Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 01/2016/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương IV

HỆ THỐNG TỔ CHỨC BẢO ĐẢM AN NINH HÀNG KHÔNG CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Điều 93. Các cơ quan, đơn vị chuyên trách bảo đảm an ninh hàng không của ngành hàng không dân dụng

1. Phòng An ninh hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm an ninh hàng không của các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không dân dụng và triển khai trách nhiệm của nhà chức trách hàng không trong lĩnh vực an ninh hàng không.

2. Phòng Giám sát an ninh hàng không thuộc Cảng vụ hàng không khu vực thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh hàng không của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân tại cảng hàng không, sân bay.

3. Người khai thác cảng hàng không, sân bay; hãng hàng không Việt Nam; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu; doanh nghiệp sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay; doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung phải thiết lập tổ chức bảo đảm an ninh hàng không của mình độc lập về chức năng, nhiệm vụ và không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác; trong Chương trình, Quy chế an ninh hàng không gửi Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt phải quy định cụ thể người đứng đầu tổ chức bảo đảm an ninh hàng không đáp ứng tiêu chuẩn của ICAO và người đứng đầu các bộ phận thuộc tổ chức bảo đảm an ninh hàng không.

4. Người đứng đầu tổ chức bảo đảm an ninh hàng không và người đứng đầu các bộ phận thuộc tổ chức bảo đảm an ninh hàng không quy định tại khoản 3 Điều này chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác bảo đảm an ninh hàng không và có đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm để triển khai thực hiện Chương trình, Quy chế an ninh hàng không.

5. Hãng hàng không Việt Nam khai thác các chuyến bay thường lệ ở nước ngoài phải chỉ định người chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an ninh hàng không của hãng tại quốc gia đó và phải thông báo bằng văn bản cho Cục Hàng không Việt Nam.

6. Các hãng hàng không nước ngoài khai thác các chuyến bay thường lệ đến Việt Nam phải chỉ định và thông báo bằng văn bản cho Cục Hàng không Việt Nam người chịu trách nhiệm về an ninh hàng không của hãng tại Việt Nam.

7. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức bảo đảm an ninh hàng không quy định tại các khoản 1, 2, và 3 của Điều này.

Điều 94. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không của ngành hàng không dân dụng và tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên kiểm soát an ninh hàng không

1. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không bao gồm cán bộ, nhân viên của các tổ chức an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay; hãng hàng không Việt Nam; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu; doanh nghiệp sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay; doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung được quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 93 của Thông tư này.

2. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không là lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh hàng không thực hiện chức năng tham mưu, quản lý, giám sát và trực tiếp thực hiện các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không, phòng ngừa, đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp và vụ việc vi phạm an ninh hàng không theo quy định.

3. Người khai thác cảng hàng không, sân bay tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không và cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực hạn chế của cơ sở xử lý hàng hóa, bưu gửi để đưa lên tàu bay.

4. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phải được đào tạo huấn luyện nghiệp vụ phù hợp với chức danh, nhiệm vụ công việc được giao theo quy định về đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên kiểm soát an ninh hàng không:

a) Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có lý lịch rõ ràng, đủ sức khỏe, tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;

b) Không có tiền án, tiền sự theo quy định của pháp luật; không nghiện ma túy (sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng).

Điều 95. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của người đứng đầu tổ chức bảo đảm an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay; hãng hàng không Việt Nam; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu; doanh nghiệp sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay; doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung

1. Tiêu chuẩn người đứng đầu tổ chức an ninh hàng không (Post Hoder)

a) Là công dân Việt Nam, có kiến thức, kinh nghiệm về hàng không, an ninh hàng không và có thời gian công tác liên tục tối thiểu 02 năm trong lĩnh vực an ninh hàng không;

b) Có chứng chỉ hoặc chứng nhận hoàn thành khóa học trong nước hoặc quốc tế về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý an ninh hàng không.

2. Nhiệm vụ của người đứng đầu tổ chức bảo đảm an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay:

a) Tham mưu cho Giám đốc Cảng hàng không thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, sân bay được quy định trong Thông tư này và các quy định khác của pháp luật. Chủ trì xây dựng Chương trình an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình sau khi được phê duyệt;

b) Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp, quy trình, thủ tục bảo đảm an ninh hàng không và cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không; công tác bảo vệ hệ thống thông tin chuyên ngành; triển khai kế hoạch khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp đã được phê duyệt;

c) Duy trì liên lạc hiệu quả với các cơ quan, đơn vị trong nội bộ, Cảng vụ hàng không, hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không và các cơ quan chức năng có liên quan tại cảng hàng không; thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm nâng cao nhận thức về an ninh hàng không và tinh thần cảnh giác của tất cả những người làm việc tại cảng hàng không, sân bay;

d) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Cục Hàng không Việt Nam, Giám đốc Cảng hàng không trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không và xử lý các vụ việc vi phạm an ninh hàng không;

đ) Đảm bảo năng lực ứng phó hiệu quả đối với các mối đe dọa, vụ việc vi phạm an ninh hàng không; thực hiện các biện pháp khắc phục theo yêu cầu, khuyến cáo an ninh hàng không của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền;

e) Tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ xin cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không theo thẩm quyền;

g) Tham gia thẩm định các tiêu chuẩn và yêu cầu an ninh hàng không trong quy hoạch, thiết kế xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng của cảng hàng không, sân bay; tham gia tuyển dụng nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, mua sắm trang bị, thiết bị an ninh hàng không;

h) Tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không theo quy định; lưu trữ hồ sơ, tài liệu của tất cả các vụ việc vi phạm an ninh hàng không và các hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra tại cảng hàng không, sân bay.

3. Nhiệm vụ của người đứng đầu tổ chức an ninh hàng không của hãng hàng không Việt Nam:

a) Tham mưu cho Tổng giám đốc (Giám đốc điều hành) hãng hàng không thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của hãng hàng không được quy định trong Thông tư này và các quy định khác của pháp luật. Xây dựng Chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình an ninh hàng không của hãng sau khi được phê duyệt;

b) Triển khai các biện pháp, quy trình, thủ tục bảo đảm an ninh hàng không công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không; công tác bảo vệ hệ thống thông tin chuyên ngành và các nhiệm vụ khác thuộc trách nhiệm của hãng hàng không theo quy định;

c) Duy trì liên lạc hiệu quả với các cơ quan, đơn vị trong nội bộ, Cảng vụ hàng không, tổ chức bảo đảm an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không và các cơ quan chức năng có liên quan tại cảng hàng không, sân bay; thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm nâng cao nhận thức về an ninh hàng không của tất cả cán bộ, nhân viên của hãng hàng không;

d) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng giám đốc (Giám đốc điều hành) hãng hàng không trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không và xử lý các vụ việc vi phạm an ninh hàng không;

đ) Đảm bảo năng lực ứng phó hiệu quả với mối đe dọa, vụ việc vi phạm an ninh hàng không đối với hãng hàng không;

e) Trực tiếp phê duyệt hồ sơ xin cấp thẻ nhận dạng tổ bay thuộc thẩm quyền của hãng hàng không;

g) Tham gia thẩm định các tiêu chuẩn và yêu cầu an ninh hàng không trong việc khai thác tàu bay, trang thiết bị an ninh hàng không, hệ thống thông tin của hãng hàng không; tham gia tuyển dụng nhân viên kiểm soát an ninh hàng không;

h) Tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng an ninh hàng không theo quy định; khảo sát, đánh giá an ninh hàng không; các biện pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót theo yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan, người có thẩm quyền;

i) Yêu cầu các tổ chức, cá nhân của hãng hàng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được quy định trong Chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không;

k) Triển khai các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường trên các chuyến bay hoặc đường bay cụ thể theo quy định;

l) Nghiên cứu, nắm vững luật và các quy định về an ninh hàng không liên quan được áp dụng trong các khu vực, quốc gia mà hãng hàng không có các chuyến bay khai thác thường lệ; triển khai các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến khai thác vận chuyển hàng không cho các tổ chức cung cấp dịch vụ hàng không cho hãng tại nước ngoài.

4. Nhiệm vụ của người đứng đầu tổ chức an ninh hàng không của doanh nghiệp sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay; doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung:

a) Tham mưu cho Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp được quy định trong Thông tư này và các quy định khác của pháp luật, xây dựng Quy chế an ninh hàng không và triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế sau khi được phê duyệt;

b) Triển khai thực hiện đầy đủ hiệu quả các biện pháp, quy trình, thủ tục bảo đảm an ninh hàng không; công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không; công tác bảo vệ hệ thống thông tin chuyên ngành và các nhiệm vụ khác thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp;

c) Tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng an ninh hàng không trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp. Chịu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Thông tư này; thực hiện các biện pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót theo yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan, người có thẩm quyền;

d) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Cục Hàng không Việt Nam và Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không và xử lý các vụ việc vi phạm an ninh hàng không.

5. Người đứng đầu tổ chức an ninh hàng không của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu có nhiệm vụ như sau:

a) Tham mưu cho Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp được quy định trong Thông tư này và các quy định khác của pháp luật. Chủ trì xây dựng Quy chế an ninh hàng không và triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế sau khi được phê duyệt;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ hiệu quả các biện pháp, quy trình, thủ tục bảo đảm an ninh hàng không; công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không; công tác bảo vệ hệ thống thông tin chuyên ngành và các nhiệm vụ khác thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp;

c) Tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng an ninh hàng không trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp; chủ trì tổ chức đánh giá đe dọa và nguy cơ đối với các cơ sở bảo đảm hoạt động bay. Chịu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Thông tư này; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện và theo yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan, người có thẩm quyền;

d) Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không và xử lý các vụ việc vi phạm an ninh hàng không;

đ) Tổ chức lưu trữ hồ sơ, tài liệu của tất cả các vụ việc vi phạm an ninh hàng không và các hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra tại các cơ sở của doanh nghiệp;

e) Tổ chức thẩm định, đề nghị phê duyệt hồ sơ xin cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh bộ;

g) Tham gia thẩm định các tiêu chuẩn và yêu cầu an ninh hàng không trong quy hoạch, thiết kế xây dựng mới và cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, mua sắm trang bị, thiết bị an ninh hàng không của doanh nghiệp; tham gia tuyển dụng nhân viên kiểm soát an ninh hàng không.

6. Người được chỉ định chịu trách nhiệm về an ninh hàng không của hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm:

a) Trình Cục Hàng không Việt Nam Chương trình an ninh hàng không của hãng và triển khai thực hiện Chương trình sau khi được chấp thuận;

b) Duy trì liên lạc hiệu quả với Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không và xử lý các sự cố an ninh hàng không liên quan; thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm nâng cao nhận thức về an ninh hàng không của tất cả cán bộ, nhân viên của hãng;

c) Yêu cầu các tổ chức, cá nhân của hãng hàng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm được quy định trong Chương trình an ninh hàng không của hãng.

Điều 96. Cấp giấy phép, gia hạn, bổ sung, phục hồi năng định nhân viên kiểm soát an ninh hàng không

1. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không là người trực tiếp thực hiện kiểm tra, soi chiếu, giám sát và lục soát an ninh hàng không bao gồm nhân viên kiểm soát, nhân viên soi chiếu và nhân viên cơ động, khi thực hiện nhiệm vụ phải có giấy phép và năng định còn hiệu lực do Cục Hàng không Việt Nam cấp.

2. Giấy phép nhân viên kiểm soát an ninh hàng không có hiệu lực là 07 năm. Thời hạn hiệu lực của năng định nhân viên soi chiếu là 12 tháng; nhân viên cơ động, nhân viên kiểm soát là 24 tháng. Trường hợp không làm công việc được năng định trong thời gian 06 tháng liên tục, năng định được cấp sẽ mất hiệu lực, khi trở lại làm việc phải qua kỳ thi cấp năng định lại.

3. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không được cấp giấy phép và năng định khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tiêu chuẩn nhân viên hàng không và nhân viên kiểm soát an ninh hàng không theo quy định; có chứng chỉ chuyên môn phù hợp; có thời gian thực tập nghiệp vụ chuyên môn phù hợp tối thiểu là 01 tháng do cơ quan chủ quản xác nhận;

b) Tham dự kỳ thi cấp giấy phép và năng định chuyên môn về an ninh hàng không phù hợp do Hội đồng kiểm tra cấp giấy phép, năng định nhân viên kiểm soát an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam tổ chức; đạt từ 85 điểm trở lên và không bị điểm 0 (không).

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lần đầu, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép, năng định cho nhân viên của cơ quan, đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp để đối chiếu;

c) 02 ảnh màu chụp chính diện, mắt nhìn thẳng, rõ vành tai, kích thước 03 cen-ti-mét x 04 cen-ti-mét (chụp trên phông nền màu trắng, không quá 06 tháng kể từ ngày chụp tính đến ngày nộp hồ sơ).

5. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép đã hết thời hạn hiệu lực, mất, hỏng bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép cho nhân viên của cơ quan, đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính giấy phép trong trường hợp giấy phép đã hết thời hạn hiệu lực, bị hỏng. Trường hợp mất giấy phép có văn bản xác nhận của Thủ trưởng đơn vị;

c) Bản sao kết quả huấn luyện định kỳ phù hợp (trường hợp giấy phép đã hết thời hạn hiệu lực);

d) 02 ảnh màu chụp chính diện, mắt nhìn thẳng, rõ vành tai, kích thước 03 cen-ti-mét x 04 cen-ti-mét (chụp trên phông nền màu trắng, không quá 06 tháng kể từ ngày chụp tính đến ngày nộp hồ sơ).

6. Hồ sơ đề nghị gia hạn, bổ sung, phục hồi năng định, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị gia hạn, bổ sung, phục hồi năng định nhân viên của cơ quan, đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao kết quả huấn luyện định kỳ phù hợp với năng định đề nghị gia hạn, phục hồi;

c) Bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp để đối chiếu với trường hợp bổ sung năng định;

d) Bản chính giấy phép nhân viên kiểm soát an ninh.

7. Thủ tục cấp giấy phép, năng định:

a) Hồ sơ đề nghị cấp lần đầu, cấp lại giấy phép, gia hạn, bổ sung phục hồi năng định nhân viên kiểm soát an ninh được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam;

b) Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, tổ chức kiểm tra và cấp, cấp lại giấy phép, gia hạn, bổ sung, phục hồi năng định cho nhân viên kiểm soát an ninh hàng không trong thời hạn tối đa 30 ngày đối với cấp giấy phép lần đầu, cấp lại giấy phép đã hết thời hạn hiệu lực, gia hạn, bổ sung, phục hồi năng định; tối đa 10 ngày đối với cấp lại giấy phép bị mất, hỏng kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định;

c) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, Cục Hàng không Việt Nam phải thông báo bằng văn bản về những nội dung chưa đầy đủ, yêu cầu người đề nghị bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ hoặc thông báo việc từ chối cấp và nêu rõ lý do.

8. Giấy phép nhân viên kiểm soát an ninh hàng không bị Cục Hàng không Việt Nam thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Thu hồi khi không còn đủ điều kiện để được cấp giấy phép theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Thu hồi giấy phép trong thời gian tối đa 01 tháng trong các trường hợp: bị kỷ luật khiển trách; có sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ nhưng chưa gây ra hậu quả mất an ninh, an toàn; uống rượu, bia trong khi thực hiện nhiệm vụ;

c) Thu hồi giấy phép trong thời gian tối đa 03 tháng đối với các trường hợp kỷ luật khiển trách lần thứ 02 hoặc cảnh cáo;

d) Thu hồi giấy phép trong thời gian tối đa 06 tháng đối với các trường hợp thực hiện nhiệm vụ không đúng với nghiệp vụ chuyên môn được cấp phép, năng định;

đ) Thu hồi vĩnh viễn trong trường hợp: sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng; có hành vi vi phạm hoặc sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ gây ra hậu quả mất an toàn, an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; có hành vi che dấu lỗi vi phạm quy định về an toàn, an ninh hàng không.

9. Người bị thu hồi giấy phép nhân viên kiểm soát an ninh hàng không quy định tại các điểm b, c và d khoản 8 của Điều này khi trở lại làm việc phải qua kỳ kiểm tra để cấp lại giấy phép.

Điều 97. Đánh giá chất lượng nhân viên kiểm soát an ninh hàng không

1. Hàng năm, Thủ trưởng đơn vị quản lý nhân viên kiểm soát an ninh hàng không phải đánh giá bằng văn bản nhân viên kiểm soát an ninh về các nội dung sau đây:

a) Năng lực chuyên môn nghiệp vụ;

b) Chấp hành nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị;

c) Trách nhiệm, thái độ phục vụ trong công việc.

2. Đánh giá quy định tại khoản 1 của Điều này là căn cứ để xếp loại nhân viên kiểm soát an ninh hàng không ở 4 mức độ: xuất sắc, tốt, trung bình, kém. Kết quả phân loại là cơ sở để bố trí sắp xếp nhân viên và đào tạo, huấn luyện bổ sung nhân viên kiểm soát an ninh hàng không. Trường hợp xếp loại kém phải đưa ra biện pháp và thời hạn khắc phục hoặc đưa ra khỏi lực lượng kiểm soát an ninh hàng không.

3. Văn bản đánh giá và xếp loại nhân viên kiểm soát an ninh hàng không phải được lưu giữ tại đơn vị chủ quản.

Thông tư 01/2016/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 01/2016/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/02/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 207 đến số 208
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH