Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN-BỘ THUỶ LỢI-BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-LB

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BẢO VỆ NÔNG GIANG

Kính gửi: Ủy ban Hành chính liên khu, tỉnh và thành phố

Từ khi hòa bình được lập lại, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, ngành thủy lợi đã phục hồi các hệ thống nông giang cũ và đang xây dựng một số hệ thống nông giang mới, để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, góp phần vào việc giao thông vận tải, phát triển kinh tế nói chung.

Các hệ thống nông giang ấy đã góp phần lớn trong việc tăng tổng số thu hoạch về chiêm và mùa của kế hoạch sản xuất nông nghiệp toàn miền Bắc. Nhưng công tác bảo vệ các hệ thống nông giang chưa được tốt, nhất là trong các vụ chiêm vụ mùa năm 1956, 1957, nên một số phần tử xấu tự tư tự lợi, nhân lúc tình hình nông thôn chưa ổn định, đã tự động xẻ kênh, máng, đóng, mở cống, đập hoặc nâng cao hay hạ thấp các cống chân rết, làm hư hỏng công trình, gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch phân phối và điều hòa nước trên các hệ thống nông giang và khó khăn cho công tác phòng chống hạn, ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền địa phương chưa coi trọng đúng mức công tác quản lý nông giang, chưa có kế hoạch và chế độ cụ thể trong việc sử dụng và bảo vệ nông giang, mặt khác cũng chưa có biện pháp xử trí thích đáng đối với những phần tử xấu cố tình phạm pháp.

Để bổ khuyết, những thiếu sót trên và tiến hành việc bảo vệ nông giang được tốt, Liên bộ Thủy lợi, Tư pháp, Công an quy định như sau:

I. NỘI DUNG CÔNG TÁC BẢO VỆ NÔNG GIANG

Bảo vệ nông giang là nhiệm vụ chung của toàn dân, nên mỗi một người dân phải có trách nhiệm bảo vệ đê, đập, kênh, máng, kè, cống… đồng thời có trách nhiệm giáo dục, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những người vì tự tư tự lợi mà làm hư hại đến nông giang, hoặc những phần tử phản động có hành động phá hoại nông giang.

Để việc bảo vệ nông giang được tốt, nay quy định những điều sau đây:

Điều 1. – Về đập

Ở thượng lưu và hạ lưu cách các đập ngăn sông trong phạm vi 100 thước về mùa khô và 500 thước về mùa mưa, không được đậu thuyền bè, không được đánh cá, tắm giặt. Trong phạm vi 100 thước ở hai đầu đập không được đào đất, làm nhà trồng cây, thả trâu bò, làm bến bốc hàng hóa và nơi dự trữ vật liệu.

Ở thượng lưu và hạ lưu cách các đập điều hòa, các âu thuyền trong phạm vi 100 thước, không được đậu thuyền bè, không làm bến bốc hàng hóa. Trong phạm vi 100 thước ở hai đầu đập và âu thuyền, không được làm nhà, trồng cây, chất vật liệu, thả trâu bò.

Điều 2. – Về cống

Cách các cống tiêu nước và cống lấy nước trong phạm vi 100 thước không được đậu thuyền bè, không được làm bến bốc vác, làm nhà, trồng cây và đào đất.

Không được tự tiện đóng hoặc mở cống tiêu nước, cống lấy nước (kể cả cống chân rết). Muốn mở hoặc đóng phải đề nghị Ban quản trị nông giang giải quyết.

Điều 3. – Về kênh

Cấm không được cho trâu bò lội lòng kênh, không được tắm giặt ngoài những nơi đã quy định. Không được xây bậc lên xuống lòng kênh nếu không được sự đồng ý của Ban quản trị nông giang.

Không được tháo nước các vườn tược, đồi núi vào các kênh tưới nước của nông giang.

Không được tự ý làm đập ngăn nước trong kênh máng. Không được chắn đăng đó đơm cá trong kênh máng, đánh cá bằng mìn ở gần các công trình như trong kênh máng, không được ngâm tre, gỗ, nứa… trong kênh máng, không được thả thuyền bè, tre, nứa gỗ… trong những kênh không dùng cho vận tải. Trong trường hợp đặc biệt, phải được Ban quản trị nông giang cho phép mới được làm những việc trên, trừ trường hợp đánh cá bằng mìn là tuyệt đối cấm. Không được vất xác súc vật, đất, đá, rác và những vật dơ bẩn vào kênh máng.

Thuyền bè chỉ được xếp hàng hóa ở những bến do Ban quản trị nông giang quy định.

Không được cuốc xẻn bờ kênh và tự ý đặt cống chân rết, ống bương, ống nứa trong bờ kênh chính và kênh nhánh. Không được xẻ kênh máng hoặc tát nước qua bờ kênh.

Trên mặt bờ kênh nói chung không được thả trâu bò dẫm phá, không được trồng cây, làm nhà, đóng cọc, chặt những vật ngăn trở giao thông v.v… xe ô tô chỉ được đi trên những đường bờ kênh đã được Liên bộ Thủy lợi và Giao thông Bưu điện quy định.

Không được tự tiện bắc cầu qua nông giang.

Trên đất lưu không ở hai bên kênh, không được đào thùng đấu, ao, giếng, không được làm nhà nửa. Muốn trồng trọt trên đất lưu không phải được Ủy ban Hành chính cho phép.

Điều 4. – Về máy bơm nước

Không được đặt máy bơm lấy nước ở nông giang, nếu không được phép Ban quản trị nông giang.

Trong phạm vi 50 thước xung quanh các trạm bơm nước, cấm không được đào đất, thả trâu bò. Những người không có trách nhiệm không được vào các trạm máy bơm nước.

Điều 5. – Về đường giây điện tin, điện thoại của nông giang

Không được buộc thuyền bè hay gia súc vào cột điện hay cột điện thoại thuộc hệ thống nông giang. Không được đốt nương đồi ngay dưới đường giây điện thoại và đường giây điện cao thế hoặc hạ thế; không được làm nhà, cầy cuốc, phạm vào mô đất có trồng cột điện tín, điện thoại; nghĩa là không được làm bất cứ một việc gì làm yếu chân cột điện thoại, điện tín.

Điều 6. – Cấm lấy hoặc phá phách các vật liệu của nông giang như: ván, gỗ, bù loong, giây điện thoại, đá lát kè v.v… ai phạm xem như phá hoại nông giang.

II. PHƯƠNG CHÂM VÀ CHÍNH SÁCH XỬ LÝ ĐỐI VỚI NHỮNG VỤ PHẠM PHÁP

Trong công tác bảo quản nông giang, phải theo đúng phương châm: “đối với nhân dân thì kiên trì giáo dục là chính làm cho mọi người tự nguyện tự giác bảo vệ nông giang, cần thiết lắm mới dùng biện pháp hành chính hoặc luật pháp để xử lý. Đối với những phần tử xấu, đối với địch cố tình phá hoại thì phải kiên quyết trừng trị”.

Đồng thời, mỗi khi có việc xẩy ra, phải điều tra thu thập đầy đủ tài liệu về người phạm pháp, về tác hại gây ra, rồi căn cứ vào động cơ phạm pháp do vô ý, do tự tư tự lợi hay do cố tình phá hoại và căn cứ vào sự thiệt hại nhỏ hay lớn mà tùy từng trường hợp xử lý cho thích đáng.

Hình thức xử lý gồm có tự phê bình, cảnh cáo, bồi thường thiệt hại đến phạt tù hoặc trừng trị nặng hơn nữa như sắc lệnh số 06-SL ngày 18-06-1949 và 267-SL ngày 15-06-1956 đã quy định, cụ thể là;

- Đối với những người vì cố ý mà phạm pháp, gây thiệt hại nhỏ và biết hối lỗi thì sẽ do Ủy ban hành chính xã quyết định phê bình và phải bồi thường thiệt hại. Nếu gây tác hại lớn thì sẽ bị cảnh cáo và bồi thường thiệt hại.

Trường hợp đặc biệt cần phải xử lý với hình thức cao hơn thì phải do Ủy ban hành chính tỉnh quyết định.

- Đối với những người vì tự tư tự lợi mà phạm pháp nếu là lần đầu và gây thiệt hại nhỏ thì sẽ bị cảnh cáo và bồi thường thiệt hại. Nếu tái phạm nhiều lần thì dù gây ra tác hại nhỏ hay lớn, cũng phải truy tố trước tòa án.

Khi xử lý các trường hợp trên đây Ủy ban hành chính xã cần tranh thủ ý kiến của nông hội và Ban quản trị nông giang trước khi quyết định.

- Đối với những phần tử xấu hay bọn phản cách mạng đang chuẩn bị tổ chức phá hoại, dù chưa gây ra thiệt hại hoặc đã gây ra thiệt hại đều phải nghiêm trị, truy tố trước tòa án theo những điều đã quy định trong sắc lệnh số 267-SL ngày 15-06-1956.

Nếu những trường hợp phạm pháp trên xẩy ra trong khi chuẩn bị tưới, hoặc trong lúc tưới chiêm và mùa, thì sẽ bị xử lý nặng hơn lúc bình thường.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN

Nhiệm vụ của các cấp chính quyền là phải hướng dẫn, giáo dục nhân dân, biến những điều quy định trên trở thành giao ước của quần chúng, để quần chúng tự nguyện tự giác thi hành. Đồng thời có kế hoạch bảo vệ nông giang, đề phòng và ngăn chặn kịp thời những vụ gây thiệt hại, điều tra tìm ra kẻ địch phá hoại để kiên quyết trừng trị.

Để việc giáo dục nhân dân được chu đáo, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phải hướng dẫn kế hoạch cho các Ủy ban hành chính huyện, xã cùng với các đoàn thể quần chúng như nông hội, thanh niên, phụ nữ làm những việc:

- Tổ chức nhân dân học tập về tác dụng quan trọng của nông giang đối với sản xuất nông nghiệp, đối với đời sống của nông dân và nhân dân nói chung để mỗi người có ý thức bảo vệ nông giang và học tập kế hoạch phân phối nước, quy chế bảo vệ nông giang, làm thành những điều trong quy ước bảo vệ sản xuất ở thôn xã.

Cần phát thanh giải thích chu đáo và viết bảng niêm yết quy chế bảo vệ nông giang để thường xuyên nhắc nhở nhân dân thực hiện.

- Giáo dục tinh thần cảnh giác cho quần chúng, làm cho nhân dân có trách nhiệm giáo dục lẫn nhau, ngăn ngừa những hành động tự tư tự lợi gây hại đến nông giang và có trách nhiệm báo cáo với chính quyền những kẻ phá hoại nông giang.

- Phổ biến rộng rãi sắc lệnh số 06-SL ngày 18-06-1949 trừng trị hành động phá hoại công trình thủy nông và sắc lệnh số 267-SL ngày 15-06-1956 trừng trị những hành động làm trở ngại công cuộc khôi phục kinh tế, để nhân dân biết và nghiêm chỉnh chấp hành.

Để công tác bảo vệ nông giang được tốt, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh có nông giang chảy qua có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới về việc bảo vệ nông giang nhất là trong khi có hạn, bão, lụt hoặc trong khi chuẩn bị tưới nước cho ruộng. Đi đôi với việc hướng dẫn nhân dân thực hiện quy chế bảo vệ nông giang, các cấp chính quyền cần phân cấp quản lý các công trình lớn nhỏ:

- Các hệ thống nông giang liên tỉnh như: Hà Đông, Hà Nam, Sơn Tây, Chương Mỹ (Liên khu 3), Kim Thành, An Dương, Hải An (Tả Ngạn Hải Phòng);… và các hệ thống hàng tỉnh sẽ do Ủy ban hành chính tỉnh thành phố trực tiếp quản lý, mỗi địa phương chịu trách nhiệm bảo vệ nông giang và các công trình thủy lợi trong phạm vi ở địa phương mình.

- Các công trình kiến trúc quan trọng như: đập Bái Thượng, đập Đô Lương, đập Thác Huống, cống Liên Mạc, cống Trà Linh v.v… sẽ do Ủy ban hành chính tỉnh trực tiếp chỉ đạo quản lý và bảo vệ.

- Các công trình kỹ thuật hạng trung như: cống Bến Thôn, Nhật Tựu, Vân Đình v.v… sẽ do Ủy ban hành chính huyện trực tiếp chỉ đạo quản lý và bảo vệ.

- Các mương máng , các cống đập nhỏ nằm trong xã sẽ do Ủy ban Hành chính xã chịu trách nhiệm bảo vệ.

- Nhiệm vụ của các ngành có liên quan đến việc bảo vệ các hệ thống nông giang là:

Ngành Thủy lợi có trách nhiệm hướng dẫn các cấp dưới thực hiện nhiệm vụ bảo quản các công trình thủy lợi, các hệ thống nông giang về mặt kỹ thuật.

Ngành công an có trách nhiệm điều tra theo dõi, đề phòng, ngăn chặn, khám phá kịp thời bọn phá hoại các công trình thủy lợi và các hệ thống nông giang.

Ngành dân quân có trách nhiệm tuần tra bảo vệ các công trình thủy lợi và các hệ thống nông giang, cùng Công an phát hiện và trấn áp kẻ địch phá hoại nông giang.

Nông hội có nhiệm vụ cùng với các đoàn thể quần chúng khác giáo dục hướng dẫn nhân dân thực hiện các luật lệ, quy chế bảo vệ nông giang.

Để các ngành phối hợp chặt chẽ và thống nhất hoạt động trong công tác bảo vệ nông giang, Ủy ban Hành chính các cấp có trách nhiệm triệu tập các ngành có liên quan nói trên, thảo luận kế hoạch bảo vệ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Nếu các địa phương đã thành lập Ban chỉ huy chống bão, lụt, hạn thì kết hợp chặt chẽ với Ban này để tiến hành công tác bảo vệ nông giang.

Trên đây là những quy định về việc bảo vệ nông giang và một số biện pháp đối phó với những vụ gây thiệt hại cho các công trình thủy lợi và các hệ thống nông giang. Trong khi thực hiện, Ủy ban Hành chính các cấp, các ngành Thủy lợi, Công an, Tòa án thấy có điều gì chưa sát hợp hay còn thiếu sót hoặc gặp khó khăn trở ngại gì, thì báo cáo về Bộ Thủy lợi, Công an và Tư pháp để nghiên cứu bổ sung thông tư và phổ biến kinh nghiệm cho các nơi khác.

Công tác bảo vệ các công trình thủy lợi và các hệ thống nông giang là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Liên bộ mong Ủy ban các cấp và các ngành tích cực chấp hành thông tư này để việc bảo vệ nông giang đạt được kết quả tốt.

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN




Trần Quốc Hoàn

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI




Trần Đăng Khoa

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Vũ Đình Hòe

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03-LB năm 1958 về việc bảo vệ nông giang do Bộ Thủy lợi-Bộ Tư pháp-Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 03-LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/07/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Thuỷ lợi, Bộ Tư pháp
  • Người ký: Trần Đăng Khoa, Trần Quốc Hoàn, Vũ Đình Hoè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 07/08/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản