Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 04/2024/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương II

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN KHUNG VÀ XÁC ĐỊNH DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA THUỘC ĐỀ ÁN KHUNG

Điều 8. Xây dựng Đề án khung và xác định danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia

1. Căn cứ Quyết định phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo kêu gọi đề xuất và thời hạn nhận Phiếu đề xuất triển khai sản phẩm quốc gia.

2. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn, tổng hợp đề xuất từ các tổ chức, cá nhân (nếu có), xây dựng Phiếu đề xuất triển khai sản phẩm quốc gia theo quy định tại Mẫu A2-ĐXTK-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan và các chuyên gia (trong trường hợp cần thiết) tổng hợp nội dung đề xuất, xây dựng Thuyết minh Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia theo quy định tại Mẫu A3-TMĐAK-SPQG và dự thảo Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia kèm danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Mẫu A4-ĐAK-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xét duyệt Đề án khung, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư này. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án khung và danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Mẫu A8-QĐ- ĐAK-DMNV-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này sau khi có ý kiến bằng văn bản của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan.

5. Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố công khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia đặt hàng trong năm kế hoạch trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ để tuyển chọn hoặc giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có đủ năng lực triển khai thực hiện.

Căn cứ thời gian thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia được phê duyệt danh mục và tình hình thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố công khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia đặt hàng trong những năm kế hoạch tiếp theo trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ để tuyển chọn hoặc giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có đủ năng lực triển khai thực hiện.

Trình tự, thủ tục tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư này.

6. Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung Đề án khung và danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung.

Trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung thực hiện như đối với trình tự, thủ tục phê duyệt quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều này.

Điều 9. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn xét duyệt Đề án khung và xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung

1. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ xét duyệt Đề án khung và xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung (sau đây viết tắt là Hội đồng).

a) Hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xét duyệt Đề án khung và xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung;

b) Hội đồng có từ 09 đến 11 thành viên là các ủy viên, bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên là các chuyên gia khoa học thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, các cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp, trong đó tối đa 60% tổng số thành viên là các chuyên gia khoa học. Mỗi nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung phân công 02 thành viên làm ủy viên phản biện;

c) Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định số lượng thành viên và thành phần Hội đồng khác với quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đơn vị quản lý Chương trình có trách nhiệm tổ chức các phiên họp Hội đồng.

2. Phiên họp của Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng tham dự trong đó có 02 ủy viên phản biện. Hội đồng làm việc theo điều hành của Chủ tịch Hội đồng. Nếu Chủ tịch Hội đồng vắng mặt thì ủy quyền bằng văn bản cho Phó chủ tịch Hội đồng điều hành phiên họp.

3. Đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình, đại diện bộ quản lý ngành, lĩnh vực và đại diện các đơn vị liên quan được mời tham dự các phiên họp của Hội đồng.

4. Tài liệu phục vụ Hội đồng gửi đến các thành viên Hội đồng trong thời gian ít nhất 05 ngày làm việc, trước thời điểm tiến hành phiên họp. Tài liệu gồm:

a) Quyết định thành lập Hội đồng;

b) Thuyết minh Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia theo quy định tại Mẫu A3-TMĐAK-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Dự thảo Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia kèm theo danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Mẫu A4-ĐAK-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Phiếu đề xuất triển khai sản phẩm quốc gia theo quy định tại Mẫu A2- ĐXTK-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Mẫu Phiếu nhận xét và đánh giá Đề án khung theo quy định tại Mẫu A5- PNXĐG-ĐAK-SPQG, mẫu Phiếu nhận xét nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Mẫu A6-PNX-NV- SPQG, mẫu Phiếu đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Mẫu A7-PĐG-NV-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Tài liệu khác liên quan (nếu có).

5. Bộ Khoa học và Công nghệ cử 02 thư ký hành chính giúp chuẩn bị tài liệu và tổ chức các phiên họp của Hội đồng.

6. Hội đồng làm việc theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 10 Thông tư này.

7. Trên cơ sở kết quả làm việc của Hội đồng và ý kiến bằng văn bản của bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án khung và danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung đối với từng sản phẩm quốc gia theo quy định tại Mẫu A8-QĐ-ĐAK-DMNV-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trong nước hoặc nước ngoài hoặc thành lập Hội đồng khác để xét duyệt Đề án khung và xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung.

Điều 10. Trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng

1. Thư ký hành chính công bố quyết định thành lập Hội đồng.

2. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tóm tắt các yêu cầu đối với Hội đồng.

3. Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng (trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt) điều hành phiên họp của Hội đồng.

4. Hội đồng cử một thành viên làm thư ký khoa học để ghi chép các ý kiến thảo luận và ghi biên bản các phiên họp của Hội đồng.

5. Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng trình bày nhận xét, đánh giá Đề án khung và các nhiệm vụ khóa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung; Thư ký khoa học đọc ý kiến nhận xét và đánh giá của các thành viên Hội đồng vắng mặt (nếu có).

6. Hội đồng thảo luận, phân tích tính phù hợp về tên, mục tiêu, nội dung chủ yếu, sản phẩm dự kiến, tính khả thi, hiệu quả của Đề án khung; sự cần thiết, tính phù hợp về tên, mục tiêu, nội dung chủ yếu, sản phẩm dự kiến của từng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung, tham khảo ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp.

7. Các thành viên Hội đồng nhận xét và đánh giá Đề án khung theo quy định tại Mẫu A5-PNXĐG-ĐAK-SPQG, nhận xét các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Mẫu A6- PNX-NV-SPQG, đánh giá các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Mẫu A7-PĐG-NV-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Hội đồng cử Ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên trong đó có trưởng ban và 02 ủy viên. Kết quả kiểm phiếu nhận xét và đánh giá Đề án khung tổng hợp theo quy định tại Mẫu A9-BBKP-ĐAK-SPQG, kết quả kiểm phiếu đánh giá các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung tổng hợp theo quy định tại Mẫu A10-BBKP-NV-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này.

9. Hội đồng thông báo kết quả kiểm phiếu đánh giá

a) Đề án khung được thông qua khi có trên 3/4 tổng số thành viên Hội đồng tham dự họp bỏ phiếu đánh dấu vào ô đáp ứng yêu cầu.

b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung được Hội đồng đề nghị thực hiện khi có trên 3/4 tổng số thành viên Hội đồng tham dự họp bỏ phiếu đánh dấu vào ô đề nghị thực hiện.

c) Phiếu nhận xét và đánh giá của thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo.

10. Thư ký khoa học ghi Biên bản làm việc của Hội đồng theo quy định tại Mẫu A11-BBHĐ-SPQG và tổng hợp kiến nghị của Hội đồng về Đề án khung kèm theo danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung theo quy định tại Mẫu A12-ĐAK-HĐ-SPQG ban hành kèm theo Thông tư này.

11. Hội đồng thống nhất kiến nghị về phương thức thực hiện (tuyển chọn hoặc giao trực tiếp) từng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung được đề nghị thực hiện.

Thông tư 04/2024/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 04/2024/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/06/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 765 đến số 766
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH