 27
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 14/02/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản