Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2000/TT-BCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2000

THÔNG TƯ

CỦA CÔNG NGHIỆP SỐ 04/2000/TT-BCN NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 2000HƯỚNG DẪN CÁCH GHI NHÃN HÀNG HÓA LÀ SẢN PHẨM CÁC NGÀNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
(Thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTgngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ)

Thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây gọi là Quy chế ghi nhãn hàng hóa), Bộ Công nghiệp hướng dẫn một số điểm cụ thể cách ghi nhãn hàng hóa là sản phẩm các ngành sản xuất công nghiệp (dưới đây gọi là hàng hóa công nghiệp) như sau.

1- Các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa công nghiệp tự công bố nhãn hàng hóa của mình, đảm bảo theo đúng nguyên tắc, tinh thần, nội dung cụ thể của các quy định tại Quy chế ghi nhãn hàng hóa và Thông tư của Bộ Thương mại số 34/1999/TT-BTM ngày 15 tháng 12 năm 1999 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hóa (dưới đây gọi là Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại), đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

2- Quy chế ghi nhãn hàng hóa có nhiều quy định mới về cách ghi tên, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hình thức và nội dung ghi nhãn hàng hóa. Bộ yêu cầu các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa công nghiệp nghiên cứu kỹ để thực hiện bản Quy chế ghi nhãn hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định 178/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

3- Những yêu cầu chung của việc ghi nhãn hàng hóa đã được quy định cụ thể trong Quy chế ghi nhãn hàng hóa và Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại. Trong quá trình triển khai thực hiện ghi nhãn hàng hóa, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh phải bám sát, thực hiện nghiêm túc đầy đủ các nội dung của Quy chế và Thông tư hướng dẫn nêu trên, đồng thời phải bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không bị ngừng trệ, xáo trộn.

4- Thực hiện quy định tại Khoản 2, Điều 19, Chương 5 của Quy chế ghi nhãn hàng hóa và tại Mục a, Điểm 2, Phần IV của Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại, tại Thông tư này, Bộ Công nghiệp hướng dẫn cách ghi nhãn hàng hóa đặc thù, riêng biệt, là sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp và chỉ tập trung vào 3 nội dung ghi nhãn hàng hóa, đó là: thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu và hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Về thành phần cấu tạo

- Đối với nhóm hàng hóa đòi hỏi độ an toàn cao trong sử dụng, như: vật liệu nổ công nghiệp, thực phẩm, hóa chất độc hại..., ngoài việc ghi các thành phần cấu tạo chủ yếu, phải ghi đầy đủ tất cả các thành phần có liên quan đến an toàn trong sử dụng và tác động xấu đến môi trường.

- Đối với nhóm hàng hóa thông dụng, chỉ cần ghi thành phần cấu tạo chính quyết định giá trị sử dụng của hàng hóa.

Về chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

- Các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu được lựa chọn để ghi trên nhãn phải thể hiện được bản chất, thuộc tính, công dụng, độ an toàn và các tiêu chuẩn cần thiết của hàng hóa. Ngoài ra, có thể ghi thêm các chỉ tiêu chất lượng (ngoài chỉ tiêu chủ yếu bắt buộc) khác lên nhãn hàng hóa, nếu thấy cần thiết.

- Đối với hàng hóa chưa có TCVN, TCN, phải chọn một số chỉ tiêu đặc trưng, dễ phân biệt, có tính quyết định giá trị sử dụng hàng hóa để ghi trên nhãn

Về hướng dẫn sử dụng và bảo quản

- Các hàng hóa có tính chất sử dụng phức tạp, đòi hỏi mức độ chính xác cao, có tác động ảnh hưởng đến người sử dụng và môi trường, cần có hướng dẫn sử dụng cụ thể.

- Các hàng hóa có yêu cầu độ an toàn cao cho người sử dụng như: vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất độc hại, thực phẩm, mỹ phẩm... phải có hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo nguy hại.

5. Thông tư này có các phụ lục số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, hướng dẫn cụ thể cách ghi nhãn hàng hóa thuộc các nhóm sản phẩm công nghiệp: thực phẩm, vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, luyện kim, cơ khí, dệt-may, điện-điện tử.

6. Ngoài việc thực hiện các quy định của Quy chế ghi nhãn hàng hóa, của Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại, Thông tư hướng dẫn này của Bộ Công nghiệp, đối với hàng hóa là thực phẩm, thuốc lá, mỹ phẩm, khi ghi nhãn hàng hóa cần thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế để đáp ứng yêu cầu đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khoẻ cho con người; đối với hàng hóa là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cần thực hiện hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, hiệu quả trong canh tác nông nghiệp.

7 . Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Hàng hóa công nghiệp có chủng loại đa dạng, có số lượng lớn được lưu thông trên thị trường trong nước và xuất, nhập khẩu... nên việc ghi nhãn hàng hóa sẽ có nhiều phức tạp. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc, khó khăn, các tổ chức và cá nhân báo cáo cụ thể về Bộ Công nghiệp (Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm) để Bộ phối hợp với Bộ Thương mại nghiên cứu, giải quyết.

Lê Quốc Khánh

(Đã ký)

PHỤ LỤC SỐ 1

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI NHÃN HÀNG HOÁ LÀ SẢN PHẨM THỰC PHẨM CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2000/TT-Bộ Công nghiệp nhẹ ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Công nghiệp)

1. Về tên thực phẩm

Có thể ghi bên cạnh tên thực phẩm một số từ ngữ diễn đạt.

Ví dụ: Thực phẩm sấy khô, đông lạnh, hun khói... hình thức thực phẩm ở dạng nguyên miếng, cắt lát...

2. Về tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất

* Trường hợp địa chỉ của cơ sở sản xuất đặt ở nơi không có tên thôn, xã, tên đường phố thì có thể ghi tên thành phố, thị xã.

Ví dụ: Bia Tam Hiệp.

* Nếu sản phẩm của cùng một công ty, nhưng sản xuất hoàn chỉnh từ hai hay nhiều địa điểm khác nhau, sử dụng một quy trình công nghệ, một tiêu chuẩn, chịu sự điều phối về sản lượng và tiêu thụ nếu thấy cần thiết chỉ ghi tên và địa chỉ của công ty chính.

Ví dụ : Sản phẩm sữa Vinamilk.

3. Về thành phần cấu tạo

* Thực phẩm làm ra từ hai thành phần trở lên thì tên các thành phần cấu tạo ghi trên nhãn ghi theo thứ tự từ cao đến thấp nếu xét thấy không thể công bố bằng định lượng.

* Lượng nước cho thêm vào để tạo ra thực phẩm thì ghi tên (nước) như là một thành phần.

* Gia vị, chất tạo hương vị, mầu sắc cho thực phẩm (từ thiên nhiên, nhân tạo, hay tổng hợp) cũng phải ghi trong mục thành phần cấu tạo. Chúng bao gồm:

+ Tên thứ rau, củ, quả thiên nhiên tạo ra hương vị, mầu sắc của thực phẩm ờ dạng nguyên lá, thái nhỏ, cắt khúc hoặc nghiền nhỏ...;

+ Tên thứ thịt, cá, trứng, sữa, bột ngũ cốc...

* Cách ghi chất phụ gia trên nhãn thực phẩm sử dụng mã số quốc tế.

Ví dụ : Chất tạo nhũ Nitripolyphotphat được ghi như chất tạo nhũ (452i).

* Các sản phẩm thuốc lá, rượu không ghi thành phần cấu tạo.

4. Về chỉ tiêu chất lượng chủ yếu,

Ngoài các chỉ tiêu chủ yếu, các cơ sở sản xuất có thể ghi thêm các chỉ tiêu khác nếu thấy cần thiết.

Ví dụ : Chỉ tiêu năng lượng, các vi lượng.

5. Về thời hạn sử dụng và bảo quản

Các nhóm thực phẩm sau đây bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng :

5. 1 Thực phẩm dùng cho trẻ em

+ Bột dinh dưỡng (dạng túi, dạng hộp...);

+ Các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng trực tiếp làm thực phẩm;

+ Đồ hộp các loại dùng cho trẻ em.

5.2 Sữa và sản phẩm sữa

+ Sữa tươi các loại;

+ Sữa bột các loại;

+ Sữa chua các loại;

+ Sữa đặc có đường, bơ, váng sữa...

5.3 Cà phê, ca cao và sản phẩm của chúng.

5.4 Kem hộp, kem túi các loại

5.5 Dầu thực vật và các sản phẩm từ dầu thực vật

+ Dầu thực vật các loại;

+ Bơ thực vật các loại;

+ Magarin, shortening.

5.6 Nước giải khát các loại

+ Bia (chai, hộp);

+ Đồ uống có hàm lượng cồn thấp;

+ Nước ép rau quả (hộp, túi).

5.7 Bánh ngọt, bánh bích quy các loại

5.8 Mì, miến, phờ ăn liền các loại

5.9 Các loại nước chấm, nước sốt, tương ớt...

6. Về hướng dẫn sứ dụng:

Các sản phẩm: đường, thuốc lá, mì chính, bia, nước giải khát, nước chấm, bánh kẹo... không ghi hướng dẫn sử dụng nếu thấy không cần thiết).

PHỤ LỤC SỐ 2

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI NHĂN HÀNG HOÁ LÀ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2000/TT-Bộ Công nghiệp nhẹ ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Công nghiệp)

1. Nhãn hàng hoá đối với vật liệu nổ công nghiệp có bao gói: phải được thể hiện trên 2 loại bao bì :

- Bao bì chứa đựng: là bao bì trực tiếp chứa đựng vật liệu nổ tạo ra hình khối của hàng hoá hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hoá;

- Bao bì ngoài là bao bì dùng chứa đựng một hoặc một số bao bì hàng hoá cùng chủng loại hoặc khác chủng loại nhưng tạo nên một công dụng hoàn chỉnh.

2. Quy định cách ghi nhãn đối với hàng hoá vật liệu nổ thuộc dạng hình trụ tròn trên bao bì trực tiếp

2.1 .Việc xác định diện tích phần chính của nhãn (PDP) đối với vật liệu nổ công nghiệp có bao bì hình trụ tròn được tính bằng 40% diện tích xung quanh của bao bì hình trụ.

2.2. Với vật liệu nổ dạng hạt rời được đóng trong các túi tạo nên hình trụ tương đối, diện tích phần chính của nhãn cũng được tính bằng 40% diện tích hình trụ xung quanh của túi.

3. Tên hàng hoá

Quy định tên gọi của hàng hoá. Trong Vật liệu nổ công nghiệp tên hàng hoá có thể là: Thuốc nổ, kíp nổ, mồi nổ, dây nổ, dây tín hiệu truyền nổ... Tên hàng hoá được ghi với kích thước không nhỏ hơn một nửa chữ cao nhất có mặt trên nhãn hàng hoá.

4. Tên và địa chỉ của người chịu trách nhiệm về hàng hoá

Là tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất hoàn chỉnh một loại hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp hoặc cơ sở đại lý bán vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu được nhà nước cho phép.

5. Định lượng hàng hoá

Được ghi theo hệ đo lường quốc tế SI với khối lượng tịnh.

6. Kích thước hàng hoá

Với bao bì dạng hình trụ được ghi theo kích thước thực của đường kính (kể cả bao bì).

7. Thành phần cấu tạo

Chỉ cần ghi những thành phần cấu tạo chính có ảnh hưởng tới giá trị sử dụng của hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp. Các thành phần cấu tạo này được ghi theo tỷ lệ % theo thứ tự từ lớn đến bé.

8. Chỉ tiêu chất lượng

Được ghi với mục đích phải thể hiện được hầu hết các chỉ tiêu chất lượng cơ bản của loại hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp và khả năng sử dụng của nó trong hoạt động công nghiệp.

9. Ngày sản xuất và thời hạn sử dụng

Hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp phải được ghi rõ ràng về ngày sản xuất (NSX) và thời hạn sử dụng (HSD).

10. Hưởng dẫn sừ dụng và bảo quản

Được ghi tóm tắt trên nhãn hàng hoá hoặc có thể đưa vào một tài liệu kèm theo hàng hoá giao cho người mua hàng. Trên nhãn cần ghi rõ các ký hiệu bảo quản khi lưu kho và vận chuyển.

11 . Nhãn hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp ngoài các phần quy định chung, trên nhãn cần có biểu trương để chỉ rõ đây là loại hàng hoá nguy hiểm dễ gây cháy nổ.

12. Đối với hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu phải ghi tên nước xuất xứ của hàng hoá.

13. Ngôn ngữ ghi nhãn

Ngôn ngữ ghi trên nhãn hàng hoá là tiếng Việt Nam. Ngoài nhãn hàng hoá bằng tiếng Việt để tạo điều kiện thuận lợi trong sử dụng với các doanh nghiệp liên doanh và hoạt động xuất khẩu, phần bao bì hình trụ còn lại phía sau nhãn hàng hoá có thể được ghi những nội dung của nhãn hàng hoá bằng tiếng nước ngoài. Diện tích phần ghi này lớn nhất chỉ được phép bằng 80% phần chính của nhãn (PDP).

14. Cách ghi nhãn bao bì ngoài của hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp:

14.1. Bao bì ngoài của hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp thường là hòm gỗ hoặc hòm các tông. Bao bì ngoài của hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp cũng phải ghi nhãn theo Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại .

14.2. Diện tích phần chính của nhãn với bao bì ngoài của hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp được xác định theo Mục 2 của khoản 2. 1 trong phụ lục này.

14.3. Nội dung của nhãn hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp tuân theo các quy định của các mục 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9; 10 của phụ lục này.

14.4. Ngoài nhãn hàng hoá ghi bằng tiếng Việt Nam bao bì ngoài của hàng hoá vật liệu nổ cũng có thể ghi nội dung của nhãn hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ở phần chính còn lại phía sau nhãn hàng hoá. Diện tích của phần ghi này lớn nhất chỉ được phép bằng 80% phần chính của nhãn (PDP).

PHỤ LỤC SỐ 3

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI NHĂN HÀNG HOÁ LÀ SẢN PHẨM HOÁ CHẤT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2000 TT-Bộ Công nghiệp nhẹ ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Công nghiệp

1. Đối với hàng hoá là hoá chất được vận chuyển tới nơi tiêu thụ bằng các phương tiện vận chuyển chuyên dụng cần phải ghi rõ tên hàng hoá lên trên phương tiện đó. Các yêu cầu khác của nhãn hàng hoá được ghi trong vận đơn gửi kèm khi vận chuyển.

2. Các hàng hoá là hoá chất dễ cháy, nổ, hoá chất độc hại, ăn mòn phải thể hiện trên nhãn hàng hoá các cảnh báo tuân thủ TCVN 5507-1991 và các quy định hiện hành.

3.Các hàng hoá là hoá chất được chứa trong bình chịu áp như ni tơ, ôxy, acêtylen... phải tuân thủ những quy định ghi trong TCVN 6193-77 về bình chịu áp lực như số hiệu của chai, dung lượng nạp vào bình, ngày nạp, người nạp... và cảnh báo nguy hại.

4. Đối với các hoá chất nhập khẩu dùng để sản xuất cần ghi các nội dung của nhãn hàng hoá kèm theo vận đơn của lô hàng nhập.

Hoá chất nhập khẩu để kinh doanh phải áp dụng Khoản b, Điều 5 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá ban hành kèm theo Quy chế ghi nhãn hàng hoá.

5. Về ngôn ngữ

Ngoài việc ghi nhãn hàng hoá bằng tiếng Việt, cho phép ghi thêm bằng tiếng nước ngoài theo quy định.

6. Về thành phần cấu tạo của hàng hoá

Ghi trực tiếp lên nhãn hàng hoá, ngoài ra có thể cho phép ghi trên bao bì hoặc ghi trong các tài liệu kèm theo hàng hoá.

7. Về chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

Ghi danh mục chỉ tiêu đặc trưng và mức chất lượng tuỳ theo từng loại hàng hoá. Các chỉ tiêu này ghi trực tiếp lên nhãn hàng hoá, ngoài ra có thể cho phép ghi trên bao bì hoặc trong các tài liệu kèm theo hàng hoá.

8. Về hướng dẫn sử dụng, bảo quản

Trên nhãn hàng hoá phải ghi ngày sản xuất. Tuỳ công dụng, tính chất của từng loại hàng hoá ghi thời hạn sử dụng, bảo quản theo quy định của tiêu chuẩn và quy định hiện hành. Trong trường hợp nhãn hàng hoá không đủ diện tích để ghi chi tiết hướng dẫn sử dụng, cho phép ghi trong các tài liệu kèm theo hàng hoá.

PHỤ LỤC SỐ 4

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI NHĂN CÁC HÀNG HOÁ LÀ SẢN PHẨM NGÀNH LUYỆN KIM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2000/TT-Bộ Công nghiệp nhẹ ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Công Nghiệp)

Đối với các loại hàng hoá có và không có bao bì, đã được giải thích và quy định tại Điều 3 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Phần I - thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại. Do tính đa dạng của sản phẩm hàng hoá ngành luyện kim, yêu cầu ghi nhãn hàng hoá thực hiện như sau:

1. Dạng bán theo lô, không bao bì (quặng sắt, quặng Crômmit, tinh quặng Ilmenhit, than mỡ, than cốc, sạn chịu lửa v.v...), nhãn hàng hoá được ghi trên vận đơn và ghi rõ những nội dung bắt buộc như quy định tại Mục 2.1 của Phụ lục này trong hợp đồng kinh tế.

2. Dạng hàng hoá bán theo kiện, bó, cuộn có trọng lượng theo sự thoả thuận với khách hàng phải có nhãn hàng hoá dưới dạng Eteket, treo, buộc, gắn chắc chắn trên mỗi kiện hàng, đảm bảo dễ thấy, dễ đọc và ghi rõ những nội dung bắt buộc như quy định tại Mục 2.1 của Phụ lục này.

3. Về tên hàng hoá

Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá và xuất xứ của hàng hoá đã được quy định trong Quy chế ghi nhãn hàng hoá và chỉ dẫn tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

4. Về định lượng hàng hoá

Theo quy định tại Điều 8, của Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Khoản 3, Mục A, Phần II - Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

- Khi khối lượng tịnh của từng kiện hàng hoá lớn hơn 1 tấn, cho phép dùng đơn vị đo khối lượng tịnh là tấn, (t).

Ví dụ : Thép vằn D= 14mm x L= 11,5 m

Khối lượng tịnh: 3,50 tấn + 0,3%

- Việc ghi "kích thước thực" áp dụng cho các trường hợp đề cập tới tại Khoản 3, Mục A, Phần II - Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại, cho phép thay thế kích thước dài bằng khối lượng tịnh đối với sản phẩm dạng cuộn.

Ví dụ 1 : - Thép băng cuộn cán nóng,

- Rộng=600mm; Dày= O,8mm

- Khối lượng tịnh cuộn 8,00 tấn +0,5%

Ví dụ 2: - Thiếc thỏi loại II; % Sn=99,75;

- Trọng lượng thỏi: 25 kg; số thỏi: 40

- Khối lượng tịnh: 1.000 kg +O,1 %

5. Thành phần cấu tạo

Theo quy định tại Điều 9 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Khoản 4, Mục A, Phần II- Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

- Đối với những sản phẩm thuộc ngành luyện kim đã có mác kim loại hợp kim cụ thể theo TCVN, TCN hoặc tiêu chuẩn của nước xuất khẩu nhập khẩu cho phép ghi theo số hiệu mác sản phẩm kèm theo số hiệu tiêu chuẩn thay cho thành phần cấu tạo.

Ví dụ 1 : - Thép vằn làm cốt bê tông D 14mm

Mác thép: BCT51-2; TCVN 1765-75

Ví dụ 2: - Lô quặng Ilmenhit 500,00 t

TiO2=50%; W=3%; cỡ hạt: 0 - 2mm

6. Chỉ tiêu Chất lượng chủ yếu

Theo quy định tại Điều 10 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Khoản 5, Mục A, Phần II- Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

Tuỳ theo lĩnh vực sử dụng, đối với những loại hàng hoá chưa có TCVN, TCN: Thương nhân phải lựa chọn một số chỉ tiêu đặc trưng dễ phân biệt, có tính chất quyết định tới mục đích sử dụng loại hàng hoá đó để ghi vào mục này.

Ví dụ 1: Than mỡ luyện cốc Cfix=62,2%; V=24,9%; A=12,69%; S=1,69%

Ví dụ 2: Tinh quặng Wolframite 65% WO3

7. Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản

Theo quy định tại Điều 11 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Khoản 6, Mục A, Phần 2 - Thông tư hướng dẫn của Bộ thương mại.

- Phần lớn các sản phẩm luyện kim cho phép chỉ ghi ngày tháng năm sản xuất. Ngoại trừ một số hàng hoá bị biến chất đáng kể theo thời gian trong vòng 6 tháng kể từ ngày sản xuất thì phải có quy trình bảo quản giao cho khách hàng và ghi thời hạn bảo quản trên nhãn hàng hoá.

8. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản

Theo quy định tại Điều 12 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Khoản 7, mục A, phần II - Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

- Riêng đối với thép cán dùng trong xây dựng và một số kim loại khác vì độ an toàn của công trình và người sử dụng, yêu cầu trên nhãn hàng hoá cần ghi rõ tính năng sử dụng như:

Ví dụ:

- Thép cốt bê tông dự ứng lực

- Thép dùng trong cấu kiện chịu lực

- Thép dùng trong cấu kiện ít chịu lực (cho các loại thép cán sản xuất trên các máy cán nhỏ, từ phôi liệu tận dụng hoặc thỏi đúc không đảm bảo chất lượng).

- Không tiếp xúc với thực phẩm (đối với các kim loại mầu có thể gây độc hại khi chế biến thành sản phẩm bao gói thực phẩm, đồ uống v.v... nếu chưa được khử những độc tố có hại đến sức khoẻ người tiêu dùng).

PHỤ LỤC 5

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI NHÃN HÀNG HOÁ LÀ SẢN PHẨM NGÀNH CƠ KHÍ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2000 TT-Bộ Công nghiệp nhẹ ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Công Nghiệp )

1. Về tên hàng hoá.

Ngoài tên thường dùng ghi trên nhãn của hàng hoá là sản phẩm cơ khí có thể ghi:

- Kèm theo ký hiệu, số hiệu của sản phẩm,

Ví dụ: Máy tiện T616

- Kèm thêm tính năng, công dụng riêng của hàng hoá,

Ví dụ : Xích xe đạp.

2. Về định lượng hàng hoá

Ngoài việc ghi khối lượng trên nhãn hàng hoá theo các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 8 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá. Việc ghi khối lượng tịnh của hàng hoá là sản phẩm cơ khí trong một bao gói có nhiều đơn vị cùng tên, cùng định lượng được xác định bằng tích giữa số lượng đơn vị và khối lượng của một đơn vị hàng hoá.

3. Về thành phần cấu tạo

Ngoài việc ghi thành phần cấu tạo trên nhãn hàng hoá theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Điều 9 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá, việc ghi nhãn hàng hoá đối với sản phẩm cơ khí được chế tạo từ các loại dụng cụ, thép hợp kim đặc biệt, khuôn rèn dập, hợp kim cứng, hợp kim bột... có thể ghi ký hiệu mác thép mà không cần ghi thành phần cụ thể (nếu thấy cần thiết).

4. Về chỉ tiêu chất lượng

Việc ghi trên nhãn các chỉ tiêu chất lượng quy định lại Điều 10 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá, ngoài ra hàng hoá là sản phẩm cơ khí cần ghi rõ các đặc tính kỹ thuật như công suất, tốc độ, lực đập, điện áp, tần số, độ cứng... và đặc biệt ghi rõ cấp chính xác, loại chất lượng của hàng hoá và kèm theo số hiệu các tiêu chuẩn tương ứng.

5. Về ngày sản xuất, thời hạn sừ dụng. thời hạn bảo quản

Đối với hàng hoá là sản phẩm cơ khí, việc ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản được thực hiện theo Khoản 1 , 2, 3 Điều 11 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá. Một vài loại hàng hoá có thể không ghi thời hạn sử dụng nhưng nhất thiết phải ghi thời hạn bảo quản để người tiêu dùng định kỳ bảo dưỡng

6. Về hướng dẫn bảo quản và sử dụng

Việc ghi nhãn hàng hoá là sản phẩm cơ khí được thực hiện theo các Khoản 1, 2 Điều 12 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá. Với :

- Hàng hoá có giá trị sử dụng đơn giản, không gây nguy hại không bắt buộc phải có hướng dẫn sử dụng và bảo quản.

- Hàng hoá là máy móc, phụ tùng quan trọng, phức tạp nhất thiết phải có hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Các tài liệu hướng dẫn sử dụng và bảo quản có thể đính kèm theo hàng hoá nhưng phải có bao bì chống ẩm.

PHỤ LỤC SỐ 6

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI NHÃN HÀNG HOÁ LÀ SẢN PHẨM CỦA NGÀNH DỆT – MAY
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2000/TT-Bộ Công nghiệp nhẹ ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Công nghiệp

I- NHỮNG NỘI DUNG BẮT BUỘC

1. Về Tên hàng hoá

Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá và xuất sứ của hàng hoá đã được quy định trong Quy chế ghi nhãn hàng hoá và tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

2. Về định lượng hàng hoá:

Theo quy định tại Điều 8 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Khoản 3, Mục A, Phần II Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

3. Về chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

Theo quy định tại Điều 10 của Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Khoản 5, Mục A, Phần II, Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại cần ghi các chỉ tiêu về độ bền kéo đứt, độ dãn và độ co.

Ngoài các chỉ tiêu trên, đối với một số mặt hàng cụ thể còn có những chỉ tiêu khác phải ghi trên nhãn hàng hoá theo TCVN:

- Bông xơ: ghi các chỉ tiêu phẩm chất chủ yếu theo TCVN;

- Sợi: ghi các chỉ tiêu sản phẩm chủ yếu theo TCVN;

- Chăn, bạt, lều: ghi kích thước trọng lượng.

4. Về thành phần cấu tạo

- Chủ yếu nêu thành phần xơ, sợi (pe, cót, visco...);

- Nếu sản phẩm nhiều lớp thì ghi cho từng lớp.

5. Về hướng dẫn sử dụng

- Hướng dẫn cách là, cách giặt, cách phơi;

- Hướng dẫn sử dụng đối với sản phẩm có tính chất đặc biệt.

6. Về ngày sản xuất và thời hạn sử dụng

Đối với những sản phẩm phục vụ, cần độ an toàn cao như quần áo thể thao, trang phục quân đội, an toàn lao động, các sản phẩm đặc biệt khác cần ghi chỉ tiêu này.

II. HÌNH THỨC NHÃN HÀNG HOÁ

Chủ yếu hình thức gắn trên hàng hoá với các loại sau:

- Nhãn cổ (cỡ vóc, biểu tượng, tên nhà sản xuất, xuất xứ...);

- Nhãn treo;

- Nhãn gắn ở cà vạt, ở cạp;

- Nhãn may, thêu trực tiếp lên sản phẩm.

Về ngôn ngữ trình bày

Hàng dùng trong nước, dùng tiếng Việt, nếu cần có thêm tiếng nước ngoài nhưng kích thước nhỏ hơn.

Nhãn hàng hoá xuất khẩu phải viết theo ngôn ngữ thoả thuận hai phía nhập khẩu và xuất khẩu.

Hàng hoá nhập khẩu trên nhãn hàng nguyên gốc phải ghi các thông tin bắt buộc bằng tiếng Việt Nam.

PHỤ LỤC SỐ 7

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI NHĂN HÀNH HOÁ LÀ SẢN PHẨM NGÀNH ĐIỆN-ĐIỆN TỬ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2000/TT-Bộ Công nghiệp nhẹ ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Công nghiệp)

1. Tên hàng hoá

Ghi rõ máy thu hình, máy thu thanh, máy ghi âm, máy thu phát băng hình, điện trở, đồng hồ đo điện, tủ phân phôi điện, tủ điều khiển, cáp điện, động cơ điện, máy phát điện, v.v...

2. Định lượng hàng hoá

Ghi theo Điều 8, Khoản 1 Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Điểm 3, Mục A, Chương II Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

Riêng kích thước màn hình máy thu hình và máy tính được dùng đơn vị đo là inh (") theo thông lệ quốc tế.

Hàng hoá dạng dây như: dây điện, cáp điện, dây thiếc được dùng đơn vị là cuộn với các thông số:

- độ dài cuộn (m, ví dụ độ dài cuộn = 100 mét);

- đường kính dây f (mm, ví dụ đường kính) = 2,5 mm), hoặc

- tiết diện dây (mm2, A x A, hoặc A x B mm2).

Khối lượng hàng hoá vượt quá 1000 kg, được phép dùng đơn vị đo là tấn (t) ví dụ: viết 1,5 t mà không viết 1500 kg.

Hàng hoá có chiều dài trên 1000 mét được phép dùng đơn vị đo là kilômét (km, ví dụ ghi 2,5 km mà không ghi 2500 m).

3. Thành phần cấu tạo

Việc ghi thành phần cấu tạo chủ yếu áp dụng đối với hàng hoá là nguyên liệu, vật liệu dùng cho việc sản xuất các linh kiện, phụ kiện điện, điện tử, được ghi theo Điều 9, Khoản 1 Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Điểm 4, Mục A, Chương II Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

Đối với các thiết bị lạnh (máy điều hoà, tủ lạnh,... ) bắt buộc phải ghi rõ tên môi chất làm lạnh.

4. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

Được ghi với mục đích thể hiện được hầu hết các chỉ tiêu chất lượng cơ bản của loại hàng hóa sản phẩm và khả năng sử dụng của các hàng hoá đó trong sản xuất công nghiệp và sinh hoạt theo Điều 10 Quy chế ghi nhãn hàng hoá và Điểm 5, Mục A, Chương II Thông tư hướng dẫn của Bộ Thương mại.

Các sản phẩm hàng hoá chưa có tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành, người sản xuất phải tự công bố các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm của hàng hoá và chịu trách nhiệm trước các chỉ tiêu đó với các cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04/2000/TT-BCN hướng dẫn cách ghi nhãn hàng hoá là sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp do Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 04/2000/TT-BCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Lê Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản