Hệ thống pháp luật

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ SỐ 267/SL NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 1956

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu sắc lệnh số 133-SL ngày 20 tháng 1 năm 1953 trừng trị bọn phá hoại an toàn quốc gia,

Theo đề nghị của Bộ Tư Pháp,

Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận,

RA SẮC LỆNH:

Điều 1

Sự nghiệp xây dựng kinh tế và văn hoá của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nhằm phục vụ lợi ích của toàn dân. Kẻ nào phá hoại sự nghiệp ấy là làm hại nhân dân.

Để góp phần vào việc bảo vệ sự nghiệp xây dựng kinh tế và văn hoá, nay ban hành sắc lệnh này nhằm trừng trị những âm mưu, hành động phá hoại hoặc làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và của nhân dân, làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch xây dựng kinh tế và văn hoá.

I- TỘI PHẠM VÀ HÌNH PHẠT

Điều 2

Kẻ nào vì mục đích phá hoại mà trộm cắp, lãng phí, làm hỏng, huỷ hoại, cướp bóc tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và của nhân dân sẽ bị phạt từ 5 năm đến 20 năm tù.

Điều 3

Kẻ nào vì mục đích phá hoại mà tiết lộ, đánh cắp, mua bán, dò thám bí mật Nhà nước, sẽ bị phạt từ 5 năm đến 20 năm tù.

Điều 4

Kẻ nào vì mục đích phá hoại mà làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch kinh tế và văn hoá của nhà nước bằng bất cứ cách nào như: tuyên truyền chống chính sách, chống kế hoạch, phao đồn tin bịa đặt gây sự nghi ngờ hoang mang trong quần chúng; hành động chống chính sách, chống kế hoạch; không làm hoặc làm sai công việc mình phụ trách; làm gián đoạn công việc thường xuyên; kìm hãm sự phát triển của một bộ phận, một ngành hoạt động; gây mâu thuẵn, chia rẽ nội bộ công nhân viên, cán bộ, xã viên hoặc chia rẽ nhân dân và cán bộ vv... sẽ bị phạt từ 5 năm đến 20 năm tù.

Điều 5

Kẻ nào phạm những tội đã nói ở điều 2, 3 và 4 mà phạm vào một trong những trường hợp sau đây :

a) Chủ mưu, cầm đầu một tổ chức phá hoại;

b) Đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng;

c) Đã dùng thủ đoạn, phương pháp cực kỳ gian ác;

d) Đã phá hoại những công trình lợi ích công cộng quan hệ trực tiếp đến đời sống của nhân dân;

có thể bị phạt tù chung thân hoặc bị tử hình.

Điều 6

Kẻ nào phạm những tội nói ở những điều 2, 3, 4 và 5 thì ngoài những hình phạt kể trên, còn phải bồi thường thiệt hại, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản và bị tước quyền công dân.

Điều 7

Kẻ nào vì tham lam, tư lợi, mà phạm những tội nói ở những điều 2, 3 và 4, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã, của nhân dân, làm cản trở việc thực hiện chính sách và kế hoạch của Nhà nước, sẽ bị phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.

Điều 8

Kẻ nào phạm điều 7 mà phạm vào một trong những trường hợp sau đây:

a) Chủ mưu, cầm đầu vụ phạm pháp;

b) Đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng;

c) Đã dùng thủ đoạn, phương pháp cực kỳ gian ác;

d) Đã phá hoại những công trình lợi ích công cộng quan hệ trực tiếp đến đời sống của nhân dân;

e) Đã lợi dụng chức vụ để phạm pháp ; thì có thể bị phạt tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trong trường hợp gây nên thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng thì bị can có thể bị tử hình.

Điều 9

Kẻ nào phạm những tội nói ở điều 7 và 8 thì ngoài những hình phạt kể trên, còn phải bồi thường thiệt hại, có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản và có thể bị tước quyền công dân.

Điều 10

Kẻ nào vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà trong công tác mình phụ trách đã để lãng phí, để hư hỏng máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu, để lộ bí mật nhà nước, để xảy ra tai nạn, v. v... làm thiệt hại một cách nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, của hợp tác xã, của nhân dân, làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch của nhà nước, sẽ bị phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù.

Nếu bị can là người phụ trách thì có thể bị phạt tới 5 năm tù.

Nếu gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, bị can có thể bị phạt tới 20 năm tù hoặc chung thân, và phải bồi thường thiệt hại.

II- ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 11

Kẻ nào vi phạm các tội kể trên mà ở vào một trong những trường hợp sau đây :

a) Vụ phạm pháp chưa bị phát giác mà tự mình thành thật thú tội, khai rõ ràng những âm mưu, hành động của mình và của đồng bọn;

b) Đã bị bắt nhưng trước khi bị đưa ra xét xử, thành thật hối cải, lập công chuộc tội;

c) Bị ép buộc, lừa dối mà phạm pháp;

có thể được khoan hồng (giảm nhẹ tội, tha bổng, miễn truy tố, miễn bồi thường, miễn tịch thu).

Người phạm tội sau khi đã thành thật thú nhận, mà lập được công trong việc tố cáo những vụ phạm pháp thì có thể được khen thưởng.

Điều 12

Đối với những kẻ phạm các tội nói ở điều 7 và ở đoạn 1, 2 điều 10, bị phạt không quá 2 năm tù thì trong một số trường hợp rất đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định, toà án có thể châm trước cho hưởng án treo.

Điều 13

Kẻ nào phạm tội phá hoại khác, chưa quy định trong sắc lệnh này, sẽ chiểu theo loại tội tương tự mà xét xử.

Điều 14

Đối với kẻ phạm pháp, nhân dân có nhiệm vụ tố cáo, hoặc mật báo với cơ quan có trách nhiệm và hết sức giúp đỡ việc điều tra xét xử, nhưng không được vì thù riêng, lợi riêng mà vu cáo. Người nào có công trong việc tố cáo, khám phá các vụ phạm phạm, tìm bắt kẻ có tội, sẽ được khen thưởng.

Điều 15

Những điều khoản trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 16

Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành sắc lệnh này.

Điều 17

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành sắc lệnh này.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc lệnh số 267/SL về việc trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước do Chủ tịch nước ban hành

  • Số hiệu: 267/SL
  • Loại văn bản: Sắc lệnh
  • Ngày ban hành: 15/06/1956
  • Nơi ban hành: Chủ tịch nước
  • Người ký: Hồ Chí Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 30/06/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản