Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 03/2012/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành

Chương 2.

TIÊU CHÍ ĐỀ ÁN, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH

Điều 6. Tiêu chí đề án đổi mới công nghệ

1. Đề án xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Phải nêu được hiện trạng công nghệ chính, công nghệ cốt lõi và công nghệ hỗ trợ theo các công nghệ nền, công nghệ nguồn theo dòng, họ sản phẩm lớn và so sánh hiện trạng công nghệ đó với trình độ công nghệ trên thế giới;

b) Phục vụ công tác quản lý, hoạch định chiến lược phát triển công nghệ của Chính phủ, Bộ, ngành, lĩnh vực và cho giai đoạn trung hạn, dài hạn.

2. Đề án tìm kiếm, phát hiện, làm chủ và ứng dụng công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Xác định được công nghệ cần tìm kiếm (sự cần thiết, tính cấp thiết, vai trò và tác động lâu dài ….);

b) Xác định được đối tượng nắm giữ công nghệ và điều kiện để chuyển giao công nghệ;

c) Đề xuất được phương án tìm kiếm, phát hiện công nghệ theo yêu cầu;

d) Chứng minh được khả năng làm chủ, chuyển giao khai thác hiệu quả công nghệ được tìm kiếm.

3. Đề án đổi mới công nghệ cho ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Xác định được dòng, họ sản phẩm chính theo chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Xác định các công nghệ chính, công nghệ hỗ trợ và trình tự phát triển các công nghệ chính, công nghệ hỗ trợ cho việc sản xuất dòng, họ sản phẩm;

c) Đề án các điều kiện, yêu cầu cho đổi mới công nghệ;

d) Đề án giải pháp cho đổi mới công nghệ, bao gồm cả giải pháp về nguồn lực cho đổi mới công nghệ.

4. Các đề án xây dựng lộ trình công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ tập trung cho các ngành, lĩnh vực sau:

a) Các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn;

b) Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao (tài chính - ngân hàng, bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin, hàng không …), xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải;

c) Phục vụ phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn của Nhà nước.

5. Đề án đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Xây dựng được bộ tài liệu, giáo trình đào tạo phù hợp với mục đích, nhu cầu thực tiễn của đối tượng được đào tạo, được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận;

b) Phát triển đội ngũ chuyên gia đào tạo để đảm bảo tổ chức hiệu quả các khóa đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ cho kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý của doanh nghiệp;

c) Khuyến khích đề án đào tạo phục vụ cho các đề án, dự án khác thuộc Chương trình.

Điều 7. Tiêu chí dự án nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia

1. Sản phẩm tạo ra phải có tính năng, chất lượng, giá cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu.

2. Nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất phải tăng ít nhất 5% giá trị gia tăng của sản phẩm.

3. Chủ nhiệm dự án phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực hiện dự án.

4. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia phải cam kết ứng dụng công nghệ được nghiên cứu, làm chủ trong ít nhất 2 năm đầu sau khi kết thúc dự án.

Điều 8. Tiêu chí dự án xây dựng đồng bộ hệ thống phòng thí nghiệm hạ tầng

1. Hệ thống phòng thí nghiệm hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ, đảm bảo thực hiện hiệu quả các hoạt động phân tích công nghệ; tích hợp công nghệ, sao chép, mô phỏng và sáng tạo công nghệ; kiểm tra, đánh giá, hoàn thiện công nghệ; thử nghiệm chuẩn và kiểm chuẩn công nghệ.

2. Các công nghệ được sử dụng của hệ thống phòng thí nghiệm phải thuộc Danh mục công nghệ được khuyến khích chuyển giao (Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ).

3. Ưu tiên cho các dự án xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm mở cho các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp cùng khai thác, sử dụng; được đặt tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ tập trung, khu nghiên cứu - phát triển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.

4. Lãnh đạo hệ thống phòng thí nghiệm phải là các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực có liên quan, có thời gian nghiên cứu và làm việc ít nhất 5 năm tại các cơ sở nghiên cứu - phát triển, cơ sở sản xuất hiện đại đạt trình độ quốc tế, có các công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới hoặc được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại giá trị kinh tế cao.

Điều 9. Tiêu chí dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ

1. Dự án xây dựng các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Phải có nghiên cứu khả thi, có kế hoạch hoạt động rõ ràng, có lộ trình duy trì và phát triển; tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án;

b) Hoạt động của cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải bảo đảm việc tạo ra các công nghệ, hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao để sản xuất sản phẩm khoa học và công nghệ;

c) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có vị trí thuận lợi cho hoạt động ươm tạo như gần các trường đại học, các viện nghiên cứu; có quan hệ hợp tác tốt với mạng lưới các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài; có khả năng liên kết với các cơ sở sản xuất, nghiên cứu, đào tạo phục vụ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

d) Hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

đ) Có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức tại các cơ sở đào tạo có uy tín; có đội ngũ chuyên gia tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài chính, quản lý và quản trị doanh nghiệp, marketing.

2. Dự án ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Người chủ trì dự án có ý tưởng công nghệ, ý tưởng kinh doanh, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có khả năng thương mại hóa;

b) Có đội ngũ chuyên gia công nghệ, năng lực hợp tác và huy động được đội ngũ chuyên gia quản lý, chuyên gia tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài chính, quản lý và quản trị doanh nghiệp, marketing.

c) Có năng lực huy động 40% vốn tối thiểu ban đầu cho việc ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và công nghệ;

d) Đảm bảo ít nhất 50% nguồn nhân lực có trình độ đại học và trên đại học tham gia nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất.

3. Dự án tìm kiếm, phát hiện các tổ chức, cá nhân, nhóm nghiên cứu tiềm năng hoặc có kết quả nghiên cứu xuất sắc tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có đội ngũ chuyên gia đủ năng lực tổ chức tìm kiếm, phát hiện và tư vấn cho các tổ chức, cá nhân, nhóm nghiên cứu;

b) Có năng lực nhận dạng được tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân, nhóm nghiên cứu; ít nhất 40% có khả năng hình thành công nghệ, trong đó 50% có khả năng tiếp tục triển khai tạo ra công nghệ.

4. Dự án hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, nhóm nghiên cứu tiềm năng hoặc có kết quả nghiên cứu xuất sắc tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp cần đáp ứng tối thiểu hai trong các điều kiện sau:

a) Có ý tưởng công nghệ của mình hoặc có ý tưởng kinh doanh trên công nghệ đã có;

b) Có chứng nhận kết quả nghiên cứu của cơ quan có thẩm quyền;

c) Chứng minh được tính kế thừa kết quả nghiên cứu đã đạt được của dự án; ưu tiên các dự án tạo ra công nghệ mới hoặc kết quả có khả năng thương mại hóa;

d) Có sự cam kết hỗ trợ của các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp cho việc triển khai thực hiện dự án;

đ) Ưu tiên chủ nhiệm dự án là cán bộ nghiên cứu, giảng viên trẻ (dưới 35 tuổi).

5. Dự án hỗ trợ xây dựng và thực hiện lộ trình công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Mục tiêu đổi mới công nghệ phải phù hợp với kế hoạch phát triển doanh nghiệp và chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực;

b) Việc thực hiện lộ trình công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ phải góp phần tăng ít nhất 5% giá trị gia tăng của sản phẩm;

c) Huy động đủ nguồn lực để thực hiện lộ trình công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ; ưu tiên đối ứng bằng nguồn quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

d) Dự kiến được quy mô ứng dụng, thị trường của sản phẩm do thực hiện lộ trình công nghệ.

Điều 10. Tiêu chí dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

1. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp và quảng cáo sản phẩm cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có kế hoạch hoạt động, kinh doanh rõ ràng, đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện và duy trì dự án;

b) Xác định được nhu cầu cụ thể và hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của việc ứng dụng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp và quảng cáo sản phẩm;

c) Tổ chức chủ trì phải có cam kết huy động đủ nguồn vốn đối ứng và sử dụng kết quả của dự án; ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

2. Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, chuyên gia công nghệ cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có kế hoạch, phương pháp điều tra, khảo sát để thu thập dữ liệu công nghệ, trình độ chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực; có phương án khai thác thông tin, cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ từ nước ngoài;

b) Đảm bảo năng lực tổ chức thống kê định kỳ hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp;

c) Ưu tiên dự án xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu công nghệ và chuyên gia công nghệ cho ngành, lĩnh vực.

3. Dự án nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới, thay đổi quy trình công nghệ cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có đủ năng lực thực hiện các nội dung dự án. Riêng các dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, tổ chức chủ trì phải đảm bảo ít nhất 30% nhân lực tham gia có trình độ đại học;

b) Giải trình được các nguồn tài chính huy động ngoài kinh phí Chương trình để thực hiện dự án;

c) Chứng minh được hiệu quả của dự án:

- Đối với dự án nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, kết quả, sản phẩm dự kiến phải có địa chỉ ứng dụng hoặc chuyển giao;

- Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến phải tạo ra được sản phẩm, dịch vụ được triển khai tối thiểu ở quy mô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Sản phẩm tạo ra của dự án sản xuất sản phẩm mới phải có tính năng, chất lượng, giá cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu;

- Việc thay đổi quy trình công nghệ góp phần tăng ít nhất 5% giá trị gia tăng của sản phẩm.

Điều 11. Tiêu chí dự án tăng cường nguồn lực cho đổi mới công nghệ vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

1. Dự án tăng cường tiềm lực và nâng cao năng lực phổ biến, chuyển giao công nghệ của mạng lưới Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại các địa phương cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Xác định cụ thể, mục tiêu, nội dung, giải pháp của dự án;

b) Xác định được đúng nhu cầu, đối tác của chuyển giao công nghệ;

c) Huy động được nguồn lực để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ cho doanh nghiệp, nông dân;

d) Có kế hoạch hoạt động và được địa phương cam kết cùng hỗ trợ phát triển.

2. Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Phải xác định được thị trường, khả năng cạnh tranh, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của sản phẩm;

b) Có khả năng huy động các nguồn lực và cam kết nhân rộng ứng dụng công nghệ;

c) Ưu tiên cho các dự án hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn.

3. Dự án đổi mới công nghệ cho các ngành nghề, làng nghề truyền thống cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Mục tiêu, nội dung hỗ trợ đổi mới công nghệ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế địa phương;

b) Xác định được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của các vùng miền, các làng nghề và làng nghề truyền thống.

c) Có khả năng phối hợp với các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư để xây dựng các dự án nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ theo thế mạnh, đặc trưng của các vùng, miền;

d) Ưu tiên cho các dự án góp phần hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ tiên tiến tại mỗi vùng sinh thái.

Thông tư 03/2012/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 03/2012/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/01/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Chu Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 267 đến số 268
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH